Kinh nghiệm

Mùa xuân và tục khai bút của người Việt

Ảnh minh họa.

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 1992, trang 488 thì “Khai bút là: cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa”. Cũng có thể hiều, khai bút là thủ tục cầm bút viết lần đầu tiên vào đầu năm mới của giới trí thức, sĩ tử, học trò.

Cho đến nay, dường như chưa có một công trình nào ghi chép và khẳng định một cách chính xác về thời điểm ra đời của tục khai bút. Tương truyền, tục này xuất hiện ở Việt Nam gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học. Sử sách cũng lưu danh ông là “Ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam.

Sử sách ghi lại rằng Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, luôn lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Các học trò của thầy giáo Chu Văn An cũng kể lại rằng, khi học trò đến thăm thầy, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Cũng từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Theo đó, tục khai bút ngày xưa thường được các ông đồ hoặc những người làm quan, các học trò thực hiện với những nghi thức nghiêm cẩn, bên cạnh ước nguyện về sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới còn là sự đề cao đối với chữ thánh hiền thông qua tục cho chữ. Hoạt động này thuở đó cũng thường được thực hành vào sau thời khắc giao thừa, thời khắc đầu tiên của năm mới với tâm thức “Tân Xuân khai bút bút sinh hoa/Bút tòng phụ tử, bút nhập văn tường, bút quán Ngũ kinh”.

Mặc dù là một tập tục đẹp không thể thiếu vào ngày đầu năm mới của giới trí thức nhưng tiếc rằng, các ghi chép về tục khai bút ở trong các sách phong tục tập quán xưa và nay còn rất ít ỏi. Tìm hiểu qua các sách về phong tục tập quán nói chung của Việt Nam đã được xuất bản có thể thấy các ghi chép đều rất đơn giản, ngắn gọn. Chẳng hạn như:

Toan Ánh trong Nếp cũ (NXB Trẻ, 2012, trang 140) đã viết về tục này như sau: “Nhà văn, nhà thơ thường có lệ khai bút đầu năm vào ngày Nguyên đán. Các văn nhân, thi sĩ sẵn sàng son mực bút nghiên giấy tờ, đốt bình trầm trước án thư kén giờ hoàng đạo khai bút viết văn làm thơ. Thơ làm xong, gặp có khách đến nhà hoặc khi đến bạn hữu chúc Tết, người nọ đọc cho người kia nghe rồi cùng ngâm vịnh”.

Quảng Tuệ ghi chép trong Một số phong tục nghi lễ dân gian truyền thống Việt Nam (NXB Văn hóa dân tộc, 2004, trang 52) rằng: “Xưa các nhà Nho, những người đang học hành có tục khai bút đầu xuân, vào dịp Tết Nguyên đán. Để khai bút, họ chọn ngày đẹp và giờ hoàng đạo. Lúc khai bút có thể làm một bài thơ vui hoặc có nội dung thanh cao. Cũng có khi khai bút chỉ viết những chữ chỉ niềm vui, điều tốt. Khi khách đến thăm nhà hoặc đi thăm ai đó, họ mang theo bài thơ đã làm đọc cho mọi người nghe rồi bình. Nghe nói, việc khai bút vào những ngày Cát đầu năm như vậy thì việc bút nghiên, học hành, nghiên cứu trong năm nhiều thuận lợi. Tục này còn truyền đến ngày nay đối với học sinh, trí thức, họ chọn những ngày Cát đầu năm mang việc ra viết hoặc làm bài đối với học sinh, sinh viên”.

Sách Lễ tục hàng năm và phong tục thờ cúng của người Việt (NXB Văn hóa Thông tin, 2005, trang 33 có ghi như sau: “Khai bút là năm mới cầm bút viết lần đầu. Thông thường, ngày xưa những người hay viết như các ông đồ, các nhà nho và những người làm việc quan, đều coi việc khai bút là hệ trọng. Hiện nay, việc khai bút được nhà nước tổ chức thành nghi lễ khai bút trong đêm giao thừa cùng một số nghi lễ khác. Những người cầm bút đầu xuân là những nhà nho có học vấn uyên thâm và là những người đức độ được kính trọng. Vào giờ khắc ấy những học trò cùng nhau chọn giờ để khai bút cầu mong học hành tấn tới, đỗ đạt cao”.

