Kinh nghiệm

Ăn lá ngón tự tử - nỗi ám ảnh ở vùng cao Điện Biên

Tình trạng ăn lá ngón tự tử ở các huyện vùng cao Điện Biên vẫn rất khó kiểm soát. Ảnh: Thanh Bình

Lá ngón là loại cây mọc hoang dại ở khắp núi rừng Tây Bắc, nó có khả năng tái sinh mạnh và có độc tính rất cao. Chỉ cần ăn vài ngọn cây lá ngón là tỉ lệ cứu sống rất thấp, hoặc có cứu được cũng để lại những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe con người.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã xảy ra cả trăm vụ tự tử bằng lá ngón, tỉ lệ tử vong rất cao và một số người được cứu sống cũng phải chịu những hậu quả lâu dài.

Tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ghi nhận khoảng 40 vụ tự tử bằng lá ngón. Trong đó, các vụ tự tử phần lớn là đồng bào dân tộc Mông và tỉ lệ nữ giới chiếm trên 60%.

Trong đó, số người tự tử bằng lá ngón tập trung ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Cụ thể, theo thống kê của UBND huyện Điện Biên Đông, số người tự tử bằng lá ngón có độ tuổi dưới 18 tuổi chiếm 49,91%; từ 19 - 45 tuổi chiếm 45,72%...

Xác định rõ tính chất nguy hiểm của cây lá ngón, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón đến đồng bào các dân tộc nói chung và trong các nhà trường nói riêng.

Ngoài ra, một số địa phương đã tổ chức phát động phong trào toàn dân triệt phá cây lá ngón nhằm phòng tránh tối đa việc ngộ độc và dẫn đến tử vong do ăn lá ngón. Trong đó, tập trung nhổ cây lá ngón ở khu vực xung quanh trường học, khu đông dân cư và dọc các tuyến đường...

Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức và sự bồng bột, suy nghĩ nông cạn nên nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống vẫn tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón.

Trong đó, có những lý do ăn lá ngón tự tử rất đơn giản, như vụ em T.T.M (học sinh lớp 6) ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Chỉ vì buồn chán vì có mẹ mới mất và muốn “đi theo mẹ”, M đã rủ thêm 5 bạn khác cùng đi ăn lá ngón tự tử.

Trong cuộc Hội thảo về thực trạng và giải pháp đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón được huyện Điện Biên Đông tổ chức vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua, các đại biểu cũng có chung nhận định, vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân.

Các đại biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân và bàn các giải pháp đẩy lùi nạn tự tử bằng lá ngón. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung việc tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị sống cho từng lứa tuổi.

Ngoài ra, cần triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới tính, lứa tuổi và dân tộc. Đồng thời nâng cao kỹ năng sống và tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn vùng cao...

Có thể thấy, thực trạng ăn lá ngón tự tử ở đồng bào vùng cao đã tồn tại từ nhiều năm qua, các cấp chính quyền cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự được coi là hiệu quả, bởi việc làm thay đổi nhận thức của người dân không phải chỉ trong một sớm, một chiều...