Chè khúc bạch là món chè ngon, quen thuộc và được rất nhiều người yêu thích. Sẽ thật tuyệt vời và thú vị khi món chè này được chính tay bạn làm ra. Cách làm chè khúc bạch khá đơn giản, có thể nấu tại nhà với thành phần nguyên liệu dễ tìm.
Chè khúc bạch cơ bản là một dạng rau câu được biến tấu nhiều về thành phần nguyên liệu nên đa dạng hơn và được ăn chung với các loại hạt, trái cây như hạnh nhân, nhãn, vải, kiwi, … Cái tên “chè khúc bạch” có nguồn gốc từ chính hình dáng của những viên thạch được cắt thành từng khúc có màu trắng của kem sữa và sữa tươi.
Nguyên liệu mua ở đâu?
- Nguyên liệu chính để trong cách làm chè khúc bạch phải kể đến đó là: sữa tươi, kem sữa tươi, gelatin, bột trà xanh, nhãn, vải, hạnh nhân… Các nguyên liệu này rất dễ tìm mua tại các siêu thị, cửa hàng và tiệm tạp hóa.
- Món chè có hương vị thanh mát, ngon ngọt được bày bán tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, rất phù hợp để các bạn giải nhiệt mùa hè.
Cách làm chè khúc bạch thơm ngon đơn giản
Nguyên liệu
- 250ml sữa tươi
- 250ml kem sữa tươi (whipping cream)
- 15g gelatin dạng bột
- 150g đường phèn hoặc đường cát trắng
- 2g bột trà xanh
- Nước lọc
- 20g hạnh nhân
- Nhãn hoặc vải tùy thích
- 6 lá dứa
Các bước làm
Ngâm gelatin với sữa tươi
Đem 15g bột gelatin hòa tan cùng 150ml sữa tươi, khuấy đều và để 15 phút cho bột nở.
Làm thạch chè
Cho 100ml sữa tươi, whipping cream, 60g đường vào âu và khuấy tan. Sau đó, chia hỗn hợp ra 2 bát đều nhau để làm thạch trắng và thạch màu xanh.
Làm thạch màu trắng
- Cho 1 bát hỗn hợp sữa tươi và whipping cream vào nồi, hấp cách thủy với lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy hỗn hợp. Khi hỗn hợp nóng, tiếp tục cho ½ hỗn hợp sữa tươi gelatin (bước 1) vào, khuấy đều khoảng 10 phút để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
- Đổ hỗn hợp thạch vừa được hấp cách thủy vào khuôn qua rây lọc để loại bỏ các vón cục giúp sữa được mịn hơn. Cất hỗn hợp này vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng và chờ đông.
Làm thạch màu xanh
- Hấp cách thủy bát hỗn hợp sữa và whipping cream còn lại, khi hỗn hợp nóng thì cho phần gelatin sữa tươi vào khuấy đều.
Hòa tan bột trà xanh với một ít nước, sau đó cho vào hỗn hợp sữa đang hấp, khuấy tan đều. Cho hỗn hợp vào khuôn qua rây lọc loại bỏ vón cục, cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng chờ đông.
Nấu nước đường
Đun 1 lít nước với 90g đường phèn (hoặc đường cát trắng), khuấy nhẹ cho tan hết đường.
Lá dứa rửa sạch, cuộn lại, khi nước đường sôi thì thả vào và bắc nồi ra ngay.
Làm long nhãn, vải
Nếu bạn dùng nhãn hoặc vải tươi, có thể rửa sạch và tách cùi, bỏ hạt. Cho cùi nhãn hoặc vải vào luộc với nồi nước đường để nước đường thơm hơn.
Nếu bạn dùng nhãn, vải hộp có sẵn, bạn chỉ cần lấy nhãn, vải ra. Phần nước cho thêm vào nồi nước đường để dậy mùi.
