Kinh nghiệm

Hiện tượng nồm và cách khắc phục

Độ ẩm cao gây nồm

Nguyên nhân gây ra hiện tượng trời nồm

Do thời tiết rét và khô kéo dài nhiều ngày làm cho nhiệt độ mặt nền, sàn nhà rất thấp. Sau đó gió nồm mang không khí ẩm và ẩm từ biển thổi vào đất liền, khối không khí này ấm có nhiệt độ ngưng tụ sương tương đối cao, trong lúc nhiệt độ mặt nền, sàn vẫn còn thấp hơn cả nhiệt độ điểm sương của không khí vì chưa bắt kịp với nhiệt độ không khí, và như vậy hiện tượng đọng nước đã xảy ra.

Phần lớn các bề mặt đồ dùng trong nhà chúng ta sẽ bị đọng nước do chúng giữ nhiệt kém lại không có khả năng hút ẩm như sàn nhà, đồ điện tử. Điều đó làm cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh đi, tới điểm nhiệt độ tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương đọng lại thành giọt trên bề mặt. Tuy nhiên, hiện tượng Nồm thường chỉ xảy ra chủ yếu ở những ngôi nhà thấp tầng, sát đất đặc biệt là tầng 1. Còn ở những ngôi nhà trên cao (tầng ba trở lên…) ít bị ảnh hưởng, sàn lại ít bị ẩm. Đó là do không khí tại những nơi đó ít hơi nước hơn và mức độ chênh lệch nhiệt độ ít hơn. Sau mỗi lần làm việc mệt mỏi bước vào nhà khi trời nồm nhìn đâu cũng thấy ẩm ướt khó chịu, bẩn thỉu.

Những năm gần đây, nồm ẩm xuất hiện nhiều trong các ngôi nhà hiện đại. Khi độ ẩm không khí quá cao, các bức tường sơn có thể ướt như tưới nước. Trước kia, hiện tượng nồm không rõ lắm vì nhà tranh vách đất nhiều, sau đó là thời tường vôi mái ngói, lát gạch hoa hoặc xây dựng bằng những vật liệu mộc như gạch nung.

Trời nồm ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Thời tiết trong mùa nồm ẩm thường không cố định, sáng sớm thường hay có mưa phùn, đến buổi trưa sẽ dừng mưa nhưng chiều tối lại có thể chuyển lạnh, như vậy rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là trẻ em và người già.

Trời nồm khiến cho hơi nước ngưng tụ, không khí ẩm ướt (tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc... sinh sôi nảy nở) kéo theo hàng loạt các hệ lụy liên quan đến con người và vật dụng, thực phẩm. Biểu hiện dễ nhận thấy và khó chịu nhất của trời nồm là sàn/ tường/ trần của những ngôi nhà thấp thường ẩm ướt như "đổ mồ hôi", điển hình là những nơi ốp sàn gỗ. Quần áo giặt lâu khô; sờ vào khăn, chăn, ga, gối, đệm luôn có cảm giác ẩm ẩm, hôi hám; các vật dụng như đồ điện tử dễ hỏng hóc, thực phẩm dễ nấm mốc,...

Đối với con người, thời tiết “Nồm” sẽ sinh ra nhiều thứ bệnh như bệnh khớp, tim mạch, ho, hen suyễn, đau đầu, tiêu hóa và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi,… do việc bài tiết qua da bị hạn chế, các lỗ chân lông bí không thoát hơi nên gây mệt mỏi và đau nhức, khó chịu. Người già trẻ em đi lại có thể trượt ngã,...

