Hoa Trà My với vẻ đẹp kiêu sa, sắc màu tươi thắm. Cánh hoa nở rực rỡ, chụm vào nhau mềm mại thể hiện sự kiêu sa ngọc ngà của người con gái tuổi. Trong phong thủy, hoa Trà My được ví như loài hoa tượng trưng cho sự phú quý, tài lộc và sự trường thọ.
Nguồn gốc và đặc điểm của hoa trà my
Hoa Trà My thuộc chi chè (Theaceae) có tên khoa học là Camellia Japonica. Cây có nguồn gốc từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cây phù hợp với các loại đất và khí hậu tại Việt Nam nên được trồng khá phổ biến với tên như hồng trà, bạch trà, trà hoa, hoa hồng mùa đông.
Cây hoa Trà My thuộc loại cây thân gỗ dạng bụi, cao khoảng từ 30cm đến 1.2m, một số giống cao tới 20m. Thân cây có nhiều cành, lá hình trái xoan nhọn 2 đầu, mọc xum xuê sole nhau hoặc đối xứng, mép lá có răng cưa nhỏ, lá dày xanh quanh năm, mặt trên lá hơi bóng. Là loài cây thân gỗ sống lâu năm, nếu được chăm sóc đầy đủ, trồng ở điều kiện khí hậu phù hợp và không có các tác nhân bên ngoài, cây có thể sống tới 600 năm.
Hình ảnh cây Trà My và nụ
Hoa Trà My nở hoa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nhiệt độ môi trường. Ở Việt Nam thường nở vào mùa Xuân, từ cuối tháng 12 đến hết tháng 4 khi được trồng ở nơi có khí hậu ấm áp như miền Nam, khu vực Tây Nguyên hoặc trong nhà kính. Trong khi đó, ở miền Bắc, Trung bộ, cây sẽ nở hoa khi thời tiết chuyển ấm áp hơn từ tháng 3 đến tháng 5.
Khi nở bung, đường kính hoa khoảng 8cm - 12cm, gồm nhiều cánh xếp lớp uốn cong rất đẹp. Hoa có màu sắc đẹp và đa dạng như đỏ, trắng, hồng, vàng, cam và tím. Hoa tươi khá lâu khoảng hơn 2 tuần mới tàn, nhưng mùi thơm của hoa khá ít.
Trà my là loài cây thích râm mát, ưa đất ẩm, dễ trồng và không có sâu bệnh hại nên rất dễ chăm sóc. Thân cây cứng và chắc nhưng cành và tán lá lại khá dễ tạo thế, hoa đa dạng màu sắc nên rất được ưa chuộng làm cây bonsai.
Phân loại hoa trà my
Cây hoa trà my là loài cây thuộc họ chè, trên thế giới có 300 loài trà my, tại Việt Nam, người ta đã tìm thấy 26 loài. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng được trồng phổ biến. Chúng ta có thể phân loại cây trà my như sau:
- Theo màu sắc hoa: đỏ, vàng, cam, đỏ cam, hồng, trắng và tím.
- Theo nguồn gốc xuất xứ: hoa nhập khẩu và hoa thuần chủng Việt Nam.
Sau đây là một số loại trà my được trồng phổ biến ở Việt Nam.
1. Hoa trà cung đình
Trà cung đình hay trà hồng, là một loài hoa nhập khẩu chứ không phải hoa bản địa của Việt Nam. Hoa có màu hồng phấn đặc trưng, nở vào cuối tháng 12 đến tháng 2 dương lịch. Hoa nhiều cánh mỏng, xếp nhiều lớp theo hình tròn đồng tâm, thường từ 8 - 10 lớp. Khi nở, hoa toả ra mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Hoa trà cung đình vẫn mang đầy đủ các đặc điểm của hoa trà my, như thuộc loại cây thân gỗ sống lâu năm, rễ chùm. Lá cây dạng lá đơn, mép có răng cưa, dày và xanh đậm giống lá chè. Chính vì thế nên khi cây chưa có hoa, người ta thường nhầm lẫn với cây chè để uống.
