Kinh nghiệm

Thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh

1. Đậu xanh và thành phần dinh dưỡng

1.1 Đặc điểm của đậu xanh

Đậu xanh (hay đỗ xanh) còn được gọi là đậu chè, đậu tắt, lục đậu, có tên khoa học là Vigna radiata. Cây đậu xanh thuộc loại cây thân thảo, mọc đứng, chiều cao khoảng 50cm, lá có lông ở cả 2 mặt, hoa nở ở nách lá và có màu vàng lục. Quả đậu xanh hình trụ, mảnh và có lông, bên trong chứa nhiều hạt có hình trụ ngắn, màu xanh, ruột vàng và có mầm ở giữa.

Hạt đậu xanh có kích thước nhỏ với đường kính chỉ khoảng 2 - 2,5mm. Hạt đậu xanh phơi khô được dùng làm thực phẩm, chế biến các món ăn như xôi, cháo, chè, bánh, làm miếng, ngũ cốc dinh dưỡng hoặc ủ lên mầm làm giá đỗ.

Đậu xanh được tiêu thụ rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,... và cả Việt Nam.

1.2 Thành phần dinh dưỡng của đậu xanh

Thành phần dinh dưỡng có trong 100g đậu xanh là:

  • Năng lượng: 328 Kcal - 1371 KJ;
  • Carbohydrate: 53,1 g;
  • Chất xơ: 4,7g;
  • Chất đạm: 23,4 g;
  • Chất béo: 2,4 g;
  • Sắt: 4,8 mg;
  • Magie: 270 mg;
  • Canxi: 64 mg;
  • Phốt pho: 377 mg;
  • Kali: 1132 mg;
  • Các chất khác: Natri (6 mg), vitamin C (4 mg), Kẽm (1,1 mg), vitamin nhóm B, Folate, vitamin E, vitamin K, beta-carotene,...

Ngoài ra, loại đậu này cũng chứa nhiều loại axit amin thiết yếu như phenylalanine, isoleucine, valine, leucine, lysine, arginine,...

2. Lợi ích của đậu xanh

2.1 Tác dụng của đậu xanh đối với sức khỏe

  • Phòng ngừa ung thư đại tràng: Ăn đậu xanh giúp duy trì hệ tiêu hóa ổn định, giảm áp lực lên đường ruột, từ đó ngăn ngừa polyp đại tràng - nguy cơ dẫn tới ung thư. Đồng thời, tăng lượng thực phẩm chứa đậu xanh cũng giảm tái phát u xơ tuyến tiền liệt và phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa;
  • Giảm huyết áp: Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Lượng kali, magie và chất xơ dồi dào có trong đậu xanh giúp giảm huyết áp hiệu quả;
  • Kiểm soát đái tháo đường: Với hàm lượng chất xơ và protein cao, đậu xanh giúp làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu. Đồng thời, chất chống oxy hóa vitexin và isovitexin trong đậu xanh còn có tác dụng làm giảm đường huyết và giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn, giúp kiểm soát bệnh lý đái tháo đường hiệu quả hơn;
  • Cải thiện miễn dịch: Đậu xanh có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa như carotenoid và flavonoid. Các chất này giúp giảm nguy cơ xảy ra đột quỵ, chống lại ảnh hưởng của các gốc tự do trong cơ thể;
  • Cải thiện thị giác: Carotenoid zeaxanthin và lutein có trong đậu xanh giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa hoàng điểm - nguyên nhân gây giảm thị lực và chức năng mắt. Đồng thời, Carotenoid còn giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm thị lực bằng cách giảm căng thẳng lên mắt, duy trì tầm nhìn và chức năng hoạt động của mắt;
  • Tốt cho tim mạch: Lượng cholesterol cao, đặc biệt là cholesterol xấu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đậu xanh có hàm lượng cao chất xơ, giúp giảm bớt sự hấp thu chất béo, làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Ngoài ra, kali có trong loại thực phẩm này còn giúp duy trì mức huyết áp tốt, giữ cho một trái tim khỏe mạnh;
  • Tốt cho xương: Đậu xanh giàu vitamin K và canxi, có ích đối với việc duy trì một bộ xương chắc khỏe, ngăn ngừa thoái hóa xương và loãng xương;
  • Bảo vệ dạ dày: Chất xơ có trong đậu xanh giúp cải thiện tiêu hóa, loại bỏ phân nhanh, góp phần loại bỏ nhanh các loại độc tố ra khỏi cơ thể. Đồng thời, các chất dinh dưỡng có trong đậu xanh còn làm giảm tình trạng trào ngược axit dạ dày - thực quản, giảm nguy cơ trĩ, táo bón và loét tiêu hóa;
  • Nuôi dưỡng thai nhi: Axit folic có trong đậu xanh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tim, não và hệ hô hấp của trẻ sơ sinh. Đồng thời, axit folic cũng có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tránh ăn giá đỗ sống vì trong giá sống có nhiều vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm;
  • Ngăn ngừa sốc nhiệt: Các chất chống oxy hóa như vitexin và isovitexin có trong đậu xanh giúp bảo vệ các tế bào khỏi các tổn thương do sốc nhiệt.
  • Giải nhiệt: Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, không độc và có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc cơ thể rất tốt. Người bị nóng trong có thể ăn cháo đậu xanh hoặc chè đậu xanh để giải nhiệt;
  • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gout: Hàm lượng chất xơ cao trong đậu xanh giúp tăng cường chuyển hóa protein, giảm hình thành và tích tụ axit uric - nguyên nhân gây bệnh gout. Ngoài ra, hoạt chất flavonoid trong đậu xanh còn ức chế sự phát triển của tình trạng thoái hóa khớp, làm giảm triệu chứng của bệnh viêm khớp và đau khớp do bệnh gout gây ra;
  • Giảm lo âu, căng thẳng: Thành phần dinh dưỡng của đậu xanh gồm có folate và carotenoids, flavonoids - các chất tham gia tích cực vào việc giảm căng thẳng và trầm cảm.

