Cà phê arabica là gì?
Cà phê arabica còn có tên gọi là cà phê chè trong tiếng Việt. Cà phê arabica là loại cà phê được phát hiện trước robusta, có lịch sử lâu đời hơn robusta. Arabica có mùi thơm rất đặc trưng, vị cà phê thoang thoảng. Giống cà phê này có hàm lượng caffeine thấp hơn robusta. Arabica có vị chua thanh và không cho cảm giác mạnh như robusta. Trên thị trường cà phê thế giới, cà phê arabica luôn bán được giá hơn so với robusta; với mức chênh lệch cao hơn thường gấp đôi.
Nguồn gốc tên Arabica?
Tên gọi cà phê arabica có lẽ được xuất phát từ địa danh bán đảo Arabia (bán đảo Ả rập - Arabia Peninsula). Tương truyền, sau khi cà phê được phát hiện tại Ethiopia của châu Phi, thức uống đặc biệt này đã du nhập vào bán đảo Ả rập vì bán đảo này rất gần với Ethiopia và là cửa ngỏ đi vào châu Âu của châu Phi. Nhận thức được giá trị to lớn của loại thức uống cà phê, người Ả rập đã ra sức giữ bí mật của nó với phần còn lại của thế giới nhằm độc quyền. Cái tên arabica ra đời có thể vì lẽ đó. Mocha, một tên khác của cà phê arabica, có lẽ cũng xuất phát từ địa danh Mocha, là một cảng biển của Yemen thuộc bán đảo Ả rập, phía bên kia bờ biển Đỏ.
Nhân Cà phê Arabica
Cà phê arabica có bao nhiêu loại?
Về mặt thương mại, có bốn loại cà phê arabica thuần chủng phổ biến và một loại cà phê arabica tương đối thuần chủng. Bốn loại thuần chủng là Caturra, Bourbon, Mocha và Typica. Một loại tương đối thuần chủng là Catimor. Tại Việt Nam trong quá khứ, cà phê arabica chủ yếu được trồng là loại Bourbon và Mocha. Mocha ở Việt Nam còn được gọi là Moka hay Moca. Hiện nay, cà phê arabica được trồng phố biến tại Việt Nam là Catimor trong khi chỉ còn một số lượng rất nhỏ cà phê Bourbon và Mocha vẫn còn được trồng tại Đà Lạt.
Ngược lại, Catimor hiện là loại cà phê arabica phổ biến nhất được trồng tại Việt Nam từ Lâm Đồng cho tới miền Trung và Tây Bắc. Catimor không phải là arabica thuần chủng vì nó được lai từ hai giống Caturra (một loại arabica) và Timor (một loại lai giữa arabica và robusta). Cà phê Timor được tìm thấy trên đảo Timor là loại lai tạp giữa arabica và robusta và, quan trọng nhất, chống được bệnh gỉ sắt thường gặp trên cây cà phê arabica. Do vậy, Catimor hiện được trồng phổ biến ở Việt Nam do chúng kháng được bệnh gỉ sắt.
Cà phê arabica được trồng phổ biến ở đâu tại Việt Nam?
Cà phê arabica là loại cà phê khó trồng. Arabica còn được gọi là cà phê núi cao (mountain coffee) vì điều kiện đầu tiên là nơi trồng cà phê phải có độ cao từ 1.000m tới 1.500 so với mực nước biển. Ngoài yếu tố địa lý phải xung quanh vùng xích đạo, yếu tố độ cao, cheo leo trên các sườn núi dốc, cà phê chè còn đòi hỏi nhiệt độ sinh trưởng dịu mát thích hợp là 16 - 25oC, lượng mưa trung bình năm trên 1.000mm và biên độ nhiệt ngày và đêm cao. Vì được trồng trong điều kiện thuần khiết như vậy, nên hương vị và chất lượng của cà phê arabica vượt trội hơn hẳn so với robusta. Các vùng trồng cà phê arabica cheo leo hiểm trở như vùng Blue mountain của Jamaica luôn cho ra đời những hạt arabica chất lượng hàng đầu.
Việt Nam cũng có những vùng trồng cà phê arabica nổi tiếng như Cầu Đất, Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbian rộng lớn với các dãy núi cao Yang Bông (1.749m), Hòn Giao (1.948m) hay Langbiang (2.163m) và nhiệt độ mát lạnh quanh năm. A Lưới, Thừa Thiên Huế với các núi cao Động Ngai (1.774m), đỉnh Cô Pung (1.615m), Re Lao (1.487m), Tam Voi (1.224m) cũng hứa hẹn cung cấp các hạt cà phê arabica ngon hảo hạng. Ngược xa về phía Tây Bắc có cà phê arabica Chiềng Ban (Sơn La) mà tiềm năng có thể nổi tiếng như cà phê Kona, Hawaii.
