Kinh nghiệm

1 tháng có kinh 2 lần có sao không? 12 lý do có kinh 2 lần trong tháng

Kinh nguyệt đến 2 lần một tháng có thể xem là một bất thường cần lưu tâm dành cho phái nữ. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng 1 tháng có kinh 2 lần qua bài viết dưới đây nhé!

1Độ tuổi và khoảng thời gian chu kỳ

Chu kỳ kinh nguyệt trung bình thường kéo dài từ 24 - 38 ngày. Tuy nhiên, một số nguyên nhân làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như: kỳ kinh đầu tiên, tiền mãn kinh và mãn kinh,... hoặc một số bệnh lý như: polyp cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung,… có thể làm thay đổi thời gian cũng như khoảng cách mỗi lần hành kinh.

Thay đổi nội tiết tố

Độ tuổi

Tuổi trung bình

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên

8-16

12

Tiền mãn kinh

Cuối những năm 30 đến giữa những năm 40 tuổi

41 - 43

Mãn kinh

Cuối năm 40, đầu những năm 50 tuổi

51

Mãn kinh quá sớm

Trước tuổi 40

-

Mãn kinh sớm

Trước tuổi 45

-

Chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều khi có những thay đổi nội tiết tố

2Một tháng bị 2 lần kinh nguyệt có sao không?

Nếu tình trạng kinh nguyệt này chỉ xuất hiện một vài lần do chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc do chế độ sinh hoạt không điều độ thì có lẽ sẽ không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt có nhiều hơn một lần trong tháng có thể gây ra các biến chứng của mất máu nhiều dẫn đến thiếu máu, gây mệt, giảm tập trung, đau đầu, chóng mặt,... hoặc cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Ngoài ra, việc có 2 kỳ kinh trong một tháng có thể gây khó khăn cho việc theo dõi sự rụng trứng của bạn. Do đó, nếu bạn không có kế hoạch mang thai, hãy thực hiện những biện pháp an toàn hoặc tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ nếu bạn đang tích cực cố gắng mang thai.

Chu kỳ kinh nguyệt có nhiều hơn một lần trong tháng có thể dẫn đến thiếu máu

3Một tháng có kinh 2 lần có thai không?

Bạn có thể không rụng trứng và thụ thai nếu có chu kỳ kinh nguyệt ngắn và có 2 kỳ kinh trong cùng một tháng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này đặc biệt đúng nếu chu kỳ của bạn ít hơn 25 ngày.[1].

Tuy nhiên, có khoảng 15% - 20% trường hợp mang thai xuất hiện tình trạng chảy máu với lưu lượng máu thường nhẹ hơn nhiều so với thời kỳ bình thường do sự làm tổ của trứng vào tử cung khiến một ít niêm mạc tử cung bong tróc dẫn đến hiện tượng máu báo thai khiến ta dễ nhầm lẫn là kinh nguyệt.

Vì vậy, để loại trừ những nguyên nhân gây chảy máu âm đạo liên quan đến thai kì, chị em nên tiến hành sử dụng que thử thai hoặc đến bệnh viện để kiểm tra chính xác.

Để xác định có thực sự mang thai không nên sử dụng que thử nhanh hoặc đến bệnh viện để kiểm tra

4Nguyên nhân có kinh 2 lần trong 1 tháng

Do chu kỳ kinh nguyệt ngắn

Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt khác nhau và có thể thay đổi theo từng tháng. Do đó, nếu chu kỳ của bạn ngắn, bạn hoàn toàn có thể có kinh vào đầu và cuối tháng mà không có lý do gì phải lo lắng.

Tuy nhiên, chu kỳ ngắn cũng có thể là do các nguyên nhân sau đây:

  • Thiếu sự rụng trứng.
  • Cường giáp hoặc suy giáp.
  • U xơ tử cung hoặc u nang.
  • Giảm hoặc tăng cân quá nhanh,...

Chu kỳ của bạn ngắn có thể có kinh vào đầu và cuối tháng

Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là thời điểm buồng trứng bắt đầu suy giảm sản xuất estrogen, gián đoạn quá trình rụng trứng khiến chu kỳ không đều, có thể gây ra tình trạng 2 kỳ kinh trong một tháng.

Một số triệu chứng khác của thời kỳ tiền mãn kinh như: nóng trong người, khó ngủ, thay đổi tâm trạng và chức năng tình dục, xuất hiện các vấn đề về âm đạo và bàng quang,...

Tiền mãn kinh có thể gây ra tình trạng 2 kỳ kinh trong một tháng

Polyp, u xơ tử cung

Polyp cổ tử cung là tình trạng phát triển quá mức các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung. Polyp có thể nằm trên bề mặt cổ tử cung hoặc ở bên trong ống cổ tử cung, một số trường hợp nó thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.

Polyp cổ tử cung có màu hồng, mềm và dễ chảy máu khi chạm vào. U xơ tử cung là những khối u lành tính ở cơ tử cung, còn được gọi là u xơ cơ tử cung vì được cấu tạo từ tổ chức liên kết và cơ trơn của tử cung.

Cả polyp và u xơ tử cung đều có thể gây ra các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt của bạn: thường xuyên hơn (bao gồm cả hai kỳ kinh trong một tháng), thời gian dài hơn, chảy máu nhiều hơn giữa các kỳ kinh.

Cả polyp và u xơ tử cung đều có thể gây ra các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt

Vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan rất quan trọng giúp điều hòa các quá trình nội tiết tố trong cơ thể, điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Khi bạn bị suy giáp, cơ thể sản xuất ít hormone tuyến giáp, chu kỳ kinh nguyệt có thể nhiều và thường xuyên hơn, chẳng hạn như hai kỳ trong một tháng.

Một số triệu chứng khác của suy giáp như cảm thấy lạnh, táo bón, yếu cơ, tăng cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi,...

Tuyến giáp là cơ quan rất quan trọng giúp điều hòa các quá trình nội tiết tố trong cơ thể

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng bệnh lý khiến mô tương tự như nội mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến tình trạng đau bụng kinh không thuyên giảm, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, mệt mỏi,...

Những người bị lạc nội mạc tử cung có kinh nguyệt nhiều hơn và nghiêm trọng hơn do nội mạc tử cung phát triển quá mức khiến chúng bị bong ra nhiều, gây gián đoạn chu kỳ, đau hoặc chảy máu. Từ đó xuất hiện tình trạng 1 tháng có kinh 2 lần.

Lạc nội mạc tử cung xuất hiện tình trạng 1 tháng có kinh 2 lần

Bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ âm đạo đến tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng. Đây là nguyên nhân có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều, bao gồm hai kỳ kinh trong một tháng hoặc ra máu và chuột rút giữa các kỳ kinh.

Các đợt viêm vùng chậu lặp đi lặp lại có thể gây ra sẹo trên ống dẫn trứng, đau vùng chậu mãn tính, mang thai ngoài tử cung và thậm chí là vô sinh.

Bệnh viêm vùng chậu có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều

Quên dùng thuốc tránh thai hàng ngày

Thuốc tránh thai hàng ngày là một biện pháp ngăn ngừa mang thai hiệu quả nhưng có thể làm rối loạn kinh nguyệt mỗi tháng.

Việc sử dụng không đều thuốc tránh thai có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố kiểm soát rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng kinh nguyệt thường xuyên hơn hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh.

Thuốc tránh thai hàng ngày là một biện pháp ngăn ngừa mang thai nhưng có thể làm rối loạn kinh nguyệt

Tăng cân

Tăng cân dẫn đến những thay đổi về lượng mỡ, chất béo gây ra sự gián đoạn trong các hormone sinh sản. Từ đó, có thể làm đảo lộn sự cân bằng nội tiết tố, dẫn đến kinh nguyệt không đều và có kinh 2 lần 1 tháng.

Tăng cân có thể làm đảo lộn sự cân bằng nội tiết tố

Căng thẳng

Các hormone căng thẳng được tiết ra bởi tuyến thượng thận như cortisol có thể phá vỡ cân bằng hormone cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt và lưu lượng máu bình thường. Do đó, căng thẳng cũng có thể dẫn đến 1 tháng có kinh 2 lần.

Căng thẳng cũng có thể dẫn đến 1 tháng có kinh 2 lần

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng đặc trưng bởi sự mất cân bằng của các hormone sinh sản, mất cân bằng nội tiết tố, cản trở quá trình rụng trứng gây ra kinh nguyệt không đều. Từ đó, một số người bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể có nhiều kỳ kinh trong một tháng.

Người bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể có nhiều kỳ kinh trong một tháng

Rối loạn chảy máu

Rối loạn chảy máu là tình trạng tương tự với bệnh máu khó đông bởi các vấn đề trong quá trình đông máu của cơ thể. Những người rối loạn chảy máu dễ bầm tím, chảy máu cam thường xuyên và có thể gây ra tình trạng chảy máu kinh nguyệt bất thường.

Những người rối loạn chảy máu có thể gây ra tình trạng chảy máu kinh nguyệt bất thường

Ung thư

Tuy không phổ biến như những lý do khác nhưng những thay đổi về kinh nguyệt bao gồm hai kỳ kinh nguyệt trong một tháng đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.

Ung thư cơ quan sinh sản bao gồm tử cung, cổ tử cung và buồng trứng có thể thay đổi nội tiết tố và chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

2 kỳ kinh nguyệt trong một tháng đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư

5Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Mặc dù 2 kỳ kinh nguyệt trong 1 tháng không phải lúc nào cũng đáng lo ngại nhưng bạn nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên từ 2 - 3 tháng hoặc khi đi kèm các triệu chứng:

  • Bạn nghĩ rằng có thể mình đang mang thai.
  • Đau bụng dữ dội mỗi chu kì kinh.
  • Đau khi quan hệ tình dục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, chóng mặt, giảm tập trung, sụt giảm cân nặng, chán ăn.
  • Tiền sử gần đây có làm thủ thuật ở cổ tử cung, lòng tử cung hay mới sanh con, nhất là khi khám phụ khoa thấy có dấu hiệu viêm nhiễm.
  • Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.

Nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ nếu tình trạng có kinh 2 lần 1 tháng diễn ra trong 2 - 3 tháng

Các chẩn đoán/xét nghiệm bệnh

  • Test thai: để loại trừ các nguyên nhân chảy máu âm đạo bất thường liên quan đến thai kì.
  • Siêu âm: để đánh giá tổng quát tử cung, nội mạc tử cung, phần phụ.
  • Xét nghiệm máu: có thể đánh giá sự thiếu sắt (thiếu máu) và các tình trạng như bất thường tuyến giáp hoặc rối loạn đông máu.
  • Xét nghiệm Pap: sử dụng các tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra viêm, nhiễm trùng hoặc những thay đổi có thể là ung thư.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: để giải phẫu bệnh bằng cách lấy một mẫu mô từ bên trong tử cung để tìm những nguyên nhân gây xuất huyết từ nội mạc tử cung.

Xét nghiệm máu có thể đánh giá sự thiếu máu và các tình trạng bất thường khác

Một số bệnh viện có thể thăm khám

Nếu cần nhận được sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến khoa Phụ khoa của một số bệnh viện uy tín sau:

  • Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch,...
  • Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân Y 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,...

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin về việc 1 tháng có kinh 2 lần và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!

Nguồn: Verywellhealth, Medicalnewstoday, Healthline