Đơn vị:

Không nên ăn gì khi bị vết thương hở?

Vết thương lành nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phục hồi của vết thương. Một số loại thức ăn cần tránh vì có thể làm chậm quá trình lành vết thương hở và để lại sẹo.

1. Vết thương hở là gì?

Vết thương hở là những dạng vết thương có thể thấy được như da bị rách, đâm thủng, cắt hay vết mổ,... Các dấu hiệu của vết thương hở bao gồm chảy máu, sưng tấy đỏ xung quanh vết thương,... Bên cạnh đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau và khó chịu trên bề mặt da. Quá trình lành vết thương sẽ trải qua 3 giai đoạn đó là:

  • Giai đoạn viêm: Các mạch máu sẽ thắt chặt lại nhằm ngăn ngừa tình trạng mất máu và tiểu cầu kết tập lại thành cục máu đông. Các tế bào bạch cầu chuyển đến vị trí tổn thương để tiêu diệt vi khuẩn và các thành phần dị nguyên khác.
  • Giai đoạn nguyên bào sợi: Các sợi protein, collagen bắt đầu phát triển bên trong vết thương. Sự tăng trưởng của collagen sẽ giúp kích thích các cạnh của vết thương co vào và đóng lại. Tại vị trí vết thương các mạch máu nhỏ hình thành nhằm cấp máu cho các tế bào da mới được tạo nên.
  • Giai đoạn tái tạo: Cơ thể tiếp tục bổ sung collagen và tinh chỉnh vùng bị thương và giúp vết sẹo mờ dần.

Ngoài việc chăm sóc và xử trí vết thương hở đúng cách thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Trong các giai đoạn của quá trình lành vết thương, nếu người bệnh có chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cho quá trình này diễn ra nhanh chóng và không để lại sẹo.

2. Khi bị vết thương hở không nên ăn gì?

Một số thực phẩm cần kiêng khi bị vết thương hở bao gồm:

  • Đường và thực phẩm có hàm lượng đường cao: Đường có tác động đến collagen nằm trên bề mặt lớp biểu bì. Đặc biệt trong giai đoạn nguyên bào sợi và giai đoạn tái tạo của vết thương hở, nếu sử dụng đường sẽ làm quá trình này chậm lại và vết thương sẽ lâu lành hơn.
  • Gừng: Việc sử dụng quá nhiều gừng sẽ cản trở hình thành cục máu đông trong giai đoạn viêm.
  • Sữa đã tách kem: Sữa đã tách kem có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất insulin và đáp ứng quá trình viêm tự nhiên của cơ thể. Vì vậy sử dụng sữa tách kem sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn viêm, tác động đến việc hình thành cục máu đông và chậm lại quá trình liền sẹo.
  • Thịt chó: Thịt chó chứa nhiều đạm và năng lượng. Do đó trong giai đoạn tái tạo của vết thương, khi da đang trong quá trình lành nếu sử dụng thực phẩm chứa nhiều đạm sẽ dẫn đến tình trạng sẹo lồi, sần và cứng hơn.
  • Thịt bò: Là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng lại khiến vết thương sậm màu và hình thành sẹo thâm.
  • Thịt hun khói: Có thể làm hao hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu trong cơ thể cần cho quá trình tái tạo tế bào.
  • Trứng: Trong giai đoạn tái tạo vết thương đang dần hình thành da non, trong khi đó trứng có đặc tính thúc đẩy quá trình tăng sinh mô sợi collagen. Vì vậy, nếu ăn trứng sẽ hình thành sẹo lồi ở vết thương.
  • Rau muống: Rau muống là thực phẩm ưu thích của nhiều người có tính mát, giải độc tốt, lợi tiểu, nhuận tràng và sinh da thịt,... Vì vậy, nếu ăn rau muống sẽ để lại sẹo lồi cho vết thương.
  • Thịt gà: Làm cho vết thương lâu lành và bị ngứa.
  • Hải sản, đồ tanh: Đây đều là những thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, khi bị vết thương hở hải sản hay những đồ ăn tanh sẽ gây ngứa, khó chịu cho người bệnh.
  • Các món chế biến từ gạo nếp: Đồ nếp là món ăn ưa thích của người Việt Nam. Tuy nhiên, các món ăn từ gạo nếp có đặc điểm dễ nóng làm cho vết thương trở nên sưng tấy hơn, mưng mủ trong giai đoạn viêm. Ngoài ra, nếu ăn đồ nếp thường xuyên trong giai đoạn tái tạo có thể dẫn tới sẹo lồi.
Ăn rau muống sẽ để lại sẹo lồi cho vết thương.

3. Thời gian ăn kiêng trong bao lâu?

Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của vết thương hở và cơ địa từng người mà thời gian ăn kiêng sẽ khác nhau. Đối với những vết thương nhẹ, thông thường thời gian có thể kéo dài từ 5-7 ngày, đây là khoảng thời gian đủ để tái cấu trúc các mô bị tổn thương. Người bệnh có thể theo dõi bằng mắt thường thông qua các dấu hiệu như vết thương đã liền lại, khô, lên da non,... để cân bằng lại nhu cầu dinh dưỡng. Đối với những vết thương nghiêm trọng như vết mổ, người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ và tham khảo chế độ dinh dưỡng của các chuyên gia.

Để vết thương mau chóng hồi phục, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế như vệ sinh chăm sóc vết thương đúng cách hàng ngày, bổ sung nước và vitamin C, tuyệt đối không gãi hay tác động tiêu cực lên vết thương,... Ngoài ra, việc ăn kiêng có thể làm giảm các chất dinh dưỡng khỏi khẩu phần ăn. Kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và thậm chí là phản tác dụng. Vì vậy. người bệnh nên tham khảo, tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn phù hợp.

Tóm lại, quá trình lành vết thương có nhiều yếu tố tác động. Ngoài việc chăm sóc và vệ sinh vết thương đúng cách, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh những loại thực phẩm gây ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. Khi có những vết thương hở nghiệm trọng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Thông thường những chấn thương nhẹ gây chảy máu ít thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu thương ở những vị trí nguy hiểm, có nguy cơ nhiễm trùng lớn, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị vết thương rách da tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.