Kinh nghiệm

Khái quát điều kiện tự nhiên tỉnh Tuyên Quang

Vị trí địa lý

Tuyên Quang có toạ độ địa lý 21o30’- 22o40’ vĩ độ Bắc và 103o50’-105040’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trung tâm hành chính của tỉnh là Thành phố Tuyên Quang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 131 km.

Đặc điểm địa hình

Địa hình của Tuyên Quang khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông. Có thể chia Tuyên Quang thành 3 vùng địa hình sau: (1) vùng núi phía Bắc tỉnh gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên và phía Bắc huyện Yên Sơn, độ cao phổ biến từ 200 - 600 m và giảm dần xuống phía Nam, độ dốc trung bình 250, (2) vùng đồi núi giữa tỉnh gồm: phía Nam huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang và phía Bắc huyện Sơn Dương, độ cao trung bình dưới 500 m và hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, độ dốc thấp dần dưới 250, (3) vùng đồi núi phía Nam tỉnh là vùng thuộc phía Nam huyện Sơn Dương, mang đặc điểm địa hình trung du.

Khí hậu

Khí hậu của Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của lục địa Bắc Á Trung Hoa, được chia thành 4 mùa rõ rệt: Xuân, hạ, thu, đông. Mùa đông lạnh - khô hạn và mùa hạ nóng ẩm - mưa nhiều. Lượng mưa trung bình hàng năm đạt từ 1.500 - 2.300 mm. Độ ẩm bình quân năm 82%. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 - 250C. Cao nhất trung bình 33 - 350C, thấp nhất trung bình từ 12 - 130C; tháng lạnh nhất là tháng 11 và 12 (âm lịch) gây ra các hiện tượng sương muối.

Do địa hình bị chia cắt, Tuyên Quang có 2 tiểu khu khí hậu rõ rệt, cho phép phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đa dạng.

Đặc điểm thủy văn

Tuyên Quang có hệ thống sông suối khá dày và phân bố tương đối đều giữa các vùng. Hệ thống sông suối này ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Có các sông lớn, trong đó Sông Lô chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây. Sông Gâm, chảy qua tỉnh dài 170 km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km.

Tiềm năng thủy điện trên sông Gâm tương đối lớn, hiện trên sông Gâm đã xây dựng nhà máy thủy điện Na Hang và nhà máy thủy điện Chiêm Hóa.

Mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối dày với mật độ 0.9km/km² và phân bố đồng đều. Hệ thống đê điều, tiêu thoát nước thủy lợi tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua được đầu tư cơ bản hoàn thiện nên hàng năm hầu như không chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Ảnh: Trung Kiên

Tài nguyên thiên nhiên

a. Tài nguyên đất

Tuyên Quang có 586.795 ha đất tự nhiên. Do điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều làm lớp vỏ phong hoá của đất Tuyên Quang tương đối dày, cộng với thảm thực vật còn khá có tác dụng bảo vệ mặt đất nên sự thoái hoá của đất ở mức độ nhẹ. Đất Tuyên Quang có các nhóm chính: Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất; đất vàng nhạt trên đá cát; đất đỏ vàng trên đá macma; đất vàng đỏ trên đá biến chất; đất phù sa ven suối; đất dốc tụ - thung lũng. Ngoài ra còn có một số loại đất khác chiếm diện tích nhỏ như: Đất nâu vàng, đất mun vàng nhạt, đất nâu đỏ; đất phù sa không được bồi đắp… Khái quát lại, tài nguyên đất của Tuyên Quang hết sức phong phú về chủng loại, chất lượng tương đối tốt, đặc biệt là các huyện phía nam, thích ứng với các loại cây trồng.

b. Tài nguyên nước

Nước mặt: Tuyên Quang có nguồn nước mặt rất lớn, gấp 10 lần nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hiện nay. Lượng mưa hàng năm khá lớn cùng với nguồn nước từ lưu vực sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy và nhiều con suối lớn nhỏ, có hồ thuỷ điện Na Hang mới xây dựng, cộng với gần 2.000 ao, hồ quanh năm có nước, đã tạo cho tỉnh nguồn tài nguyên nước phong phú, vào khoảng 5,5 tỷ m3/năm. Trung bình cứ một ha đất tự nhiên có 9 m sông suối và 9.375m3 nước.