2.2 Tác dụng của đậu xanh đối với làn da

  • Tẩy chất nhờn và tế bào chết trên da: Sau khi trộn đều hỗn hợp gồm 1 muỗng bột đậu xanh và 1 muỗng dầu oliu, người dùng có thể thoa lên da mặt và để khoảng 10 phút. Các hoạt chất từ đậu xanh và dầu oliu có thể hút sạch cặn bẩn, chất nhờn trên da mặt;
  • Làm trắng da: Bột đậu xanh rất giàu tinh bột, chất béo, chất xơ, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E, tiền vitamin K,... Các thành phần này đều rất tốt cho da, có công dụng loại bỏ độc tố khỏi da, giúp da sáng đẹp hơn. Vì vậy, đây là nguyên liệu tự nhiên giúp làm sáng da hiệu quả;
  • Giảm tình trạng rám nắng: Các khoáng chất có trong đậu xanh giúp da giảm rám nắng, hạn chế ảnh hưởng của các tia cực tím lên da. Sử dụng bột đậu xanh làm mặt nạ chăm sóc da sẽ phát huy hiệu quả chống rám nắng rất tốt.

3. Một số phản ứng phụ có thể gặp khi sử dụng đậu xanh

Tuy là một loại thực phẩm ít có nguy cơ phản ứng phụ nhưng người dùng vẫn cần lưu ý khi sử dụng đậu xanh vì nó vẫn tồn tại một số tác dụng phụ:

  • Nếu tiêu thụ quá mức đậu xanh, chất phytate - axit phytic trong loại thực phẩm này có thể làm thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cơ thể. Cụ thể, axit phytic liên kết với kẽm, canxi và các khoáng chất quan trọng khác, đồng thời ngăn cản cơ thể hấp thu các chất này. Vì vậy, nếu bị các rối loạn khác gây thiếu khoáng chất, tốt nhất người dùng không nên ăn nhiều đỗ xanh. Đồng thời, có thể nấu hoặc ngâm đậu xanh để giảm lượng axit phytic, không nên ăn đậu xanh dạng thô;
  • Lectin có trong đậu xanh có thể gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa như gây đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi,... nếu tiêu thụ quá nhiều. Vì vậy, khi muốn sử dụng đậu xanh, để giảm hàm lượng lectin trong loại thực phẩm này, tốt nhất người dùng nên nấu ở nhiệt độ cao hoặc ngâm nước trong thời gian dài;
  • Không ăn đậu xanh khi chân, tay lạnh, đau nhức cơ thể hoặc đi ngoài phân lỏng vì việc ăn thực phẩm này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn;
  • Không ăn đậu xanh khi đói bụng vì đậu xanh có tính hàn, ăn khi đói sẽ gây hại cho dạ dày;
  • Khi đang uống thuốc Đông y, cần hỏi ý kiến của lương y trước khi ăn đậu xanh vì nó có thể làm giảm tác dụng của thuốc;
  • Dị ứng: Một số người bị dị ứng với đậu xanh với biểu hiện nổi mẩn ngứa, mề đay, phát ban nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng loại thực phẩm này.

Đậu xanh sở hữu nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, đậu xanh có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy, việc sử dụng đậu xanh trong những trường hợp đặc biệt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để dùng đúng liều lượng và cách chế biến.

XEM THÊM

  • Ăn trứng gà bao nhiêu quả/tuần là đủ
  • Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn
  • Thành phần dinh dưỡng của rau ngót