Sứa biển là loài nhuyễn thể thân mềm, nguồn thực phẩm phong phú từ biển, dễ chế biến thành món ngon được nhiều người ưa chuộng.
Sứa có nhiều ở Việt Nam, giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g sứa có 12,3g chất đạm, 0,1g chất béo, 3,9g chất đường, 182mg canxi, 9,5mg sắt, 132mg iode.
Sứa nhiều protein, giàu chất oxy hóa, đặc biệt sứa chứa omega 3 và omega 6, pholyphenol, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong đó, pholyphenol có tác dụng thúc đẩy chức năng não, phòng một số bệnh mạn tính bao gồm tim mạch, tiểu đường type 2 và ung thư.
Những lưu ý khi ăn sứa biển
Có nhiều loại sứa khác nhau, nhưng không phải loại nào cũng ăn được. Với các loại sứa được dùng làm thực phẩm thì không có độc. Tuy nhiên, sứa biển nếu không chế biến đúng cách sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng. Quá trình ăn cũng cần lưu ý bởi có thể gây dị ứng, sốc phản vệ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu bạn chưa ăn sứa bao giờ ban đầu chỉ nên ăn với số lượng nhỏ, sau đó không thấy phản ứng gì thì mới ăn nhiều hơn để phòng khả năng bị dị ứng. Khi ăn, cần đảm bảo quy tắc an toàn thực phẩm, chỉ ăn sứa đã qua chế biến đúng cách, không ăn sứa biển tươi.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em, chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách.
Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn.
Không nên ăn quá nhiều sứa để tránh nguy cơ bị dư thừa lượng nhôm trong cơ thể, bởi khi sơ chế sứa, nhiều người có thể sử dụng phèn để ngâm. Đây là một hợp chất hóa học thường được gọi là nhôm kali sunfat, đôi khi được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản thực phẩm.
Mặc dù được phép dùng trong thực phẩm, tuy nhiên nếu ăn nhiều sẽ khiến hàm lượng nhôm quá cao có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và bệnh viêm ruột.
Ai không nên ăn sứa biển
Mặc dù là món ăn bổ, mát, tốt cho sức khỏe nhưng những nhóm người dưới đây cần thận trọng khi ăn kể cả sứa đã được chế biến hoặc nấu chín, cụ thể:
- Người tiền sử dị ứng hải sản
- Người mới ốm dậy
- Người đang bị suy nhược cơ thể
- Người tiền sử ngộ độc thực phẩm trước đó.
Đặc biệt, trẻ em dưới 8 tuổi không nên ăn sứa do hệ miễn dịch còn kém, nguy cơ bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn.