Kinh nghiệm

Bệnh rận mu: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Bệnh rận mu là bệnh đường sinh dục phổ biến. Tiến sĩ Cameron Webb, một nhà khoa học tại Đại học Sydney (Úc) cảnh báo có tới 750.000 người sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder bị nhiễm bệnh rận mu. Bài viết dưới đây chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa bệnh rận mu.

Bệnh rận mu là gì?

Bệnh rận mu là bệnh gây ngứa vùng kín hoặc khu vực xung quanh bộ phận sinh dục. Người bệnh có cảm giác ngứa kéo dài khoảng 5 ngày sau khi bị nhiễm rận mu, cảm giác này sẽ dữ dội hơn vào ban đêm. (1)

Rận mu là loài côn trùng nhỏ sống trên lông mu (vùng lông xung quanh bộ phận sinh dục) của người. Rận mu được xếp vào hàng ký sinh trùng vì chúng hút máu người để tồn tại.

Rận mu khác với chí rận (chấy rận) tồn tại trên tóc hoặc trên cơ thể người. Tuy nhiên, loại rận này có thể xuất hiện ở một số bộ phận khác trên cơ thể có lông thô, bao gồm:

  • Nách.
  • Râu, ria mép hoặc lông mặt.
  • Ngực.
  • Lông mày và lông mi (phổ biến hơn ở trẻ em).
    Rận mu là loài côn trùng nhỏ sống trên lông mu của người

Dấu hiệu của bệnh rận mu thường gặp

Triệu chứng của bệnh rận mu xuất hiện sau khi mắc khoảng 5 ngày, phổ biến nhất là cảm giác ngứa dữ dội ở vùng mu do cơ thể phản ứng với vết cắn của rận. Thế nhưng, một số người không nhận thấy hoặc nghĩ rằng bị phát ban…(2)

Các triệu chứng của bệnh rận mu ở da vùng kín bao gồm:

  • Ngứa nhiều ở vùng sinh dục.
  • Phát hiện những con rận siêu nhỏ ở vùng lông mu bằng cách nhìn kỹ hoặc có thể cần dùng kính lúp. Rận mu có màu nâu xám hoặc trắng xám và trông giống như những con cua nhỏ. Màu sắc của rận mu sẽ sẫm hơn khi chúng hút đầy máu.
  • Những người mắc bệnh rận mu sẽ tìm thấy trứng rận nằm ở phần chân của lông mu. Trứng rận mu rất nhỏ, có hình bầu dục, màu trắng hoặc vàng và nằm theo từng cụm.
  • Các nốt màu xanh xuất hiện trên vùng da bị rận mu cắn.
  • Sốt nhẹ, khó chịu hoặc mệt mỏi.
  • Xuất hiện các đốm màu nâu hoặc đỏ sẫm bên trong quần lót (phân của rận mu).

Nguyên nhân gây ra bệnh rận mu

Bệnh rận mu lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, đặc biệt quan hệ tình dục. Ngoài ra, việc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn trải giường và quần áo cũng gián tiếp gây bệnh rận mu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da trong các trường hợp: (3)

  • Các sản phẩm thuốc không kê đơn đem lại hiệu quả chưa cao.
  • Người bệnh đang trong thời kỳ mang thai.
  • Người bệnh có vết trầy xước trên da bị nhiễm trùng do gãi.

Các yếu tố rủi ro tăng khả năng nhiễm bệnh

Những yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh rận mu bao gồm:

  • Quan hệ tình dục với người có rận mu.
  • Có nhiều bạn tình khác nhau.
  • Dùng chung quần áo, khăn tắm, khăn trải giường.

Đối tượng có khả năng nhiễm bệnh

Bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm bệnh rận mu. Căn bệnh này phổ biến nhất với thanh thiếu niên và người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em và người lớn tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh rận mu.

Bệnh rận mu có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp

Bệnh rận mu không gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Biểu hiện chính thường thấy nhất của bệnh là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Thời gian điều trị bệnh rận mu dao động trong khoảng 2 tuần. Bệnh có thể tái phát và người bệnh cần lặp lại điều trị nếu không ngăn ngừa.

Dưới đây là các biến chứng thường gặp của bệnh rận mu:

  • Lở loét, nhiễm trùng da do gãi quá nhiều.
  • Viêm kết mạc với người có rận mu ở lông mi.
  • Bệnh có thể tái phát nếu vẫn còn trứng rận.

Có thể bạn chưa biết: Rận mu có tự hết không?

Chẩn đoán bệnh rận mu

Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da chẩn đoán bệnh rận mu bằng cách khám và sử dụng kính lúp để kiểm tra có rận mu tồn tại ở lông cơ quan sinh dục hay không. Trong một số trường hợp, rận mu cũng được phát hiện tại các cơ quan khác ngoài vùng sinh dục (lông mi).

