Kinh nghiệm

Long não có tác dụng gì với sức khỏe? Lưu ý gì khi dùng?

Long não hay còn gọi là Camphor được chứng minh đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Để hiểu hơn về thành phần, công dụng, lưu ý khi dùng long não, bạn hãy tham khảo ngay những chia sẻ dưới đây từ Nhà thuốc Long Châu.

Tìm hiểu chung về long não

Long não là một loại hợp chất hữu cơ thường được sử dụng trong các loại kem, thuốc bôi, thuốc mỡ và dầu thơm. Long não hoặc bột long não còn được gọi là Camphor, trong y học hiện đại được thu bằng phương pháp chưng cất gỗ, rễ và lá của cây long não. Nồng độ long não trong gỗ thường là 1.3%, trong lá là 1%, trong rễ khoảng 0.8% và trong cành là 0.3%. Hàm lượng long não trong các bộ phận của cây có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của cây, tức là cây càng già sẽ cho tỷ lệ long não càng cao.

Long não có thể được sử dụng tại chỗ để giảm đau nhức, giảm kích ứng và ngứa ngáy trên da. Đây cũng là nguyên liệu được sử dụng để làm giảm tắc nghẽn ngực cũng như giảm viêm. Theo các phân tích hóa học về thành phần của long não, nguyên liệu này chứa các thành phần gồm:

  • 51,3% D-camphor;
  • 4.3% 1.8-cineole;
  • 3.8% a-terpineol.
Long não được thu được từ việc chưng cất lá, thân, rễ,... cây long não

Long não có gây hại không?

Khi tìm hiểu về long não, nhiều người không khỏi lo lắng liệu long não có hại với sức khỏe hay không. Long não là nguyên liệu có mùi vị tương đối mạnh, dễ hấp thụ qua da nên khi sử dụng cần cẩn trọng để tránh tác dụng phụ không mong muốn, điển hình như gây thiếu máu ở trẻ em, tăng nguy cơ ung thư, ngộ độc cấp,…

Đặc biệt, khi dùng long não ở liều lượng cao từ 0.5 - 1g có thể dẫn đến chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, kích ứng mạnh. Nếu dùng quá 2g sẽ gây mê sảng, co giật hoặc nặng hơn và tử vong. Do đó cần nắm rõ cách sử dụng long não đúng để đảm bảo an toàn và những hiệu quả tốt với sức khỏe. Các chuyên gia cũng khuyến cáo tuyệt đối không nên ăn, nuốt long não hoặc dùng long não trên vùng da bị tổn thương nhằm giảm nguy cơ độc hại.

Lợi ích không phải ai cũng biết của long não

Khi sử dụng quá liều hoặc không đúng cách, long não sẽ làm hại sức khỏe nhưng nếu biết cách dùng đúng, long não đem đến rất nhiều lợi ích như:

Làm dịu, giảm kích ứng da

Các loại kem dưỡng ẩm, kem bôi ngoài da hiện nay có chứa thành phần long não nhằm giảm kích ứng, giảm ngứa ngáy trên da nhờ đặc tính kháng khuẩn, chống nấm và thích hợp chữa lành vết nhiễm trùng của nguyên liệu này. Bên cạnh đó, long não còn có hiệu quả trong việc điều trị vết thương và các nếp nhăn do tia UV gây nên trên da, kích thích tăng sinh elastin và collagen để da căng đầy, phục hồi nhanh hơn.

Long não trong kem bôi da có tác dụng kháng viêm, chữa lành vết thương, tăng sinh elastin và collagen

Giảm đau

Một tác dụng nữa cũng rất tuyệt của long não là giảm đau và giảm viêm. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng các loại thuốc dạng xịt có chứa long não với thành phần tự nhiên khác như tinh dầu bạc hà, bạch đàn,… phát huy hiệu quả tốt trong việc giảm nhẹ cơn đau hiệu quả.