Nước ngầm: Nguồn nước ngầm dồi dào, có ở khắp lãnh thổ tỉnh và chất lượng tốt đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Mực nước ngầm không sâu và tương đối ổn định, thuận lợi cho khai thác, kể cả khai thác đơn giản trong sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt các điểm nước khoáng đáng chú ý là Bình Ca, Mỹ Lâm (Yên Sơn). Hiện nay tỉnh đang khai thác nguồn nước nóng Mỹ Lâm phục vụ chữa bệnh, chế biến nước uống tinh khiết.

Cầu Tình Húc bên dòng Lô Tuyên Quang. Ảnh Việt Hòa

c. Tài nguyên rừng

Tuyên Quang có khoảng 448.680ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.

Với diện tích rừng trồng lấy gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha rõ ràng kinh tế rừng đang có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người dân Tuyên Quang. Hằng năm tỉnh thực hiện khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng; tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3. Đến nay tỉnh đã có trên 35.800ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (cao nhất cả nước); giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha rừng khoảng trên 116 triệu đồng/chu kỳ 7 năm.

Tuyên Quang có thảm thực vật rừng đa dạng, toàn tỉnh có khoảng 760 loài của 349 chi, 126 họ thuộc 8 ngành thực vật bậc cao như hạt kín, thông, tuế, thông đất, khuyết lá thông, cỏ tháp bát, dương xỉ, Trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như trầm hương, nghiến, lát hoa, tuế đá vôi, hoàng đàn, mun, pơ mu.

Động vật rừng phong phú, có khoảng 293 loài, lớp thú có 51 loài thuộc 19 họ; lớp chim có 175 loài thuộc 45 họ; bò sát có 5 loài; ếch nhái có 17 loài thuộc 5 họ. Những loài thú lớn như gấu ngựa, beo lửa, hổ diễn, báo gấm, báo hoa, vượn đen, voọc mũi hếch thường sống ở rừng sâu, xa dân cư. Các loài khỉ, nai, hoẵng thuờng sống ở gần khu dân cư, trên nương bãi dọc theo sông Lô, sông Gâm.

Tuyên Quang có 02 khu bảo tồn thiên nhiên: Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung thuộc huyện Na Hang và khu Cham Chu thuộc huyện Hàm Yên.

Thác Bản Ba (Chiêm Hóa)

d. Tài nguyên khoáng sản

Tuyên Quang có nhiều loại khoáng sản khác nhau nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong việc khai thác.

- Ba rít: Phân bố chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hoá.

- Măng gan: Tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hoá và một điểm ở huyện Na Hang.

- Ăngtymoan: Ðã phát hiện các điểm có ăngtymoan ở các huyện Chiêm Hoá , Na Hang và Yên Sơn.

- Ðá vôi: ước lượng ở Tuyên Quang có hàng tỷ m3 đáng chú ý nhất là hai mỏ đá vôi Tràng Ðà trữ lượng khoảng trên 1 tỷ tấn có hàm lượng cao từ 49 - 54% đủ tiêu chuẩn sản xuất xi măng mác cao; mỏ đá trắng Bạch Mã ở huyện Hàm Yên có trữ lượng khoảng 100 triệu m3 là nguyên liệu tốt để sản xuất đá ốp lát tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có thể khẳng định rằng nguồn đá vôi của Tuyên Quang khá dồi dào là loại khoáng sản có khả năng khai thác tốt nhất trong các loại khoáng sản để tạo ra một loại sản phẩm chủ lực.

- Ðất sét: Ðất sét được thấy ở nhiều nơi thuộc thị xã Tuyên Quang, trong đó đáng chú ý nhất mỏ sét bên cạnh mỏ đá vôi Tràng Ðà được dùng để sản xuất xi măng.

Ngoài các loại khoáng sản trên, Tuyên Quang còn nhiều khoáng sản như vonfram, pirít, kẽm, cao lanh, sét chịu lửa, nước khoáng, vàng, cát, sỏi ... đang được khai thác với quy mô nhỏ.