Từ lâu, mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc đã được lưu truyền trong dân gian và phương pháp này như một phép màu giúp cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ một cách đáng kể. Trước khi tìm hiểu về mẹo dân gian này, hãy cùng Nhà thuốc điểm qua một vài nét về tình trạng trẻ chậm nói nhé.
Tổng quan về tình trạng trẻ chậm nói
Lời nói là phương tiện giao tiếp bằng lời và được thể hiện qua âm thanh. Lời nói bao gồm 3 phần chính đó là phát âm, giọng nói và sự lưu loát. Khi trẻ phát âm thành tiếng nhưng người xung quanh lại không hiểu trẻ đang nói gì thì được đánh giá là có rối loạn lời nói. Ví dụ: Trẻ bị tật nói ngọng, nói lắp...
Ngôn ngữ là phương tiện dùng để thể hiện cũng như tiếp nhận thông tin thông qua cử chỉ hoặc lời nói. Đây là thước đo thể hiện trí thông minh. Chính vì vậy, rối loạn phát triển ngôn ngữ thường nghiêm trọng hơn rất nhiều so với rối loạn lời nói.
Theo thống kê, tình trạng trẻ chậm nói đang có xu hướng ngày càng gia tăng khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Chậm nói gây ra không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao tiếp, tương tác cũng như hòa nhập xã hội của trẻ nhỏ.
Trẻ được đánh giá là chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ khi ngôn ngữ của trẻ phát triển đúng theo trình tự bình thường nhưng tốc độ chậm hơn so với những trẻ cùng trang lứa.
Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến 2 nguyên nhân chính bao gồm:
- Nguyên nhân bệnh lý: Trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm như tai, mũi họng hoặc có những bất thường tại cơ quan chỉ huy ngôn ngữ như dị tật não bẩm sinh, bại não, di chứng sau viêm màng não hoặc xuất huyết não… dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói. Bên cạnh đó, chậm nói cũng có thể là một biểu hiện cảnh báo trẻ bị tự kỷ.
- Nguyên nhân tâm lý: Việc cha mẹ không đủ sự quan tâm đến con cái sẽ dẫn đến việc trẻ chậm nói hơn những bạn cùng trang lứa. Hay ngược lại, cha mẹ cưng chiều trẻ một cách thái quá cũng dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói. Một số trường hợp trẻ chậm nói do bị ảnh hưởng tâm lý từ một hoặc nhiều biến cố trong cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói sẽ có sự phát triển chậm hơn về mặt ngôn ngữ so với tiêu chuẩn phát triển ngôn ngữ bình thường của từng giai đoạn cũng như độ tuổi. Cụ thể:
- Từ 2 - 6 tháng tuổi: Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, với tiếng cười nói của những người xung quanh, trẻ vẫn chưa có phản xạ nhiều. Tới khi bước sang giai đoạn 4 tháng tuổi, trẻ vẫn không chú ý khi có âm thanh lạ. Khi trẻ bước sang giai đoạn 6 tháng tuổi, khi được làm trò, trẻ vẫn chưa biết tự cười.
- Từ 6 - 12 tháng tuổi: Khi bước sang tháng thứ 8, trẻ vẫn chưa phát âm bập bõm được kể các các âm đơn giản nhất như a, ê… Thêm vào đó, khi có các âm thanh phát ra từ xung quanh, trẻ vẫn không có phản ứng lại. Ngoài ra, trẻ vẫn không thể hiểu được các câu đơn giản, thường nghe như xin chào, tạm biệt, có, không.
- Từ 12 - 24 tháng tuổi: Trẻ vẫn chưa nói được những từ đơn đơn giản khi bước sang giai đoạn từ tháng thứ 15. Bé không tìm được cách truyền đạt khi muốn điều gì đó hoặc cảm thấy khó chịu với bố mẹ cũng như mọi người xung quanh. Tới 18 tháng tuổi, trẻ vẫn không thể nói được câu dài. Từ 19 - 24 tháng tuổi, khi nghe cha mẹ nói, trẻ không bắt chước hay học thêm được các từ mới.
- Từ 24 - 25 tháng tuổi: Trong giai đoạn này, trẻ vẫn không thể làm theo được các hướng dẫn đơn giản từ bố mẹ và mọi người xung quanh, khả năng ghép từ của trẻ kém. Thêm vào đó, trẻ không nói được câu dài quá 4 từ và không học thêm được các từ đơn giản mới.
- Trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên: Trẻ không thể nói được những câu đơn giản cũng không thể tự đặt những câu hỏi đơn giản. Lời nói của trẻ không rõ ràng khiến cha mẹ cũng như những người xung quanh không hiểu trẻ muốn gì và đang có vấn đề gì. Trẻ thường không quan tâm và ít tương tác với những bạn khác, đặc biệt rất khó khi tách trẻ ra khỏi bố mẹ.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc
Mẹo dân gian là những phương pháp chữa bệnh được truyền từ đời này sang đời khác thông qua hình thức truyền miệng. Các mẹo này thường được rất nhiều người tin tưởng, hướng đến sự an toàn, đơn giản, dễ thực hiện và còn được đánh giá là sẽ cho ra hiệu quả tốt. Và mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc cũng là một trong số đó.
Mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc là một trong những biện pháp được nhiều phụ huynh áp dụng với mong muốn con có thể dần cải thiện tình trạng chậm nói này. Đây là mẹo dân gian đơn giản, dễ thực hiện và được đánh giá là khá hiệu quả. Vậy cách thực hiện mẹo này ra sao?
Đầu tiên, mẹ cần mua một con cá lóc nhỏ còn sống, mang về nhà ngâm trong nước và rửa sạch sẽ. Sau đó, cầm cố định cá và dùng phần đuôi cá gõ nhẹ vào đầu gối của trẻ. Đối với bé trai thì gõ liên tục 7 cái, còn bé gái thì gõ 9 cái. Cuối cùng, đem con cá đó làm sạch và chế biến thành món ăn cho bé thưởng thức. Thực hiện mẹo này liên tục 2 - 3 lần/tuần và kiên trì trong 1 tháng. Quan sát và theo dõi kết quả nhé.
Trên thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc và đã đạt hiệu quả. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh về hiệu quả của việc sử dụng cá lóc để chữa chậm nói cho trẻ. Chính vì thế, không ai có thể khẳng định được mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc có thực sự hiệu quả hay không.
Do đó, mẹo chữa cá lóc Nhà thuốc Long Châu giới thiệu trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, để đánh giá được tình trạng chậm nói của trẻ cũng như có hướng điều trị phù hợp, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp mẹ nhé.
Một số cách cải thiện tình trạng chậm nói tại nhà
Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói, bên cạnh việc đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng khắc phục phù hợp, cha mẹ cũng có thể tự khắc phục cho trẻ bằng một số cách sau:
- Thường xuyên giao tiếp với trẻ: Việc thường xuyên trò chuyện với trẻ là một trong những cách giúp kích thích trẻ nói nhiều hơn.
- Dành cho trẻ nhiều sự quan tâm: Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc cha mẹ chăm sóc và gần gũi con nhiều cũng có thể thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ hoàn toàn có khả năng nghe hiểu trước khi có thể tự nói. Vì thế, quan tâm và khuyến khích trẻ nói chuyện nhiều sẽ có thể hạn chế tình trạng chậm nói ở trẻ.
- Tập cho trẻ thói quen đọc sách hay đọc truyện vào các khung giờ cố định trong ngày có tác dụng hướng sự tập trung của trẻ vào một việc, từ đó tăng khả năng tập trung cũng như phản xạ của trẻ.
- Thay vì la hét, quát mắng hay ép buộc trẻ nói chuyện, cha mẹ nên khuyến khích và động viên trẻ nói chuyện.
- Cho trẻ tiếp xúc với nhiều âm thanh khác nhau để giúp bé có thể phát hiện được các điểm khác biệt, từ đó tăng khả năng nhận biết và phản xạ cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị như điện thoại, máy tính, tivi: Việc cho trẻ học thêm từ những chương trình phù hợp có thể giúp trẻ học thêm được nhiều điều mới cũng như khả năng phản xạ ngôn ngữ, song nếu cho trẻ xem quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về trẻ chậm nói bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, mẹo chữa chậm nói bằng cá lóc cũng như cách cải thiện tình trạng chậm nói tại nhà mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm thật nhiều thông tin hữu ích qua bài viết hôm nay.
Xem thêm:
- Tìm hiểu nguyên nhân khiến bé chậm nói
- Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến sự thông minh không?
- Trẻ chậm nói đơn thuần là gì? Cách để phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ chậm nói
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp