Kinh nghiệm

11 thuốc trị tiêu chảy tốt nhất, giúp cầm nhanh, an toàn, hiệu quả

Thuốc trị tiêu chảy là cách điều trị được nhiều người lựa chọn khi bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sử dụng sai thuốc, lạm dụng thuốc khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy nên sử dụng thuốc trị tiêu chảy nào? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Tiêu chảy là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp, là cách cơ thể tự loại bỏ các vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Tình trạng này thường kéo dài khoảng từ vài ngày đến một tuần, đặc trưng bởi việc đi ngoài nhiều lần (> 3 lần/ngày) với phân lỏng và có nhiều nước hơn bình thường. Một số triệu chứng đi kèm thường gặp như sốt, buồn nôn, nôn, chuột rút, phát ban,…

Tiêu chảy là rối loạn tiêu hóa thường gặp

Tình trạng tiêu chảy thường bắt đầu ở mức độ nhẹ và dần trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong khi không được kiểm soát đúng cách và kịp thời. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, người bệnh nên chủ động thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà được bác sĩ khuyến cáo. Nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực từ y tế.

Tiêu chảy là rối loạn tiêu hóa thường gặp

Danh sách các loại thuốc trị tiêu chảy nhanh nhất

Điều quan trọng khi bị tiêu chảy là bổ sung đủ nước cho cơ thể nhằm ngăn chặn tình trạng mất nước xảy ra, đồng thời, tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó tìm cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị tiêu chảy:

1. Thuốc Berberin

Berberin là loại thuốc điều trị tiêu chảy phổ biến, có thể sử dụng cho hầu hết các trường hợp trừ phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người có huyết áp thấp, và người có nồng độ bilirubin trong máu cao. Thuốc được chiết xuất chủ yếu từ các thành phần thảo dược tự nhiên, có khả năng kháng khuẩn và chống viêm. Berberin được bào chế ở nhiều dạng khác nhau: viên nén, viên nang, viên nén phủ đường hoặc viên nén phủ màng.

2. Thuốc Loperamid

Thuốc Loperamid có tác dụng làm giảm nhu động của ruột, giảm sự tiết chất trong hệ tiêu hóa và hạn chế hấp thụ nước vào phân, từ đó, khiến phân trở nên đặc và ít đi ngoài hơn mà không gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Thuốc thường được sử dụng trong trường hợp tiêu chảy cấp, tiêu chảy ở người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định với các trường hợp tiêu chảy có máu, kèm sốt cao hoặc tiêu chảy do sử dụng kháng sinh. (1)

3. Thuốc Diphenoxylate

Thuốc Diphenoxylate là một loại thuốc điều trị tiêu chảy thông qua việc giảm co bóp nhu động ruột, ức chế và kiểm soát chuyển động của nước và chất điện giải trong cơ thể, làm chậm quá trình di chuyển để tăng khả năng hấp thụ. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng mất nước và tạo ra phân rắn và có hình dạng đều đặn. Hiện nay, Diphenoxylate có 2 dạng: thuốc dạng dung dịch uống và dạng viên nén,được sử dụng cho cả trẻ em và người lớn, trừ các trường hợp ngộ độc, sốt cao, phân có máu hoặc người trên 65 tuổi.

4. Thuốc Codein

Thuốc trị tiêu chảy Codein được bào chế dưới 4 dạng: bột, viên nén, dung dịch và dạng tiêm. Với thành phần chính là Codein phosphat, thuốc có tác dụng giảm đau bụng, điều hòa nhu động ruột. Do đó, Codein thường được chỉ định trong điều trị tiêu chảy kèm đau co thắt bụng hoặc tiêu chảy do vi khuẩn ở người lớn và trẻ trên 2 tuổi. Lưu ý, thuốc chống chỉ định với người mắc bệnh hô hấp, hen suyễn, tắc nghẽn dạ dày, ruột.

Sử dụng đúng thuốc, đúng liệu lượng sẽ giúp cải thiện tiêu chảy hiệu quả.

5. Thuốc Diarsed

Đối với các trường hợp tiêu chảy cấp và mạn tính do tăng nhu động ruột, Diarsed là loại thuốc thường được sử dụng. Thuốc ở dạng viên bao, có tác dụng làm giảm tần suất đi ngoài, giúp phân đặc hơn. Thuốc trị tiêu chảy cấp Diarsed được sử dụng ở trẻ trên 30 tháng tuổi và người lớn. Lưu ý, thuốc chống chỉ định với các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú.

