Vườn quốc gia này được thành lập vào năm 1992 theo quyết định số 33/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nhằm bảo tồn hệ sinh thái ở khu vực rừng núi đất đai thấp thuộc địa bàn hai huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Với tổng diện tích tự nhiên 14.734,67ha được nằm ở khu vực địa lý có tọa độ từ 1931’ đến 1943’ vĩ độ Bắc, 10525’ đến 10538’ kinh độ Đông, Vườn quốc gia Bến En có sự đan xen của nhiều dạng địa hình đồi núi, sông, suối, hồ… đã tạo ra nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau (trong đó đặc trưng nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất thấp, trên núi đá vôi và hệ sinh thái sông, suối, hồ). Từ sự đa dạng về hệ sinh thái đã dẫn đến sự đa dạng, phong phú về sinh học với nhiều giống, loài động, thực vật còn được bảo tồn một cách nghiêm ngặt, bền vững. Qua các đợt điều tra, khảo sát gần đây, những nhà quản lý Vườn đã xác định tương đối chính xác về hệ thực vật Bến En gồm 6 ngành với 1389 loài thực vật có mạch thuộc 650 chi, 173 họ, trong đó có 29 loài nằm trong danh mục đỏ của IUCN và 42 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Còn về hệ động vật thì Bến En có 1004 loài, trong đó có 93 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Có thể kể ra những loài động vật quy hiếm vẫn còn hiện hữu ở Bến En như vượn đen má trắng, khi mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu, diệc... về thực vật là lim xanh, sao lá to... Đặc biệt, mới gần đây, trong địa bàn Vườn, còn phát hiện được 3 loài thực vật mới trên thế giới, đó là sâm cánh Bến En, săng Bến En và đậu khấu Bến En.
Sự phong phú, đa dạng về sinh học của Vườn quốc gia Bến En đã được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Sau một lần tham quan, khảo sát tại Vườn quốc gia Bến En; Tiến sĩ Manfred Nienisch, Giám đốc điều hành OROVERDE - Tổ chức bảo vệ rừng nhiệt đới đã nhận xét: - “Việt Nam là nơi hiếm có với đặc điểm đa dạng, sinh học của mình. Thậm chí trên toàn thế giới cũng chỉ có rất ít quốc gia có sự phong phủ tương tự như vậy về thành phần các loài động vật và thực vật hoang dại” (Trích trong tay lưu niệm của Vườn quốc gia Bến En).
Rừng Bến En là loại rừng thuộc hệ sinh thái rừng núi đất, độ ẩm cao với lá rộng thường xanh và nửa lá rụng. Chính sự có mặt của các loài lim xanh, trò chỉ, sau sau, trai lý, và hương... đã cho thấy hệ thực vật Bến En là thuộc địa bàn hệ thực vật Nam Trung Hoa, Bắc Việt Nam. Nhưng do ở vào vị trí chuyển tiếp giữa hai luồng thực vật Nam - Bắc, nên rừng Bến En cũng chịu ảnh hưởng và có sự xuất hiện của hệ thực vật miền Nam, điển hình là sự tồn tại của cây săng lẻ và lim xanh (Erythroploeumforoi) - một loài đặc chủng của Việt Nam đã từng bao trùm chủ yếu khu vực này. Ngoài ra, rừng Bến En còn có các loài cây quý khác như: lim xẹt, lát hoa, trai lý, dổi xanh, sến mật, trò chỉ, vàng tâm... Ở trong rừng còn có nhiều loại cây làm đồ mỹ nghệ (song, mây...), cây lấy dầu (sến, trẩu, dọc, màng tang...) và đặc biệt là hơn 300 loài cây thuốc cùng hàng chục loại phong lan quy hiếm khác...
Có thể nói, nhờ những kiến tạo của địa hình cùng với những yếu tố biến đổi của tự nhiên như khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và sự tồn tại, phát triển của thảm thực vật mà đã tạo ra cho Vườn quốc gia Bến En có những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cũng như có cả tiềm năng về thủy điện và tài nguyên rừng để điều tiết nguồn sinh thủy trong vùng, đồng thời đảm bảo được năng lực phòng hộ đầu nguồn và môi trường cảnh quan khu vực phía Tây Nam Thanh Hóa.
