Những ngày kỉ niệm hay các buổi tiệc họp mặt, gia đình và bạn bè hội tụ cùng nâng ly chúc mừng. Bạn có để ý rằng một số người sau khi uống rượu, bia thì luôn bị đỏ mặt, trong khi những người khác thì không. Vậy tại sao điều này lại xảy ra và nó có nghĩa là gì? Liệu có phải hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe sau này? Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng này nhé.
1, Nguyên nhân gây ra hội chứng đỏ bừng mặt sau khi uống bia rượu
Khi chúng ta uống rượu, gan sẽ thực hiện nhiệm vụ phân hủy và chuyển hóa chất cồn. Trong khi làm điều đó, nó tạo ra một chất độc gọi là acetaldehyde, chất này tiếp tục bị phân hủy thành axit axetic không độc. Axit axetic cuối cùng bị phân hủy thành carbon dioxide và nước.
Ngoài yếu tố cơ địa, những người đỏ mặt khi uống rượu bia còn được cho là có liên quan đến di truyền. Cụ thể tình trạng này xảy ra do sự thiếu hụt một loại enzyme dẫn đến việc da dễ bị ửng đỏ khi sử dụng các loại thức uống chứa cồn. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do mang biến thể di truyền enzyme aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2).
Hay nói cách khác, đỏ da có thể xem như là 1 phản ứng xấu của cơ thể đối với cồn. Nếu người bị đỏ da vẫn tiếp tục hấp thu cồn thì cơ thể có thể sẽ phát bệnh.
Khi cơ thể thiếu hụt enzyme giúp phân giải acetaldehyde - một chất có trong rượu (ALDH2), chất này sẽ tích tụ nhiều hơn trong cơ thể. Quá nhiều acetaldehyde có thể khiến bạn không dung nạp được rượu.
Đỏ bừng mặt là một triệu chứng, song những người bị tình trạng này cũng có thể gặp phải các tình trạng khác như:
Tim đập nhanh
- Huyết áp thấp
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Nôn mửa
2, Hội chứng đỏ mặt do bia rượu có nguy hiểm không?
Đỏ mặt sau khi uống bia rượu có nguy hiểm không? Mặc dù bản thân việc đỏ mặt không có hại nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo những rủi ro sức khỏe khác.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 tại Hàn Quốc đã cho thấy sự khác biệt về huyết áp giữa những người bị đỏ mặt khi uống rượu và những người có biểu hiện bình thường. Cụ thể, những người “đỏ mặt” uống nhiều hơn 4 loại đồ uống có cồn mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn so với những người không uống chút nào.
Tăng huyết áp chính là “kẻ giết người thầm lặng”, nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Không những thế, những người đàn ông mắc hội chứng này còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn ở những người bình thường, đặc biệt là ung thư thực quản.
3, Có giải pháp nào giúp khắc phục tình trạng này không?
Không may hội chứng này phổ biến nhất ở người Đông Á, trong đó có người Việt chúng ta. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng đỏ mặt khi uống rượu bia, cách duy nhất là tránh hoặc hạn chế uống rượu. Đây chắc hẳn là một ý tưởng hay ngay cả khi bạn không gặp phải vấn đề với việc đỏ bừng mặt này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 5% số ca tử vong trên toàn thế giới do rượu gây ra. Hơn thế nữa, rượu được xem là "yếu tố nhân quả" trong hơn 200 bệnh lý và chấn thương.
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Bệnh gan
- Một số bệnh ung thư
- Huyết áp cao
- Bệnh tim hoặc đột quỵ
- Vấn đề về trí nhớ
- Vấn đề tiêu hóa
- Nghiện rượu
Nếu bạn uống rượu, hãy cố gắng uống trong mức vừa phải. Cụ thể, nam giới chỉ nên uống tối đa hai ly mỗi ngày và nữ giới tối đa một ly mỗi ngày.
Hiện nay, gói giải mã gen tại Genetica thực hiện phân tích 300 gen để hiểu rõ mọi thứ về cơ thể của bạn, bao gồm hội chứng đỏ mặt do rượu bia. Từ kết quả giải mã gen, bạn có thể thay đổi thói quen, điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ tập thể dục và chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhất cho bản thân.
4, Nên làm gì sau khi uống rượu bia?
Một số mẹo dưới đây sẽ giúp ích cho bạn sau khi uống rượu bia:
- Uống nhiều nước lọc để tránh mất nước
- Uống trà gừng giúp giảm nhẹ tình trạng buồn nôn sau khi uống rượu
- Ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin C
- như trái cây họ cam quýt, chanh…
Nói tóm lại, đỏ mặt khi uống rượu là tình trạng xảy ra do sự thiếu hụt ALDH, điều này có thể làm cho việc uống rượu có hại cho sức khỏe của bạn. Nếu bạn bị đỏ bừng mặt khi uống rượu, tốt nhất hãy cố gắng hạn chế hoặc tránh uống rượu bia.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/red-face-alcohol