Rau sam là một trong các loại thực phẩm gần gũi với mọi nhà bởi nó vô cùng dễ tìm, dễ sử dụng. Bên cạnh đó, rau sam còn là một loại dược liệu đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
1Rau sam là gì?
Rau sam với tên khoa học là Portulaca oleracea thuộc họ Rau sam (Portulacaceae). Đây là loài thực vật thân cỏ, sống lâu năm. Thân có màu đỏ nhạt, trơn nhẵn mang các lá có dạng bầu dục, không cuốn. Hoa thường mọc ở đầu cành, lưỡng tính, không có cuống hoa và cánh hoa. Quả nang hình bầu dục, hơi nhọn, mở bằng đường nứt ngang, bên trong chứa nhiều hạt đen bóng. Mùi đặc trưng, vị hơi chua.
Đặc biệt hơn, rau sam có sức sống mạnh ngay cả ở những vùng khô cằn. Người ta thường thu hái rau sam quanh năm và chọn phần trên mặt đất của cây là bộ phận dùng [1].
Ở rau sam, ta có thể tìm thấy được các acid béo α-linolenic và β-caroten, ngoài ra còn có flavonoid, coumarin, monoterpen glycoside, N-trans-feruloyltyramin, dopamin, noradernaline, acid ferulic, adenosine.
Rau sam mọc hoang dại ở cả những vùng đất khô cằn
2Rau sam có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền
Theo phương pháp lý luận của Y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính hàn, lành tính. Quy vào kinh Tỳ, Phế và Tâm. Sau đây là các công dụng của rau sam như:
- Kích thích tiêu hóa.
- Trị mẩn ngứa ngoài da.
- Điều trị các bệnh về xương khớp.
- Chữa các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm giun, sán, lỵ [2].
Rau sam có tính kháng khuẩn, kháng viêm
Theo Y học hiện đại
Các nghiên cứu dược lý về tác dụng của rau sam đã được thực hiện. Dưới đây là các tác dụng của rau sam theo Y học hiện đại:
- Hàm lượng acid béo omega-3 đặc biệt là EPA có trong rau sam có tác động đáng kể đến số lượng và chức năng của các tế bào miễn dịch. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng.
- Bên cạnh đó, omega-3 còn giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch do công dụng điều trị rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp.
- Dopamin được tìm thấy trong rau sam hỗ trợ phục hồi dopamin thần kinh, cải thiện trí nhớ và sức tập trung.
- Rau sam còn có tác dụng trong việc ức chế sự phát triển của các vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ.
- Ngoài ra, rau sam còn có khả năng loại bỏ các chất gây rối loạn nội tiết nhóm phenolic như bisphenol A, 2,4-diclorophenol, octylphenol [1].
Chiết xuất rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ
3Liều dùng của rau sam
- Đối với dạng dùng là rau sam tươi, bạn có thể sử dụng 50-100g/ngày.
- Còn đối với dược liệu khô dùng để sắc uống, liều dùng được khuyến cáo là 6-12g.
- Với dạng dùng bên ngoài, hiện chưa có liều lượng khuyên dùng
4Một số bài thuốc có sử dụng rau sam
Rau sam có thể được dùng riêng hoặc phối hợp với các dược liệu khác trong các bài thuốc điều trị bệnh.
Bài thuốc chữa dịch sản hậu ra nhiều
Để chữa dịch sản hậu ra nhiều, bạn có thể dùng 60g dạng dược liệu khô hoặc 200g dược liệu tươi để sắc uống với liều dùng là 2 lần/ngày.
Rau sam giúp chữa dịch sản hậu nhiều
Bài thuốc chữa chứng ho gà
Đối với chứng ho gà, bài thuốc được sử dụng bao gồm 30g đường phèn kết hợp với 100g rau sam. Đun sôi rau sam với 200ml nước, sau đó thêm đường phèn vào và đun còn 100ml. Đem nước sắc chia đều cho 3 ngày, mỗi ngày uống 3 lần.
Rau sam phối hợp với đường phèn giúp chữa ho gà hiệu quả
Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư thực quản
Bạn có thể sử dụng bài thuốc dưới đây để hỗ trợ điều trị ung thư thực quản gồm:
- 30g rau sam tươi.
- 1 ít mật ong.
- Bột đậu nành.
Nấu rau sam đến nhừ, tiếp theo cho bột đậu nành vào nấu cháo và thêm 1 ít mật ong. Bạn có thể ăn nhiều ngày trong một tháng.