Với tất cả những gì hiện được bảo tồn, phát triển sau 30 năm thành lập cho đến nay, Vườn quốc gia Bến En đã và đang trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, trong thời qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho Tập đoàn Sun Group đầu tư “siêu dự án” tại đây; theo đó Quần thể Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En có tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.
Đặc biệt, hồ sông Mực tại đây trở thành nơi bảo tồn, phát triển lý tưởng cho các loài thủy sinh và cá nước ngọt. Đây chính là khu vực trung tâm của Vườn, có diện tích tới 3.000ha, với độ sâu trung bình là 30m, bao gồm hồ thượng và hồ hạ. Trong lòng hồ nổi lên 24 hòn đảo lớn, nhỏ và cao thấp khác nhau - được ví như là vịnh Hạ Long thu nhỏ trên núi. Hồ có dung lượng nước rất lớn (từ 205 - 400 triệu mét khối nước) nhờ sự cung cấp nước liên tục của dòng sông Mực và 4 con suối lớn (là suối Hận, suối Thổ, suối Cốc và suối Tây Tọn). Trong suốt 4 mùa, Vườn quốc gia Bến En như một bức thảm khổng lồ lung linh nhiều màu sắc xanh, vàng, đỏ, tím. Cứ sau mỗi mùa, hay sau mỗi khi mưa nắng, chiều hôm, sáng sớm với ánh hoàng hôn và bình minh chiếu rọi, không gian rừng - núi - hồ - đảo - sông - suối - bản làng của Vườn Bến En lại có sự thay đổi, biến ảo màu sắc, hình hài đến lạ thường; tất cả cảnh quan đến âm thanh của vùng rừng núi nơi đây đều có sức quyến rũ lạ kì.
Bến En của rừng núi đại ngàn, nhưng Bến En cũng là khu vực có không gian “thiêng” của tín ngưỡng truyền thống với một số di tích thuộc hệ thống thờ Mẫu như Phủ Sung, đền Rồng và xa hơn một chút là đền Phủ Na (Xuân Du, Như Thanh). Ở vùng đệm (phụ cận) của Vườn về phía Tây Bắc là loạt dãy núi đá vôi và đá phiến có tuổi hàng triệu năm với màu sắc và hình hài rất kỳ ảo. Theo đường Bến Sung - Yên Cát chừng 5km là hang Ngọc - một kỳ quan của tạo hóa. Cửa hang có hình mái vòm được quay mặt về phía Đông Nam với vô số hình hài kỳ lạ được tạo nên từ những dòng thạch nhũ. Đặc biệt, trong hang có một khối đá hình cầu lớn đã phát quang ra một thứ ánh sáng mờ ảo như lẫn tinh. Dưới đáy hang là các dòng sông - suối ngầm.
Ảnh minh họa của dự án "Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En
(Nguồn ảnh: reti.vn)
Cách hang Ngọc chưa đầy 1km là hang Cân; từ cửa hang nhìn về phía Tây Nam là toàn bộ vùng non nước của hồ sông Mực và rừng đại ngàn từ Vườn quốc gia Bến En. Quay về phía Đông là vùng thung lũng Đồng Mười, nơi có Lò cao kháng chiến Hải Vân - một kỳ tích có một không hai trên thế giới của đội ngũ cán bộ, công nhân gang thép quốc phòng đầu tiên của Việt Nam xây dựng nên trong thời khắc chiến tranh ác liệt để cung cấp nguyên liệu cho các công binh xưởng chế tác ra nhiều loại vũ khí cung cấp cho các chiến trường đánh Pháp. Và chỉ có đến đây, chúng ta mới có thể hình dung được sự thông minh, sáng tạo và ý chí quyết đánh thắng giặc Pháp xâm lược của người Việt Nam...