Kinh nghiệm

Bị nhiệt miệng nên ăn gì và kiêng ăn gì? 8 thực phẩm giúp mau khỏi

Nhiệt miệng là tình trạng niêm mạc miệng xuất hiện những vết loét nhỏ và nông, gây đau đớn, khó chịu khi ăn uống và nói chuyện. Khi gặp tình trạng này, việc lựa chọn thực phẩm đúng cách có thể giúp giảm đau và hỗ trợ lành vết thương. Cùng tìm hiểu rõ hơn về bị nhiệt miệng nên ăn gì và kiêng ăn gì thông qua bài viết dưới đây.

1Nguyên nhân gây nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng loét miệng thường gặp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bao gồm:

  • Chấn thương niêm mạc miệng: Các vết cắn vào má, môi, lưỡi hoặc các vết trầy xước do bàn chải đánh răng có thể gây ra nhiệt miệng.
  • Căng thẳng tâm lý: Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và góp phần vào sự xuất hiện của nhiệt miệng.
  • Dinh dưỡng kém: Thiếu hụt vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B12, sắt và axit folic, có thể làm tăng nguy cơ nhiệt miệng.
  • Dị ứng thực phẩm: Một số người có thể bị nhiệt miệng do dị ứng với một số loại thực phẩm, chẳng hạn như các loại hạt, sô cô la, cà phê, dâu tây, trứng và phô mai.
  • Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ có thể bị nhiệt miệng trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh do thay đổi nội tiết tố.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như bệnh nhân HIV/AIDS hoặc những người đang điều trị ung thư, sẽ có nguy cơ bị nhiệt miệng cao hơn.
  • Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý như bệnh Celiac, bệnh Crohn, và bệnh Behcet có thể gây ra nhiệt miệng.

Chấn thương niêm mạc miệng do vết cắn hoặc trầy xước có thể gây nhiệt miệng

2Bị nhiệt miệng nên ăn gì?

Khi bị nhiệt miệng, việc lựa chọn thực phẩm đúng cách có thể giúp giảm đau và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Một số thực phẩm nên ăn khi bị nhiệt miệng bao gồm:

Ăn nhiều rau xanh

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp cho cơ thể hàm lượng cao vitamin và khoáng chất cần thiết. Các chất dinh dưỡng này sẽ giúp hạn chế tổn thương niêm mạc miệng và đẩy nhanh quá trình lành vết loét miệng.

Vitamin và khoáng chất có trong rau xanh sẽ giúp đẩy nhanh quá trình lành vết loét miệng

Cà rốt

Cà rốt chứa hàm lượng dồi dào beta-carotene, một chất giúp chữa nhiệt miệng rất tốt. Bạn có thể ép cà rốt cùng với một số loại rau như rau chân vịt và ngò tây để lấy nước uống chữa nhiệt miệng.

Sữa chua

Sữa chua với khả năng giúp cân bằng vi khuẩn trong miệng, sẽ giúp vết loét miệng nhanh lành và phòng tránh hình thành vết loét mới.

Mật ong

Để chữa nhiệt miệng, bạn có thể dùng một lượng nhỏ mật ong nguyên chất bôi trực tiếp lên vết loét. Mật ong nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và làm dịu da có thể giúp vết loét nhanh lành.

Ăn đồ ăn mềm, mát

Trong thời gian bị nhiệt miệng, bạn nên ăn các đồ ăn mềm như cháo và súp, đồng thời kết hợp các đồ ăn mát như dưa chuột và dưa hấu. Những thức ăn mềm và mát này sẽ giúp làm chậm diễn tiến của bệnh và giúp vết thương mau lành.

Thực phẩm giàu chất sắt

Thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiệt miệng. Vì vậy, bổ sung cho cơ thể những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, cá mòi và tảo xoắn sẽ giúp cải thiện tình trạng này.[1]

Bổ sung Vitamin B12

Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiệt miệng là do thiếu hụt vitamin B12. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 như gan bò, cá hồi, cá thu và sữa chua có thể giúp tăng nồng độ vitamin B12 trong cơ thể. Nhờ đó, giúp giảm triệu chứng đau và khó chịu do nhiệt miệng.[1]

