Kinh nghiệm

3 mức độ sâu răng từ nhẹ đến nặng và cách xử lý ở từng cấp độ

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến nhất thế giới, hình thành khi axit trong miệng ăn mòn men răng. Hiểu về mức độ sâu răng từ nhẹ đến nặng sẽ giúp bạn biết cách để xử lý bệnh ở từng cấp độ, giảm thiểu rủi ro mắc các biến chứng nguy hiểm trong tương lai.

Phân loại sâu răng

Sâu răng được phân thành 3 loại:

1. Sâu chân răng (Root decay)

Xảy ra trên bề mặt chân răng, sâu chân răng phổ biến hơn ở người cao tuổi, đặc biệt là những người có nhiều khả năng mắc các bệnh về nướu, bao gồm cả tụt nướu. Khi nướu tụt xuống, các mô xung quanh răng sẽ thấp đi, khiến bề mặt chân răng lộ ra làm cho axit và vi khuẩn dễ tấn công hơn.

2. Sâu hố rãnh (Pit and fissure decay)

Loại sâu răng này xảy ra trên bề mặt nhai và thường xuất hiện ở các răng hàm sau. Vì mảng bám và thức ăn dễ mắc kẹt trong kẽ hở và rãnh trên mặt nhai của răng, nên loại sâu răng này khá phổ biến đối thanh thiếu niên hoặc những người có thói quen vệ sinh răng miệng kém và không đánh răng thường xuyên.

3. Sâu bề mặt (Smooth surface)

Thường xảy ra ở các răng ở hai bên, loại sâu răng này ảnh hưởng đến bề mặt răng, phát triển chậm nhất và ít gặp nhất. Sâu bề mặt phổ biến nhất ở người trưởng thành trong độ tuổi 20.

Các mức độ sâu răng thường gặp

Sâu răng thường được chia thành 3 mức độ:

1. Sâu răng độ 1 (Sâu men răng)

Axit sinh ra từ các bệnh nền hoặc thói quen vệ sinh răng miệng kém là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sâu răng. Vi khuẩn tấn công bề mặt men răng, làm xuất hiện lỗ sâu răng độ 1 (sâu men răng). Đây là dạng sâu răng ở mức độ nhẹ nhất, vì vậy hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách.

mức độ sâu răng này, cơn đau nhức răng thường chưa phát triển, kể cả khi ăn thực phẩm cay, nóng hay lạnh cũng chưa làm cho răng xuất hiện cảm giác ê buốt, vì vậy người bệnh thường khá chủ quan, trì hoãn đi khám và thực hiện điều trị.

2. Sâu răng độ 2 (Sâu ngà nông)

Khi bị sâu răng độ 1, nếu người bệnh không được điều trị, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong cấu trúc ngà răng và phá hủy men - ngà rộng hơn. Vết sâu lan rộng tạo ra những lỗ hổng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bệnh nhân bị sâu răng độ 2 thường có cảm giác nhạy cảm với nóng - lạnh khi ăn nhai hoặc khi súc miệng.

3. Sâu răng độ 3 (Sâu ngà sâu lan đến tuỷ)

Sâu răng độ 2 không được điều trị kịp thời sẽ lan sâu đến tủy răng. Các lỗ sâu lúc này phát triển khá lớn do vi khuẩn đã ăn sâu vào buồng tuỷ, hình thành ổ viêm nhiễm, gây viêm tủy.

Càng để lâu sâu răng sẽ càng lan rộng ra các vùng răng lân cận. Những cơn đau nhức thường xuất hiện về đêm, kèm theo triệu chứng sốt nhẹ nghĩa là bạn đã bị sâu răng nặng. Sâu răng ở mức độ này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn gây suy giảm sức khỏe tổng thể.