Nhìn chung, so với cà phê robusta, sản lượng cà phê arabica của Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn (khoảng 60.000 tấn/ năm), chủ yếu tập trung ở Lâm Đồng. Nhà nước cũng có chính sách đặt mục tiêu tăng trưởng cà phê arabica đạt 200.000 tấn vào năm 2020 trong đó chú trọng phát triển ra miền Trung và Tây Bắc. Cà phê chè tại Việt Nam thường được chế biến ướt sau thu hoạch và nhu cầu tiêu thị nội địa cũng khá lớn.
Phân loại cà phê arabica.
Tại Việt Nam, cà phê arabica được phân loại theo sàng. Phổ biến nhất là sàng 16 và sàng 18. Sàng 16 có đường kính hạt cà phê nhân (hay kích thước lỗ sàng) là 6,30mm và sàng 18 là 7,10mm. Ngoài kích thước, cà phê nhân arabica còn được tính phân loại theo độ ẩm, tạp chất, tỷ lệ hạt đen vỡ và tỷ lệ hạt trên sàng. Cà phê arabica tại Việt Nam đôi khi cũng được phân loại theo xuất xứ. Tại Lâm Đồng, vùng trồng cà phê arabica nổi tiếng nhất tại Việt Nam hiện nay, người ta đôi khi phân loại, arabica vùng cao và arabica vùng thấp. Arabica vùng cao được xem là chất lượng vượt trội hơn như arabica Cầu Đất. Hay arabica Lâm Đồng khi so với arabica Buôn Ma Thuột. Nhìn chung, đây cũng là hình thức phân loại tương đối. Tuy nhiên, riêng cà phê arabica Cầu Đất hiện nay được xem như cà phê đặc sản.
Arabica tại Việt Nam được tiêu thụ như thế nào?
Cũng giống như thị trường quốc tế, arabica được định vị là cà phê chất lượng cao tại Việt Nam. Những người uống arabica thật sự là những người sành cà phê. Tuy nhiên, cà phê arabica tại Việt Nam thường được gọi với tên duy nhất là Moka trong khi đa số arabica hiện nay tại Việt Nam là chủng Catimor. Và ngoài rang mộc (espresso), cà phê arabica tại Việt Nam thường được rang với bơ. Vì xu hướng ẩm thực đậm đà, cà phê pha arabica thường được dùng với sữa đặc có đường và pha bằng phin. Xu hướng gần đây, nhiều người uống cà phê thích phối trộn giữa cà phê arabica và robusta để có một tách cà phê vừa thơm vừa đậm đà.
Do kinh tế phát triển và nhiều người trở nên bận rộn hơn, phin pha cà phê dường như không còn thích hợp vì phải chờ lâu,cùng với sự du nhập của phong cách uống cà phê nước ngoài, nhiều người yêu thích cà phê trong nội địa đang chuyển dần qua sử dụng máy pha cà phê hoặc thậm chí cà phê viên nén (single serve - k cup hay coffee capsule) để tiết kiệm thời gian và trải nghiệm thêm phong cách pha mới. Ngoài cà phê sữa đặc truyền thống, giới trẻ hiện nay cũng tỏ ra thích thú với các cách pha cà phê theo kiểu Tây như cappuccino, latte hay machiato, vv.
Tóm lại, arabica là loại cà phê có lịch sử lâu đời và được ưa chuộng bởi nhiều tín đồ cà phê trên thế giới. Arabica có thể xuất phát từ tên Arabia (Ả rập). Cà phê này có vị chua thanh đặc trưng và có hàm lượng caffeine thấp, hương vị quyến rũ, mê hoặc. Arabica phải được trồng ở các nơi cao, nhiệt độ mát mẻ, lượng mưa đều và biên độ nhiệt chênh lệch ngày đêm lớn. Tại Việt Nam, cà phê arabica còn được gọi là cà phê chè và thường được hiểu là Moka. Tuy nhiên, thực tế sản lượng trồng chủ yếu tại Việt Nam là giống Catimor đã được lai với một giống robusta và có khả năng kháng bệnh rỉ sắt (leaf rust). Arabica tại Việt Nam chủ yếu được pha bằng phin và dùng với sữa đặc có đường; tuy, hiện có xu hướng trong giới trẻ là pha cà phê bằng máy và uống theo kiểu phương Tây. Cà phê arabica của Việt Nam cũng rất ngon và đặc trưng với một số vùng trồng nổi tiếng như Cầu Đất, A Lưới và Chiềng Ban.
cà phê hảo hạngmua cà phê chồn ở Hà NộiMua cà phê chồn ở HCMMua ca phe chon o ha noiMua ca phe chon o hcmcà phê chồn cao cấpCa phe chon cao capCua hang ban ca phe chon hcmcửa hàng bán cafe chồn hcmSieu thi ban cafe ngonHop qua ca phe chonHộp quà cà phê chồn ComboHộp cà phê Chồn ComboCa phe chon ngonCafe chồnMua ca phe chon o dauMua ca phe chon HNMua ca phe chon o dau