Bổ sung vitamin B12 cho cơ thể sẽ giúp làm giảm triệu chứng của nhiệt miệng

Bổ sung kẽm

Bổ sung kẽm có thể giúp chữa nhiệt miệng nhờ vào vai trò quan trọng của kẽm trong việc tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Một số thực phẩm giàu kẽm bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày như thịt cừu, thịt bò, hạt bí ngô và hạt điều.[1]

3Nhiệt miệng kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc tìm hiểu về nhiệt miệng nên ăn gì, bạn cũng nên biết các món ăn cần tránh khi bị nhiệt miệng để hỗ trợ quá trình lành vết thương. Một số thực phẩm có thể khiến tình trạng nhiệt miệng nghiêm trọng hơn mà bạn cần kiêng ăn bao gồm:

Thức ăn và các loại quả chứa nhiều acid

Các loại trái cây giàu axit như cam, chanh và bưởi sẽ làm các vết loét trong miệng nặng thêm. Thậm chí, axit citric trong các loại trái cây này có thể khiến vết loét miệng xuất hiện nhiều hơn.

Thức ăn cay nóng

Những thực phẩm cay nóng có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, khiến tình trạng nhiệt miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên tránh những món ăn cay nóng chứa nhiều gia vị để vết loét miệng nhanh lành.

Đồ ăn cay nóng có thể làm vết loét miệng trở nên nặng nề hơn

Chocolate

Một số người có thể bị dị ứng với cacao có trong chocolate, hậu quả là niêm mạc miệng bị kích ứng và gây ra nhiệt miệng. Do đó, bạn nên theo dõi tình trạng nhiệt miệng sau mỗi lần ăn chocolate và đi khám để xác định xem có đúng mình bị nhiệt miệng do dị ứng cacao hay không.

Cà phê

Trong cà phê có chứa axit salicylic có thể gây kích ứng vùng mô tổn thương trên niêm mạc miệng. Hậu quả là gây nhiệt miệng hoặc làm nặng hơn những vết nhiệt miệng.

Vì vậy, khi bị nhiệt miệng bạn nên tạm thời ngừng sử dụng cà phê và hạn chế hoàn toàn nếu bạn bị nhiệt miệng thường xuyên.

Axit salicylic có trong cà phê có thể gây kích ứng vết loét miệng

Các loại nước có ga

Các loại nước có ga chứa nhiều siro và axit phosphoric cũng là nguyên nhân gây viêm nhiễm và vết loét trong miệng. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng những đồ uống này trong thời gian bị nhiệt miệng để tránh làm vết thương nặng hơn.

Các loại món ăn chấm nước mắm hoặc mắm mặn

Các loại món ăn chấm nước mắm hoặc mắm mặn chứa nhiều muối và các chất có thể gây kích ứng niêm mạc, dẫn đến đau đớn và kéo dài quá trình lành vết thương.

Vì vậy, trong thời gian bị nhiệt miệng, bạn nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các món ăn cần chấm nước mắm hoặc mắm mặn.

4Mẹo chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà

Nhiệt miệng tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng có thể gây đau đớn và khó chịu khi ăn uống. Để rút ngắn thời gian lành vết loét, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà như sau:

Súc miệng bằng nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý nhờ đặc tính sát khuẩn cao có thể khiến các vi khuẩn ở vết loét bị tiêu diệt và giảm nồng độ axit trong miệng. Nhờ đó, các vết loét miệng sẽ nhanh khô và triệu chứng đau rát giảm đáng kể.

Dung dịch nước muối cũng tương đối an toàn, lành tính và dễ làm tại nhà. Bạn có thể pha nước muối để súc miệng hàng ngày theo công thức 1 muỗng cà phê muối pha vào 230ml nước ấm.

Khi sử dụng nước muối để súc miệng bạn nên ngậm trong miệng khoảng 15 đến 30 giây rồi nhổ ra, không nuốt nước muối. Thực hiện phương pháp này từ 3-5 lần mỗi ngày sẽ giúp trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả.

Súc miệng bằng nước muối sẽ giúp vết loét nhanh khô

Điều trị nhiệt miệng tại nhà bằng mật ong

Mật ong chứa hydro peroxide tự nhiên có tính kháng khuẩn, kháng nấm và khử trùng mạnh. Ngoài ra, mật ong còn thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, giúp vết loét miệng không bị đau rát và sưng đỏ. Mật ong cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và phòng ngừa nhiệt miệng tái phát, nhờ thành phần giàu vi chất dinh dưỡng như kali, kẽm và sắt.

Một số cách dùng mật ong để chữa nhiệt miệng bao gồm:

  • Dùng mật ong nguyên chất bôi trực tiếp lên vết loét miệng.
  • Bôi hỗn hợp mật ong và bột nghệ lên vết loét.

Chữa trị nhiệt miệng tại nhà bằng sắn dây

Bột sắn dây với khả năng thanh nhiệt và giải độc cơ thể, được nhiều người sử dụng để chữa nhiệt miệng tại nhà. Tuy nhiên, khi sử dụng bột sắn dây để chữa nhiệt miệng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nấu chín bột sắn dây trước khi cho trẻ nhỏ sử dụng để tránh bị tiêu chảy.
  • Không ăn hoặc uống bột sắn dây với mật ong vì có thể gây ngộ độc.
  • Không cho thêm đường khi ăn bì sẽ khiến bột sắn dây giảm tác dụng.
  • Người lớn có thể ăn và uống 2 cốc sắn dây mỗi ngày để trị nhiệt miệng.

Bột sắn dây với khả năng thanh nhiệt và giải độc sẽ giúp trị nhiệt miệng hiệu quả

Sử dụng bã chè để chữa nhiệt miệng

Trong chè có chứa tanin, một hợp chất hóa học có tính kháng khuẩn và kháng virus. Do đó, sử dụng bã chè để chữa nhiệt miệng có thể giúp chống viêm hiệu quả, giảm triệu chứng đau rát và sưng đỏ. Bạn có thể sử dụng bã chè đắp trực tiếp lên vết loét miệng khoảng 2-3 lần mỗi ngày.

5Các lưu ý để nhiệt miệng mau lành

Để tình trạng nhiệt miệng mau lành và hạn chế tái phát lại, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là biện pháp hiệu quả để kiểm soát nhiễm khuẩn và giúp nhiệt miệng mau lành. Đồng thời, vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.

Bạn nên đánh răng thường xuyên và đúng cách để duy trì răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, sử dụng các dung dịch sát khuẩn để súc miệng cũng giúp làm sạch khoang miệng hiệu quả.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát

Hạn chế gây tổn thương răng miệng

Những tổn thương tại khoang miệng như vết xước do cắn phải hay do bàn chải đánh răng có thể gây ra vết loét miệng.

Vì vậy, bạn nên nhai kỹ và nhẹ nhàng trong khi ăn để tránh tình trạng tự cắn vào niêm mạc miệng. Ngoài ra, bạn nên đánh răng đúng cách, tránh chà xát bàn chải quá mạnh sẽ làm tổn thương lợi và niêm mạc miệng.

Tăng cường sức đề kháng

Thiếu hụt chất dinh dưỡng gây suy giảm sức đề kháng là yếu tố nguy cơ khiến tình trạng nhiệt miệng tái phát nhiều lần. Một chế độ ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, nhờ đó ngăn chặn tình trạng nhiệt miệng xảy ra.

Thư giãn và giảm stress

Thư giãn và giảm stress là những biện pháp quan trọng giúp nhiệt miệng mau lành, vì stress là một trong những yếu tố góp phần gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này. Bạn có thể áp dụng các biện pháp giúp thư giãn tinh thần và giảm stress như thiền định, yoga hoặc nghe nhạc.

Tập yoga giúp thư giãn tinh thần sẽ góp phần làm lành vết thương nhanh hơn

6Thói quen ăn uống tốt phòng ngừa nhiệt miệng

Bên cạnh những biện pháp điều trị nhiệt miệng nêu trên, một số thói quen ăn uống tốt có thể giúp phòng ngừa nhiệt miệng bao gồm:

  • Tránh tiêu thụ các thực phẩm có tính axit như cà chua, nước cam và đồ uống có ga.
  • Tránh tiêu thụ các món chiên dầu mỡ vì dễ gây nóng trong người.
  • Tránh ăn đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng để rút ngắn thời gian lành vết thương.
  • Uống nhiều nước sẽ giúp làm dịu cảm giác khô miệng.
  • Tránh uống rượu và các sản phẩm có chứa cồn để tránh gây kích ứng niêm mạc miệng.
  • Không hút thuốc lá.

Khi bị nhiệt miệng bạn cần tránh ăn những món chiên dầu mỡ dễ nóng trong người

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức liên quan đến bệnh nhiệt miệng. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!