Kinh nghiệm

Hội Thủy sản Việt Nam: Mở rộng cánh tay đến gần với ngư dân

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Hội Thủy sản Việt Nam mở rộng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam đặt vấn đề: Mặc dù Hội đã thành lập được hơn 13 năm, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành thủy sản nước nhà, nhưng vẫn còn nhiều điều mà Hội chưa làm được như: kết nối chặt chẽ những ngư dân, nông dân trực tiếp sản xuất trong ngành hàng của mình; trách nhiệm của Hội gắn với các đơn vị thành viên, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Do vậy qua Hội nghị lần này, ông Thắng mong muốn các đại biểu cùng nhau đề xuất các giải pháp, góp phần đổi mới hoạt động của Hội, tăng tính chuyên nghiệp, đấu tranh vì quyền lợi của ngư dân trên biển, người nuôi trồng thủy sản, và gắn kết doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Dấu ấn đậm nét

Tại Hội nghị, ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết năm 2023 và kế hoạch hoạt động của Hội trong năm tới.

Về kết quả nổi bật trong năm 2023, Hội đã tích cực tham gia phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, động viên ngư dân bám biển sản xuất, thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm các vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng EC.

Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam trình bày báo cáo công tác Hội

Bên cạnh đó, Hội đã hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, thực hiện việc chuyển đổi nghề; đổi mới quản lý vận hành các cơ sở cảng cá, khu neo đậu và dịch vụ hậu cần thủy sản. Hội cũng chủ động tổ chức các buổi hội thảo để tìm cách tháo gỡ khó khăn và phát triển nuôi trồng thủy sản; kiến nghị đề xuất lên Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, thành phố giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cấp bách cho người nuôi, đặc biệt người nuôi tôm và cá tra

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm công nghệ ngành Tôm Việt Nam lần thứ 4 “Vietshrimp 2023” tại Cần Thơ; Tổ chức họp báo giới thiệu “Vietshrimp 2024” tại Cà Mau; Tổ chức diễn đàn công nghệ ngành tôm 2023 tại Bạc Liêu; Tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế Aquaculture Vietnam 2023 tại TP Hồ Chí Minh,…

Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam báo cáo hoạt động tham gia Quốc hội khóa XV

Về nhiệm vụ trong năm 2024, Hội Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội thành viên, các tỉnh, thành Hội địa phương và hội viên của Hội tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước, định hướng chỉ đạo của Bộ, ngành, địa phương; Phát huy tính chủ động, sáng tạo tích cực tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành; Theo sát tình hình thực tiễn kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông ngư dân, doanh nghiệp; Huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển ngành thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã báo cáo những hoạt động tích cực của Hội trên nghị trường, qua đó từng bước khẳng định vai trò quan trọng, vị thế, tiếng nói và hình ảnh của Hội Thủy sản Việt Nam trước Quốc hội và cử tri.

Thay đổi để phát triển

Tiếp đó, các đại biểu bước vào phần thảo luận sôi nổi về công tác hội tại các đơn vị, các tỉnh Hội đại diện cho Hội Thủy sản Việt Nam, từ đó cùng nhau đề xuất, xây dựng các sáng kiến góp phần thúc đẩy hoạt động của Hội trong thời gian tới.

Hội Thủy sản Việt Nam nhận hoa chúc mừng từ Bộ Nội vụ

Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Phú Yên, Hội nghề cá Phú Yên mong muốn Hội đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phát triển nghề cá trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, đặc biệt là ngành tôm. Tập thể Hội có thể sử dụng sản phẩm mà các thành viên trong Hội làm ra, bên cạnh đó cần nghiên cứu giải pháp đưa Hội trở thành tập thể sản xuất kinh doanh lớn mạnh trong dịch vụ nghề cá.

Liên quan đến bảo tồn nguồn lợi thủy sản, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội nghề cá Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, hạ tầng nghề cá tại 28 tỉnh, thành ven biển vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu, đây là rào cản lớn với nghề khai thác thủy sản. Mùa vụ rất quan trọng đối với sự phát triển nguồn lợi thủy sản, do đó cần nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân để họ không khai thác, đánh bắt tận diệt khi đang vào mùa sinh sản của các loài.

Đại diện các đơn vị nhận bằng khen từ Hội Thủy sản Việt Nam

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Hiện nay nghề cá tự do vẫn chiếm đại đa số, ngư trường có hạn nhưng tàu cá lại tăng quá nhiều, nếu cứ tập trung khai thác quá mức sẽ khiến cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Do đó, Hội cần quan tâm đến những đối tượng ngư dân này, giúp họ có nguồn sinh kế mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đánh bắt tự nhiên. Chế tài xử phạt vi phạm IUU đã có nhưng dường như chưa đủ sức răn đe, do vậy mà vẫn còn ngư dân vi phạm, nên có hình thức xử phạt mạnh hơn.

Sau một thời gian làm việc tích cực, các đại biểu đã cùng nhau nêu ra rất nhiều ý kiến để rút kinh nghiệm cho các hoạt động của Hội trong thời gian qua và xây dựng những hành động và mục tiêu cụ thể hơn trong năm 2024.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam đánh giá cao sự tham gia sôi nổi của các Hội nghề cá cơ sở với rất nhiều ý kiến chia sẻ xuất phát từ hoạt động thực tiễn tại các đơn vị. Ông Thắng nhấn mạnh: Qua Hội nghị lần này, tôi mong muốn các đơn vị cần tiếp nhận, truyền đạt về Hội, phối hợp chặt chẽ với nhau để tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, để làm sao Hội Thủy sản Việt Nam có thể mở rộng cánh tay đến gần ngư dân hơn.

Cũng tại Hội nghị, Hội Thủy sản Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 13 tập thể, 41 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội thời gian vừa qua, trong đó có Tập thể Tạp chí Thủy sản Việt Nam và 7 cá nhân của Tạp chí được khen thưởng.

Thùy Khánh