Bài thuốc gồm rau sam, mật ong và bột đậu nành hỗ trợ điều trị ung thư thực quản
Bài thuốc hỗ trợ trị ung thư trực tràng
Đối với ung thư trực tràng, bạn có thể áp dụng bài thuốc gồm 30g hoa mào gà kết hợp với 10g rau sam để đem sắc uống. Liều dùng cho một ngày là một thang để hỗ trợ trong điều trị ung thư trực tràng.
Kết hợp rau sam, hoa màu gà giúp điều trị ung thư trực tràng hiệu quả
Bài thuốc trị giun kim và giun đũa
Trong trường hợp nhiễm giun như giun kim, giun đũa bạn có thể tiến hành giã nát 100g rau sam tươi và vắt lấy nước uống. Bạn nên uống nước ép vào buổi sáng trước ăn 4 giờ hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nước ép rau sam giúp chữa nhiễm giun đũa, giun kim
Bài thuốc trị phụ nữ bị bạch đới
Tiến hành giã nát 30g rau sam lấy nước cốt (tương đương với 30ml). Sau đó, trộn chung với 2 lòng đỏ trứng gà. Đun sôi hỗn hợp và uống. Đây là bài thuốc dùng cho phụ nữ bị bạch đới.
Để chữa bạch đới ở phụ nữ, kết hợp rau sam với trứng gà
Bài thuốc trị kiết lỵ ra máu
Cháo rau sam gồm 100g gạo nếp và 200g rau sam thái nhỏ được dùng trong chữa kiết lỵ ra máu. Bạn nên ăn cháo khi đói. Hoặc bạn có thể phối hợp rau sam, cỏ sữa mỗi vị 100g đem đi sắc uống với 400ml nước. Số lần dùng mỗi ngày được khuyến cáo là 2 lần/ngày.
Cháo rau sam giúp chữa kiết lỵ ra máu
Bài thuốc trị chứng bạch cầu cấp
Bài thuốc phối hợp 12g bạch chỉ, 30g mã xỉ hiện, hà thủ ô và a giao mỗi thứ 16g. Tiến hành sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc trị trướng bụng, đầy hơi và khó tiêu
Nếu bạn gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu bạn có thể dùng 150g rau sam thái nhỏ và nấu với nước vo gạo nếp thành nước canh sền sệt. Chia thành 2 lần dùng mỗi ngày.
Rau sam giúp điều trị các rối loạn tiêu hóa như đầy hơi
Bài thuốc chữa chốc đầu
Để trị chốc đầu, bạn nên giã nát rau sam tươi, thêm nước, sắc đặc hay đốt ra than, hòa với mỡ lợn để bôi lên vùng bị tổn thương.
Giã nát rau sam đắp lên vùng da tổn thương trong điều trị chốc đầu
5Ai không nên ăn rau sam?
Tuy rằng, rau sam có vô vàn lợi ích đối với sức khỏe nhưng không phải bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng rau sam.
- Phụ nữ có thai: Theo y học cổ truyền, rau sam có tính hàn và có khả năng kích thích co bóp tử cung. Thai phụ nên tránh sử dụng rau sam trong ba tháng đầu thai kỳ để tránh nguy cơ sảy thai và sinh non,...
- Đối với những người bị tiêu chảy do lạnh bụng thì không nên sử dụng rau sam. Vì rau sam mang tính hàn có thể làm tình trạng tiêu chảy tiến triển nặng hơn.
- Người đang sử dụng các thuốc khác: vì có thể gây ra các tương tác thuốc dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị, tăng tác dụng phụ. Vì vậy, khi đang sử dụng các thuốc điều trị bệnh bạn cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ cho việc sử dụng rau sam.
- Người có tỳ vị hư hàn nên hạn chế lượng rau sam tiêu thụ tránh gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch cùng nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
6Lưu ý khi sử dụng rau sam
Mặc dù rau sam có nhiều dưỡng chất và lợi ích sức khỏe, nhưng cần lưu ý khi sử dụng chúng để tránh các tác dụng phụ bất lợi như:
- Hoạt chất Oxalate và nitrate trong loại rau này có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Không sử dụng với các đối tượng phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Khi chế biến, cần lưu ý không nên nấu quá kỹ vì sẽ làm mất đi các dưỡng chất có trong rau.
- Không kết hợp với các thực phẩm như thịt ba ba, thịt rùa và trứng để tránh gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Rau sam là dược liệu quen thuộc với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, rau sam chỉ nên được coi là phương pháp hỗ trợ trong điều trị, phòng bệnh. Nếu muốn sử dụng rau sam kết hợp với các loại thuốc khác bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu thấy thông tin trên hữu ích, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!