Kinh nghiệm

Năm Mão nói chuyện “Mèo vào nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”

Nguồn gốc của câu "mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang"

Xoay quanh quan niệm "mèo vào nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu", Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, ông cho biết đây là một trong những câu ca dao, tục ngữ được ghi chép từ thủa xưa.

Trong quá trình sưu tầm văn học dân gian, ca dao tục ngữ, tác phẩm sớm nhất sưu tầm câu tục ngữ này là cách đây đã hơn 100 năm. Đó là cuốn sách “Đại Nam quốc túy” ghi bằng chữ Nôm 1908. Sau đó 1 thời gian cũng ghi bằng chữ Nôm là cuốn Nam âm sử loại năm 1925. Ghi bằng chữ quốc ngữ sớm nhất là cuốn “tục ngữ phong dao” của cụ Ôn như Nguyễn Văn Ngọc 1927 -1928. "Đây là một câu ca dao cổ xưa được ghi chép trong sách vở từ rất sớm".

Nhưng nếu đọc văn chương Trung đại ta phát hiện được dấu tích, ý nghĩa sớm hơn từ đầu thế kỷ 15, cách nay cũng tròn 500 năm. Ở thế kỷ 15, trong bài thơ đầu tiên của Nguyễn Trãi trong tập Quốc âm thi tập là bài Thủ vĩ ngâm. Trong đó Nguyễn Trãi gắn mèo với sự nghèo khó. Bài thơ tả cảnh nghèo của Nguyễn Trãi ở "góc thành nam" . Có thể nó được làm trước khi ông vào Lam Sơn trong khởi nghĩa quân Lê Lợi. “Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn” thì vằn là mèo. "Nhà quen thú thứa" là ngôi nhà đơn sơ, nghèo khổ.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh : Mỵ Châu

Gọi vằn là mèo, hay con mèo mướp vì ở trong Cầm thú môn Nguyễn Trãi viết 1 bài về mèo/miêu. Câu mở đầu là "lọ vằn" sinh bởi tại phương Tây thì lọ vằn là con mèo mướp. Nhiều người nói đây là con chó nhưng không đúng, con chó được gọi là vện. Lọ là đen, vằn là con mèo mướp. Thế thì cái nghèo và ngại nuôi mèo có ý trong câu thơ đó. Bằng chứng của văn bản như vậy cách đây nửa thiên nhiên kỷ câu này đã tồn tại. Sau này có nhiều sách ghi “chó đến nhà là giàu”. Các sách coi điều này không phải giải thích vì người ta chỉ ghi lại.

Tại sao nói "mèo vào nhà thì khó"?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, khi đi nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian ông đều hỏi nhiều người về quan niệm này, họ đều trả lời với nghĩa: Vì con mèo tiếng kêu là meo meo hay ngheo ngheo nên gần âm thanh nghèo. Nên khi đến nhà cũng tiếng kêu đó thì có nghĩa là đem đến sự nghèo khổ.

Con chó khi đến nhà kêu gâu gâu, gần giống với chữ giàu nên người ta quan niệm chó đến nhà thì giàu, thì sang. Sau này thành 1 tín nhiệm và người ta thấy mèo đến thì xua đi mặc dù nhà có nuôi mèo. Nhưng như Nguyễn Trãi nói “nhân chưng giận chuột phải nuôi mày” trong bài Miêu. Còn chó lên nhà thì người ta giữ lại nuôi.

"Họ giải thích như vậy có lý không? Theo chúng tôi là có lý. Lý này nằm ở trong việc sử dụng ngôn ngữ dân gian. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, người ta gọi quan hệ này là quan hệ liên tưởng trong ngôn ngữ. Sử dụng những từ đồng âm, gần âm, sử dụng đặc tính của loài vật liên tưởng đến cuộc sống tâm lý, thực tiễn của con người", chuyên gia nói.