2. Hoa trà thâm hồng bát diện
Hoa trà thâm hồng bát diện thuộc loại cây thân gỗ lớn, chiều cao tối đa có thể đạt 20m. Đối với cây trồng làm cảnh, chiều cao trung bình khoảng 50cm đến 1m. Lá cây mọc sole nhau, mặt trên lá nhẵn bóng, viền lá có hình răng cưa. Hoa cây trà thâm hồng bát diện có màu đỏ sẫm, cánh kép, xếp chồng lên nhau 8 lớp theo kiểu đan xếp.
3. Hoa bạch trà
Hoa bạch trà hay hoa trà my trắng, với cánh hoa có màu trắng tinh khiết. Ở Việt Nam có 2 loại bạch trà đó là bạch trà ta là giống hoa bản địa Việt Nam và bạch trà nhập khẩu từ Nhật. Cả 2 giống hoa này đều có hoa màu trắng, nhưng hoa bạch trà Nhật cánh to hơn và cánh trong.
4. Hoa trà đỏ Nhật Bản
Hoa trà đỏ Nhật Bản là giống hoa trà my có nguồn gốc từ Nhật Bản, loài hoa này thường được lấy ý tưởng trong thiết kế thời trang hoặc sử dụng như là một phụ kiện thời trang. Cây hoa trà đỏ chủ yếu được sử dụng để làm cảnh. Dáng cây nhỏ thấp, lá dày mang hình lá xoan, viền lá có răng cưa. Tại Nhật Bản - đất nước bản địa của loài hoa này, chúng có giá trị rất lớn như thường xuất hiện trong các nghi lễ triều đình hay được sử dụng trong Trà đạo.
5. Hoa trà vàng
Hoa trà vàng hay hoa kim trà, trà trường thọ là loài cây được mệnh danh là nữ hoàng trà. Không chỉ bởi vẻ đẹp mà loài cây này được xem như là vị thuốc chữa bách bệnh. Cây có lá xanh mướt, mặt lá có gân cứng cáp, tràn đầy sức sống. Hoa kim trà vàng thường nở vào dịp Tết, có màu vàng óng sang trọng. Vì vậy, loài hoa này được sử dụng để trưng bày ở phòng khách. Ngoài ra, loài cây này còn được trồng ở khuôn viên đền chùa, miếu mạo hay nhà thờ.
6. Hoa trà đỏ
Hoa trà đỏ hay hoa trà lựu là giống hoa quý hiếm ở Việt Nam, loài hoa này được rất nhiều chơi hoa săn tìm. Khi nở, hoa trà lựu có màu sắc đỏ rực rỡ như hạt lựu, cánh hoa hơi xoăn, hoa nở to và lâu tàn. Ngoài ra, loài cây này vẫn mang những đặc điểm chung của cây hoa trà my.
Ý nghĩa của cây hoa trà my
Hoa trà my mang rất nhiều ý nghĩa cả về mặt đời sống hàng ngày lẫn đời sống tinh thần về phong thuỷ. Sau đây là ý nghĩa của loài hoa này mà có thể bạn chưa biết.
Về mặt ý nghĩa chung, hoa trà my được xem là biểu tượng của tài lộc, phú quý và trường thọ. Khi nở bung, bông hoa to, tròn hoàn hảo, màu sắc hoa tươi tắn tượng trưng cho sự hoàn mỹ. Khi tặng hoa cho người lớn tuổi, nó mang ý nghĩa về lời chúc sức khoẻ, sự bình an, và trường thọ.
Ngoài ra, mỗi màu sắc khác nhau lại có ý nghĩa khác nhau, ví dụ như màu trắng, màu đỏ, màu tím, màu vàng, màu hồng.
1. Ý nghĩa hoa Trà My trắng
Màu trắng của hoa Trà My thể hiện sự trong sáng thuần khiết, sự thanh cao trong sạch không vấy bẩn của người quân tử hay sự thủy chung son sắc một lòng ở người phụ nữ. Màu trắng của hoa tượng trưng cho sự giản dị và thanh nhã.
Trà My hoa trắng đại diện cho bản mệnh Kim trong phong thủy, phù hợp với những người mệnh Thuỷ hoặc mệnh Kim. Khi trồng loài hoa này sẽ gặp nhiều thuận lợi trên con đường công danh, luôn được mọi người coi trọng, quý mến.
