Hình ảnh đẹp

“Thị Nở” Đức Lưu

“Đã hơn ba thập kỷ từ ngày bộ phim ‘Làng Vũ Đại ngày ấy’ ra mắt nhưng khán giả, bạn bè và không ít đồng nghiệp vẫn gọi tôi là Thị Nở,” nói rồi, nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu - người vào vai người phụ nữ xấu nhất màn ảnh Việt trong tác phẩm điện ảnh kinh điển ấy nở nụ cười rạng rỡ. Bà vui sướng, hãnh diện khi được gọi tên bằng vai diễn.

Ở ngưỡng tuổi 80, “Thị Nở” Đức Lưu gây ấn tượng với người đối diện bằng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Bà vừa lướt những ngón tay khô gầy theo thời gian trên màn hình chiếc máy tính bảng vừa vui vẻ nói: “Dù có là Thị Nở, là bà lão 80 hay là gì chăng nữa thì cũng phải cố gắng cập nhật công nghệ chứ nhỉ ?!” Mỗi ngày, nghệ sỹ Đức Lưu vẫn đôi ba lần vào facebook, truy cập Internet để đọc báo, cập nhật thông tin, hình ảnh của người thân ở nơi xa.

Đối lập với sự hiện đại của thiết bị công nghệ là những bức ảnh chân dung, ảnh gia đình đã ố màu thời gian mà bà luôn nâng niu, trân trọng được đặt ở bên cạnh. Câu chuyện của bà không chỉ có những trải nghiệm của một người phụ nữ đã bước qua nhiều thương đau, mất mát mà còn có những ước vọng, khát khao cống hiến của một nghệ sỹ nặng lòng với đời, với nghề. Đôi mắt ướt ẩn chứa nhiều tâm sự, ẩn ức.

Cát tát “nảy lửa”

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người nghệ sỹ già những câu chuyện của quá khứ. Trước khi đến với nghệ thuật, bà đã có mặt trong đoàn quân từ Hòa Bình tiến về tiếp quản Thủ đô (10/1954) cùng Trung đoàn 151.

Trong cánh quân ấy, cô gái xứ Đoài với hai bím tóc dài thu hút sự chú ý đặc biệt của những người bên đường. “Nhiều bạn nhỏ hồ hởi chạy theo tôi, miệng reo to: Ôi nhìn kìa, bộ đội đàn bà! Bộ đội đàn bà!,” nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu nhớ lại.

Nghệ sỹ Đức Lưu (phải) lên bìa tạp chí Le Courrier du Vietnam - Thông tấn xã Việt Nam số ra ngày 17/6/1965. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Sau một thời gian gắn bó với Trung Đoàn 151, năm 1957, nghệ sỹ Đức Lưu chuyển về công tác tại Đoàn ca múa 2 (Tổng cục Chính trị). Tại đây, bà đã gặp và nhà thơ Chính Hữu và giữa hai người đã nảy sinh một tình yêu đẹp, trong sáng giữa lửa đạn chiến tranh.

“Khi ấy, người ta gọi chúng tôi là cặp trai tài-gái sắc với hẹn ước về ngày chung đôi. Thế nhưng, cuộc đời vốn không ai đoán định được chữ… ngờ! Đôi gối mới chuẩn bị cho ngày cưới cũng đã có. Ấy vậy mà, hai người vẫn… đường ai, người ấy đi,” bà nhớ và kể lại câu chuyện vốn được cất kỹ trong một ngăn ký ức xưa cũ bằng chất giọng trầm ấm.

Nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu và cố giáo sư-tiến sỹ Trần Hạ Phương trên đường Cổ Ngư (Hà Nội) vào đúng dịp 20/11/1961. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Chuyện rằng, trong thời gian theo học lớp diễn viên khóa 1 của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), năm 1959, bà tham gia một chuyến đi thực tế tại nông trường Rạng Đông (Nam Định). Kết thúc đợt thực tế, trong khi phần lớn các bạn cùng lớp trở về Hà Nội từ buổi chiều thứ Sáu thì bà (với vai trò cán bộ lớp khi đó) phải ở lại thêm hai ngày cuối tuần, đợi đến buổi sáng thứ Hai để hoàn thành giấy nhận xét của địa phương. “Khi ấy, có một bạn nam cùng lớp, vì việc riêng cũng ở lại Nam Định trùng thời gian với tôi. Mọi chuyện oái oăm cũng bắt nguồn từ sự trùng hợp ấy,” bà kể.

Trở về Hà Nội, trái với tưởng tượng về một cuộc hội ngộ ngọt ngào sau thời gian xa cách, mong ngóng, một “hố sâu” ngăn cách giữa hai người đã được tạo ra bởi chính người trong cuộc. Cô học viên Đức Lưu hồ hởi mang theo quà của địa phương gửi tặng tới phòng tập văn nghệ của Đoàn ca múa 2 thì gặp ngay một cái tát “nảy lửa” vì ghen của người yêu. Tác giả của “Đồng chí” nghi ngờ bà và người bạn học kia có quan hệ tình cảm.

“Xấu hổ, uất ức, nghẹn giọng… Trời đất như tối sầm trước mắt tôi. Cả một rổ trứng, rổ quà trên tay đổ vương vãi khắp nền nhà. Đôi chân như muốn quỵ xuống, tôi cố chạy ra ngoài, bước như người vô hồn, chống chếnh dọc đường Lý Nam Đế để về ký túc xá ở phố Cao Bá Quát,” nghệ sỹ Đức Lưu nhớ lại.

Sau mối tình đầu tan vỡ, nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu tìm được bến đỗ bình yên bên cố giáo sư-tiến sỹ Trần Hạ Phương. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Mạch truyện nối dài, bà kể, sau “sự cố” ấy, một ranh giới vô hình giữa bà và Chính Hữu đã không thể xóa bỏ. Giờ đây, khi đã là một bà lão ở ngưỡng tuổi 80, bà vẫn không quên câu nói của cha mình thời điểm đó: “Con và Chính Hữu chưa kết hôn mà cậu ấy đã có những hành động ghen tuông, thiếu tôn trọng như vậy. Thử hỏi, khi đã là vợ chồng thì người ta sẽ đối xử với con như thế nào? Nếu tiếp tục duy trì mối quan hệ đó, con sẽ không thể có cả tình yêu và việc theo đuổi con đường nghệ thuật. Con chỉ có thể lựa chọn một trong hai điều này.”

Gạt nước mắt, cô diễn viên xinh đẹp của đoàn văn công (Tổng cục Chính trị) quyết định chia tay nhà thơ tài hoa trong sự tiếc nuối của không ít bạn bè, đồng nghiệp.

Ngã rẽ bất ngờ

Nhớ lại những câu chuyện của một thời thanh niên sôi nổi, nghệ sỹ Đức Lưu kể, trước khi chính thức gia nhập “làng” điện ảnh, bà là một nghệ sỹ đa năng - vừa múa vừa diễn kịch, có lúc lại cả ca hát tại đoàn văn công quân đội.

Nghệ sỹ Đức Lưu và bạn diễn Sỹ Minh - người đóng vai nam chính trong bộ phim “Cô gái công trường.” (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

“Thời gian đầu khi mới chuyển về Đoàn ca múa 2 (Tổng cục Chính trị), tôi được theo học các lớp đào tạo về múa chuyên nghiệp do các chuyên gia Trung Quốc, Triều Tiên trực tiếp giảng dạy. Thời ấy nghèo, vật chất thiếu thốn nhưng vui lắm. Có khi, giữa buổi tập, mệt và đói, thầy trò, bạn bè cũng chỉ chia nhau củ sắn, củ khoai,” nói rồi, bà nở nụ cười hiền hậu.

Ấy vậy mà, một “cuộc dạo chơi” đầy ngẫu hứng lại gắn tên tuổi của bà ở lĩnh vực điện ảnh. Quả đúng là, cuộc đời không ai lường hết được chữ… ngờ! Nó đến với bà trong cả tình duyên và sự nghiệp.

Khoảng năm 1959, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi tìm diễn viên vào vai nữ chính trong phim “Cô gái công trường” - một trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam khai thác đề tài xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Không cần qua thử vai, đạo diễn lựa chọn và mời diễn viên Đức Lưu vào vai này - vai cô Mận.

Nói về lý do của sự ưu ái đặc biệt này, bà chỉ cười: “Chắc tại khi đó, đạo diễn thấy gương mặt mình cũng xinh xắn, ‘ăn hình,’ dáng vẻ lại nhanh nhẹn, hoạt bát (gồng gánh, bê vác… đều thành thạo), mà cũng khá thông minh (đọc thử kịch bản, nhập tâm khá nhanh)…” Bà kể chuyện chậm rãi, ánh mắt rưng rưng khi nhìn lại hình ảnh tờ báo cũ từ thập niên 70 của thế kỷ trước có in poster bộ phim.

Cảnh phim “Cô gái công trường” lên bìa tạp chí tiếng Pháp tháng 11/1960. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Sau này, dù nghệ sỹ Đức Lưu còn hóa thân vào nhiều nhân vật trong các vở kịch (như vai Nga trong vở “Đêm tháng Bảy” hay vai Enny trong “Con tôi cả”…) nhưng khi nói đến sự nghiệp diễn xuất của bà, công chúng vẫn chủ yếu nhớ đến vai Mận trong phim “Cô gái công trường” và sau này là vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy.”

