Kinh nghiệm

Nước dashi cho bé là gì? Thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng

Nước dashi sẽ giúp bé bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Các chất này có từ các loại rau củ, xương, thịt động vật… Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng biết về các nguyên liệu và cách nấu nước dashi cho con. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ gợi ý về các thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng.

Thế nào là nước dashi cho bé?

Bản chất của nước dashi là một loại nước dùng có xuất xứ nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây thực chất là một loại nước được nấu từ rong biển, rau củ, xương gà, xương sườn heo hoặc cá bào… khi nấu lên sẽ trộn cùng với cháo hoặc các món ăn dặm khác của trẻ.

Nấu nước dashi cho bé cũng được coi là một loại thực phẩm dinh dưỡng, rất an toàn, giúp cung cấp các chất khoáng cũng như các dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Đồng thời giúp các món ăn của trẻ có thêm hương vị đậm đà, thơm ngon, giúp trẻ không bị biếng ăn.

Khi nấu nước dashi cho bé thì các bà mẹ không nên cho bất cứ loại gia vị nào kể cả muối, do trẻ đang trong giai đoạn có thể ăn dặm. Tuy vậy, đối với trẻ 7 tháng tuổi, không nên cho dùng nước dashi quá nhiều, tần suất dùng quá dày và cần phải chú ý ăn đúng cách. Vậy hãy cùng tìm hiểu thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng sao cho hợp lí.

Nước dùng dashi sẽ giúp cho trẻ ăn dặm tốt hơn

Thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng

Đối với trẻ khi ăn dặm, các bà mẹ cần chú ý khi cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ những chất dễ tiêu gồm có các chất xơ, các vitamin (vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin B6...) hoặc các chất khoáng đến các chất khó tiêu gồm có chất đạm, hoặc chất béo. Và khi các bé đủ 7 tháng tuổi thì có thể cho các bé ăn nước dashi được chế biến từ các loại thức ăn chứa protein. Dưới đây là 5 thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng tuổi. Cụ thể như sau:

Nấu nước dashi từ rau củ

Vị của nấu nước dashi từ rau củ sẽ có vị ngọt thanh, hơi đằm một chút.

Nguyên liệu cần dùng:

  • Khoai tây: 50 gram;
  • Bí đỏ: 50 gram;
  • Cà rốt: 50 gram;
  • Bắp non: 50 gram;
  • Bắp mỹ: 50 gram;
  • Rau cải ngọt: 50 gram;
  • Bông cải trắng: 50 gram;
  • Mướp: 50 gram;
  • Su su: 50 gram;
  • Hành tây: 50 gram.

Cách nấu:

Bước 1: Những loại rau củ cần cạo thì nên cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, đem rửa sạch các loại rau củ quả, rồi cắt thành từng khúc.

Bước 2: Cho vào nồi 1.6 lít nước lên bếp, đối với các loại rau củ lâu chín cho vào trước đó là khoai tây, cà rốt, bí đỏ, bắp non, bắp mỹ, su su. 20 phút sau, cho các rau củ quả còn lại vào nồi và hầm thêm 10 phút nữa sau đó tắt bếp.

Bước 3: Khi đã hầm nhừ, cho các loại rau củ ray bát to hay khay và dùng môi nghiền chúng, sau đó dùng nước vừa hầm để lọc các phần cứng, phần sơ còn lại từ rau củ.

Nguyên liệu nấu nước dashi từ rau củ vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng

Nước nấu dashi từ củ quả và xương

Cách nấu này sẽ có vị ngọt thanh từ xương, rất thơm và đây sẽ là một loại nước dùng rất dinh dưỡng cho bé.

Nguyên liệu cần dùng:

  • Xương: 300 gram;
  • Cà rốt: 1 củ;
  • Hành tây: 1 củ;
  • Cần tây: 1 bó.

Cách nấu:

Bước 1: Rửa sạch xương rồi để ráo, sau đó trần 1 lần nước sôi rồi rửa lại lần nữa.

Bước 2: Làm sạch hành tây, cắt theo miếng cau. Cà rốt cạo sạch vỏ rồi cắt thành từng khúc, còn cần tây lấy phần thân rồi rửa sạch.

Bước 3: Nấu sôi xương trước, khi sôi cho lửa nhỏ lại và vớt phần bọt. Sau đó, đưa cà rốt vào nồi hầm chung với xương, đun với lửa vừa vừa tầm 30 phút.