Sâu răng độ 2 không được điều trị sẽ lan đến tủy răng, làm người bệnh thường xuyên đau nhức

Các giai đoạn sâu răng

Sâu răng ảnh hưởng đến tất cả các cấu trúc răng và nha chu, thậm chí ảnh hưởng đến xương hàm. Sâu răng được chia thành 5 giai đoạn:

1. Giai đoạn 1: Khử khoáng

Trong giai đoạn đầu tiên này, bề mặt răng có thể xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng như phấn. Điều này là do sự phân hủy các khoáng chất trong men răng gây ra. (1)

2. Giai đoạn 2: Sâu men răng

Nếu không được điều trị, sâu răng sẽ tiến triển và tiếp tục phá vỡ men răng, hình thành các lỗ sâu răng. Các đốm trắng sẽ chuyển sang màu nâu nhạt. (2)

3. Giai đoạn 3: Sâu ngà răng

Ngà răng là lớp nằm ngay bên dưới men răng, mềm hơn so với men răng. Vì vậy, khi mảng bám và vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng, quá trình và diễn tiến sâu răng sẽ diễn ra nhanh hơn. Vào giai đoạn này, răng bắt đầu trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là khi gặp những tác nhân kích thích. Các đốm nâu nhạt trên răng cũng có thể chuyển sang sẫm màu hơn. (3)

4. Giai đoạn 4: Viêm tủy răng

Tủy răng là lớp nằm sâu nhất trong răng, chứa các dây thần kinh và mạch máu vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi dưỡng và giúp răng phát triển. Khi sâu răng lan tới tủy răng, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện cảm giác đau. Vùng nướu quanh răng cũng dễ xuất hiện tình trạng sưng đỏ. Các đốm màu nâu trên răng sẽ chuyển sang màu nâu sẫm hoặc đen. (4)

5. Giai đoạn 5: Chết tủy và áp xe răng

Nếu không được điều trị, sâu răng có thể gây nhiễm trùng, hình thành một túi mủ ở đầu chân răng (áp xe chóp răng). Lúc này đây cơn đau có thể lan vào vùng hàm và mặt của người bệnh, có thể kèm theo sưng mặt và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Áp xe răng có thể lan sang các mô xung quanh và đến các vùng khác trên cơ thể, gây suy giảm sức khỏe tổng thể. Thậm chí trong một số trường hợp, nhiễm trùng lan vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Hình ảnh 5 giai đoạn sâu răng

Nguyên nhân gây sâu răng từ nhẹ đến nặng

Vi khuẩn tích tụ trên răng và tạo ra axit gây sâu răng. Vi khuẩn, nước bọt và các mẩu thức ăn tạo thành một lớp mỏng gọi là mảng bám dính vào răng. Theo thời gian, mảng bám dần cứng lại và trở thành cao răng. Cao răng thường có màu vàng, đôi khi xuất hiện ở chân răng. Vi khuẩn sống trong mảng bám và cao răng rất khó bị loại bỏ.

Môi trường ngọt tạo điều kiện thích hợp để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Đó là lý do tại sao thực phẩm và đồ uống có đường có thể dẫn đến sâu răng.

Lượng đường tiêu thụ không quan trọng bằng tần suất tiêu thụ đường, bởi vì thời gian đường tiếp xúc với răng càng lâu, nguy cơ gây sâu răng càng lớn. Nhấm nháp một ly nước ngọt có đường trong hơn một giờ làm tăng nguy cơ sâu răng hơn ăn một thanh kẹo trong 5 phút, mặc dù thanh kẹo có thể chứa nhiều đường hơn nước ngọt. Trẻ bú bình khi đi ngủ dù là sữa hoặc sữa công thức cũng có nguy cơ bị sâu răng.

Các đối tượng sau cũng có khả năng bị sâu răng rất cao:

  • Có nhiều mảng bám và cao răng trong miệng.
  • Ăn và uống thực phẩm có đường hoặc axit, chẳng hạn như nước ngọt hoặc nước trái cây.
  • Có quá ít fluoride trong răng.
  • Bị khô miệng.
  • Bị tụt nướu.

Cách điều trị bệnh sâu răng cho từng mức độ

Tùy vào mức độ sâu răng mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp.