Sách 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam của Tân Việt (NXB. Văn hóa dân tộc, 1993, trang 139) trong mục Ngày Tết có những phong tục gì? Tác giả đã có ghi chép rất thú vị về Câu chuyện khai bút:

“Tôi nhớ lại thuở còn thơ ấu, năm đầu tiên đi học chữ Hán, ngay từ sáng 30 Tết, bố tôi mua sắm mấy tờ giấy hồng điều. Một đôi câu đối được viết để trang hoàng bàn thờ, còn để dành lại hai tờ giấy có kẻ dòng sẵn, một dành cho bố, một dành cho con khai bút. Bố tôi viết sẵn cho tôi bảy chữ “Minh niên khai bút, bút khai hoa”, bảo tôi học thuộc lòng, nắn nót luyện cho chữ thật tinh, thật đẹp, xong cụ thu lại bắt viết trầm không sót nét nào. Cúng giao thừa xong, tôi được cùng gia đình phá cỗ, nhận tiền mừng tuổi. Đúng giờ định sẵn, hai bố con bắt đầu cầm bút. Chỉ có bảy chữ, tôi nắn nót mãi chưa xong, bố tôi đã làm xong bài thơ Đường. Khi hai bố con viết xong, bố dán cả hai tờ vào chỗ trang trọng nhất trong phòng khách. Sáng mồng một, các chú tôi sang nhà cúng lễ, giả vờ không biết, cứ tấm tắc không biết ai viết mà chữ đẹp thế. Tôi hý hửng mở cờ trong bụng, nhưng chú lại vừa đọc vừa ngâm nga “Minh niên khai bút, bút mèo quào”...”.

Như vậy, dù các ghi chép thành văn khá ít ỏi song có thể thấy khai bút là một tục lệ không thể thiếu của những người học trò khi xưa vào dịp đầu năm khi tết đến xuân về với mong muốn một năm học hành tấn tới, thi cử gặp may mắn. Nếu tìm hiểu thêm trong Hương ước của các làng xã, nhất là các làng xã có hội Tư văn của Bắc kỳ thì có thể thấy, Khai bút đầu xuân ngoài tục lệ sau tiết giao thừa được những người có học vận dụng thì còn là một hoạt động đầu xuân của các hội Tư văn ở các làng, các xã, các tổng. Tục khai bút khi đó cũng còn là một tiết lệ diễn ra sau lễ hạ điền ở một số làng xã Bắc Kỳ và không chỉ là thi viết chữ đẹp mà còn là thi thơ, thi câu đối... Và, cũng theo tác giả Tân Việt thì “làng xã có nhiều bài khai bút hay, đọc trong buổi bình văn khai hạ là làng xã có văn phong rạng rỡ, nhân kiệt địa linh”.

Chính vì cái hay, cái đẹp và tinh thần trọng học của tục khai bút mà tục khai bút đã không chỉ là tục lệ của những người học chữ Nho thời khoa cử phong kiến trước kia mà còn phổ biến cả các giai đoạn về sau. Thậm chí còn có thể coi là một tục nghề hay tục hèm của nghề, của giới văn nghệ sĩ (các nhà viết văn, viết kịch, họa sĩ). Thời gian để thực hành tục khai bút thường diễn ra vào sau Giao thừa nhưng người trong giới cũng thường chọn thời điểm “cát thời, cát nhật” để viết, vẽ, cầu may, hy vọng cho nghề viết trong năm được phát đạt.

Khoảng vài chục năm trở lại đây, tục khai bút đã được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau và trở thành một nét đẹp văn hóa rất độc đáo của Việt Nam. Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp…. Do đó, khai bút không chỉ có những người gắn với nghiệp cầm bút thì mới khai bút mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng của mình trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của Internet và sự phát triển của các trang báo mạng như hiện nay thì thông tin về tục khai bút cũng được đề cập nhiều hơn. Có trang thì đăng tải các bài viết nói về tục này trong truyền thống; có các trang thì đưa tin về thủ tục tổ chức tục này hoặc đưa ra các gợi ý để có thể khai bút đầu xuân thêm ý nghĩa. Chính vì vậy, ngày nay mỗi khi Tết đến, Xuân về thì tục khai bút lại được triển khai nhiều hơn dưới nhiều hình thức, phương tiện khác nhau.

Nếu thuở trước các ông đồ, các Nho sĩ khi khai bút thường chuộng viết lên giấy đỏ những câu đối hay, những chữ mang ước vọng về một năm mới tốt lành, thì thời nay, khai bút đầu xuân cũng có thể bắt đầu bằng một vài câu thơ ngẫu hứng trong không khí háo hức chào đón tết đến xuân về với nhiều điều may mắn. Cũng có những người thích khai bút bằng những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng bản thân, tặng cho gia đình hoặc người thân.

Lứa tuổi học trò ngày nay thì thực hành khai bút không chỉ trên giấy vở mà còn có rất nhiều sáng tạo độc đáo, chẳng hạn như sử các ứng dụng công nghệ để vào các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram… rồi viết các dòng trạng thái, tạo thiệp để chia sẻ cảm xúc và tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trước thềm năm mới. Hoặc sử dụng các phần mềm lập trình để tạo ra những hình ảnh, video clip để “khai bút” dưới sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Hoặc đơn giản hơn thì chọn một ngày hoàng đạo trong dịp đầu xuân (thường là trong khoảng từ mùng 1 đến mùng 5 Tết) rồi làm bài tập để lấy “hên” với hy vọng sẽ giải quyết đống bài tập năm nay nhanh nhất có thể. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn tham gia khai bút trực tuyến bằng vài bài kiểm tra trắc nghiệm nhỏ trên các trang Web học tập để nhận lì xì Tết. Nhiều bạn nhỏ có thể theo bạn bè, gia đình đi lễ, cầu may, xin chữ hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động viết và cho chữ ở các trung tâm tôn giáo, triển lãm…

