Kinh nghiệm

Nguyên nhân bị lẹo mắt là gì? Cách chữa lẹo mắt đơn giản & hiệu quả

Lẹo mắt là một bệnh lý rất thường gặp. Phần lớn những trường hợp mắt bị lẹo sẽ khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu mắt lẹo to, gây đau và khó chịu, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Lẹo mắt là gì? Lẹo mắt có bị lây không? Lẹo mắt có tự khỏi không? Lẹo mắt có nguy hiểm không? là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

1. Bệnh lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là một hội chứng viêm nhiễm cấp tính do vi khuẩn xâm nhập vào tuyến meibomius. Bệnh lý này khiến mắt đau, sưng đỏ, nhạy cảm hơn với ánh sáng, khó chịu khi nháy mắt và có cảm giác cộm như có bụi ở mắt. Tại khu vực mắt bị lẹo sẽ sưng lên một khối mủ đỏ nhìn giống như mụn nhọt hay khối u nhỏ. Sau 3-4 ngày, lẹo sẽ vỡ và xẹp dần nhưng sau đó nó có thể xuất hiện tại các vị trí khác trên mắt.

Có một số dạng lẹo mắt khác nhau mà chúng ta có thể kể đến như sau:

  • Lẹo trong do bị nhiễm trùng tuyến nhầy của mi mắt: lẹo sẽ nằm ở mặt trong của mi mắt, khi lật mi lên mới có thể nhìn thấy được.
  • Lẹo ngoài do bị nhiễm trùng nang lông mi: có biểu hiện là một nốt đỏ, gây nhức ở bờ mi, thường có kích thước và độ rắn như hạt đậu.
  • Đa lẹo: Xuất hiện cùng một lúc nhiều lẹo trên một hay cả hai mi mắt, thậm chí có thể là ở cả hai mắt.

2. Nguyên nhân bị lẹo mắt là gì?

Có rất nhiều tác nhân gây ra tình trạng lẹo mắt, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến như sau:

  • Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) gây ra
  • Để lớp trang điểm qua đêm mà không tẩy trang hay sử dụng mỹ phẩm mắt quá hạn sử dụng
  • Dùng tay chưa được vệ sinh sạch sẽ để thay kính áp tròng
  • Thường xuyên đưa tay lên dụi mắt
  • Có tiền sử viêm mí mắt mãn tính
  • Dùng chung khăn mặt với người bị lẹo mắt
  • Ăn nhiều đồ cay nóng
  • Cơ thể bị thiếu nước hay stress quá mức
  • ...

3. Bị lẹo mắt có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh lẹo mắt không gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Tuy nhiên, khi lẹo mắt đi kèm với một số dấu hiệu sau đây, bạn cần nhanh chóng đi thăm khám tại bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:

  • Bị sốt cao trên 37 độ trở lên
  • Ảnh hưởng đến thị lực bệnh nhân
  • Lẹo mắt không được cải thiện sau 2-3 ngày
  • Sưng tấy và đỏ bên dưới mi mắt, sưng má hay các bộ phận khác trên khuôn mặt
  • Lẹo bị chảy máu, sưng nề, đau nhức, nốt rộp hình thành trên mí mắt và mắt bị đỏ.

4. Cách điều trị lẹo mắt đơn giản và hiệu quả

Triệu chứng lẹo mắt thường tự hết sau một vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Trong khoảng thời gian từ 4-6 ngày, mủ của lẹo sẽ vỡ ra, đồng thời các triệu chứng đau, nhức cũng giảm dần.

  • Để tốc độ lành bệnh trở nên nhanh chóng, trong giai đoạn sớm của lẹo mắt, bệnh nhân có thể chườm khăn ấm lên lẹo từ 10-15 phút, 3-5 lần mỗi ngày. Việc chườm ấm sẽ giúp lấy sạch các dịch tiết tại mi mắt, đồng thời giải phóng các tuyến sụn mi bị tắc nghẽn và giảm sưng tấy.
  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt) đều đặn hàng ngày.
  • Trong khoảng thời gian bị lẹo mắt, bạn không được dùng tay chà sát vào lẹo vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập sâu, từ đó khiến mắt có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Trong trường hợp lẹo mắt to và không hết sau 1 tuần, gây khó nhìn, tiết nhiều nước mắt, đau và khó chịu, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được điều trị. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện thủ thuật chích rạch lẹo để lấy mủ ra, cũng như kê một số thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau,... Khi đó, bạn cần sử dụng thuốc và chăm sóc mắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng phục hồi.

5. Cách phòng bệnh lẹo mắt hiệu quả

Để ngăn ngừa bệnh lẹo mắt và các bệnh nhiễm trùng mắt nói chung, bạn cần lưu ý thực hiện một số biện pháp đơn giản như sau:

  • Không được dùng tay đưa lên mắt để chà, dụi mắt bởi vi khuẩn từ tay sẽ xâm nhập và gây nên nhiễm trùng mắt.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn nhanh, đặc biệt là trước khi chạm tay lên mắt hay trang điểm mắt.
  • Sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm đảm bảo chất lượng và dụng cụ trang điểm hợp vệ sinh.
  • Không dùng chung khăn mặt, cọ trang điểm, mỹ phẩm, kính râm,... với người khác. Đặc biệt không nên dùng các vật dụng cá nhân với những người đang bị lẹo mắt hay đã từng bị lẹo.
  • Luôn bảo vệ mắt trước tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, ô nhiễm, bụi bẩn,... bằng cách đeo kính mát hoặc các loại kính bảo hộ.
  • Không được tự ý nặn mụn tại lẹo mắt
  • Nên ngưng sử dụng kính áp tròng cho đến khi lẹo mắt khỏi hoàn toàn
  • Kiêng rượu bia, thuốc lá, hành lá, tỏi, ớt,...

Trên đây là kiến thức về bệnh lẹo mắt là gì, cũng như nguyên nhân và cách điều trị lẹo mắt hiệu quả. Dù lẹo mắt chỉ là một triệu chứng nhỏ ngoài da, nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời và đúng cách, nó sẽ trở nên nghiêm trọng và gây ra những hậu quả không đáng có. Do đó, bạn phải luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe đôi mắt thật an toàn và cẩn thận.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Trung tâm mắt Vinmec-Alina tại tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0865463883 để được hỗ trợ.