”Một bước thành sao”

Chính vai Thị Nở đã đưa nghề diễn của bà lên đỉnh cao, “một bước thành sao” nhưng cũng vô tình đẩy nghiệp diễn viên của bà vào ngõ cụt.

Ba gương mặt nổi bật của điện ảnh cách mạng Việt Nam Thụy Vân-Trà Giang-Đức Lưu (từ trái qua phải) trực máy bay B52 ở ụ súng trên đường Thanh Niên (Hà Nội) năm 1972. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Theo lời kể của nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu, vào một buổi trưa mùa Hè 1982, đạo diễn Phạm Văn Khoa mang theo tập kịch bản “Làng Vũ Đại ngày ấy” đến nhà bà và nói: “Anh muốn mời cô đóng một vai, chỉ sợ cô không đủ can đảm.” Chẳng cần đợi đạo diễn “hé lộ” thêm, bà đáp lại: “Em biết anh mời em vào vai gì rồi. Em có thừa can đủ, chỉ sợ không đủ tài năng!”

Cắt nghĩa cho câu trả lời dứt khoát ấy, bà bảo, thời điểm đó, chỉ cần có diễn viên vào vai Thị Nở là bộ phim có thể bấm máy. Đạo diễn đi tìm diễn viên cho vai ấy gần một năm ròng.

Những kỷ niệm về những ngày hóa thân vào vai Thị Nở vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Nhiều gương mặt nghệ sỹ đình đám, nhiều ứng viên nặng ký (như Trà Giang, Thụy Vân, Thu Hiền…) đều đã thử vai mà đạo diễn chưa gật đầu. Ngay buổi sáng hôm sau, diễn viên Đức Lưu lên đóng thử cảnh bát cháo hành và cả đoàn làm phim đã ồ lên: “Thị Nở đây rồi!”

Khi được hỏi “bà không có chút ngần ngại nào ư khi hóa thân vào một nhân vật vừa xấu vừa dở hơi, bởi vốn dĩ bà là một phụ nữ đẹp, thông minh,” nghệ sỹ Đức Lưu cười rạng rỡ: “Nếu có chút lăn tăn nào thì tôi đã không nhận lời mời của đạo diễn. Là phụ nữ, ai chẳng muốn mình đẹp, hạnh phúc. Thế nhưng, nếu chẳng may không được trời phú cho nhan sắc thì đó không phải cái tội của họ! Thị Nở là một nhân vật điển hình của văn học Việt Nam. Vai Thị Nở là một vai diễn có tính cách, số phận rõ nét. Đây mới là yếu tố quyết định việc nhận vai của tôi.”

Để vào vai Thị Nở, nghệ sỹ Đức Lưu phải đeo răng giả, hai bên miệng ngậm hai cục bông để gương mặt to bè ra, mũi gắn cao su rồi bôi phẩm màu đỏ ra bên ngoài. “Có lần, khi diễn cảnh Thị Nở ra sông lấy nước, nhìn gương mặt mình phản chiếu dưới dòng nước, tôi đã không nhịn được cười, làm rơi cả răng giả,” nghệ sỹ Đức Lưu chia sẻ kỷ niệm những ngày làm phim “Làng Vũ Đại ngày ấy.”

Bộ phim hoàn thành, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Bảy rạp chiếu phim ở Hà Nội thời đó chiếu ‘Làng Vũ Đại ngày ấy’ liên tục trong một tuần. “Khi chưa đến giờ chiếu, khán giả đã đứng chật kín cửa rạp. ‘Làng Vũ Đại ngày ấy’ được sao in thành bảy cuộn phim, mỗi cuộn có thời lượng chiếu 15 phút. Nhân viên kỹ thuật cứ liên tục truyền tay nhau các cuộn phim để mang đi trình chiếu khắp Thủ đô. Cảm giác không khí nhộn nhịp, hối hả như một công trường sản xuất,” nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu kể, gương mặt rạng rỡ, giọng vui tươi.

“Sau khi bộ phim ra mắt, hễ đi ra đường, người ta đều gọi tôi là Thị Nở. Đi chợ, nhiều người bán hàng mang quà ra để vào làn, bảo rằng: ‘Tôi biếu cô Nở đấy, cô Nở ăn đi.’ Người lao động ùa ra cầm tay tôi. Họ bảo muốn xem da thịt cô Nở thế nào,” nghệ sỹ nhớ lại.

Phía sau cánh cửa nhà “Thị Nở”

Trước khi bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” chính thức ra mắt, nghệ sỹ Đức Lưu không thể ngờ rằng, mình “chết tên” với vai Thị Nở như vậy. Vai diễn ấy mang lại vinh quang cho bà nhưng cũng kèm theo không ít “thị phi” cho gia đình.

Ba nghệ sỹ Đức Lưu-Đức Hoàn-Phi Nga (từ trái qua phải) trong những ngày quay phim “Vợ chồng A Phủ.” (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Đi qua nhà nghệ sỹ, công chúng chỉ trỏ bảo: “Nhà Thị Nở đấy!” Ở trường, con trai nghệ sỹ cũng cảm thấy xấu hổ và đòi bỏ học vì khán giả kéo đến vây quanh để “xem con trai Thị Nở thế nào.”

“Chuyện đâu chỉ có vậy. Người ta còn xì xầm bàn tán, khích bác chồng tôi [cố giáo sư-tiến sỹ Trần Hạ Phương - PV] rằng, vợ ông đóng cảnh hở hang chắc được nhiều tiền lắm. Họ đâu biết rằng, cảnh nhạy cảm duy nhất của phim là cảnh Chí Phèo lật cái yếm của Thị Nở; mà cảnh đó, tôi có diễn viên đóng thế. Cát-xê thì tính theo độ dài thời gian xuất hiện trên phim. Vai Thị Nở đâu phải vai xuất hiện dài hơi trong ‘Làng Vũ Đại ngày ấy.’ Thù lao nhận được, tổ chức liên hoan mời bạn bè chia vui, cũng chẳng còn là bao,” nghệ sỹ kể.

Cuộc hội ngộ với những người bạn cùng học lớp đạo diễn-diễn viên khóa 1 của Trường Điện ảnh Việt Nam. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Bà bảo, giữa những “cơn bão” ấy, chính giáo sư-tiến sỹ Trần Hạ Phương là chỗ dựa vững chắc cho bà. “Tôi thực sự may mắn, hạnh phúc và có cả sự biết ơn với ông ấy. Ông từng có thời gian dài sống và học tập ở phương Tây nên luôn thể hiện sự cảm thông, tôn trọng đặc biệt với phụ nữ và những người làm nghệ thuật,” “Thị Nở” Đức Lưu trải lòng. Nói về người chồng quá cố, giọng bà trùng xuống. Hai hàng lệ chực trào ra nơi khóe mắt.

Sau vai diễn Thị Nở, bà rời xa ánh đèn sân khấu và rút khỏi màn ảnh. Nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu chuyển sang công tác tại Thành ủy Hà Nội cho tới lúc nghỉ hưu.

Nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu bên chồng và hai con trai. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Bà bảo: “Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc dừng lại. Với tôi, sẽ không thể có vai nào hay hơn và tạo được dấu ấn trong lòng công chúng sâu đậm hơn vai Thị Nở. Trong nghệ thuật, tôi không mong ước điều gì hơn. Tên tôi và tên Thị Nở tuy hai mà là một. Gặp tôi ngoài đường, người ta vẫn bảo: ‘Ôi, cô Thị Nở!’ - ‘Ai là Thị Nở cơ?’ ‘À, bà Đức Lưu’. Trong điếu văn của tôi sau này chắc chắn không thể thiếu được hai chữ Thị Nở.”

Cũng bởi vậy mà khi bà ngỏ ý muốn thử vai mẹ Đặng Thùy Trâm trong bộ phim về nữ liệt sỹ này, đạo diễn Đặng Nhật Minh bảo: “Công chúng đã quá quen với hình ảnh của ‘Thị Nở’ Đức Lưu. Chỉ cần chị bước ra là người ta đã ồ lên ‘Thị Nở kìa!’ Như vậy thì hỏng cả bộ phim mới!”

Câu chuyện về những ngày làm phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” vẫn theo bà trong những chuyến thiện nguyện tới những miền xa. “Thời gian của tôi không còn nhiều, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã gần 80. Ấy vậy mà còn rất nhiều việc muốn làm. Nếu sức khỏe cho phép, thời gian tới, tôi còn muốn tham gia những đoàn tình nguyện. Như hồi cuối năm ngoái, tôi tham gia một chuyến tình nguyện kéo dài ba ngày men theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến với năm trường nội trú. Nhìn nụ cười của các thầy cô giáo, các bạn học sinh khi nhận những món quà và nghe những câu chuyện tôi kể về thời làm phim ‘Làng Vũ Đại ngày ấy,’ mọi mệt mỏi như tan biến,” nghệ sỹ tâm sự./.

Gia đình chính là chỗ dựa vững chắc nhất của nghệ sĩ Đức Lưu