Kinh nghiệm

Salonpas có những dạng nào? Những lưu ý khi sử dụng

Salonpas giảm đau là một trong những loại thuốc rất phổ biến hiện nay được người bệnh sử dụng nhằm mục đích giảm đau, nhất là đau vùng cơ xương khớp như cứng khớp vai, đau lưng... Tuy nhiên, người bệnh cần tìm hiểu và biết được Salonpas có những dạng nào cũng như những lưu ý khi dùng Salonpas để tránh những tác dụng không mong muốn của loại thuốc này.

1. Salonpas giảm đau

Salonpas giảm đau là một loại thuốc với tác dụng giảm cảm giác đau nhức, mỏi cơ, cứng vai, các triệu chứng của đau lưng, bầm tím hay viêm khớp ở người bệnh. Salonpas giảm đau có gốc là chất Methyl Salicylate 10% kết hợp với Menthol 3% và được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không gây nghiện.

Trong đó, Methyl Salicylate hay còn gọi là Salicylic acid methyl ester là một chất có trong tự nhiên, được chiết xuất từ nhiều loại cây có tác dụng giảm đau và chống viêm. Methyl Salicylate thường có trong những sản phẩm dầu hay được dùng để bôi khi nhức đầu, muỗi đốt hoặc nghẹt mũi. Những sản phẩm có chứa Methyl Salicylate thuộc nhóm thuốc không cần kê đơn nên được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, chất Methyl Salicylate cũng có một số tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng như gây nên hiện tượng xung huyết da, vì vậy chỉ nên bôi ngoài da, dùng để xoa bóp, không được uống cũng như bôi lên vùng có vết thương hở. Những người có cơ địa dị ứng với Aspirin và Salicylate cũng chống chỉ định với thuốc có chứa Methyl Salicylate.

Ngoài ra, Methyl Salicylate trong dầu gió nếu hít phải thường xuyên với nồng độ cao cũng có thể dẫn đến khả năng làm tổn thương hệ hô hấp, gây khô rát vùng mũi họng.

2. Salonpas có những dạng nào?

Salonpas giảm đau được chia làm 2 dạng chính là:

  • Miếng dán Methyl Salicylate 10% kết hợp Menthol 3%
  • Gel bôi 30g, 15g

Liều dùng thuốc Salonpas giảm đau cũng rất khác nhau đối với người lớn và trẻ em, cụ thể là:

  • Đối với người lớn, salonpas giảm đau dạng miếng dán có thể dùng 3 - 4 miếng/ngày vào vị trí đau, thời gian lưu miếng dán trên da không được vượt quá 8 giờ đồng hồ
  • Đối với trẻ em, nếu trên 12 tuổi thì salonpas giảm đau thường được dùng 3 - 4 miếng/ngày trên vùng da bị đau, thời gian miếng da trên da không quá 8 giờ. Trường hợp trẻ em dưới 12 tuổi thì cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ trong từng trường hợp khác nhau.

3. Lưu ý khi dùng Salonpas

Những lưu ý khi dùng Salonpas cực kỳ quan trọng và không nên bỏ sót đó là:

  • Không được sử dụng salonpas giảm đau dạng miếng dán hay dạng gel bôi vào những vị trí có triệu chứng của viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ đau... vì sẽ làm cho tình trạng viêm tại chỗ ngày càng nặng nề hơn do thuốc có tác dụng làm giãn mạch, lượng máu chảy về ổ nhiễm trùng ngày càng nhiều gây viêm nhiễm nặng hơn, khiến vị trí đau ngày càng sưng to hơn.
  • Thuốc salonpas giảm đau đặc biệt có tác dụng cực kỳ hiệu quả khi dùng sau những chấn thương hoặc va đập vào phần mềm quanh xương khớp gây nên tình trạng sưng, bầm tím như bong gân, trật khớp, giãn dây chằng...
  • Tuy nhiên, nếu những tổn thương trên có đi kèm với trầy xước trên bề mặt da, ví dụ như những trường hợp bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch quanh khớp thì không được sử dụng salonpas giảm đau vì sẽ làm tổn thương những lớp tế bào dưới da này và gây nên tình trạng loét hoặc hoại tử những tế bào còn non ở vị trí bị trầy xước trên da.
  • Những vùng da nhạy cảm như vùng da quanh mắt, niêm mạc thì cũng không được phép sử dụng salonpas giảm đau.
  • Tránh dùng thuốc trên một diện tích da lớn hoặc trong thời gian kéo dài hơn chỉ định được đưa ra, nhất là với trẻ em vì sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc Salicylate.
  • Một số tác dụng phụ của salonpas giảm đau cần quan sát và phát hiện trong thời gian sử dụng thuốc đó là cảm giác nóng rát, châm chích, những dấu hiệu của phản ứng quá mẫn với thành phần của thuốc, nhiễm độc Salicylate, phù mạch hoặc thậm chí là co thắt phế quản.
  • Một số đối tượng cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc salonpas giảm đau đó là phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, người dị ứng thuốc, người đang dùng một số thuốc khác như Warfarin, người có những bệnh lý như hen suyễn, polyp mũi..., người chuẩn bị thực hiện phẫu thuật...

Theo nhiều nghiên cứu thì salonpas giảm đau có thể gây ra một số phản ứng, tương tác với các loại thuốc khác được dùng cùng lúc với salonpas giảm đau như:

  • Warfarin
  • Vắc-xin phòng ngừa thủy đậu
  • Allopurinol
  • Febuxostat
  • Pegloticase
  • Probenecid

Ngoài ra, salonpas giảm đau còn gây ra những phản ứng với thức ăn, đồ uống như rượu, thuốc lá, một số loại thực phẩm nhất định. Vì vậy, một số cách đề phòng những tác dụng không mong muốn như trên xảy ra khi dùng salonpas giảm đau đó là:

  • Chỉ nên bôi hoặc dán ngoài da
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu đang sử dụng thuốc hoặc đang có những vấn đề sức khỏe khác.
  • Không dán quá chặt nếu sử dụng salonpas giảm đau dạng miếng dán
  • Trong trường hợp có bất cứ vấn đề bất thường nào xảy ra khi dùng salonpas giảm đau thì ngưng dùng ngay lập tức và báo ngay cho bác sĩ để được xử lý.
  • Để thuốc nằm ngoài tầm tay của trẻ em, nếu gặp phải tình trạng trẻ nuốt phải thuốc thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Salonpas giảm đau được sản xuất và sử dụng rất nhiều hiện nay, chủ yếu để giảm đau nhức cơ xương khớp ở một số bệnh nhân. Mặc dù chỉ là thuốc bôi ngoài ra và dán ngoài da những thuốc cũng gây nên những tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do vậy, người bệnh cần lưu ý khi dùng salonpas và tốt nhất là hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị chứ không nên tự ý mua và sử dụng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

  • Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng
  • Uống thuốc giảm đau, bị bệnh dạ dày
  • 11 điều cần biết về steroid