Kinh nghiệm

Ngày Trái đất 2023: Đầu tư vào hành tinh của chúng ta

TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) Việt Nam

PV: Xin ông cho biết chủ đề Ngày Trái Đất năm nay và thông điệp mà Thế giới muốn truyền đi là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Sinh: Ngày Trái đất là chiến dịch hành động vì môi trường được phát động lần đầu tiên ngày 22/4/1970, và tới nay đã lan rộng tại 192 quốc gia. Ngày Trái đất được tổ chức vào ngày 22/4 hằng năm, là ngày tất cả các quốc gia tôn vinh hành tinh mà chúng ta đang chung sống, thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng trong bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái đất, khuyến khích các phong trào, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, ngăn chặn các thảm họa đang diễn biến thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường.

Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2023 vẫn tương tự năm 2022, đó là “Invest in Our Planet” - “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta” để nhấn mạnh sự cấp thiết việc bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp. Hành tinh của chúng ta cần sự đầu tư của chúng ta ngay bây giờ. Để một tương lai xanh, thịnh vượng và công bằng trở thành hiện thực, các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội phải hành động để chống lại khủng hoảng khí hậu.

PV: Để bảo vệ trái đất, chúng ta cần quan tâm và phải sống có trách nhiệm với thiên nhiên như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Sinh: Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng đối với tất cả con người cũng như tất cả những sinh vật sống trên trái đất. Tuy thiên nhiên đem lại rất nhiều lợi ích cho con người nhưng nếu chúng ta không biết bảo tồn và gìn giữ chúng thì nó sẽ có tác động nguy hại đến đời sống của chính bản thân chúng ta.

Chúng ta - mỗi người phải ý thức được rằng, chúng ta chỉ có 1 Trái Đất, và Trái Đất của chúng ta đang bị trọng thương, đang bị chính chúng ta tàn phá. Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, Trái Đất sẽ phản ứng lại chúng ta theo quy luật “cái lò xo bị nén”. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đa dạng sinh học ngày càng suy giảm, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng,… mới chỉ là khởi đầu của sự bật lại đó. Nhiều kết luận nghiên cứu khoa học được công bố ví von rằng, nếu không thay đổi lối sống không bền vững như hiện nay, nếu phí phạm tài nguyên như hiện nay thì chúng ta sẽ phải cần tới 2 - 3 Trái đất, hay là chỉ sống được khoảng 50% thời gian trong năm.

Do đó, tôi tin rằng đầu tư cho hành tinh, chính là đầu tư cho chính mình. Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống đòi hỏi toàn xã hội và nhất là mỗi người chúng ta phải thay đổi nhận thức trong đối xử với thiên nhiên để từ đó có những hành động “thuận thiên” nhất có thế. Đó có thể là những điều bình thường như trồng nhiều cây xanh; hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni-lông dùng một lần; tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; viết và in giấy trên cả 2 mặt; sử dụng vật liệu tái chế nhiều hơn; không đốt bỏ rơm rạ sau thu hoạch,…Chỉ cần tất cả cùng chung tay, thì môi trường sống của chúng ta sẽ sớm trong xanh trở lại.

PV: Trong những năm qua, Hội đã thực hiện các hoạt động gì góp phần bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Sinh: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) được thành lập từ năm 1988, đến nay đã được 35 năm. Suốt thời gian qua, chúng tôi hoạt động trong phạm vi bảo vệ thiên nhiên và môi trường, chính là bảo vệ Trái Đất. Thời gian qua, các hội viên trong Hội luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Bên cạnh đó, huy động và tổ chức hội viên tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách, luật pháp và biện pháp liên quan đến bảo vệ tài nguyên môi trường. Thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các cơ quan Nhà nước và các tổ chức kinh doanh. Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ tài nguyên môi trường.

Mặc dù còn bị hạn chế về nguồn lực, nhưng chúng tôi đã cố gắng tổ chức loạt 8 hội thảo về “Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam”, loạt 7 hội thảo về “Bảo tồn đa dạng sinh học dẫy Trường Sơn”, tổ chức nhiều phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường,…Đặc biệt, Hội chúng tôi đã xuất bản nhiều ấn phẩm quan trọng về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.

PV: Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Vậy trong thời gian tới, Hội sẽ có những hoạt động trọng tâm gì góp phần đồng hành cùng Chính phủ thực hiện những cam kết này?

TS Nguyễn Ngọc Sinh: Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tiến hành các hoạt động đã mang lại kết quả tốt thời gian qua, như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tổ chức các hội thảo khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học, về biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó của Việt Nam; biên tập và xuất bản tối thiểu 1 ấn phẩm quan trọng về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu hàng năm. Đặc biệt là duy trì và phát triển phong trào có tính xã hội cao được Hội phát động từ năm 2010, đó là phong trào “Bảo tồn Cây Di sản Viêt Nam”.

VACNE đã công nhận hàng nghìn Cây Di sản Việt Nam, số lượng lớn nhất là các cây chè san tuyết núi cao ở Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, đưa tổng số Cây Di sản được công nhận lên con số trên 6.000 cá thể thuộc trên 130 loài, phân bổ tại 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảo tồn Cây Di sản chính là đầu tư, chăm sóc Trái Đất. Đây cũng chính là góp phần trồng hàng tỷ cây xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Cao hơn, đây chính là xây dựng nếp sống thân thiện môi trường, xây dựng đạo đức môi trường, điều mà chúng ta còn quan tâm chưa đúng mức.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!