Chảy dịch mũi (còn gọi là sổ mũi) là trạng thái dịch tại hốc mũi chảy ra nhiều hơn so với trạng thái bình thường. Thông thường, nước mũi chảy theo hai hướng, một là chảy theo đường mũi, hai là chảy vào trong theo đường cổ họng.
Nhiều trường hợp chảy theo cả hai con đường. Nguyên nhân chính dẫn đến sổ mũi có thể do cảm lạnh. Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về triệu chứng sổ mũi và những vấn đề xung quanh.
Sổ mũi là gì?
Sổ mũi là chất nhầy (dịch mũi) chảy ra khỏi mũi của bạn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sổ mũi có thể do thời tiết quá lạnh, khi ăn thức ăn cay hoặc do bạn mắc viêm mũi dị ứng, cảm lạnh thông thường. Tình trạng dịch mũi chảy ra quá mức so với trạng thái bình thường được hiểu theo thuật ngữ y khoa là “sổ mũi” hay “chảy dịch mũi”.
Ngoài ra, khi bị viêm mũi, bạn cũng có thể gặp tình trạng chảy dịch mũi. Viêm mũi được hiểu là viêm niêm mạc mũi. Tình trạng này xảy ra khi virus cảm lạnh hoặc các chất gây dị ứng như bụi mịn, phấn hoa xâm nhập vào cơ thể gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang. Lúc này, mũi bắt đầu tiết ra các chất nhầy trong hay nhiều người còn gọi là dịch mũi. Chất nhầy có vai trò “bẫy” virus, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng và “xua đuổi” chúng ra khỏi hệ thống mũi và xoang.
Tình trạng đặc hay lỏng và màu sắc của chất nhầy chảy ra từ mũi có thể khác nhau. Ban đầu, chất nhầy có màu trắng trong suốt. Sau 2-3 ngày, chất nhầy có thể thay đổi màu sắc từ trắng đục hoặc vàng. Đôi khi dịch mũi cũng có thể chuyển sang màu xanh lục.(1)
Ngoài ra, sổ mũi cũng có thể xảy ra với các triệu chứng như sau:
- Nghẹt mũi
- Hắt xì
- Chảy nước mắt
Thông thường, các trường hợp chảy dịch mũi chỉ là tạm thời và có thể khỏi sau khi điều trị dứt điểm nguyên nhân. Nhưng ở một số người là tình trạng mạn tính khó điều trị khỏi hẳn.
Đối tượng nào dễ bị sổ mũi?
Đối tượng dễ gặp phải tình trạng sổ mũi bao gồm:
- Người lớn, trẻ em và những người suy giảm hệ miễn dịch.
- Thường xuyên hút thuốc gây tăng nguy cơ sổ mũi và mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố tăng nguy cơ mắc sổ mũi:
- Mùa đông, mùa mưa: Đa số các bệnh về đường hô hấp, trong đó có triệu chứng sổ mũi xảy ra khi “trái gió trở trời” lúc không khí lạnh và khô hơn, có nhiều vi khuẩn hơn. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, làm cho niêm mạc mũi bị khô hơn.
- Nhà trẻ, trường học cũng làm tăng nguy cơ chảy dịch mũi do dễ lây lan khi trẻ nhỏ tiếp xúc gần với nhau.
- Giao tiếp: Thường xuyên chạm tay vào mũi, mắt, miệng mà không rửa tay bằng xà phòng làm lây lan vi khuẩn, virus.
Nguyên nhân gây sổ mũi
Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân gây sổ mũi, cùng tìm hiểu cấu trúc mũi và quá trình gây nên dịch mũi:(2)
- Tuyến nhầy mũi: Các tuyến nhầy sản xuất chất nhầy liên tục nhằm giữ ẩm cho bên trong mũi, giúp mũi khỏe mạnh. Chất nhầy bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn, virus và các tác nhân khác.
- Tế bào biểu mô: Được hiểu là những tế bào lót bên trong khoang mũi, có thể giải phóng cytokine, phản ứng lại tình trạng viêm của niêm mạc mũi dẫn đến sản xuất chất nhầy, gây nên sổ mũi.
- Mạch máu trong mũi: Chúng có thể co thắt lại và giãn ra giúp điều chỉnh độ thông của mũi. Khi viêm sẽ có hiện tượng thoát mạch, dẫn đến dịch mũi.
- Hệ thống miễn dịch. Bạn bệnh là do mầm bệnh đã vượt qua khỏi lớp màng nhầy của mũi và hệ hô hấp. Khi đó, hệ thống miễn dịch giải phóng các chất đặc biệt có vai trò tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh. Những chất này điều khiển các tế bào trong mũi tạo ra nhiều chất nhầy hơn để loại bỏ các mầm bệnh có hại. Việc sản xuất chất nhầy tăng lên quá mức, mũi bắt đầu chảy dịch mũi và nghẹt mũi. Khi cơ thể loại bỏ được mầm bệnh, hệ miễn dịch sẽ “báo động” và lớp nhầy trở lại bình thường. Thông thường, hệ miễn dịch cũng liên quan đến vấn đề dị ứng.
Vì thế, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sổ mũi, bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng: Xuất phát từ bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng,… Thông thường, chất gây dị ứng vô hại đối với thể trạng người bình thường. Nhưng nếu gặp tình trạng viêm mũi dị ứng, hệ miễn dịch phản ứng, cho rằng chất gây dị ứng đang xâm nhập và bảo vệ bạn bằng cách giải phóng histamin. Làm tăng tiết chất nhầy, mắt và cổ họng bị ngứa gây sổ mũi để đẩy chất dị ứng ra bên ngoài.
- Nhiễm virus: Xuất phát từ tình trạng cảm lạnh thông thường, cúm, nhiễm virus Covid-19,… Cơ thể hít phải virus sẽ kích ứng niêm mạc và xoang mũi. Khi đó, bạn bắt đầu chảy dịch mũi.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, bao gồm:
- Thời tiết lạnh: Khi nhiệt độ không khí quá lạnh hoặc khô, gây kích ứng niêm mạc mũi. Với cơ chế phòng vệ, mũi tiết ra dịch nhầy đề giữ ẩm cho niêm mạc dẫn đến sổ mũi.
- Chảy nước mắt: Khi khóc hoặc do có sự kích thích dẫn đến chảy nước mắt, nước mắt chảy qua góc trong của mí mắt, qua ống lệ mũi và vào khoang mũi. Một số giọt nước mắt chảy ra khỏi mũi, kích thích sản xuất chất nhầy dẫn đến dịch mũi nhiều hơn.
- Viêm xoang: Khi nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và dị ứng gây phù nề niêm mạc mũi xoang, khiến lỗ thông xoang tắc nghẽn và xoang ứ đọng nhiều chất nhầy. Gây nên nghẹt mũi, sổ mũi với chất nhầy màu vàng hoặc xanh lục.
- Polyp mũi: Polyp mũi là những khối lành tính phát triển trong mũi và xoang, đây không phải ung thư. Chúng gây sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.
- Dị vật trong mũi: Khi có dị vật mắc kẹt trong mũi, cơ thể tạo ra dịch nhầy nhằm tống chúng ra ngoài. Dị vật trong mũi thường xảy ra ở trẻ em, triệu chứng sổ mũi kèm theo nước mũi hôi chảy từ lỗ mũi.
- Viêm mũi không dị ứng: Xảy ra khi bạn bị sổ mũi, hắt hơi và các triệu chứng khác nhưng không rõ nguyên nhân trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Nguyên nhân viêm mũi không dị ứng có thể do các chất kích thích như khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường, mùi hôi ô nhiễm,…
Bên cạnh đó, sổ mũi có thể do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm nguyên nhân phổ biến và không phổ biến:
- Do một số loại thuốc.
- Hội chứng Churg - Strauss.
- Lạm dụng thuốc xịt thông mũi.
- Thay đổi nội tiết tố.
- Mang thai, trong thai kỳ.
- Một số loại thuốc điều trị trầm cảm, động kinh, cao huyết áp, rối loạn cương dương và các bệnh lý khác.
Dấu hiệu sổ mũi dễ nhận biết
Dấu hiệu, triệu chứng sổ mũi dễ nhận biết, bao gồm:
- Sổ mũi và nghẹt mũi khi các mô tại mũi bị sưng.
- Sổ mũi do cảm lạnh, cảm cúm kèm theo mệt mỏi, ho, đau họng và sốt.