Hình ảnh hoa Trà My trắng nở bung
2. Ý nghĩa của hoa Trà My đỏ
Hoa Trà My đỏ là loài hoa tượng trưng cho tình yêu lứa đôi, thể hiện sự mãnh liệt, nồng cháy của đôi trai gái dành cho nhau.
Trồng hoặc tặng chậu hoa này cho người thân hay bạn bè mang ý nghĩa tiếp thêm năng lượng và động lực để họ nỗ lực chinh phục đam mê, sẵn sàng đương đầu với thử thách.
Khi trưng hoa trà đỏ vào ngày Tết, giúp xua đuổi vận rủi, rước phú quý, tài lộc và may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Màu đỏ của hoa còn tượng trưng cho sự khiêm nhường, tràn đầy sức sống và luôn lạc quan trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, hoa trà my đỏ còn tượng trưng cho trí tuệ, sự thông thái và hiểu biết hơn người.
Theo phong thủy, màu đỏ là màu của lửa có ý nghĩa biểu tượng của sức mạnh và quyền lực. Màu đỏ là màu bản mệnh của mệnh Hoả nên khi trồng loài cây này sẽ mang đến tài lộc và vượng khí tốt cho bản thân cả về tiền bạc và sức khỏe. Người mệnh Thổ trồng loài hoa này khi ra hoa chính là điềm báo về điều may mắn sắp tới.
3. Ý nghĩa hoa Trà My hồng
Màu hồng của hoa Trà My là biểu tượng của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân mà ai cũng từng trải qua. Bạn sẽ thấy yêu đời hơn, xua tan căng thẳng mệt mỏi mỗi khi ngắm nhìn hoa Trà My màu hồng.
Trà my hồng còn là loài cây tượng trưng cho sự phú quý, bông hoa to tròn tượng trưng cho sự hoàn hảo, đủ đầy và viên mãn.
Ngoài ra, hoa trà hồng mang bản mệnh Hỏa, nên những người thuộc mệnh này nếu trồng sẽ mang lại may mắn và phú quý cả năm.
Hình ảnh hoa Trà My hồng nở hoa
4. Ý nghĩa của hoa trà my vàng
Hoa trà my vàng được xem như nữ hoàng trà, thể hiện sự sang trọng, cao sang và quý phái. Từ trước đến nay, màu vàng luôn là màu của sự cao sang, quyền quý.
Màu vàng của hoa còn tượng trưng cho tài lộc, tiền tài và sự may mắn. Khi trang trí vào dịp tết còn mang ý nghĩa cầu mong năm mới sẽ có nhiều cơ hội, tiền tài, công danh sự nghiệp hanh thông.
Loài hoa này còn tượng trưng cho sức sống căng tràn, ý chí mãnh liệt của tuổi trẻ, quyết tâm chiến đấu, không bao giờ bỏ cuộc dù có vấp ngã bao nhiêu lần vẫn sẵn sàng đứng lên.
5. Ý nghĩa của hoa trà my tím
Màu tím luôn là màu của sự thuỷ chung, vì vậy, hoa trà my tím cũng tượng trưng cho tình nghĩa thuỷ chung, son sắt, một lòng một dạ trong tình yêu.
Khi dành tặng cho người mình yêu đoá hoa trà tím, ngoài thể hiện sự thuỷ chung, còn tượng trưng cho tình yêu chân thành, mộc mạc, không màng vật chất.
Theo phong thuỷ dân gian, loài hoa này tượng trưng cho sự may mắn, phú quý và tài lộc, có nhiều cơ hội trên con đường thăng tiến công danh sự nghiệp.
Phân biệt Hải Đường và hoa Trà My
Hoa hải đường và hoa trà my có nhiều nét tương đồng về đặc điểm hình thức khiến cho nhiều người lầm tưởng và không phân biệt được 2 loài hoa này. Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc cách phân biệt 2 loài hoa này.
Cây Trà My bên trái và cây Hải Đường bên phải
1. Khác nhau về hoa
Cây hải đường thường ra rất sai nụ, mọc ở đầu cành thành từng chùm, mỗi chùm có từ 3 - 5 nụ, trong khi cây trà my ra nụ ít hơn, nụ đơn. Khi nở hoa hải đường toả ra mùi thơm nồng hơn so với cây trà my. Cánh hoa hải đường ít, bông hoa nhỏ và xếp ít lớp. Còn hoa trà my có bông to, cánh nhiều và xếp nhiều lớp, màu sắc cây trà my cũng đa dạng và rực rỡ hơn.
Hình ảnh hoa Hải Đường bên phải và hoa Trà My bên trái
2. Khác nhau về lá cây
Vì cùng họ chè nên đặc điểm hình thái lá của 2 loài cây này có nét giống nhau. Tuy nhiên, lá cây trà my lại ngắn hơn, nhỏ hơn màu sắc đậm hơn và phân gân lá cũng nhỏ. Trong khi đó, lá cây hải đường to bản và dài hơn, mặt lá màu xanh tươi sáng hơn, gân lá nổi rõ, viền lá nhiều răng cưa và rõ hơn.
Hình dáng lá của cây Trà My bên trái và cây Hải Đường bên phải
Cách trồng cây hoa Trà My đúng kỹ thuật
Hoa Trà my là loại cây có sức sống mãnh liệt, dễ trồng và dễ phát triển. Nhưng khi trồng loài hoa này, bạn vẫn nên nắm rõ kỹ thuật trồng sau đây.
1. Lựa chọn đất trồng
Hoa trà my là loài cây ưa ẩm rất phù hợp với đất trồng tự nhiên và khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, khi trồng cây trong chậu, bạn nên chọn loại đất có độ tơi xốp cao, giữ ẩm, thoáng khí và thoát nước tốt. Cây phát triển tốt trong đất chua có độ PH trung bình 5.5.
Để làm đất trồng, bạn có thể trộn các nguyên liệu như sau: Đất cát thịt hoặc đất phù sa, xơ dừa, phân chuồng ủ hoai mục. Ngoài ra, bạn có thể trồng trực tiếp ở nền đất mà không cần phải trộn với bất kỳ thành phần nào. Tuy nhiên, cách làm này sẽ rất tốn công chăm sóc. Thời điểm thích hợp trồng cây là từ tháng 4 đến tháng 7.
Đất mùn trồng hoa Trà My
2. Chọn cây giống
Hoa trà my có nhiều loại khác nhau, điều đầu tiên khi chọn cây giống là phải lựa chọn loại cây mình mong muốn. Ví dụ, dựa vào màu sắc hoa để chọn màu hoa phù hợp. Nên chọn cây to khoẻ, không bị sâu bệnh thì việc trồng và chăm sóc cây sẽ dễ dàng hơn, cây cũng phát triển nhanh hơn.
Nếu bạn chọn trồng cây bằng phương pháp chiết cành, giâm cành, nên chọn những cành to khỏe, không sâu bệnh, chọn cây hoa ra nhiều, bông to, lá cây xanh tốt. Như thế mới đạt hiệu quả cao nhất.
3. Chọn phương pháp trồng
Hiện nay, phương pháp trồng cây hoa trà my thường được sử dụng nhất là giâm cành hoặc chiết cành và mua cây giống. Ngoài ra, còn phương pháp trồng bằng hạt, nhưng không được sử dụng nhiều. Do hạt cây trà my có lớp vỏ khá dày nên việc nảy mầm sẽ khó hơn và không đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, trồng cây bằng hạt thì thời gian chờ đợi lâu hơn.
Đối với phương pháp giâm cành hoặc chiết cành, hiệu quả cao nhưng thời gian chờ đợi lâu. Với phương pháp chiết cành bạn phải nắm vững kỹ thuật chiết cành để đạt hiệu quả cao nhất mà tránh làm tổn thương đến cây mẹ.
Phương pháp trồng hoa trà my được nhiều người dùng nhất đó là mua cây giống. Bạn có thể lựa chọn giống cây tại nhà vườn, cửa hàng cây cảnh hay trung tâm giống cây trồng. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là cây phát triển nhanh, tỷ lệ sống cực cao và cây nhanh ra hoa.
