Đơn vị:

Cách chăm sóc vết bầm tím, bong gân và căng cơ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Đối với các vết bầm tím, bong gân và căng cơ, biện pháp thường được sử dụng nhất là chườm lạnh hoặc chườm đá, nghỉ ngơi, kê chân cao. Đối với các vết thương ở vị trí đặc biệt như đầu, mắt, cần áp dụng đúng phương pháp giảm sưng đau, tránh để biến chứng.

1. Phân biệt bong gân và căng cơ

Bị thương ở cơ hoặc gân (gắn cơ với xương) được gọi là căng cơ. Bong gân ảnh hưởng đến dây chằng (bộ phận nối phần cuối của xương này với xương khác). Cả hai chấn thương đều áp dụng chăm sóc theo nguyên tắc RICE: nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao bộ phận bị thương.

2. Cách làm dịu bong gân và căng cơ

2.1. Nghỉ ngơi

Bạn cần hạn chế tối đa sức nặng lên bộ phận bị thương trong một hoặc hai ngày. Nạng, gậy và giày đi bộ có thể hữu ích trong một số tình huống. Nếu bong gân hoặc căng cơ nghiêm trọng, bạn cần tập vật lý trị liệu. Bạn sẽ được kiểm tra chấn thương và tư vấn phương án điều trị tốt nhất. Trong mọi trường hợp, hãy từ tốn, tránh nôn nóng hoạt động trở lại.

2.2. Chườm đá

Chườm đá để hạn chế sưng làm dịu bong gân

Để hạn chế sưng và đau trong 24 giờ đầu sau khi bị thương nhẹ, hãy chườm lạnh trong 20-30 phút rồi thả ra trong 20-30 phút.

Để tránh tê cóng, bạn nên sử dụng túi đậu Hà Lan đông lạnh hoặc cho đá viên vào túi ni lông quấn khăn. Gel hoặc xịt tinh dầu bạc hà cũng có tác dụng giảm đau.

Không chườm nóng trong 24 giờ đầu sau khi bị thương vì có thể làm vết thương sưng hơn. Sau thời gian 24 giờ, bạn có thể chườm nóng để thư giãn các cơ bị căng và đau.

2.3. Băng ép

Trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi bị chấn thương, hãy quấn băng ép bị bong gân hoặc căng cơ nhằm giảm sưng đau. Lời khuyên về cách sử dụng và cách áp dụng sẽ được bác sĩ cung cấp.

2.4. Kê cao

Kê cao là nâng cao vùng bị thương nhằm giảm sưng. Cố gắng giữ vùng bị thương cao hơn tim nếu được. Nếu vết thương nhẹ, hãy dùng RICE một tuần. Nếu bạn vẫn bị đau kèm sưng tấy nghiêm trọng sau đó, chứng tỏ đây là chấn thương nặng, cần đi khám ngay.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bạn cần được thực hiện các biện pháp sau nhằm làm dịu bong gân và căng cơ:

  • Nẹp, bó bột
  • Thực hiện các bài tập tại nhà
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật trong trường hợp nặng
Một số trường hợp cần bó bột làm dịu bong gân và căng cơ

3. Cách làm dịu vết bầm tím

Bầm tím xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ. Để giảm bầm tím, hãy chườm lạnh ngay sau chấn thương, sau đó nâng vùng bị thương cao hơn tim nếu có thể. Vết bầm tím thường kéo dài khoảng 2 tuần. Khi lành lại, chúng thay đổi màu sắc từ đỏ hoặc tía sang hơi vàng. Nếu vết bầm nặng hoặc sưng lên đau đớn, bạn hãy đi khám.

4. Cách làm dịu vết bầm mắt

Đối với vết bầm mắt, bạn nên chườm lạnh hoặc chườm đá trong vòng 20 phút mỗi giờ khi thức dậy thay vì dùng tất y khoa. Gặp bác sĩ để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của vết thương.

5. Cách làm dịu vết bầm đầu

Cách tốt nhất để giảm sưng và đau từ các chấn thương nhẹ ở đầu là chườm lạnh hoặc chườm đá. Hãy tìm sự trợ giúp ngay lập tức nếu có bất kỳ các biểu hiện chảy máu ở đầu hoặc mặt, đau đầu dữ dội hoặc nôn mửa, bất tỉnh, nói lắp, các vấn đề về thị lực hoặc đồng tử có kích thước không đồng đều, khó thở, lú lẫn hoặc co giật.

6. Thuốc giảm đau trong chăm sóc vết bầm tím, bong gân và căng cơ

Hỏi ý kiến bác sĩ về thuốc giảm đau nếu bạn bị đau kéo dài

Nếu bạn bị đau kéo dài, có thể hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kê đơn bao gồm thuốc viên, miếng dán hoặc thiết bị hỗ trợ.

7. Gậy, nạng, nẹp và giày đi bộ giúp hỗ trợ cải thiện bong gân, căng cơ

Nếu đầu gối hoặc mắt cá chân bị bong gân hoặc căng cơ không thể chịu sức nặng, gậy, nạng, nẹp hoặc giày đi bộ là một biện pháp hỗ trợ tốt. Nếu bạn cần nẹp hoặc thiết bị hỗ trợ đi bộ, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về cách sử dụng.

Bệnh nhân khi bị bầm tím, bong gân cần áp dụng các phương pháp làm giảm đau, bầm tím để tránh tình trạng sưng đau. Nếu sử dụng các biện pháp tại nhà không đem lại kết quả điều trị, bệnh nhân nên đến Bệnh viện để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com