Kinh nghiệm

Loại quả đặc sản xưa chín rụng vứt đi, giờ bán 100.000đồng/kg người có tiền muốn mua cũng khó

Cây cám tên khoa học Parinari Annamensis (Hance) J.E. Vidal, thuộc bộ Sơ Ri (Malpighiales). Loài cây này mọc khá phổ biến ở các rừng thường xanh, thưa ở độ cao dưới 800m, ưa đất cát hay đất lẫn đá ẩm.

Cây cám mọc hoang dại

Cây phân bố nhiều ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây cám thường mọc dại ở nơi gần sông nước khu vực miền Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cây cám là một loài thân gỗ trung bình hay lớn, cao 15-30m, đường kính 30-60cm. Cây có hoa màu trắng, xếp thành chuỳ kép ở ngọn, phủ lớp lông ngắn màu vàng hoe dày đặc.

Trái cám hình trứng hay gần hình cầu, dài 4cm, rộng 3cm, phủ nhiều lỗ bì xám, vỏ quả ngoài dày, có nhiều vảy xám bạc. Vậy nên ở một vài nơi, người ta còn gọi đây là trái cá.

Với những người dân miền Tây, cây và quả cám đã gắn liền với tuổi thơ của họ. Trước đây, người Kh’mer ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trồng rất nhiều cây cám. Cây cao khoảng 5 - 7m, càng lâu năm thì trái càng sum sê. Từ tháng 10 âm lịch kéo dài cho ra giêng là mùa trái cám rừng chín, tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Giờ đây trái cám dù không được trồng đại trà nhưng tới mùa quách chín thì người con miền Tây lại chộn rộn thòm thèm món cám dầm đường đá mát lạnh.

Trái cám rừng ít người biết đến, nhưng là một đặc sản vừa ngon vừa lạ, được nhiều người lùng mua

Theo mô tả, loại quả này có vị ngọt giống quả sắn, có người cho rằng giống bọng dừa. Loại cây này được người miền Tây sử dụng để ăn sống, hoặc dầm đá đường để làm thức uống thanh nhiệt hoặc ngâm rượu. Quả còn xanh thì đem xắt mỏng, phơi khô dùng để trị tiêu chảy. Hoặc có thể đập vỡ quả non, lấy phần thịt trắng đục chấm mắm đường, chấm muối, hoặc ăn kèm rau sống như chuối chát.

Ngoài ra, hạt của loại quả này có rất chứa rất nhiều dầu, dùng trong mỹ phẩm để chế xà phòng cao cấp. Đặc biệt, theo một số nguồn tin, hoa của cây cám rất thơm, như hoa lan vậy. Và chúng có một công dụng đặc biệt đó là sử dụng làm thảo dược trị một số bệnh.

Phần nhân của trái cám có hình thù như con cá

Chị Phạm Thị Phương (32 tuổi, Trà Vinh) chia sẻ: "Quả cám tròn, lớp da bóng, khi chín màu vàng nâu đẹp mắt. Cây mọc hoang dại đầy rừng, không cần chăm sóc cũng cứ thế tốt tươi. Thi thoảng thấy được một trái cám chín là như bắt được vàng vì mùi vị rất ngon”.

Thỉnh thoảng, trên chợ mạng có vài địa chỉ rao bán trái cám, giá cả dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, trái cám rất giàu vitamin A, C, B3 và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho… có rất nhiều lợi ích về mặt dinh dưỡng, sức khỏe. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng có nhiều người trẻ muốn mua trái cây này về ăn.

Hiện tại, trên các diễn đàn về trồng cây, rất nhiều người trẻ tìm hiểu cách trồng và chăm sóc các giống cây cám để làm cảnh, lấy bóng mát hoặc để lấy trái ăn. Điều kiện trồng rất dễ, có thể trồng ngay trong vườn nhà, hay trên sân thượng và chăm sóc, tưới nước thường xuyên là sẽ sai trái do cây được sinh trưởng tự nhiên, dinh dưỡng được tích trữ từ ánh nắng mặt trời, đất, nước, vi sinh vật, côn trùng và không khí lưu thông tự do.

Trái cám được bày bán.

Theo dân gian, trái cám non có thể dùng để chữa trị các bệnh như tiêu chảy. Trái chín có thể trị táo bón, điều hòa tiêu hóa. Trái cám còn giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết, mỡ máu, do đó nó góp phần điều trị các bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. Phần thịt của trái chín còn được dùng để ngâm rượu bổ, kích thích ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa, chống táo bón, mạnh gân cốt.