6. Bù nước và điện giải Oresol

Oresol là dung dịch bù nước và điện giải thường được sử dụng trong điều trị tiêu chảy ở cả trẻ em và người lớn. Thành phần chính của Oresol bao gồm nước, muối (Kali, Natri) và đường glucose, được bào chế ở dạng dạng bột hoặc viên sủi với hàm lượng khác nhau. Oresol chống chỉ định với những người mắc các bệnh nền như suy thận cấp, rối loạn hấp thụ glucose hoặc liệt ruột…

7. Thuốc Racecadotril

Bằng cách ức chế hoạt động của enzyme Enkephalinase trong đường tiêu hóa, Racecadotril giúp giảm tiết dịch, ngăn chặn mất nước, mất điện giải, từ đó, giảm số lần đi tiêu, cải thiện tình trạng tiêu chảy. Người bệnh có thể dùng thuốc ở dạng viên nén, viên nang hoặc dung dịch uống liền theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, cần thận trọng với các trường hợp mắc bệnh gan thận hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

8. Thuốc Smecta

Bằng cách tạo một lớp mỏng bao phủ khắp niêm mạc ống tiêu hóa, thuốc trị tiêu chảy Smecta giúp bảo vệ niêm mạc đại tràng, niêm mạc ống tiêu hóa khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh, giảm kích ứng và tần suất đi ngoài, cải thiện khuôn phân và rút ngắn tình trạng tiêu chảy. Thuốc được bào chế ở dạng hỗn hợp pha dịch uống hoặc dạng thụt trực tràng.

Smecta có thể sử dụng cho trẻ em, người lớn, người cao tuổi và cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định với người không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose hoặc glucose.

9. Thuốc Pepto Bismol

Pepto Bismol thường được sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp, tiêu chảy du lịch, có tác dụng cải thiện các triệu chứng gây ra bởi rối loạn tiêu hóa như: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, chướng bụng, buồn nôn, khó tiêu. Với thành phần chứa Bismuth subsalicylate, được bào chế ở dạng siro, viên nhai và thuốc uống, Pep Bismol giúp làm lành thương tổn tại niêm mạc, ổn định quá trình co bóp của dạ dày để tiêu hóa thức ăn, giúp giảm số lần đi ngoài và giảm đau dạ dày.

Thuốc được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em trừ các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, phân lẫn máu, loét dạ dày, tiêu chảy do dị ứng aspirin hoặc do dị ứng với các salicylat khác. Các trường hợp đang sử dụng thuốc trị viêm khớp, gout, chống đông máu, tiểu đường, bệnh nhân cần sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng.

10. Uống Kẽm để tăng đề kháng

Kẽm là một vi chất có tác dụng tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch. Việc bổ sung kẽm có tác dụng giúp rút ngắn thời gian và giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy. Đặc biệt, việc uống đủ kẽm sẽ giúp cải thiện vị giác, kích thích sự thèm ăn và giảm nguy cơ mắc tiêu chảy.

11. Sử dụng Men vi sinh

Phần lớn các trường hợp bị tiêu chảy đều liên quan đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Do đó, người bệnh có thể sử dụng men vi sinh để cải thiện tình trạng này.

Men vi sinh (Probiotic) là các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, ức chế các vi khuẩn có hại, từ đó, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Người bệnh có thể bổ sung men vi sinh thông qua các thực phẩm như phô mai, sữa chua hoặc các chế phẩm có chứa men vi sinh.

Những lưu ý khi dùng thuốc cầm tiêu chảy tại nhà

Thuốc trị tiêu chảy có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, do đó, trước khi sử dụng, bệnh nhân nên đọc kỹ thành phần, hướng dẫn sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để kiểm tra và hỗ trợ sớm, ngay khi có biểu hiện dưới đây:

  • Phân kèm máu, phân sống.
  • Sốt cao.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng.
  • Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày.

Bên cạnh việc bổ sung đủ nước, dùng thuốc trị tiêu chảy theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân tiêu chảy cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc ưu tiên những loại thức ăn dạng lòng, mềm, dễ tiêu như cháo, súp,… và tránh những thực phẩm không tốt cho dạ dày như cà phê, nước có ga, thức ăn nhanh,… sẽ giúp cơ thể được bổ sung đủ năng lượng và dưỡng chất, từ đó tăng sức đề kháng, cải thiện tình trạng tiêu chảy,.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Thuốc trị tiêu chảy tuy có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả, tuy nhiên người dùng chú ý không nên lạm dụng thuốc và tự ý kết hợp sử dụng các loại thuốc với nhau. Tốt nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và nắm rõ các tác dụng phụ có thể xảy ra, từ đó thông báo sớm cho bác sĩ để có phương hướng hỗ trợ kịp thời.