Để chứng minh rõ hơn, ông Vĩ lấy ví dụ thêm về quan niệm người Việt hay đi hái lộc, bẻ những cành cây còn nguyên ngọn mang về để thờ mỗi dịp năm mới. Lý do bởi chữ lộc này đồng âm với chữ lộc là điều may mắn về kinh tế trong cuộc sống sẽ đến. Khi hái lộc người ta hái lộc sung vì sung túc, sung sướng; hái lộc đa vì đa gắn với đa tài, đa phúc, đa lộc…. Ở đây chỉ có tên gọi được liên tưởng sang 1 cuộc sống tốt đẹp trong ngày Tết.

Nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: "Nhận thức con người vốn là như vậy. Mèo kêu nghèo chó kêu giàu nằm trong trường liên tưởng đó. Trong tâm thức con người thì như vậy nên sau khi chúng tôi đi hỏi nhiều người, cái lý mà họ giải thích là từ cội nguồn sự liên tưởng mà thành, còn hiện thực mèo bắt chuột giữ gìn của cải, rất có ích cho nhà nông".

Quan niệm "mèo vào nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu" đúng hay sai?

"Không cần hóa giải mèo đến nhà thì đuổi đi vì cuộc sống không cần cái gì cũng hóa giải, vì thói quen này cũng không có hại. Không nên duy lí hóa toàn bộ hiện thực cuộc sống, có những cái vốn dĩ tồn tại và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống nên không cần phải lí giải", ông Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định.

Không thể nói năm Quý Mão thì vận xui đến, đó cũng chỉ là một ấn tượng ngôn ngữ, người ta dùng cái ấn tượng của tính cách, tập tính của loài vật để liên tưởng sang cuộc sống. Cũng không ai giải thích được tại sao năm nay năm mão, tí, sửu… vì để gọi tên thời gian theo chu kỳ 12 năm, tại sao không gọi theo tên cây, vì cây biến đổi theo mùa; hà cơ gì không gọi tên các vị thần, các chòm sao… Mà lại gọi tên loài vật. Không ai giải thích được điều đó. Trong ngôn ngữ học đây là một thao tác dán nhãn của ngôn ngữ học, từ đó người ta suy nghĩ năm hổ chắc khỏe mạnh, năm rồng bay cao… Do đó ông Vĩ khẳng định việc "mèo đến nhà thì khó" đó chỉ là những liên tưởng mang tính cảm tính của con người, không có cơ sở khoa học.

Bàn về tập tính của các loài vật, ông Vĩ cho rằng, mèo là loài động vật nếu cho ăn thì chúng sẽ ở lại, không cho ăn thì sẽ bỏ đi. Ngược lại chó lại là con vật thờ chủ và rất trung thành. Về mặt tập tính chắc chắn chó ở với con người lâu nhất, ở với cách cộng sinh, chó hay mèo ở với người là do thuần chủng. Ở những khảo cổ học xưa nhất thì đã gặp xương chó, nó theo con người để ăn thức ăn thừa, xương mèo ở các di chỉ học không có nhiều. Do đó chó cộng sinh với con người, trung thành với con người.

Nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, câu tục ngữ "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu" nó chỉ đúng có một hoàn cảnh cụ thể với một người nói cụ thể với một mục đích nói cụ thể chứ nó không phải là chân lý phổ quát như là công thức toán học.

Do đó, phát ngôn chỉ đúng phần chứ không nên có quan điểm đó là đúng hết, một trăm phần trăm giống một công thức toán học hoặc là một luận đề triết học.

Đối với loài vật, đặc biệt loài vật ở gần gũi với con người, con mèo nó cũng giúp ích cho nhà nông nhiều. Thậm trí mèo cũng là con vật rất đáng yêu. Do đó chúng ta nên yêu thương, chăm sóc gần gũi nó như những thành viên trong gia đình và không nên phân biệt đối xử giữa chó với mèo.