Hoàn thành
Thạch sau khi đông lại lấy ra cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Cho thạch, nhãn hoặc vải vào bát, chan nước đường, thêm vài viên đá lạnh và rắc ít hạnh nhân lên trên. Bạn có thể cho thêm hạt é, dâu tây, kiwi… để chè có nhiều màu sắc trông hấp dẫn hơn.
Vậy là đã hoàn thành xong món chè ngon với hương vị thanh mát, thạch dẻo, dai, nhãn, vải thơm nồng cùng nước đường ngọt dịu.
Một số lưu ý
- Thạch để ở ngăn mát càng lâu sẽ càng dai và chắc hơn. Dùng rây lọc hỗn hợp có tác dụng loại bỏ hết những cặn chưa tan hết, thạch sẽ mịn nhìn đẹp mắt.
- Các bạn thích vị dâu, socola có thể thay thế nguyên liệu để làm ra các loại thạch có màu sắc đẹp mắt và hương thơm dịu nhẹ. Cách làm cũng tương tự như làm phần thạch màu xanh.
- Lá dứa có thể đun với nước đường để có mùi thơm hơn, nhưng nước sẽ có màu xanh từ lá dứa.
Thay thế nguyên liệu trong chè
Để nấu chè khúc bạch được tiện lợi hơn, chúng ta có thể thay thế các nguyên liệu như sau:
- Kem tươi whipping cream các bạn có thể thay thế bằng sữa đặc và hạn chế dùng đường để tránh chè bị quá ngọt. Thạch dùng sữa đặc để làm sẽ có độ ngậy hơn khi dùng kem tươi.
- Gelatin có thể thay bằng bột rau câu, nhưng có thể làm mất đi nét đặc trưng của chè vì bột rau câu quá cứng và giòn, gelatin thì cho thạch dẻo, dai và mềm hơn.
Bí quyết làm ngon như ngoài quán
- Nên chọn gelatin chất lượng, khi chế biến phải được ngâm trong nước mát hoặc sữa tươi trước cho nở rồi mới dùng nhiệt để làm tan chảy. Không cho gelatin vào nước nóng ngay từ đầu.
- Bạn cần đun cách thủy phần hỗn hợp sữa với lửa nhỏ để hỗn hợp không quá nóng. Vì quá nóng, thạch sẽ rất khó đông.
- Nấu cách thủy sẽ giữ được hương vị ngậy, béo của sữa tốt hơn so với nấu trực tiếp.
- Đường phèn có vị thanh mát hơn đường cát trắng, đây là bí quyết để nước đường của bạn có vị ngọt dịu, dễ ăn.
- Thạch để càng lâu sẽ càng ngon, nhưng không nên để quá 4 ngày. Ăn tới đâu thì trộn đến đó, không nên làm sẵn rồi cất tủ lạnh sẽ khiến hương vị chè không ngon.
- Chè sẽ đặc biệt giữ nguyên hương vị nếu không ăn cùng đá. Các bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh và dùng lạnh rất ngon.
Địa chỉ bán ngon, nổi tiếng
Tại Hà Nội
- Café Hiến: 93A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm.
- Chè Gỗ: số 9 Trần Phú, Ba Đình.
- Chè Diệp Phương: 30 ngõ 12 Lương Khánh Thiện, Hoàng Mai.
Tại TP. HCM
- Chè Khúc Bạch Thanh: 68/210 Trần Quang Khải, Quận 1.
- Chè Hà Kí: 138 Châu Văn Liêm, Quận 5.
- Chè Thanh Tâm: 528 Phan Văn Trị, Quận 5.
Ngoài cách làm chè khúc bạch thơm ngon đơn giản trên, bạn có thể học thêm nhiều công thức nấu chè khác tại khóa học nấu chè mở quán - Dạy nấu CHÈ KHÚC BẠCH ngon của DTBTAAu. Nhanh tay điền vào form bên dưới để đăng ký hoặc liên hệ số điện thoại 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn miễn phí nhé!