Bước 4: Cho hành tây và cần tây vào nồi, nấu khoảng 10 phút nữa rồi tắt bếp.

Nấu nước dashi từ rong biển Kombu và cá ngừ khô

Nguyên liệu cần dùng:

  • Rong biển Kombu: 20g;
  • Cá ngừ khô: 40g.

Cách nấu:

Bước 1: Dùng khăn sạch rồi thấm nước, vắt khô sau đó lau sạch lá rong biển. Tiếp đó, ngâm vào nước tầm 30 phút để các lá rong biển mềm rồi vớt ra để ráo nước.

Bước 2: Cho vào nồi 1.5 lít nước đun sôi sau đó cho rong biển vào đun tầm 5 phút rồi vớt ra.

Bước 3: Cho cá ngừ khô vào nồi nấu khi cá ngừ chìm xuống đáy nồi thì tắt bếp.

Bước 4: Cho nước dùng dashi vào qua rây lọc để lọc xác cá.

Bước 5: Để cho nước dashi nguội dần và để vào ngăn đông tủ lạnh dùng dần.

Nấu nước dashi từ nấm đông cô hoặc nấm hương

Nguyên liệu cần dùng:

  • Nấm hương khô: 100 gram;
  • Nước lọc: 1 lít.

Cách nấu:

Bước 1: Ngâm nấm hương vào nước tầm 8 tiếng. Tiếp đó, cắt bỏ chân, rửa sạch bụi bẩn và cắt làm đôi.

Bước 2: Chắt lọc bụi bẩn trong nước ngâm nấm rồi cho vào nồi rồi cho vào bếp đun.

Bước 3: Khi đun sôi, cho nấm vào nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ và 30 phút sau tắt bếp.

Bước 4: Dùng rây lọc để lọc xác nấm hương thì có nước dùng dashi.

Nấu nước dashi từ cá bào khô

Nguyên liệu cần dùng:

Cá bào khô: 20 gram.

Cách nấu:

Bước 1: Cho vào nồi 1 lít nước rồi đun nước đến khi thấy bong bóng li ti quanh nồi, sau đó cho cá bào khô vào.

Bước 2: Đun sôi cá bào khô rồi cho lửa nhỏ lại.

Bước 3: Nước sôi và đã hạ nhỏ lửa, thấy nước sủi bọt lên khoảng 30 giây rồi tắt bếp. Tiếp đó, để cá trong nồi 10 phút rồi vớt ra.

Bước 4: Dùng rây lọc để loại bỏ phần cá thì có nước dùng dashi.

Một số lưu ý khi nấu nước dashi cho bé 7 tháng tuổi

Nấu nước dashi từ các loại rau củ và các loại thực phẩm khác thì có các chất dinh dưỡng chủ yếu là protein và chất xơ. Vì vậy, cần lưu ý một số điều sau:

  • Sau khi chế biến xong nước dashi phải để thật nguội rồi mới cất vào tủ lạnh.
  • Khi nước dùng dashi vào ngân đông thì để được 1 tuần, còn ngăn mát thì nên sử dụng trong 2 ngày.
  • Khi nước dashi đông lại, khi dùng có thể hấp cách thuỷ hoặc để trong lò vi sóng để rã đông. Ngoài ra có thể để nước dashi từ ngăn đông đến ngăn mát thì sáng hôm sau có thể dùng được.
  • Khi nấu nước dashi từ rau củ thì nên tránh kết hợp với một số loại như sau: Củ cải trắng và cà rốt; cải thìa và bí đỏ; khoai tây, khoai lang và cà chua; cà chua và dưa leo.
  • Thường xuyên khử trùng, vệ sinh các dụng cụ chế biến và đồ dùng ăn uống của bé để ngăn ngừa các loại vị khuẩn ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của bé.
Không nên kết hợp cà chua và dưa leo trong thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng

Như vậy, qua bài viết trên có thể thấy nguyên liệu rất dễ tìm và cách nấu cũng rất đơn giản. Qua các thực đơn nấu nước dashi cho bé 7 tháng tuổi kể trên, có thể thấy được đây là một phương pháp nấu ăn cung cấp đầy đủ các dưỡng chất đẩy đủ cả vitamin cùng các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm... cần thiết cho bé và giúp bé phát triển trong giai đoạn này. Hy vọng bài viết này, giúp người đọc có thêm những thông tin bổ ích, có thể áp dụng được để giúp bé có thể phát triển khoẻ mạnh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com