4. Chọn chậu trồng phù hợp
Nên chọn chậu cây phù hợp với bầu đất và tán cây. Do loài cây này thuộc loại rễ chùm nên không yêu cầu cao về không gian trồng cây. Bạn có thể lựa chọn chậu cao có đường kính rộng 25cm và sâu khoảng 30cm, hoặc chậu rộng có đường kính khoảng 35cm - 40cm và sâu khoảng 15cm. Tuỳ thuộc vào không gian đặt chậu cây mà bạn lựa chọn chậu cho phù hợp.
5. Hướng dẫn cách giâm cành
Phương pháp trồng hoa trà my bằng cách giâm cành được khá nhiều người sử dụng. Do phương pháp này có hiệu quả cao, lựa chọn chính xác loài cây mong muốn. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Chọn đất giâm cành là đất mục hoặc đất cát ven sông. Sau đó rửa sạch loại bỏ các tạp chất có trong đất và đem phơi khô.
Bước 2: Chọn những cành bánh tẻ to khoẻ, không quá già hoặc không quá non. Nên chọn cành từ cây hoa ra nhiều, nở to đẹp.
Bước 3: Cắt cành dài khoảng từ 5cm - 7cm, mỗi cành có khoảng 4 mắt.
Bước 4: Ngâm cành trong dung dịch kích thích mọc rễ trong khoảng 2 tiếng. Giúp cây nhanh ra rễ con hơn. Dung dịch này bạn có thể mua tại các cửa hàng, hướng dẫn và liều dùng nên xem trên bao bì.
Bước 5: Giâm cành xuống đất ở những vị trí mát mẹ, có nắng vào buổi sáng sớm, không nên giâm cành ở nơi thiếu sáng hoặc ở nơi có ánh sáng gay gắt.
Thời điểm giâm cành thích hợp nhất là vào tháng 1 - tháng 2 hoặc tháng 7 - tháng 8. Lúc này thời tiết mát mẻ, ảnh nắng nhiều, điều kiện thời tiết phù hợp. Sau khoảng 2 năm, cây sẽ ra vụ hoa đầu tiên.
6. Phương pháp trồng hoa trà my đúng kỹ thuật
Khi cành giâm, cành chiết đã có rễ và phát triển thành cây con hoặc bạn mua cây giống tại các cửa hàng có thể thực hiện trồng theo 2 cách sau đây:
Cách 1: Trồng hoa trà my trong chậu
Bước 1: Đặt một mảnh lưới lót dưới đáy chậu, sau đó cho xỉ than hoặc sỏi đá vào dưới đáy chậu. Cho đất vào chậu bằng 1/3 chiều sâu của chậu.
Bước 2: Loại bỏ lớp nilon bọc bên ngoài bầu đất để rễ cây phát triển nhanh. Phải làm cẩn thận tránh gây tổn thương cho rễ cây.
Bước 3: Đặt cây hoa trà my đã chuẩn bị vào chính giữa chậu, lấp đất lại và ấn nhẹ sao cho cây đứng vững chắc.
Bước 4: Tưới nước đều đặn để giữ độ ẩm ổn định cho cây, kích thích cây ra rễ mới và hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Cách 2: Trồng hoa trà my trong vườn
Bước 1: Đào hố to hơn so với bầu đất của cây
Bước 2: Loại bỏ lớp nilon bọc bên ngoài bầu đất để rễ cây phát triển nhanh. Phải làm cẩn thận tránh gây tổn thương cho rễ cây. Dùng vòi xịt loại bỏ phần đất xung quanh bầu đất, chỉ giữ lại phần rễ.
Bước 3: Cho đất vào hố bằng 1/3 chiều sâu của hố đất.
Bước 4: Đặt cây hoa trà my đã chuẩn bị vào chính giữa hố, lấp đất lại và ấn nhẹ sao cho cây đứng vững chắc.
Bước 5: Tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm ổn định cho cây, kích thích cây ra rễ mới và hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Do cây mới trồng nên chưa chịu được ánh nắng gay gắt, bạn nên có phương pháp che chắn cho cây cẩn thận.
Bước 6: Vun đất vào xung quanh gốc và tạo các rãnh để đất thoát nước tốt khi trời mưa.
Kỹ thuật chăm sóc hoa trà my
Mặc dù cây trà my dễ trồng dễ chăm sóc nhưng khi trồng cây, bạn vẫn cần lưu ý một số điểm như sau để chăm sóc hoa trà my tốt nhất.