- Sổ mũi do dị ứng kèm theo ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt.
Các trường hợp của sổ mũi
1. Dịch mũi lẫn máu
Dịch mũi lẫn máu có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhất là những người thường xuyên bị sổ mũi. Khi bị dịch mũi lẫn máu có thể kèm theo các triệu chứng như: nghẹt mũi, hắt hơi, rát mũi.
Sổ mũi có dịch lẫn máu không phải là tình trạng hiếm gặp, phần lớn không quá nguy hiểm và có thể tự lành. Tuy nhiên, bạn cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2. Sổ mũi, nghẹt mũi
Sổ mũi kèm theo nghẹt mũi xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp,… Dịch mũi, nghẹt mũi là tình trạng mà nhiều người gặp phải, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
3. Sổ mũi, ho
Ho và sổ mũi thường gặp ở người lớn và trẻ nhỏ. Những triệu chứng này thường liên quan đến bệnh đường hô hấp. Bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân sổ mũi, ho để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho từng trường hợp. Thông thường, chảy dịch mũi và ho là hậu quả của các bệnh: viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, hen phế quản,…
Cần lưu ý khi ho và sổ mũi kéo dài, không nên tự ý mua thuốc, nên khám bác sĩ để tình trạng không nghiêm trọng hơn và không ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ hô hấp.
4. Sổ mũi, sốt
Sổ mũi, sốt tuy không để lại biến chứng nguy hiểm nhưng cần điều trị nội khoa bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thì bệnh sẽ mau chóng khỏi. Ngoài triệu chứng dịch mũi, sốt, người bệnh còn có thể bị ho, có đờm, nghẹt mũi,…
5. Sổ mũi, đau họng
Tình trạng sổ mũi, đau họng là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, có thêm các triệu chứng giống như cảm lạnh như hắt hơi, nghẹt mũi, sốt nhẹ,… Tuy nhiên, bạn cần đi khám để xác định đúng nguyên nhân và điều trị dứt điểm.
6. Sổ mũi, nhức đầu
Sổ mũi, nhức đầu có thể là do viêm xoang, xuất hiện thêm các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu như nghẹt mũi, đau nhức liên tục, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, ho có đờm liên tục,…
7. Sổ mũi, có đờm
Sổ mũi, có đờm thường đi kèm với các triệu chứng: ho nhiều, hôi miệng, buồn nôn khi dịch đờm di chuyển đến họng, có cảm giác nghẹn ở cổ họng,… Dịch mũi, có đờm xuất phát từ nhiều nguyên nhân: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, thời tiết thay đổi đột ngột, thời kỳ mang thai,…
8. Sổ mũi, ù tai
Sổ mũi, ù tai là tình trạng mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Tình trạng này có thể biểu hiện một số bệnh sau: cảm cúm, viêm họng cấp, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, ung thư vòm họng,…
9. Sổ mũi, hắt xì
Sổ mũi, hắt xì liên tục, khả năng cao là bệnh viêm mũi dị ứng, hay gặp ở những người trưởng thành. Triệu chứng viêm mũi dị ứng gây không ít phiền toái và khó chịu cho người bệnh.
Chảy dịch mũi, hắt xì liên tục nếu không điều trị dứt điểm, có thể gây nên nhiều biến chứng như: phù nề gây nghẹt mũi, niêm mạc mũi bị thoái hóa, viêm phế quản, viêm tai giữa,…
10. Sổ mũi mất khứu giác
Sổ mũi nhưng mất khứu giác có thể do phù nề niêm mạc trong mũi, tắc nghẽn không cho mùi xâm nhập vào vùng mũi. Nguyên nhân có thể kể đến như: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, mắc Covid-19,…
11. Sổ mũi, mất vị giác
Sổ mũi, mất vị giác xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm siêu vi. Người bệnh sổ mũi, mất vị giác, mất khứu giác cần khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán.
12. Sổ mũi có mùi hôi
Sổ mũi với nước mũi có mùi hôi gây khó chịu, mất tự tin. Cần tìm ra nguyên nhân để điều trị dứt điểm. Tình trạng này có thể do: viêm xoang, viêm amidan, chảy dịch mũi sau, polyp mũi,…
Biến chứng của sổ mũi
Sổ mũi có thể xảy ra nhiều biến chứng nhưng có thể được điều trị:
- Chảy nước mũi sau: Chất nhầy dư thừa tích tụ, chảy xuống phía sau cổ họng khiến cổ họng bị đau và ho.