Trời nồm khiến quần áo khó khô và có mùi khó chịu

Độ ẩm trong không khí tăng cao, khiến cho chúng ta luôn có cảm giác khó chịu và mệt mỏi, đặc biệt là các ngôi nhà sát mặt đất sẽ cảm nhận rõ nhất. Độ ẩm tăng là cơ hội cho vi khuẩn phát triển và lây lan gây các bệnh hô hấp và gây ẩm mốc quần áo, đồ vải, đệm, tường,…Bạn sẽ vô cùng khó chịu khi mùi hôi từ quần áo giặt mà không thể khô, sàn nhà và tường xuất hiện mốc đen gây mất thẩm mỹ. Hơn thế sàn nhà nhiều nước sẽ dễ gây trơn trượt cho trẻ em và người cao tuổi. Làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, dị ứng.

Các vật dụng trong nhà cũng có nguy cơ hỏng hóc cao hơn nhất là đồ nội thất làm từ gỗ công nghiệp, sàn gỗ, đồ gỗ ép, giấy tờ, đồ da,…và nếu không có cách phòng ngừa và bảo quản rất có thể bạn sẽ nhận những hậu quả không thể lường trước được do “nồm” gây ra.

Dưới đây là một số khắc phục nhà bị nồm :

Luôn đóng kín các cửa

Hãy đảm bảo không khí ẩm ướt không lọt vào nhà bạn

Thực tế cho thấy khi tiết trời nồm, sàn nhà thường ẩm ướt cộng thêm không khí bí bách khiến nhiều người có xu hướng mở thông hết các cửa để không gian các phòng được khô thoáng hơn. Tuy nhiên đây lại là hành động hoàn toàn sai lầm vì việc mở cửa khi trời nồm chỉ càng khiến cho ngôi nhà càng thêm ẩm ướt.

Vì vậy trong những ngày này, bạn nên đóng kín các cửa, chỉ mở cửa khi thực sự cần thiết và đặc biệt là khi không khí khô ráo hơn.

Sử dụng giẻ khô lau nền nhà

Trời nồm khiến cho bạn phải thường xuyên lau nhà để chống ẩm

Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, bạn nên hạn chế lau nhà bằng nước. Cách tốt nhất là dùng giẻ khô, sạch để lau nước trên nền nhà. Nếu như thực sự cần lau dọn, hãy dùng những chiếc khăn cotton vắt thật kĩ rồi mới lau, sau đó dùng giẻ khô để lau lại ngay lập tức, tránh để nền nhà ẩm ướt gây tình trạng trơn trượt.

Bật điều hòa chế độ khô

Khi sử dụng điều hòa và bật chế độ Dry (hút ẩm) sẽ có tác dụng làm khô nhẹ không khí, hạn chế độ ẩm trong nhà, giúp cho không khí được lưu thông tốt hơn

Bật điều hoà ở chế độ khô được xem là cách chống nồm tốt nhất, bởi nó giúp hút ẩm không khí đồng thời giữ cho nhà khô sạch trong những ngày nồm ẩm. Ngoài ra khi bật điều hoà ở chế độ khô còn giúp lưu thông không khí, bảo đảm sức khỏe cho các thành viên, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Dùng máy hút ẩm

Máy hút ẩm không khí là “cứu tinh” khi trời nồm

Cũng giống như biện pháp bật điều hòa chế độ khô, việc sử dụng máy hút ẩm sẽ giúp ngồi nhà của bạn luôn sạch sẽ, khô thoáng, tốt cho sức khỏe của các thành viên gia đình. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy hút ẩm để bạn thỏa sức lựa chọn, phù hợp với nhu cầu tài chính của gia đình.

Sử dụng các vật liệu hút ẩm

Để than củi trong phòng giúp hỗ trợ hút ẩm

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều vật liệu hút ẩm giá rẻ nhưng hiệu quả chống nồm ẩm lại không hề tệ, đặc biệt rất dễ áp dụng như: than, vôi, báo cũ, hột hút ẩm,...

Việc sử dụng hột hút ẩm đối với góc tường, góc nhà và tủ quần áo khá hiệu quả mà bạn không nên bỏ lỡ. Ngoài ra, một số cây trồng trong nhà cũng có khả năng hút ẩm, thêm oxy và loại bỏ khí cacbonic, điển hình như cây dương xỉ.