Kinh nghiệm

Hướng dẫn cách nấu cơm cho người tiểu đường

Gạo trắng là thực phẩm chủ đạo trong khẩu phần ăn hàng ngày ở các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, gạo trắng sau khi đã nấu thành cơm sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng lên. Điều này gây ảnh hưởng xấu cho những bệnh nhân tiểu đường. Dưới đây là cách nấu cơm cho người tiểu đường mà vẫn giữ được lượng đường huyết không tăng, mời bạn tham khảo.

Gạo trắng có làm tăng nguy cơ gây bệnh tiểu đường?

Gạo trắng có chứa hàm lượng tinh bột và chỉ số đường huyết cao gây bất lợi đối với người bệnh tiểu đường, có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu sau khi ăn. Hàm lượng đường cao khiến chỉ số đường huyết trong máu lên cao gây nên bệnh tiểu đường cũng như tích tụ mỡ gây béo phì.

Trong khi có tới 90% người Việt và người Châu Á xem gạo trắng là loại thực phẩm tiêu thụ nhiều nhất trong khẩu phần ăn hàng ngày, cùng với chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý, không vận động góp phần làm cho cho bệnh tiểu đường phát triển.

Theo một nhóm nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ) chỉ ra, ăn gạo trắng có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn nhiều so với đồ uống có gas. Theo tờ Straistimes, nhóm nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu từ bốn nghiên cứu lớn, liên quan đến 350.000 người trong 20 năm. Kết quả cho thấy, ăn một bát cơm trắng mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 11%. Nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa gạo trắng và bệnh tiểu đường của người châu Á cao hơn ở người châu Âu.

Gạo là lương thực không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt

Cách nấu cơm cho người tiểu đường để kiểm soát đường huyết

Gạo trắng là loại gạo đã qua tinh chế và loại bỏ cám, mầm gạo. Quá trình này làm tăng chất lượng gạo hơn về tính thẩm mỹ cũng như dễ bảo quản hơn. Tuy nhiên, việc này, sẽ khiến gạo mất đi các vitamin và khoáng chất có sẵn ở trong cám gạo và mầm.

Đồng thời, việc ăn cơm gạo trắng có thể làm tăng nhanh lượng đường trong máu và rất không tốt đối với người bệnh tiểu đường. Vậy cách nấu cơm cho người tiểu đường như thế nào?

Nấu gạo với dầu dừa để giảm lượng đường

Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, nấu gạo với dầu dừa sẽ giúp giảm lượng đường từ cơm trắng. Từ đó, kiểm soát được đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Vo gạo kỹ với nước khoảng 3 lần.
  • Bước 2: Cho thêm dầu dừa, khoảng 3% so với lượng gạo (thường đong 1 thìa cà phê trên khoảng 0,5kg gạo)
  • Bước 3: Sau khi cơm nấu chín, để cơm vào ngăn mát trong tủ lạnh khoảng 12 giờ. Khi ăn thì có thể làm nóng và ăn kèm với thức ăn kèm như bình thường.

Công thức nấu cơm này sẽ giúp lượng tinh bột có hại giảm đi đến 50%. Ăn cơm nấu dầu dừa sẽ giúp bạn tăng miễn dịch với bệnh tiểu đường, hạn chế tăng cân nhanh ở những người thường xuyên tiêu thụ lượng tinh bột lớn từ gạo trắng.

Tuy có tác dụng rất tốt trong phòng tránh béo phì và tiểu đường nhưng cách nấu và sử dụng cơm như vậy có thể khiến bạn dễ bị ngộ độc nếu không làm theo đúng quy trình bảo quản. Do đó, bạn chỉ được bảo quản cơm trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 12 giờ và cần phải làm nóng trước khi ăn.

Nấu gạo với dầu dừa sẽ giúp giảm lượng đường từ cơm trắng

Thay gạo trắng bằng gạo lứt

Gạo lứt là một loại thực phẩm cung cấp chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất dồi dào hơn gạo trắng. Đối với người bệnh tiểu đườngtuýp 2, ăn cơm gạo lứt sẽ giúp giảm lượng đường hơn ở trong máu, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Khi người bệnh sử dụng gạo lứt trong một thời gian khoảng 10 bữa ăn/tuần và dùng liên tục trong 8 tuần sẽ giúp cải thiện đường máu và chức năng nội mô. Đây là những chỉ số vô cùng quan trọng để đo lường cho sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, gạo lứt còn hỗ trợ quá trình giảm cân rất tốt. Đặc biệt, việc giảm cân quan trọng đối với người đang bị tiểu đường tuýp 2 vì nó giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh tiểu đường.

Cách ăn cơm trắng nhưng vẫn giữ lượng đường huyết ổn định

Hiện nay, bệnh nhân bị tiểu đường vẫn có thể ăn cơm gạo trắng bởi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng đường huyết sau khi ăn cơm gạo trắng. Dưới đây, là một số lưu ý cho người bệnh bị tiểu đường khi ăn cơm gạo trắng:

Bổ sung đúng với nhu cầu của cơ thể: Việc tính toán, cân đo chính xác nhu cầu năng lượng cơ thể không hề dễ dàng. Tuy nhiên, người bệnh có thể ước lượng bằng cách ăn ít hơn so với bình thường. Sau đó, tiến hành kiểm tra đường huyết 2 giờ sau khi ăn cơm. Nếu giá trị đường huyết trên 10mmol/l sau khi ăn thì bữa ăn lần sau cần phải ăn ít hơn.

Người bệnh nên tính toán và cung cấp đủ số lượng thức ăn

Kiểm soát lượng thức ăn khi nạp vào: Với người bị bệnh tiểu đường việc kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể là rất quan trọng để ngăn ngừa thừa cân, béo phì. Bệnh nhân cần chia nhỏ các nhiều bữa ăn một trong ngày (có thể từ 5 - 6 bữa/ngày) để góp phần giảm thiểu đường huyết, không xảy ra tình trạng tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn cũng như hạ đường huyết khi đói, đặc biệt là đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ đường huyết.

Sắp xếp trình tự thức ăn phù hợp: Để đường huyết không tăng nhanh sau khi ăn, người bệnh có thể xây dựng thứ tự ăn uống hợp lý. Bệnh nhân nên ưu tiên ăn các loại rau củ và món canh hầm thịt trước, sau đó mới đến ăn cơm. Khi đó, lượng chất xơ có trong rau củ sẽ giúp có thể làm chậm quá trình hấp thu đường từ tinh bột, chất xơ cũng như giúp người bệnh có cảm giác no lâu hơn và giảm sự thèm ăn.

Bài viết trên hướng dẫn cách nấu cơm cho người tiểu đường. Ngoài việc nấu cơm, người bệnh cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống khoa học và phù hợp hơn để có thể kiểm soát được lượng đường huyết ở mức độ an toàn.

Thùy Dung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp