Kinh nghiệm

Người bệnh gút sống được bao lâu? Cách giúp người bệnh gút kéo dài tuổi thọ

Căn bệnh gút mang theo những cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội. Bệnh nhẹ có thể gây đau đớn thường xuyên. Bệnh nặng hơn có thể ảnh hưởng đến vận động và đi lại của người bệnh. Bệnh gút biến chứng mang đến nhiều mối nguy cho sức khỏe. Đây là lý do nhiều bệnh nhân lo lắng bệnh gút sống được bao lâu. Cùng Long Châu tìm hiểu về bệnh gút để có thể lạc quan vui sống và chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm này bạn nhé!

Bệnh gút là gì? Nguyên nhân gây bệnh gút

Bệnh gút là một bệnh viêm khớp gây ra do rối loạn chuyển hóa purin, khiến làm lượng acid uric trong cơ thể tăng cao. Acid uric là sản phẩm được tạo ra cuối cùng khi cơ thể chuyển hóa thức ăn có chứa purin. Purin là hợp chất có nhiều trong thực phẩm, đặc biệt là thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn,... Ngoài ra, purin cũng được tạo ra trong khi cơ thể phân hủy tế bào một cách tự nhiên.

Hầu hết acid uric sẽ được hòa tan trong máu rồi được lọc qua thận và đào thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu. Khi trong cơ thể xảy ra tình trạng tăng tổng hợp acid uric; hoặc giảm thải acid uric ở thận và ruột; hoặc cả hai tình trạng trên diễn ra cùng lúc, acid uric dư thừa sẽ tạo thành muối urat (hay còn gọi là tinh thể monosodium urate). Muối urat sẽ lắng đọng trong và bao quanh các khớp. Đây là những tinh thể cứng, nhỏ, sắc nhọn, khi cọ xát màng hoạt dịch gây viêm và đau đớn.

Tỷ lệ người mắc bệnh gút có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại

Nguyên nhân gây bệnh gút

Trước khi giải đáp thắc mắc bệnh gút sống được bao lâu, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Dù xảy ra ở nam hay nữ giới, có nhiều nguyên nhân bệnh gút khác nhau như:

  • Thận không đào thải được acid uric một cách hiệu quả.
  • Có thể tạo ra quá nhiều acid uric dẫn đến dư thừa, làm thận không đào thải kịp.
  • Xảy ra bất thường trong quá trình tạo ra acid uric trong cơ thể khi cơ thể chuyển hóa thức ăn.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật.
  • Người có thói quen uống nhiều rượu bia và đồ uống có cồn khác dễ bị bệnh gút bởi đồ uống có cồn chứa hàm lượng purin cao.
  • Bệnh gút cũng xuất hiện do yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ bị mắc bệnh gút thì con cái sẽ có 20% nguy cơ mắc căn bệnh này.
  • Một số người bị gút do cơ địa gọi là bệnh gút vô căn. Ở những người này diễn ra quá trình tổng hợp purin nội sinh khiến acid uric tăng quá mức.
  • Trong nhiều trường hợp, bệnh gút là hệ quả của một số bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, bệnh tủy xương, bệnh leucemie kinh thể tủy hay bệnh sarcoma hạch. Việc dùng các thuốc điều trị bệnh ác tính cũng dẫn đến tăng acid uric và gây nên bệnh gút.
  • Nữ giới trong độ tuổi mãn kinh suy giảm nội tiết tố estrogen cũng dễ mắc bệnh gút. Nguyên nhân là nó estrogen có tác dụng làm tăng bài tiết acid uric qua đường niệu.
Những người có lối sống không lành mạnh dễ mắc bệnh gút

Bệnh gút sống được bao lâu?

Quay trở lại với câu hỏi bệnh gút sống được bao lâu từ khi phát hiện bệnh, các chuyên gia cho rằng không thể xác định câu trả lời chính xác. Tốc độ diễn tiến của căn bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, phương pháp điều trị và nền tảng sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh gút có thể yên tâm vì căn bệnh này không gây tử vong như những bệnh lý nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, biến chứng của nó có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Nếu không kiểm soát được biến chứng, người bệnh sẽ có nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.

Thống kê của Mạng lưới cải thiện sức khỏe Anh Quốc, người bệnh gút có nguy cơ tử vong cao hơn 25% so với người bình thường. Nguyên nhân chính đến từ sự chủ quan, không áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh gút

Bệnh gút nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bệnh gút khi trở nặng sẽ hình thành các hạt tophi quanh khớp. Các hạt này có thể vỡ, loét khiến vi khuẩn xâm nhập gây bội nhiễm.
  • Nặng hơn, vi khuẩn có thể làm mòn xương. Các sụn khớp bị phá hủy, nhiễm khuẩn huyết, biến dạng khớp dẫn đến bại liệt.
  • Bệnh nhân gút phải đối mặt với nguy cơ sỏi thận và suy thận.
  • Khi biến chứng nặng, bệnh nhân có thể mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp đột ngột, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...
  • Các hạt tophi nếu lắng đọng ở khe tim sẽ khiến bệnh nhân bị dễ bị đột quỵ.
  • Một số biến chứng thường gặp khác của bệnh gút như đục thủy tinh thể, khô mắt, đục ống mắt,...
Các biến chứng của bệnh gút đều rất nguy hiểm

Cách giúp người bệnh gút kéo dài tuổi thọ

Khi đã biết bệnh gút sống được bao lâu, bệnh nhân có thể an tâm vui sống. Nhưng điều quan trọng nhất để kiểm soát bệnh gút, kéo dài tuổi thọ, bệnh nhân gút cần lưu ý:

Ăn và uống chuẩn khoa học

Bệnh nhân cần biết bị gút nên kiêng ăn gì và ăn gì. Những thực phẩm “đại kỵ” với người bị gút là thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt gà tây, thịt ngỗng và hải sản. Đồ uống có cồn cũng cần liệt kê vào “danh sách đen”. Thịt trắng và cá nước ngọt là những lựa chọn tốt nhất đối với người bệnh. Trước khi ăn bất cứ thực phẩm nào, bệnh nhân nên tìm hiểu về hàm lượng purin trong đó. Hãy lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng purin thấp vì sức khỏe của bạn.

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì vừa làm tăng tổng hợp acid uric máu, vừa làm giảm thải acid uric ra ngoài cơ thể. Hãy cố gắng duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống khoa học và chế độ luyện tập phù hợp. Đặc biệt, bệnh nhân gút sẽ thường xuyên bùng phát các đợt đau gút cấp. Vì vậy, lựa chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp sẽ rất quan trọng. Những ngày các khớp bị đau, bệnh nhân cần ưu tiên nghỉ ngơi.

Uống nhiều nước

Loại nước phù hợp với bệnh nhân gút là nước lọc và một số loại nước ép trái cây. Nước lọc vẫn là ưu tiên hàng đầu, ngoài ra còn có các loại nước ép tốt cho người bị gút như nước ép táo, dứa, dưa leo, cần tây, bí đao, củ dền,... Một số loại nước lá cũng chính là bài thuốc dân gian chữa gút như nước lá vối, nước lá sa kê,...

Bệnh nhân gút cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Kiểm soát acid uric máu thường xuyên

Việc khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra acid uric máu thường xuyên vô cùng quan trọng. Việc này giúp người bệnh phát hiện sớm các biến chứng nếu có. Đồng thời, nếu phát hiện chỉ số uric máu quá cao bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc lâu dài.

Tăng cường bổ sung vitamin C

Bệnh gút sống được bao lâu? Không có một câu trả lời cố định và chính xác áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng nếu tăng cường bổ sung vitamin C, bệnh nhân gút sẽ khỏe mạnh hơn trong quá trình điều trị bệnh. Vitamin C có thể được bổ sung qua thực phẩm hoặc vitamin C tổng hợp với liều lượng phù hợp.

Dùng thuốc đúng chỉ định

Bệnh nhân bị gút có thể được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị bệnh gút như:

  • Thuốc giúp giảm acid uric máu, giảm kích thước hạt tophi;
  • Thuốc chống viêm giảm đau;
  • Thuốc dự phòng ngừa hình thành mụn mủ;
  • Thuốc ngừa biến chứng,...
  • Ngoài ra, cũng có một số thực phẩm hỗ trợ điều trị gút người bệnh có thể sử dụng hàng ngày.

Vậy bệnh gút sống được bao lâu? Hiện tại vẫn chưa có bất cứ tài liệu nghiên cứu nào chứng minh thời gian sống cụ thể của những bệnh nhân mắc bệnh gút. Tuy nhiên, nếu người bệnh không tiến hành điều trị sớm, bệnh gút chuyển biến ở giai đoạn nặng hơn thì có thể làm giảm tuổi thọ.

Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được bệnh hoặc sống với bệnh gút trong thời gian dài nếu có phương pháp điều trị và chế độ sinh hoạt phù hợp. Vì bệnh gút sẽ tác động làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân nên người bệnh cần chủ động chữa trị, thăm khám sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.