Hình ảnh đẹp

Chuồn chuồn đang bị đe dọa trên toàn cầu

Chuồn chuồn là biểu tượng cho sự hạnh phúc, sức mạnh, lòng dũng cảm và thành công trong văn hóa Nhật Bản. Nhiều nền văn hóa khác cũng coi chuồn chuồn là biểu tượng của cái thiện hoặc cái ác. Dù cho quan niệm văn hóa khác biệt, các loài chuồn chuồn trên toàn thế giới đều đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về chuồn chuồn và họ hàng gần của chúng, các nhà khoa học nhận thấy rằng số lượng loài chuồn chuồn trên thế giới đang suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do việc tàn phá các vùng đất ngập nước. Nghiên cứu cho hay khoảng 16% trong số 6016 loài chuồn chuồn và chuồn chuồn kim thuộc phân bộ Odonata (gọi chung là chuồn chuồn) đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Mesamphiagrion gaudiimontanum là loài chuồn chuồn xanh lam sinh sống ở vùng bùn lấy phía bắc dãy Andes Colombia. Đây là một loài nguy cấp và có nguy cơ trở nên cực kỳ nguy cấp trong các nghiên cứu tiếp theo. Biến đổi khí hậu, cá xâm lấn, nông nghiệp và khai thác vàng đang đe dọa môi trường sống của loài này. (Ảnh: Viola Clausnitzer/Mongabay).

Cập nhật mới nhất của Sách Đỏ IUCN liệt kê 95 loài chuồn chuồn vào nhóm cực kỳ nguy cấp, 298 loài nguy cấp, 282 loài dễ bị tổn thương và 221 loài gần bị đe dọa. Trong đó, 29% (trong tổng số 1.730) các loài được đánh giá bị thiếu dữ liệu, đồng nghĩa với việc không đủ thông tin để kết luận về mức độ cần bảo tồn.

Số liệu về loài chuồn chuồn kim phản ánh thực trạng suy giảm của các loài côn trùng nghiêm trọng trên khắp thế giới. Hơn một phần tư số côn trùng hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, theo IUCN.

Nhà sinh vật học Jessica L. Ware, phụ trách ngành động vật không xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, nhận xét: “Công trình nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì nó thiết lập dữ liệu cơ bản cho hơn 6.000 loài, đặc biệt là trong giai đoạn thế giới đang chứng kiến ​​sự suy giảm nghiêm trọng của côn trùng. Nghiên cứu cũng chỉ ra những bước quan trọng mà các nhà khoa học cần thực hiện trong những năm tới để hiểu rõ hơn về các mô hình tiến hóa lâu dài và các tác động theo thời gian của biến đổi khí hậu.”

Sự tàn phá của con người đối với các đầm lầy và vùng đất ngập nước, vốn bị coi là “đất hoang” bất chấp các giá trị sinh thái của chúng, là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng các loài chuồn chuồn. Các vùng đất ngập nước là nguồn cung cấp năng lượng sinh thái: lưu trữ carbon, bảo vệ con người khỏi lũ lụt, cung cấp nước sạch và thực phẩm.

Viola Clausnitzer, đồng chủ tịch Nhóm chuyên gia về chuồn chuồn của IUCN cho biết: “Hầu hết các loài chuồn chuồn sống ở các khu rừng nhiệt đới nguyên sơ. Tuy nhiên, môi trường sống của chúng đã bị phá hủy nhiều trong vài năm qua. Việc tàn phá vẫn đang diễn ra ở các khu tái định cư, canh tác quy mô lớn và nhỏ, hoạt động khai thác gỗ.”

Theo IUCN, khoảng 1/4 số loài chuồn chuồn đang bị đe dọa ở Nam và Đông Nam Á, cũng là nơi có số lượng côn trùng đa dạng bậc nhất trên thế giới. Nguyên nhân được cho là các vùng đất ngập nước và rừng nhiệt đới nơi đây phải nhường chỗ cho nông nghiệp và đô thị hóa. Ở Nam và Trung Mỹ, việc phá rừng nhiệt đới để đô thị hóa dẫn đến sự suy giảm lớn số lượng chuồn chuồn. Thuốc trừ sâu, ô nhiễm và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến chuồn chuồn ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Nghiên cứu cũng tuyên bố sự tuyệt chủng của loài chuồn chuồn St. Helena Darter (Sympetrum dilatatum). Loài chuồn chuồn này được ghi nhận lần cuối vào năm 1963, trên đảo núi lửa nhỏ St. Helena ở Nam Đại Tây Dương. Những người khai hoang đầu tiên đặt chân lên hòn đảo vào thế kỷ 16 và họ đã phá hủy phần lớn môi trường sống của loài này và đưa nhiều loài thủy sinh xâm lấn khiến loài này bị tuyệt chủng.

Những con suối đá lộ thiên trong Vườn quốc gia Chimanimani ở Zimbabwe là nơi sinh sống duy nhất của chuồn chuồn rock threadtail (Elattoneura lapidaria), một loài cực kỳ nguy cấp. Khai thác vàng tại các dãy núi trong khu vực gây ra mối đe dọa trực tiếp tới tất cả các loài sinh vật sống dưới nước, đặc biệt là chuồn chuồn và chuồn chuồn kim. (Ảnh: K.D. Dijkstra/Mongabay).

Chuồn chuồn - Thần bảo hộ các vùng đất ngập nước

Con người đang phá hủy các vùng đất ngập nước nhanh gấp 3 lần các khu rừng, khiến chuồn chuồn cũng như nhiều loài khác rơi vào tình trạng nguy hiểm đáng báo động. Dù không được xem trọng trong bảo tồn, các vùng đất ngập nước vẫn là môi trường sống của 10 loài trên thế giới.

Theo bà Clausnitzer: “Chuồn chuồn có thể được sử dụng như vật chỉ thị theo dõi chất lượng và sức khỏe các vùng đất ngập nước, đóng vai trò như “thần bảo hộ”các khu vực này.”

Bất kỳ thay đổi nào về chất lượng nước hay những đặc điểm khác của môi trường sống ở các vùng đất ngập nước đều ảnh hưởng đến loài chuồn chuồn. Các yếu tố như nhiệt độ, độ chua, độ đục hoặc mức độ ô nhiễm của nước có thể làm đảo lộn đáng kể sự tồn tại của các ấu trùng chuồn chuồn.

Theo các nhà nghiên cứu, những loài côn trùng này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch hại trong tự nhiên vì chúng là những kẻ săn mồi hàng đầu ở các vùng đất ngập nước. Ấu trùng chuồn chuồn ăn bọ gậy, giòi gây bệnh trước khi chúng phát triển thành muỗi, ruồi trưởng thành.

Chuồn chuồn Malayan spineleg (Merogomphus femoralis) là loài có nguy cơ tuyệt chủng từ đầm lầy Sarawak ở Malaysia. Mặc dù được mô tả vào năm 1921, cho đến nay, loài này chưa được ghi nhận lại cho đến khi các nhà khoa học phát hiện một quần thể nhỏ trong Rừng đầm lầy Nee Soon ở Singapore và một quần thể khác tại Khu bảo tồn Sungai Penyilam ở Sarawak, h (Ảnh: R.A. Dow/Mongabay).

Vì sao cần bảo tồn chuồn chuồn?

Dựa trên sự suy giảm số lượng côn trùng ở nhiều nơi trên thế giới, một số nhà khoa học gần đây đã cảnh báo về “Ngày tận thế của côn trùng”. Song, phần lớn các loài côn trùng trên thế giới thậm chí còn chưa được phát hiện. Các nhà nghiên cứu ước tính, có khoảng 4,5 triệu loài sinh vật con người chưa có thông tin. Từ năm 2000 đến năm 2009, các nhà nghiên cứu đã bổ sung 88.598 loài mới - trung bình hơn 8.000 loài mỗi năm. Riêng với loài chuồn chuồn, chỉ trong năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 60 loài mới ở Châu Phi.

Mặc dù chuồn chuồn là nhóm côn trùng phổ biến và được công nhận nhưng hiện có tới 1730 loài chuồn chuồn vẫn bị thiếu thông tin. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có thêm các nghiên cứu về phân loại và thông tin sâu hơn về chuồn chuồn.

Để bảo vệ các loài chuồn chuồn, chúng ta cần bảo vệ các vùng đất ngập nước - môi trường sống của chúng. Bà Clausnitzer gợi ý, các vùng đất ngập nước, suối và sông nên có các vùng đệm ven sông - các dải đất được bảo vệ bên cạnh các nguồn nước ngọt, không bị nông nghiệp và xây dựng lấn chiếm. Điều quan trọng là các chính phủ, ngành nông nghiệp và công nghiệp phải xem xét việc bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước trong các dự án phát triển, chẳng hạn như bảo vệ các môi trường sống chính và dành không gian cho các vùng đất ngập nước đô thị.

Chất lượng nước cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn loài chuồn chuồn. Bà Ware nói: “Chúng ta nên tránh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường bằng thuốc trừ sâu vì nó sẽ ảnh hưởng đến con mồi của chuồn chuồn, hoặc thay đổi chất lượng nước ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ấu trùng chuồn chuồn.”

Một số giải pháp bao gồm: ngăn chặn các nguồn nước thải, hoạt động khai thác mỏ và chất thải công nghiệp gây ô nhiễm các dòng sông. Việc cải thiện các biện pháp bảo vệ các vùng đất ngập nước trên thế giới sẽ không chỉ cứu hàng nghìn con chuồn chuồn mà còn vô số loài khác, đồng thời cung cấp cho chúng ta chất lượng nước tốt hơn, lưu trữ được nhiều carbon hơn.

Nhật Bản, nơi 1/4 số loài chuồn chuồn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đã xây dựng khu bảo tồn đầu tiên trên thế giới dành riêng cho chuồn chuồn: Bảo tàng Vương quốc chuồn chuồn Shimanto. Các thành phố như Yokohama cũng đã khôi phục hàng trăm ao nuôi chuồn chuồn, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng những những chú chuồn chuồn tự do chao lượn trên mặt nước.

Thùy Dung (Theo Mongabay)