Hiện nay, các cấp chính quyền ở nhiều địa phương cũng tổ chức lễ khai bút đầu xuân khá quy mô vừa để chúc mừng năm mới vừa gắn với việc tưởng niệm các danh nhân văn hóa. Tiêu biểu có thể kể đến là lễ khai bút tại hai ngôi đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở thành phố Hà Nội, ở tỉnh Hải Dương (gắn với hoạt động thờ tự nhà giáo Chu Văn An); lễ khai bút ở Khu Văn hóa núi Bài Thơ, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (gắn với hoạt động tưởng niệm hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông). Tùy từng địa phương mà Lễ Khai bút được tổ chức với các hoạt động khác nhau. Chẳng hạn như ở Hải Dương, ngoài các hoạt động chính là: Lễ dâng hương, lễ cáo yết, lễ rước, lễ khai bút… thì còn tổ chức triển lãm lịch sử truyền thống khoa bảng và các di tích nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”; tổ chức vinh danh và phát phần thưởng cho các học sinh giỏi, tổ chức xin chữ, cho chữ… Điểm nhấn của các hoạt động được tổ chức quy mô ở các địa phương này là lễ khai bút được thực hiện long trọng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thuộc các ban ngành, qua đó gửi gắm những thông điệp về chủ đề giáo dục của nước nhà như “Học để làm người”; “Học thầy không tày học bạn”; “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Học, học nữa, học mãi”; “Học một biết mười”; “Học đi đôi với hành”; “Tiên học lễ, hậu học văn”...

Tại Hải Phòng, từ năm 2012, tục khai bút đã được nâng lên thành lễ hội, được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy) do Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy phối hợp với các đơn vị tổ chức. Lễ hội là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của triều Mạc, một trong những triều đại khoa bảng cực thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 22 khoa thi, lấy đỗ 485 Tiến sĩ các hạng, trong đó có 13 Trạng Nguyên. Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm được tổ chức trang trọng, thu hút du khách cả trong và ngoài nước cùng đông đảo các em học sinh từ các trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trải qua hơn một thập kỉ, Lễ hội Khai bút đầu xuân ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động lễ hội mùa Xuân của Hải Phòng. Lễ hội vừa nhằm tưởng nhớ, tri ân các Tiên đế Vương triều Mạc, vừa giáo dục lòng hiếu học đối với thế hệ trẻ. Qua đó cũng bồi đắp thêm kiến thức lịch sử, ý thức giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa lịch sử ngàn đời cho các thế hệ trẻ. Trong chương trình lễ hội, mỗi năm Ban tổ chức sẽ ra một chủ đề, các em học sinh tham gia sẽ căn cứ vào đó để viết khai bút là các đoạn văn ngắn gửi gắm ước mơ về học tập, mong muốn đóng góp trí lực góp phần xây dựng và phát triển quê hương. Sau khi viết xong bài viết sẽ được đội tế lễ dâng lên trước lư hương Trung thiên và trình tấu tới các vị tiên đế của triều Mạc.

Lễ hội Khai bút đầu xuân hàng năm được tổ chức tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách và nhân dân không chỉ góp phần duy trì thuần phong mĩ tục đẹp của người Việt dịp Tết đến Xuân về mà còn từng bước hình thành điểm nhấn trong tuor, tuyến du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh của thành phố Hải Phòng. Hoạt động này cũng có thể nhân rộng ra nhiều địa phương để vừa góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Việt ngày đầu Xuân, vừa góp phần phát triển phong trào khuyến học trong thế hệ trẻ, mặt khác cũng góp phần phát triển du lịch tâm linh và thu hút khách du lịch.

Như vậy, dù được thực hành với hình thức nào thì tục khai bút đầu Xuân vẫn là sự phản ánh sâu sắc truyền thống hiếu học của người Việt Nam từ xưa đến nay. Trong bối cảnh mục tiêu lâu dài của Đảng ta đã và đang đặt ra là xây dựng nước Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Muốn thực hiện được mục tiêu cao cả đó thì một trong những vấn đề cần được quan tâm là chăm lo giải quyết tốt các vấn đề về dân sinh, dân trí, dân chủ của mỗi thế hệ sao cho phù hợp và phải thấm đẫm những giá trị văn hoá, chuẩn mực về đạo đức mà các thế hệ trước đã xây dựng, trao truyền lại. Tục khai bút chính là một nét đẹp thuần phong mĩ tục của dân tộc Việt, không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng khơi gợi khả năng sáng tạo, tinh thần cầu thị và sự khai phóng trong tinh thần học tập mới của thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hoá.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ TÔ HOÀI

Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam