1. Phân kỳ là gì?
Phân kỳ (Divergence) là thuật ngữ dùng để chỉ hướng đi hay chuyển động của giá ngược chiều so với hướng của chỉ báo. Các hướng này được xác định thông qua các đỉnh, đáy của nến giá và chỉ báo. Khi phân kỳ xuất hiện nó báo hiệu rằng xu hướng hiện tại đang suy yếu và là dấu hiệu cho một xu hướng đảo chiều sắp diễn ra.
Trong xu hướng tăng của giá, chỉ báo xuất hiện hướng di chuyển giảm, điều này báo hiệu giá sắp đảo chiều giảm. Ngược lại, khi giá đang trong xu hướng giảm, nhưng chỉ báo lại có xu hướng di chuyển đi lên, đây là tín hiệu giá chuẩn bị đảo chiều hình thành xu hướng tăng.
Phân kỳ báo hiệu tăng giá xảy ra khi giá cổ phiếu tạo ra mức thấp mới, trong khi chỉ báo khác đang tăng lên. Ngược lại, phân kỳ báo hiệu giảm giá là khi giá cổ phiếu đạt đỉnh mới nhưng chỉ báo lại tạo đỉnh thấp hơn.
Ví dụ: Nhà đầu tư sử dụng phân kỳ để đánh giá sức mạnh xu hướng hiện tại của giá và xác định khả năng đảo chiều giá bằng các so sánh biểu đồ giá và chỉ số sức mạnh tương đối (RSI). Nếu giá cổ phiếu đang tăng và đạt mức cao mới, chỉ báo RSI cũng đạt mức cao mới, điều này cho thấy xu hướng giá được củng cố. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đang tạo đỉnh mới nhưng chỉ số RSI tạo đỉnh thấp hơn, đây là dấu hiệu giảm giá, nhà đầu tư sẽ cân nhắc chọn hạ tỷ trọng hoặc rời khỏi vị thế. Với trường hợp, giá cổ phiếu tạo mức thấp mới trong khi chỉ số RSI tạo mức thấp cao hơn, đà giảm đang có dấu hiệu yếu đi và tín hiệu đảo chiều dần xuất hiện.
2. Các dạng phân kỳ thường gặp
Phân kỳ chia làm ba dạng phổ biến dựa trên đặc điểm của nó: Phân kỳ thường (Regular Divergence), phân kỳ ẩn (Hidden Divergence) và phân kỳ phóng đại (Exaggerated Divergence).
a. Phân kỳ thường
Phân kỳ thường hình thành khi giá tạo đáy thấp hơn đáy trước, nhưng chỉ báo tạo đáy cao hơn, hoặc ngược lại giá tạo đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo tạo đỉnh thấp hơn. Thông thường phân kỳ thường, cho thấy sự đảo chiều của xu hướng hoặc sự giảm giá tạm thời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phân kỳ thường có thể cho thấy sự tiếp tục xu hướng chính sau một đợt điều chỉnh ngắn hạn.
Phân kỳ thường được phân thành hai loại: Phân kỳ dương và phân kỳ âm.
Phân kỳ dương (Bullish Divergence):
- Đây là một biểu hiện thường xảy ra khi giá cổ phiếu tạo ra các đáy liên tục giảm, thấp hơn đáy trước nhưng các chỉ báo kỹ thuật, như RSI hoặc MACD, tạo ra các đáy tăng lên, đáy sau cao hơn đáy trước.
- Phân kỳ dương cho thấy rằng đà giảm của giá cổ phiếu đang yếu dần và sự quan tâm từ phía mua bắt đầu gia tăng.
- Điều này có thể là dấu hiệu cho sự đảo chiều có thể xảy ra trong tương lai, với khả năng tăng giá cổ phiếu.
- Nhà giao dịch có thể xem xét mở vị thế mua hoặc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, để chắc chắn nhà đầu tư nên kết hợp với nhiều tín hiệu khác như sự đồng thuận của khối lượng giao dịch và sự xác nhận mẫu hình nến tăng.
Phân kỳ âm (Bearish Divergence):
- Ngược lại, phân kỳ âm xuất hiện khi giá cổ phiếu tạo ra các đỉnh liên tục tăng, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng các chỉ báo kỹ thuật tạo ra các đỉnh giảm xuống, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
- Phân kỳ âm cho thấy rằng đà tăng của giá cổ phiếu đang yếu dần và có thể có nguy cơ sự đảo chiều giảm giá trong tương lai.
- Nhà giao dịch có thể xem xét mở vị thế bán hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên kết hợp với tín hiệu về khối lượng, cũng như mẫu hình nến đảo chiều, …
b. Phân kỳ ẩn
Phân kỳ ẩn (Hidden Divergence) là một tín hiệu trong phân tích kỹ thuật thường xảy ra sau khi thị trường đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh tạm thời và đang sẵn sàng tiếp diễn xu hướng chính. Điểm quan trọng của phân kỳ ẩn là giá cổ phiếu và chỉ báo kỹ thuật không chạy theo hướng nhau, và là tín hiệu đặc biệt hữu ích trong việc xác định động lực của xu hướng hiện tại, có thể giúp nhà đầu tư dự đoán các thay đổi trong xu hướng. Có hai loại phân kỳ ẩn chính:
Phân kỳ ẩn tăng (Hidden Bullish Divergence):
- Thường xuất hiện trong một xu hướng tăng mạnh. Xảy ra khi giá cổ phiếu tạo ra đáy sau cao hơn đáy trước, trong khi chỉ báo kỹ thuật (thường là RSI hoặc MACD) tạo ra đáy thấp hơn.
- Điều này cho thấy sự suy yếu của đà giảm ngắn hạn và có khả năng xuất hiện một sóng tăng mới tiếp diễn xu hướng tăng mạnh trước đó.
- Nhà giao dịch có thể xem xét mở vị thế mua hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Phân kỳ ẩn giảm (Hidden Bearish Divergence):
- Thường xuất hiện trong một xu hướng giảm mạnh. Xảy ra khi giá cổ phiếu tạo ra đỉnh thấp hơn đỉnh trước,, trong khi chỉ báo kỹ thuật tạo ra đỉnh cao hơn.
- Điều này cho thấy sự suy yếu của đà tăng ngắn hạn và có khả năng xuất hiện một sóng giảm mới tiếp diễn xu hướng giảm mạnh trước đó.
- Nhà giao dịch có thể xem xét mở vị thế bán hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Thông qua bài viết trên, nhà đầu tư đã hiểu thêm về phân kỳ và các dạng phân kỳ thường gặp trong phân tích kỹ thuật. Ở bài viết tiếp theo, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu các dạng phân kỳ còn lại. Ngoài ra, phân kỳ không phải công cụ luôn cho tín hiệu đúng hoàn toàn và nhà đầu tư nên kết hợp với các chỉ báo khác như dòng tiền, mẫu hình nến, mẫu hình kỹ thuật,... để gia tăng độ tin cậy trong quyết định đầu tư.
Như vậy, thông qua chuỗi bài viết trên, chắc hẳn nhà đầu tư đã có cái nhìn toàn diện hơn về chu kỳ kinh tế và mối liên hệ với thị trường chứng khoán. Từ đó nhà đầu tư có thể đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp và sáng suốt nhất.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!