1. Điều trị sâu răng độ 1

Đối với sâu răng ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ tiến hành tái khoáng (điều trị bằng florua) để giúp khôi phục men răng, đồng thời ngăn ngừa sâu răng phát triển.

2. Điều trị sâu răng độ 2

Đối với sâu răng độ 2, thông thường sẽ có 2 biện pháp khắc phục là trám răng và bọc răng sứ.

  • Trám răng: Bác sĩ sẽ sử dụng các vật liệu nha khoa (GIC, Composite…) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và các cơ quan y tế công cộng công nhận về độ an toàn để trám đầy lỗ sâu răng. Rất hiếm trường hợp dị ứng với các chất trám này.
  • Bọc răng sứ: Khi răng bị sâu nặng, không còn nhiều men răng khỏe mạnh, bác sĩ Răng Hàm Mặt sẽ tiến hành loại bỏ phần bị hư hỏng rồi lắp mão răng được làm từ sứ, vàng hoặc sứ kết hợp kim loại để giúp răng phục hồi kích thước và hình dáng răng.
Trám răng là một trong những biện pháp điều trị sâu răng phổ biến và an toàn

3. Điều trị sâu răng độ 3

Trường hợp người bệnh bị sâu răng độ 3, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tủy răng hoặc nhổ răng.

  • Điều trị tủy răng: Nếu phần chân răng hoặc tủy răng bị thương hoặc không thể chữa được, bị chết do sâu răng, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tuỷ (loại bỏ dây thần kinh, mạch máu và mô bị hư hoại). Sau đó, trám kín ống tủy bằng cách lấp đầy ống tuỷ được làm sạch bằng vật liệu nha khoa để ngăn chặn vi khuẩn tấn công và xâm nhập trở lại. Người bệnh có thể cần sử dụng mão răng để phục hồi hình dáng, kích thước của răng sau khi lấy tủy.
  • Nhổ và phục hình răng: Khi răng bị hư hại rất nặng, không thể cứu chữa, điều duy nhất bác sĩ có thể thực hiện được chính là nhổ bỏ để ngăn chặn sâu răng lan rộng ra các vùng khác. Người bệnh có nhiều lựa chọn để phục hình răng, trong đó trồng răng giả/ implant để thay thế vào răng bị mất là biện pháp phổ biến nhất.

Điều trị sâu răng từ nhẹ đến nặng ở đâu uy tín?

Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm khám, tư vấn và điều trị các bệnh răng miệng như: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, mòn răng, răng ê buốt, mòn răng,… Với hệ thống máy móc tân tiến được nhập khẩu từ Âu - Mỹ, đội ngũ bác sĩ ân cần, chu đáo đảm bảo mang đến trải nghiệm tốt, sự hài lòng cho khách hàng khi điều trị sâu răng tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh sâu răng, tránh tiến triển xấu

Thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách giúp loại bỏ mảng bám, axit và vi khuẩn gây sâu răng (5). Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau giúp ngăn ngừa sâu răng và tránh bệnh tiến triển xấu:

  • Đánh răng bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có fluoride ít nhất 2 lần/ngày và tốt nhất là sau mỗi bữa ăn.
  • Hạn chế thực phẩm và đồ uống có đường, tinh bột.
  • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ thức ăn và mảng bám mắc kẹt giữa các kẽ răng.
  • Khám răng ít nhất 2 lần/năm. Nếu bạn dễ bị sâu răng, bệnh nướu răng hoặc các vấn đề sức khỏe răng miệng khác thì bạn cần đến bác sĩ thường xuyên hơn để được theo dõi tình trạng răng miệng.
  • Trám răng để bảo vệ bề mặt nhai của răng.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc của quý độc giả về mức độ sâu răng từ nhẹ đến nặng và cách xử lý ở từng cấp độ. Sâu răng không khó điều trị, đặc biệt là ở giai đoạn sớm, vì vậy bạn nên dành thời gian đi khám và áp dụng các biện pháp vệ sinh răng miệng để bảo vệ sức khỏe răng miệng.