Kinh nghiệm

Mẹo nấu canh cua không bị tanh đơn giản

1 Mẹo chọn lựa cua ngon

Để chọn được cua đồng ngon, bạn lưu ý chọn những con còn sống, bò khỏe, còn đầy đủ các bộ phận, đặc biệt phải đủ chân. Nên chọn những con cua có thân màu nâu vàng và đầy đặn, càng to, sẽ là cua đồng tươi.

Không nên chọn những con quá nhỏ, bò lờ đờ, bị gãy càng hay rụng chân vì chúng có thể đã để lâu, có thể là không có thịt.

2 Mẹo làm sạch cua

Sau khi mua cua về, bạn nên sơ chế ngay để thịt cua được tươi ngon nhất, tránh để lâu sẽ dễ bị tanh. Các bước sơ chế cua đồng để nấu canh bao gồm:

  • Bước 1: Bạn cho cua vào một thau nước sạch hoặc nước vo gạo rồi ngâm trong khoảng 30 phút để cua nhả bớt bùn đất và tạp chất.

  • Bước 2: Bạn cho đầy nước vào một thau khác rồi đổ cua sang, dùng đũa khuấy đều theo chiều kim đồng hồ. Bạn khuấy khoảng 5 - 10 vòng để cua tự kẹp nhau. Như vậy khi tách mai, bạn sẽ không bị kẹp tay.
  • Bước 3: Bạn bóc tách mai và yếm của cua ra, sau đó dùng một đầu tăm hoặc muỗng, nĩa để khều hết phần gạch cua trong mai cho vào một chén.

  • Bước 4: Tiếp theo, bạn cho phần thân cua đã rửa sạch vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hoặc dùng cối giã.

  • Bước 5: Bạn cho nước lọc vào phần thịt cua xay nhuyễn theo tỷ lệ 2 (cua):1 (nước), rồi lọc từ từ bằng rây lọc hoặc khăn mỏng sạch để lấy phần nước và loại bỏ xác cua.

CLICK xem ngay máy xay sinh tố đang giảm giá CỰC HOT!

Tham khảo các mẫu máy xay sinh tố bán chạy nhất tại Điện máy XANH để xay cua dễ dàng hơn:

3 Lựa chọn rau nấu với canh cua

Cua có thể nấu kết hợp với nhiều loại rau. Mỗi loại sẽ cho ra một mùi vị canh khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số loại rau sau đây để chọn được nguyên liệu nấu phù hợp với sở thích của gia đình mình.

  • Rau đay: Là loại rau có độ nhớt và vị ngọt đặc trưng, chứa nhiều vitamin, muối khoáng và sắt, phù hợp để nấu các món canh ngày hè.

  • Hoa thiên lý: Là một loại hoa mọc thành chùm, có màu trắng xanh, mùi thơm dịu, được sử dụng như một loại rau. Khi ăn thấy vị ngọt dịu, thanh mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

  • Rau dền: Là loại rau có vị ngọt, tính mát, hơi nhớt, thường được dùng để nấu canh, luộc,... Rau dền có nhiều loại như dền đỏ, dền cơm, dền gai,...

  • Rau mồng tơi: Là loại rau dễ trồng, chứa nhiều vitamin A, C, sắt và khoáng chất. Lá có màu xanh lá, có nhiều nhớt. Rau mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, làm đẹp da,...

  • Rau ngót: Là loại rau rất phổ biến, dễ trồng, dễ mua. Rau có vị ngọt nhẹ và mùi đặc trưng. Rau ngót có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc,... cực tốt.

  • Rau cải xanh: Rau có 2 phần là lá và bẹ lá, viền lá có dạng răng cưa. Cải bẹ xanh sống có vị hăng, nấu chín vị hăng sẽ được giảm bớt.

  • Rau nhút: Là loại rau mọc bò trên mặt nước với vị ngọt dịu, giòn, có tác dụng trị chứng khó tiêu, nóng trong, cải thiện giấc ngủ,...