Việc sử dụng long não dạng xịt hoặc kem bôi trên vị trí các khớp, vai, lưng dưới 14 ngày bạn có thể sẽ cảm nhận ngứa ngáy, nóng hoặc mát lạnh,… Đây đều là phản ứng bình thường khi sử dụng sản phẩm long não nên bạn không cần quá lo lắng, những triệu chứng này sẽ dần biến mất và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, làm việc,… của bạn.

Trị bỏng

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp long não trong bảng thành phần của một số loại thuốc chữa bỏng da vì đây là nguyên liệu có công dụng giảm đau, giảm viêm và kích thích da mau lành hơn. Nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh kem bôi có chứa long não, dầu mè hoặc mật ong có khả năng rút ngắn thời gian điều trị vết thương tốt hơn hẳn so với việc sử dụng vaseline thông thường.

Giảm ho bằng long não

Các loại tinh dầu có chứa thành phần long não có hiệu quả tương tự thuốc thông mũi và giảm ho rất tốt. Các nhà khoa học cũng cho biết thực hiện xông hơi với tinh dầu long não giúp bệnh nhân giảm ho rõ rệt, tình trạng nghẹt mũi cũng ít hơn và không còn khó ngủ, mất ngủ như trước nữa.

Xông hơi với tinh dầu có chứa long não hỗ trợ giảm ho, giảm cảm giác khó chịu khi bị nghẹt mũi

Điều trị viêm khớp

Sản phẩm có chứa long não có tác dụng giảm đau, giảm viêm và thích hợp cho người bị viêm khớp. Việc sử dụng các loại kem bôi chứa long não sẽ giúp bạn cảm thấy nóng rát, mát lạnh hoặc khó chịu trên bề mặt da nhưng những triệu chứng này không tồn tại lâu mà sẽ biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên lạm dụng long não để giảm đau, điều trị tại nhà mà cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định thuốc uống, thuốc bôi cụ thể.

Chữa nấm móng chân

Khả năng kháng nấm của long não đã được khoa học chứng minh tốt cho bệnh nhân bị nấm móng chân, hỗ trợ điều trị và phục hồi vết thương hiệu quả. Một nghiên cứu thực hiện năm 2011 cũng chỉ ra được các sản phẩm có thành phần long não, tinh dầu bạc hà, dầu khuynh diệp, bạch đàn,… đem lại hiệu quả tích cực với tình trạng nấm móng chân từ nặng đến nhẹ. Mỗi ngày thoa thuốc bôi chứa long não lên chỗ bị nấm móng thì có 3 - 4 ghi nhận kết quả cải thiện chỉ sau vài ngày.

Lưu ý cần biết khi dùng long não

Như bạn đã biết, long não dùng đúng cách có nhiều tác dụng nhưng nếu dùng sai sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là ngộ độc, tử vong nên với nguyên liệu này, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Không dùng long não cho trẻ em và phụ nữ mang thai: Hiện nay, chưa có đủ thông tin về hiệu quả, tác dụng phụ của long não đối với trẻ em và bà bầu nhưng đây vẫn là những đối tượng không nên dùng long não. Một số ý kiến cho rằng long não có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và làm hại cho làn da non nớt của trẻ.
  • Không dùng cho người bị bệnh gan: Dùng long não trực tiếp qua đường uống hoặc bôi có thể làm gan bị tổn thương và nghiêm trọng hơn bệnh lý về gan nên bạn cần hết sức cẩn trọng khi dùng.
Người mắc vấn đề về gan không nên sử dụng long não

Hy vọng với những chia sẻ trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về long não cũng như những tác dụng của nguyên liệu này đối với sức khỏe. Trong bất kỳ trường hợp nào, người bệnh không nên sử dụng trực tiếp long não mà cần có sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể của bác sĩ nhằm tránh tác dụng phụ, biến chứng không mong muốn.

Xem thêm:

Tác dụng của tinh dầu hương thảo không phải ai cũng biết

Top 5 loại dầu gió thơm được ưa chuộng nhất hiện nay

Ngửi mùi băng phiến có độc không? Những điều cần lưu ý