Kinh nghiệm

Natri benzoat là gì? Tác dụng, liều dùng và độc tính ra sao?

Natri benzoat là một chất bảo quản được sử dụng trong ngành sản xuất thực phẩm và cũng được ứng dụng trong y khoa nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm. Vậy natri benzoat là gì, tác dụng, liều lượng và độc tính ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

1Natri benzoat là gì?

Natri benzoat là muối natri của axit benzoic, được sản xuất bằng phản ứng giữa natri hydroxit và axit benzoic. Tồn tại dưới dạng tinh thể bột trắng và không mùi.

Natri benzoat không có trong tự nhiên, nhưng axit benzoic được tìm thấy trong nhiều loại thực vật như quế, đinh hương, cà chua, mận, táo và nam việt quất. Natri benzoat là chất bảo quản được thêm vào nước ngọt, thực phẩm đóng hộp hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân để kéo dài thời hạn sử dụng.[1]

Natri benzoat là muối natri của axit benzoic

2Natri benzoat có tác dụng gì?

Giữ vai trò là chất bảo quản

Natri benzoat được sử dụng như một chất bảo quản trong các lĩnh vực sau:[2],[3]

  • Trong thực phẩm và đồ uống: natri benzoat có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc có hại. Do đó, chúng giúp kéo dài thời gian bảo quản, duy trì độ tươi, màu sắc, hương vị của thực phẩm và đồ uống.
  • Trong thuốc, thực phẩm chức năng: natri benzoat được sử dụng làm chất bảo quản trong một số loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn, đặc biệt là trong các loại thuốc dạng lỏng như siro ho.
  • Trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân: natri benzoat thường được dùng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc cá nhân như sản phẩm dưỡng tóc, khăn lau trẻ em, kem đánh răng và nước súc miệng.

Natri benzoat được dùng làm chất bảo quản trong nước uống có gas

Ứng dụng khác trong công nghiệp

Natri benzoat cũng được ứng dụng trong ngành công nghiệp, cụ thể là giúp ngăn chặn sự ăn mòn như trong chất làm mát động cơ ô tô. Ngoài ra, natri benzoat có thể được sử dụng như một chất ổn định trong xử lý ảnh và cải thiện độ bền của một số loại nhựa.

Natri benzoat giúp cải thiện độ bền của một số loại nhựa

Điều trị bệnh lý

Ở liều lượng cao, natri benzoat có thể hỗ trợ điều trị một số tình trạng bệnh lý. Cụ thể, natri benzoat được sử dụng để điều trị rối loạn chu trình chuyển hoá urê - bệnh làm giảm đào thải amoniac qua nước tiểu, từ đó làm tăng chất này trong máu.

Ngoài ra, các ứng dụng chữa bệnh tiềm năng khác của natri benzoat đang được nghiên cứu bao gồm:

  • Tâm thần phân liệt: một nghiên cứu kéo dài sáu tuần ở những người bị tâm thần phân liệt cho thấy rằng, việc sử dụng 1.000 mg natri benzoat mỗi ngày cùng với thuốc điều trị đã làm giảm các triệu chứng xuống 21% so với nhóm không sử dụng cùng natri benzoat.
  • Bệnh đa xơ cứng (MS): các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy rằng, natri benzoat giúp kích thích sản xuất myelin và lớp màng bảo vệ dây thần kinh bị tổn thương, từ đó làm chậm sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng.
  • Trầm cảm: đã có nghiên cứu chứng minh rằng khi sử dụng 500 mg natri benzoat mỗi ngày trong vòng 6 tuần giúp cải thiện 64% các triệu chứng của bệnh trầm cảm và cái thiện đáng kể cấu trúc vùng não liên quan đến trầm cảm.
  • Bệnh siro niệu (bệnh lý khiến nước tiểu có mùi như siro): một nghiên cứu ở một trẻ mới biết đi cho thấy natri benzoat tiêm tĩnh mạch (IV) giúp hỗ trợ điều trị bệnh này.
  • Rối loạn hoảng sợ: nghiên cứu trên phụ nữ mắc chứng rối loạn hoảng sợ sau khi uống 500 mg natri benzoat mỗi ngày trong vòng sáu tuần thì các triệu chứng lo lắng, đau bụng, tức ngực và đánh trống ngực đã giảm 61%.[4]

Natri benzoat giúp cải thiện triệu chứng bệnh trầm cảm

3Độc tính của Natri benzoat

Tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư

Khi bạn sử dụng natri benzoat cùng với soda hay các loại đồ uống khác có chứa vitamin C, hai chất này sẽ phản ứng với nhau tạo thành benzen - một chất có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, đồ uống dành cho người ăn kiêng dễ bị hình thành benzen hơn vì đường trong nước ngọt thông thường và nước trái cây có thể làm giảm sự hình thành benzen.

Ngoài ra, các điều kiện bảo quản như nhiệt độ, ánh sáng hay thời gian bảo quản lâu cũng có thể làm tăng nồng độ benzen trong sản phẩm.[5]

Natri benzoat có thể chuyển thành benzen gây ung thư

Các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ khác

Ngoài nguy cơ gây ung thư, natri benzoat cũng có thể liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe như sau:[5]

  • Viêm: natri benzoat có thể kích hoạt các con đường gây viêm trong cơ thể bao gồm tăng tình trạng viêm, thúc đẩy sản sinh tế bào ung thư.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống chứa natri benzoat như soda làm gia tăng các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Đặc biệt ở đối tượng trẻ em.
  • Tăng stress oxy hóa: các nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra nồng độ natri benzoat càng cao thì càng tạo ra nhiều gốc tự do, từ đó làm tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
  • Dị ứng: một số người có thể gặp các triệu chứng dị như ngứa, sưng tấy hay nổi mề đay khi tiếp xúc với natri benzoat.

Khi tiếp xúc với natri benzoat, bạn có thể gặp tình trạng dị ứng như ngứa

4Natri benzoat dùng có an toàn không?

FDA cho phép nồng độ natri benzoat tối đa trong thực phẩm và đồ uống là 0,1% tính theo trọng lượng sản phẩm. Ngoài ra, WHO cũng quy định mức tiêu thụ hằng ngày được chấp nhận đối với natri benzoat là 0 - 5mg/kg trọng lượng cơ thể.

Natri benzoat thường được chuyển hóa và bài tiết qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, một số người có thể nhạy cảm hơn với chất phụ gia này, do đó bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng với natri benzoat.[6]

Nồng độ natri benzoat tối đa trong thực phẩm là 0.1% tính theo trọng lượng sản phẩm

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích về natri benzoat. Bạn nên tham khảo bảng thành phần của sản phẩm để chắc chắn sử dụng natri benzoat trong giới hạn cho phép để đảm bảo an toàn cho bản thân nhé!