4 Một số cách nấu canh cua đơn giản dễ làm

Canh cua chua

Bạn chuẩn bị một muỗng canh mẻ, 2 quả cà chua thái múi cau, hành tím cắt mỏng. Sau khi phi thơm hành tím, bạn xào chín gạch cua và cà chua. Sau đó, bạn cho nước cua đã lọc vào đun với lửa lớn. Khi thấy riêu tảng nổi lên thì vớt ra, rồi cho gạch cua và cà chua vào nấu nhỏ lửa, rồi thêm mẻ, gia vị là xong.

Canh cua chua có màu sắc bắt mắt, nước canh có vị chua thanh tự nhiên của mẻ và cà chua hòa quyện với vị ngon ngọt từ cua đồng, thêm riêu cua mềm mềm, beo béo vô cùng hấp dẫn.

Canh cua nấu mướp

Bạn chuẩn bị 2 quả mướp thái miếng vừa ăn, rau đay và mồng tơi nhặt ngọn non rồi thái nhỏ, 1 ít bông thiên lý. Sau khi nấu sôi phần nước cua đã xay, bạn cho gạch cua vào nồi, sau đó cho tiếp các nguyên liệu đã sơ chế vào nấu thêm 3 - 5 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.

Canh cua nấu mướp có màu xanh tươi từ các loại rau. Canh có vị ngọt thanh từ thịt cua đồng, mướp, bông thiên lý, riêu cua thì mềm béo, các loại rau chín vừa tới, giữ được độ tươi.

Canh cua mồng tơi

Lá mồng tơi bạn nhặt lấy lá non. Sau khi xào gạch cua với hành tím, bạn đun sôi nước cua đã lọc, rồi cho tiếp rau mồng tơi vào nấu chín. Cuối cùng, bạn đổ gạch và riêu cua vào, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.

Tô canh cua rau mồng tơi có màu sắc bắt mắt từ riêu cua quyện cùng rau mồng tơi tươi xanh. Riêu cua beo béo nhưng không bị bở nát, rau mồng tơi ngon ngọt, nước dùng thì đậm đà.

Canh cua rau dền

Cách nấu rất đơn giản, bạn chỉ cần nấu nước cua cho sôi đến khi nổi lên phần riêu cua thì cho rau dền, mồng tơi xắt nhỏ, mướp thái khúc vào nấu chín và nêm nếm vừa ăn là được.

Nước canh cua rau dền sau khi hoàn thành có màu ngả đỏ, trong veo, có vị ngọt thanh. Riêu cua bùi béo, rau dền, mồng tơi và mướp vừa chín tới, mềm mềm, tươi mát.

Canh cua rau nhút

Rau muống, rau nhút, bạn cắt nhỏ, khoai sọ gọt vỏ, thái miếng vừa ăn. Trước tiên, bạn xào gạch cua với hành tím rồi cho nước cua đã lọc vào, đun sôi. Sau khi vớt riêu cua, bạn cho khoai sọ vào nồi nấu mềm, rồi cho tiếp rau muống, rau nhút vào nấu khoảng 3 - 5 phút thì cho riêu cua vào, nêm gia vị là xong.

Nước canh đậm đà, ngọt thanh, rau nhút, rau muống giòn giòn, khoai sọ dẻo bùi, riêu cua thì thơm, ngọt thịt. Tất cả tạo nên món canh cua rau nhút hấp dẫn.

CLICK xem ngay nồi, bộ nồi đang giảm giá CỰC HOT!

Tham khảo các mẫu nồi, bộ nồi bán chạy nhất tại Điện máy XANH để nấu canh cua dễ dàng hơn!

Với mẹo nấu canh cua không bị tanh vừa được chia sẻ, hy vọng bạn sẽ dễ dàng nấu được món canh thơm ngon chiêu đãi cả gia đình. Đừng quên chia sẻ thành phẩm với Điện máy XANH bằng cách để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé!