Kinh nghiệm

Bị ho nên làm gì? 15 cách trị ho khan tại nhà nhanh nhất

Ho khan dù nhiều hay ít cũng đều gây khó chịu và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều cách chữa ho khan ngoài việc uống thuốc. Có một số biện pháp tự nhiên giúp bạn giảm ho khan đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà. Hello Bacsi sẽ “bật mí” những cách trị ho khan tại nhà nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm ngay cảm giác khó chịu này.

Ho là phản xạ tự nhiên giúp làm sạch đường thở. Ho khan là tình trạng ho không tạo ra đờm hoặc chất nhầy. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra ho khan:

  • Hen suyễn
  • Nhiễm trùng hô hấp (vi khuẩn hoặc virus)
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau
  • Dị ứng

Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, áp dụng các mẹo chữa ho khan bên dưới có thể giúp giảm triệu chứng nhanh hơn cũng như bớt cảm giác khó chịu hơn.

1. Cách trị ho khan tại nhà bằng tinh dầu bạc hà

Một loại tinh dầu thông dụng được nhiều người biết đến với khả năng trị ho khan tại nhà là tinh dầu bạc hà.

  • Bạn có thể tìm mua những viên ngậm ho có chứa các tinh chất từ các dược liệu họ cây bạc hà. Chúng có tác dụng làm mát, làm dịu các mô bị kích thích và giảm phản xạ ho.
  • Ngoài ra bạn có thể sử dụng bạc hà trị ho khan bằng cách uống trà từ bạc hà hoặc xông hơi. Để xông hơi, thêm 7 hoặc 8 giọt tinh dầu bạc hà vào khoảng một cốc nước vừa đun sôi. Trùm một chiếc khăn lên đầu và hít thở sâu hơi bốc lên.

2. Cách chữa ho khan bằng món lỏng, nóng

Hơi nước từ những loại thực phẩm hoặc thức uống lỏng, ấm như súp và trà giúp bổ sung độ ẩm và làm dịu các mô bị kích thích, từ đó làm dịu cơn đau họng và giảm ho.

Bạn có thể:

  • Nhâm nhi từ từ súp hoặc các loại đồ uống ấm
  • Xông hơi

3. Cách trị ho khan kéo dài với mật ong

Mật ong đã được sử dụng từ lâu để giảm đau họng.

  • Nghiên cứu gần đây cho thấy mật ong có tác dụng giảm ho hiệu quả hơn một số loại thuốc ho không kê đơn.
  • Mật ong có đặc tính chống viêm do đó giúp giảm viêm ở cổ họng, long đờm và dịu các cơn đau họng.

Cách trị ho bằng mật ong như sau:

  • Nuốt trực tiếp
  • Thêm một chút mật ong dùng cùng trà ấm
  • Pha mật ong với nước chanh ấm. Mật ong có tác dụng làm dịu họng, trong khi nước chanh có nhiều vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, chanh còn chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, nên được dùng trong các cách chữa ho khan kéo dài.

4. Nước lọc cũng là cách trị ho khan hay

Nếu có biện pháp nào đơn giản hơn việc pha mật ong làm thức uống để giảm ho khan thì đó chính là uống nhiều nước. Khi cổ họng không đủ độ ẩm, bạn rất dễ bị kích ứng dẫn đến ho khan.

Hãy bổ sung nhiều nước và chia làm nhiều lần trong ngày. Bạn có thể uống khoảng 8 ly nước lọc không lạnh, uống từ từ để thấm ướt và giữ ẩm cho vùng hầu họng. Đây là mẹo trị ho khan tại nhà đơn giản, hiệu quả mà ai cũng nên áp dụng.

5. Cách trị ho khan tại nhà bằng thảo dược

Nhiều loại thảo mộc có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm tình trạng sưng cổ họng. Chúng rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Bạn có thể dùng các loại thảo mộc như gia vị để nêm nếm trong bữa ăn hàng ngày hoặc dùng pha trà.

Các loại thảo mộc thông dụng thường được dùng để điều trị ho khan tại nhà bao gồm:

  • Xạ hương (húng tây)
  • Bạc hà
  • Rễ cây cam thảo
  • Nghệ
  • Tỏi
  • Rễ cây thục quỳ

6. Cách trị ho khan tại nhà: bổ sung vitamin

Bổ sung vitamin là một phần quan trọng trong cách trị ho khan nhờ nâng cao khả năng miễn dịch và giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

Bạn có thể bổ sung vitamin dạng viên uống dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc và ăn nhiều rau quả tươi như một mẹo trị ho lâu dài.

7. Cách hết ho khan: hãy ăn dứa

Bromelain là một enzyme được tìm thấy trong quả dứa (thơm, khóm), có đặc tính chống viêm mạnh mẽ có thể giúp giảm sưng các mô ở cổ họng và làm loãng chất nhầy, từ đó giảm ho. Bạn có thể uống nước ép dứa hoặc ăn dứa trực tiếp để chữa ho khan.

8. Cách trị ho khan tại nhà bằng lá hẹ

Một mẹo chữa ho khan hay được dùng đó là sử dụng lá hẹ:

  • Lá hẹ tươi nhặt sạch rồi mang đi rửa với nước, rồi ngâm với nước muối để có thể loại bỏ được các loại vi khuẩn và bụi bẩn có hại.
  • Sau đó vớt lá hẹ để ráo nước.
  • Bỏ 1 nắm lá hẹ cùng 1 ly nước ấm vào máy sinh tố xay nhuyễn.
  • Sau đó dùng rây để lọc bỏ đi phần bã lá hẹ. Giữ lại phần nước cốt chia đều uống 3 lần trong ngày.

9. Cách hết ho khan bằng lá tần

Lá tần hay còn gọi là lá húng chanh có tác dụng trị ho rất hiệu quả. Bị ho nên làm gì? Bạn có thể sử dụng lá tần theo hướng dẫn sau:

  • Lá sau khi rửa sạch thì cắt nhỏ rồi cho thêm đường phèn và mang đi chưng cách thủy.
  • Sau khi chưng, vắt lá tần lấy nước để uống. Phần bã bạn có thể giữ lạ để ăn hoặc ngâm và uống chung với nước.
  • Uống 1 lần/ngày (từ 3 - 5 ngày) bạn sẽ thấy được kết quả.

10. Cách trị ho khan nhiều bằng nước muối sinh lý

Dùng nước muối sinh lý là cách trị ho khan kéo dài rất đơn giản giúp bảo vệ, sát khuẩn, giảm chất nhầy và đờm trong cổ họng. Nước muối làm dịu các mô bị viêm và diệt khuẩn trong khoang họng.

Cách chuẩn bị nước muối:

  • Bạn nên mua dung dịch nước muối sinh lý tại các hiệu thuốc để đảm bảo đúng nồng độ, không gây hại cho sức khỏe.
  • Trong trường hợp gấp, bạn vẫn có thể pha nước muối tại nhà theo tỷ lệ 1/2 thìa cà phê muối và một cốc nước ấm (khoảng 230ml).

Cách súc miệng với nước muối:

  • Khi súc, nghiêng đầu ra sau và khọt nhẹ nhàng trong 30 giây rồi nhổ bỏ, không được nuốt.
  • Để lượng nước muối có thể xuống sâu nhất trong vùng hầu họng, bạn hãy lấy 1 ngụm nhỏ vừa đủ.
  • Hãy thực hiện đều đặn 1 ngày 2 lần hoặc ngay sau mỗi bữa ăn.

11. Cách giảm ho khan với gừng

Gừng có tính chống viêm, do đó có thể làm giảm ho khan hoặc hen suyễn.

Để trị ho, bạn chỉ cần:

  • Cắt vài lát gừng tươi rồi cho vào ly nước nóng để ngâm trong vài phút rồi uống.
  • Bạn có thể thêm mật ong hoặc chanh để tăng thêm hương vị và dễ uống hơn.

12. Probitic cũng có thể chữa ho khan

Probiotic hay còn gọi là lợi khuẩn đường ruột không trực tiếp trị ho khan nhưng có thể hỗ trợ tăng cường sức đề kháng của một người thông qua cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.

  • Probiotic có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như sữa chua, kombucha, thực phẩm muối chua…
  • Bạn cũng có thể bổ sung probiotic qua các sản phẩm bổ sung.

13. Cách trị ho khan bằng thay đổi lối sống

Ngoài sử dụng thuốc tây và áp dụng các biện pháp tại nhà thì thay đổi lối sống cũng là một cách trị ho khan tại nhà hữu ích, đặc biệt nếu ho kéo dài.

Bạn có thể thử những cách như:

  • Nằm gối cao hơn. Khi bạn nằm nhưng phần đầu lại ngang bằng với cơ thể, chất nhầy dễ kích thích cổ họng và gây ho khan hơn. Hãy nâng cao đầu một chút khi ngủ.
  • Dùng máy tạo độ ẩm. Không khí khô (nhất là ở những vùng nhiệt đới) càng làm nặng thêm tình trạng đau họng. Hãy thử sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ vào ban đêm để cơ thể thoải mái hơn, giảm ho khan kéo dài. Lưu ý, đừng lạm dụng máy vì độ ẩm cao có thể khiến nấm mốc sinh sôi.
  • Giữ vệ sinh giường ngủ. Nếu bị ho do dị ứng, bạn phải thường xuyên dọn dẹp, giặt sấy chăn drap để loại trừ bụi và mạt giường.
  • Không hút thuốc.
  • Tránh các tác nhân gây kích ứng. Khi những tác nhân gây kích ứng xâm nhập được vào hệ hô hấp, chúng có thể kích hoạt phản xạ ho và làm chậm quá trình tự hồi phục của cơ thể. Những tác nhân phổ biến có thể kể đến như khói, nước hoa, phấn hoa, sản phẩm tẩy rửa và lông thú cưng. Bạn nên tránh tiếp xúc với các tác nhân này cho đến khi tình trạng ho khan cải thiện. Đeo khẩu trang cũng là một biện pháp tốt nếu không thể tránh hoàn toàn.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Nếu tình trạng ho khan ngày càng nặng, điều trị lâu không khỏi hoặc nếu ho ra máu hoặc chất nhầy màu xanh lá, bạn nên đi khám bác sĩ.

Bạn cũng nên đi khám ngay nếu bị ho khan kèm các triệu chứng:

  • Thở khò khè
  • Cảm giác có gì đó mắc kẹt trong cổ họng
  • Khó thở
  • Khó nuốt

Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn ho kéo dài hơn 8 tuần. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng.

[embed-health-tool-bmi]