Phương pháp điều trị bệnh rận mu

1. Những lưu ý cho người bệnh rận mu

Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da chỉ định người bệnh sử dụng các loại xà phòng, thuốc xịt và kem đặc hiệu để điều trị rận mu, đây là các loại dược phẩm không cần kê đơn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ các bước:

  • Khi phát hiện rận mu, người bệnh cần tắm rửa sạch sẽ, giặt quần áo, giường chiếu.
  • Theo dõi và vệ sinh sạch sẽ vùng lông có rận mu trên cơ thể.
  • Thoa kem đặc hiệu lên những vùng lông có rận mu theo chỉ định của bác sĩ. Rận mu thường được điều trị bằng kem permethrin (A-200, Nix và RID,). Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm an toàn hơn.
  • Có thể loại bỏ rận mu khỏi cơ thể bằng cách sử dụng xà phòng, dầu gội đầu và các dạng sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn khác. Đọc kỹ hướng dẫn để biết chính xác liều lượng, tần suất và thời gian cần giữ sản phẩm trên da trước khi rửa lại với nước. Khi các sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn ít tác dụng, có thể cần dùng thuốc theo toa.
  • Sau thời gian điều trị, có trường hợp một số trứng rận cứng đầu vẫn tồn tại trên lông. Người bệnh có thể sử dụng kính lúp để xem kỹ và loại bỏ những quả trứng còn sót lại bằng lược răng thưa, nhíp hoặc ngón tay.
  • Không chỉ áp dụng các liệu pháp điều trị trên cơ thể, người bệnh cần làm sạch, khử trùng nhà cửa và các đồ vật đã tiếp xúc. Hút bụi, lau nhà và nhà tắm bằng dung dịch tẩy rửa. Giặt tất cả khăn tắm, khăn trải giường, chăn, quần áo bằng xà phòng và nước nóng, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô (sức nóng từ máy sấy có tác dụng tiêu diệt rận mu).
  • Đối với một số loại quần áo không thể giặt trong nước, chúng phải được giặt khô và cho vào túi nilon buộc kín trong 72 giờ.
  • Để tránh lây nhiễm, người mắc bệnh rận mu cần tránh quan hệ tình dục với người khác trong thời gian điều trị và ngược lại.

2. Điều trị bệnh rận mu bằng thuốc

Nếu rận vẫn còn sống sau khi áp dụng toàn bộ các liệu pháp điều trị nêu trên, cần dùng đến các loại thuốc mạnh hơn như:

  • Malathion (Ovide): lotion bôi ngoài da, dùng để bôi lên vùng lông có rận và để trong 8-12 tiếng.
  • Ivermectin (Stromectol): viên uống.
  • Lindane: loại thuốc trị rận mu theo toa mạnh nhất, chỉ cần để sản phẩm trên khu vực có rận trong 4 phút rồi rửa sạch. Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da khuyến cáo không sử dụng sản phẩm này cho trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Đối với rận mu ở lông mi, có thể dùng nhíp gắp rận và trứng rận hoặc dùng tăm bông thấm một ít Vaseline bôi lên lông mi vào buổi tối trước lúc đi ngủ (lưu ý rửa sạch vào sáng hôm sau). Làm điều này liên tục trong vài tuần, nhưng cần cẩn thận để không dây vào mắt.
  • Tuy nhiên, để trị rận quanh mắt hiệu quả và an toàn, người bệnh cần lưu ý tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị rận mu vùng mắt phù hợp và an toàn.
  • Có cảm giác ngứa kéo dài trong khoảng 2 tuần do cơ thể phản ứng với vết cắn của rận mu.
  • Trường hợp vết cắn sưng đỏ, da bị đổi màu (sắc độ da không bình thường mà chuyển sang hơi xanh) hoặc rỉ nước từ vết thương thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Cách ngăn ngừa bệnh rận mu quay trở lại

Khi nghi ngờ mắc phải hoặc tái phát bệnh rận mu, cần gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da

Để giảm nguy cơ mắc rận mu hoặc ngăn bệnh quay trở lại, người bệnh có thể thực hiện các cách sau đây:

  • Không tiếp xúc gần gũi hoặc quan hệ tình dục với người mắc bệnh rận mu.
  • Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như quần áo hoặc khăn tắm.
  • Hạn chế số lượng bạn tình, tránh quan hệ tình dục với những người có nhiều bạn tình.
  • Đi mua sắm, lúc thử đồ cần mặc đồ lót.
  • Khi nghi ngờ mắc phải hoặc tái phát bệnh rận mu, cần gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được tư vấn liệu pháp chữa trị phù hợp.

Bệnh rận mu là bệnh đường sinh dục phổ biến, có nguy cơ lây lan nhanh chóng nhưng không nguy hiểm. Khi phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế, gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được khám và điều trị kịp thời.