Kinh nghiệm

Với độ yêu thích chưa hề thuyên giảm dành cho các kiểu tóc undercut, pompadour hay buzz, câu chuyện cạo hay không nên cạo tóc trán khi tạo kiểu đã trở thành đề tài tranh cãi giữa phe barber và salon trong nhiều năm qua. Vì sau khi phần tóc ấy mọc lại sẽ khiến không ít cánh mày râu lúng túng trong việc xử lý phong cách mới.

Tóc trán và lý do thường xuyên bị cạo

Có rất nhiều lý do khiến phần tóc ngay sát chân trán của các anh thường xuyên bị cạo. Trong đó, quen thuộc nhất nhất hẳn phải kể đến yêu cầu trong việc tạo hình cho các kiểu tóc như undercut, pompadour hay buzz. Vì đây đều là những tạo hình đòi hỏi sự sắc nét ở những đường cắt tại phần trán và hai bên thái dương nên đã có rất nhiều thợ tóc yêu thích việc cạo đi phần tóc con ở khu vực này để tổng thể gương mặt của khách hàng chỉn chu và nam tính hơn.

Mặt khác, với nam giới, nỗi lo sợ hói trán chữ M cũng đau đáu và thường trực chẳng khác gì cơn ám ảnh về việc tăng cân của phụ nữ. Vì thế, đã có rất nhiều niềm tin được lan truyền rộng rãi trong giới rằng, cạo sẽ kích thích tóc mọc nhiều hơn và dày hơn. Từ đó, các anh không cần nhờ vào sự can thiệp của thuốc men, hay các biện pháp cấy ghép thẩm mỹ mà vẫn giải quyết được nỗi lo hói tóc.

Sau cùng, lý do thứ ba khiến các anh quyết định ra tay “triệt hạ” phần tóc mọc ở mép trán này là muốn vứt bỏ gánh nặng của mái tóc “bò liếm” (cowlick). Đây là hiện tượng tóc bị dựng hoặc bị lật theo một ngôi nhất định và thường xuyên không vào nếp do xuất hiện các xoáy ở vùng tóc quanh mép trán. Việc khiến chúng vào nếp sẽ đòi hỏi kỹ thuật cùng thời gian tạo kiểu với nhiều sản phẩm khác nhau, nên đã vô tình thúc đẩy quyết tâm tiêu diệt luôn phần tóc cứng đầu này để các anh rảnh rang hơn khi ra ngoài vào mỗi buổi sáng.

Chính bởi những lý do kể trên, việc cạo tóc trán đã không còn trở nên xa lạ. Đến đây, mọi chuyện sẽ không có gì để bàn cãi thêm nếu các quý ông không phải đối mặt với hậu quả chân trán đột nhiên xuất hiện một tầng “tóc mái” khó chiều, khiến gia tăng thêm áp lực cho công đoạn grooming trước gương mỗi ngày.

Nên hay không nên cạo tóc trán?

Lời khuyên từ các barber và thợ tóc chuyên nghiệp dành cho câu hỏi này sẽ là “ĐƯỢC PHÉP”, nhưng trong những trường hợp sau:

Đầu tiên, xuất phát từ nhu cầu của những tạo kiểu đặc biệt với độ dài CỰC NGẮN như crop hay buzz. Với crop, phần rìa xung quanh đầu và hai bên mái sẽ được cắt ngắn thậm chí cạo mỏng để tạo vẻ nam tính và phô diễn trọn vẹn đường nét của gương mặt. Trong khi buzz (tóc húi cua) lại càng đòi hỏi sự khéo léo của thợ cắt, khi độ dài của tóc gần như rất ngắn và phần tiếp xúc với da đầu thường được cạo viền sắc cạnh. Yêu cầu đó làm việc cạo tóc tại vị trí chân trán là bắt buộc để căn chỉnh cho tổng thể gương mặt.

Thứ hai, lợi dụng nguyên lý tóc mọc lại sau khi cạo sẽ cứng hơn tóc tự nhiên, chúng ta có thể sử dụng việc cạo tóc trán để sửa lỗi cho những trường hợp tóc con mọc nhiều nhưng lại quá tơ mỏng. Cạo đi để nuôi lại có thể giúp chất tóc cải thiện đáng kể.