1. Nhiệt độ và ánh sáng
Hoa trà my thích nghi rất nhanh với khí hậu và thời tiết các vùng miền của Việt Nam. Vì thế nên cây phát triển tương đối tốt. Là loài cây ưa sáng và ưa ẩm nên bạn hãy chọn đặt cây ở những vị trí thông thoáng, ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc chiếu xuyên. Tuy nhiên, nên có các biện pháp che chắn cho cây khi ánh nắng gay gắt. Cây phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 28 - 35 độ C.
2. Nước tưới
Hoa trà my là giống cây ưa ẩm nên rất phù hợp với khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải luôn giữ cho đất trồng cây có độ ẩm ổn định, không nên tưới quá đẫm mà cũng không nên để đất quá khô. Vào những mùa mát mẻ, có thể tưới 1 lần/ngày, tưới vào đất và tưới trên lá dạng phun sương vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, bạn có thể tăng lượng nước tưới và tần suất tưới cho cây. Trung bình mỗi ngày nên tưới 2 lần vào thời điểm mát mẻ vào buổi sáng sớm và chiều mát.
Khi tưới, nên dùng vòi phun sương để tưới cho cả phần lá cây, thân cây và gốc. Không nên tưới vòi mạnh vào gốc vì có thể làm xói mòn đất. Việc tưới nước bằng vòi phun sương giúp cung cấp độ ẩm cho cả thân cây, lá, gốc và rễ cây.
Khi cây bắt đầu nở hoa, có thể giảm lượng nước và tần suất tưới cho cây, chỉ tưới khi bạn thấy mặt đất bắt đầu khô. Khi cây đã ra hết hoa, bạn có thể tưới nước lại như bình thường. Bạn chỉ nên tưới vào phần thân cây, lá và gốc cây, tuyệt đối không tưới vào hoa.
* Lưu ý: Hoa trà my là loài hoa ưa ẩm nhưng yêu cầu nước sạch, không có hoá chất hoặc clo. Nếu bạn sử dụng nước máy để tưới cho cây, nên để qua đêm để clo bay hết sau đó mới tưới cho cây.
Hồng trà nở hoa
3. Bón phân
Hoa trà my là loài hoa không ưa phân bón hoá học, nên bón phân cho cây bằng các loại phân bón hữu cơ. Nên sử dụng phân chuồng hoai mục đã ủ kỹ hoặc phân hữu cơ. Cây không cần nhiều phân bón nên khi bón bạn nên sử dụng lượng ít hoặc pha loãng để bón. Nếu bón quá nhiều, cây có thể bị xót phân dẫn đến cây bị héo rũ, vàng lá hay thậm chí là chết cây. Tần suất bón phù hợp khoảng 2 lần/tháng.
Nếu không thể bón phân thường xuyên cho cây, bạn có thể trộn phân bón cùng với đất khi trồng cây. Để cây có đủ dưỡng chất sinh trưởng và phát triển. Khoảng tầm tháng 7, tháng 8 bạn nên bón cho cây để có đủ dinh dưỡng sống qua mùa đông và ra hoa vào mùa xuân.
4. Cách chăm sóc lá và hạn chế sâu bệnh
Do cây trà my có khả năng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt nên cây ít khi xuất hiện sâu bệnh. Tuy nhiên, khi chăm sóc, bạn nên quan sát lá nếu dính bẩn hoặc có đốm đen nên cắt tỉa và dùng vòi nước dạng phun sương rửa sạch mặt trên và mặt dưới của lá.
Cắt tỉa cành, lá, quan sát phần gốc xem có bị nhiễm nấm bệnh hay không thì phun thuốc trừ sâu dạng bơm loãng vào hàng tháng, hoặc có thể dùng dung dịch ngâm rượu tỏi, ớt gừng để trừ sâu cho lá. Khi cây bắt đầu ra hoa, không nên sử dụng bất kỳ biện pháp trừ sâu nào để không làm ảnh hưởng đến hoa Trà My.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về hoa trà my. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn có thể tự trồng và chăm sóc cây trà my để nở hoa to, đều, màu sắc tuyệt đẹp.