- Nhiễm trùng xoang: Gây đau nhức mũi, mặt nếu đường dẫn lưu xoang bị tắc nghẽn. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc theo toa để điều trị.
- Nhiễm trùng tai: Nếu dịch mũi tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến đau tai hoặc nhiễm trùng tai.
Điều trị khi bị sổ mũi
1. Điều trị sổ mũi bằng thuốc
Thông tin về các loại thuốc điều trị sổ mũi chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên khám bác sĩ tai mũi họng để được kê đơn. Không được tự ý sử dụng thuốc để tránh những biến chứng không mong muốn. Tùy nguyên nhân gây dịch mũi, sẽ có các loại thuốc đặc trị phù hợp:
- Thuốc co mạch giảm triệu chứng: Các thuốc co mạch dạng xịt chứa oxymetazoline để giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi. Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng, không nên dùng trong thời gian dài.
- Thuốc kháng histamin: Sử dụng thuốc kháng histamin trong trường hợp sổ mũi do dị ứng, nhiễm virus.
Tuy nhiên, những loại thuốc này không khuyến khích sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.
2. Điều trị sổ mũi tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc, khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bạn nên áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị sổ mũi tại nhà hiệu quả:
- Dành thời gian nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước lọc.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp không khí không bị khô.
- Làm sạch dịch nhầy mũi bằng dung dịch xịt chuyên dụng.
Làm sao để phòng ngừa sổ mũi?
Sổ mũi là triệu chứng của một số bệnh có thể lây lan, dưới đây là một số cách giúp bạn phòng ngừa sổ mũi hiệu quả:(3)
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu cảm lạnh, nhiễm trùng.
- Ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch.
- Hắt hơi, ho vào bên trong khuỷu tay chứ không nên ho vào lòng bàn tay.
- Thường xuyên làm sạch, khử khuẩn không gian sống.
- Sau khi hỉ mũi, bỏ khăn giấy đã lau mũi vào thùng rác, tránh lây lan cho người khác.
Thắc mắc hay gặp
1. Bị sổ mũi nên làm gì?
Khi bị sổ mũi, người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này để điều trị hiệu quả, dứt điểm.
2. Bị sổ mũi nên ăn uống gì?
Nên lưu ý một số vấn đề sau khi ăn uống:
- Bị sổ mũi nên kết hợp uống trà gừng và mật ong.
- Bổ sung trong chế độ ăn những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng.
- Ăn các loại rau mùi giúp cải thiện hiệu quả.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…
3. Bị sổ mũi có lây không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sổ mũi mà xác định sổ mũi có lây hay không. Thông thường, nếu sổ mũi do nhiễm virus, Covid-19 thì rất dễ lây lan.
4. Bị sổ mũi lâu ngày có nguy hiểm không?
Sổ mũi không gây nguy hiểm nhưng bị sổ mũi lâu ngày có thể dẫn đến nhiều biến chứng nhẹ. Để tránh những biến chứng không mong muốn, người bệnh cần điều trị dứt điểm bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, tuyệt đối không được chủ quan tránh bệnh càng thêm nặng.
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sổ mũi là tình trạng phổ biến, nhưng nếu gặp phải các trường hợp sau, bạn cần đến khám bác sĩ:
- Tình trạng chảy dịch mũi, nghẹt mũi kéo dài hơn 3 tuần và có dấu hiệu sốt.
- Sổ mũi 1 bên, có mùi hôi hoặc có máu.
- Mờ mắt, khó thở.
- Sổ mũi sau chấn thương đầu, đặc biệt là trường hợp mũi trong và nhiều nước.
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM được nhiều người lựa chọn khám, điều trị các bệnh về tai mũi họng. Trung tâm Tai Mũi Họng sở hữu đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm với chuyên môn cao cùng trang thiết bị hiện đại, giúp điều trị hiệu quả tình trạng sổ mũi.
Sổ mũi có thể là tình trạng tạm thời nhưng lại gây khó chịu cho nhiều người. Bạn có thể khám tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để điều trị dứt điểm khi bị sổ mũi và các triệu chứng khác.