Sau cùng, cạo trán còn là một phương pháp tốt để cải thiện ngoại hình cho những ai trán thấp để có một khuôn diện sáng sủa hơn. Bên cạnh đó, có rất nhiều cánh mày râu sử dụng phương pháp cạo để triệt phần tóc con tại vị trí này, khi chúng thường mọc thừa ra ngoài và không tạo được khuôn trán đẹp.

Còn những trường hợp không thuộc những ưu tiên trên, các anh nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đồng ý để thợ cắt tóc cạo đi phần chân trán. Vì khi phần tóc ấy mọc ra, bạn sẽ phải nuôi rất lâu để đạt được độ dài như vốn có. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những ai thường để các kiểu tóc vuốt ngược ra sau đầu sẽ phải đối diện với 2cm tóc con dày rậm mọc lỉa chỉa chạy dọc phần chân tóc trong rất nhiều tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ của tạo kiểu. Ngoại trừ thường xuyên cạo đi phần tóc con ngay khi chúng vừa mới mọc trở lại, bằng không các anh sẽ phải tốn nhiều công sức để sửa lỗi cho hiện tượng “tóc mái ngố” này.

Không những vậy, việc cạo trán hầu như cũng không mang đến lợi ích nào khác cho người sử dụng, kể cả công dụng chữa hói tóc như nhiều người lầm tưởng. Vì tóc mọc lại sau khi cạo chỉ trở nên cứng và dày hơn chứ không có khả năng kích thích để mọc nhiều hơn. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh hói phần nhiều là do phần nang tóc trên da đầu bị thoái hoá, hoặc teo nhỏ khiến cho số lượng tóc mọc lại không đủ để bù cho lượng tóc rụng đi tự nhiên mỗi ngày. Cho nên, việc cạo chân trán với những trường hợp tóc chữ M có thể chỉ càng làm cho phần hói lộ rõ ràng hơn, mà chưa hẳn đã mang lại lợi ích như mong muốn.

Một số mẹo chữa lỗi cạo trán bạn nên biết

Vì tóc trán sau khi cạo sẽ phải nuôi rất lâu mới có lại được chiều dài mong muốn nên trong khoảng thời gian này, cách nhanh nhất và đơn giản nhất để khiến phần tóc con này không gây ảnh hưởng là giấu nó đi. Bằng cách thử những tạo kiểu để mái xuống như layer chúng có thể giúp bạn che đi phần chân trán không đẹp mắt. Ngoài ra, hãy chăm chỉ sử dụng các loại hair serum (dầu dưỡng tóc) chứa các thành phần như vitamin E hay argan để giúp quá trình mọc tóc thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Nếu tóc trán mọc ngược hướng bạn muốn để, các quý ông có thể tham khảo những phương pháp ép chân tóc với tác dụng nhiệt hoặc hoá chất để giúp tóc nằm ngay ngắn mà không rối bời hai bên.

Khi tóc mái đã mọc dài tầm 2-3cm, bạn có thể sử dụng các loại pomade có độ giữ nếp cao để vuốt phần tóc con hoà vào tóc mái. Bạn nên sắm cho mình thêm một chiếc lược răng khít để hỗ trợ cho phần định hình tóc con này. Sau đó, bạn có thể sử dụng bất kỳ sản phẩm tạo kiểu nào mình thích để thực hiện yêu cầu của tạo hình.

Với những ai sử dụng kiểu tóc Forward Faux Hawk với phần mái được vuốt chéo lên phía trước nhằm giúp giấu đi phần tóc con bung chỉa sau khi cạo trán, bạn hãy lưu ý trong việc chọn sáp vuốt tóc. Vì vẻ đẹp của kiểu tóc này nằm ở những lọn tóc được vuốt tủa ra. Nếu sử dụng sáp cứng, mái tóc sẽ mất sự linh hoạt, còn sáp quá mềm thì lại không đạt được độ đứng như tạo hình yêu cầu. Do vậy, hãy sắm cho mình những loại sáp vuốt tóc hỗ trợ tạo texture (kết cấu) để thao tác dễ dàng hơn, khi bạn chăm chút cho mái tóc kiểu Forward Faux Hawk này.

Bài: Linh Bùi
Ảnh: Tổng hợp