Đau họng là căn bệnh phổ biến dễ mắc phải, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh, gây ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt người bệnh, vậy cách trị đau họng như thế nào để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1Súc miệng bằng nước muối
Mặc dù nước muối không giúp giảm đau họng ngay lập tức nhưng đây là một phương pháp hiệu quả giúp tiêu diệt vi khuẩn, làm lỏng chất nhầy và giảm đau họng. Chỉ cần pha một hỗn hợp nước ấm cùng 1/2 đến 1 muỗng cafe muối, ngậm và súc miệng mỗi ngày.
2Nước ấm pha mật ong
Trộn hai thìa mật ong với một cốc nước ấm hoặc trà và khuấy đều, uống nhiều lần trong ngày sẽ giúp thuyên giảm tình trạng đau họng vì mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm họng, giúp người bệnh mau chóng phục hồi.
3Uống nước chanh
Tương tự như nước muối và mật ong, nước chanh rất tốt cho bệnh nhân viêm họng vì có tác dụng tiêu nhầy, giảm đau họng. Hơn nữa, chanh chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh. Cách làm là pha một thìa cafe nước cốt chanh với một cốc nước ấm và sử dụng ngay sau đó.
4Uống trà thảo mộc
Có rất nhiều lựa chọn trà thảo mộc mà người bệnh có thể sử dụng để làm giảm đau họng. Chẳng hạn như trà đinh hương, trà xanh đều chứa các thành phần có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm. Ngoài ra còn có trà hoa cúc, bạc hà giúp làm dịu giọng nói, giảm khàn giọng.
5Tăng độ ẩm
Không khí hanh khô, nhất là trong những ngày thời tiết trở lạnh hay mùa đông đến cũng là nguyên nhân khiến bạn bị viêm họng, vậy nên máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm ẩm không khí, hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm họng.
6Khi nào gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Trong hầu hết các trường hợp, đau họng thường cải thiện khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần phải đến khám bác sĩ khi gặp phải các tình trạng sau:
- Đau họng ngày càng trở nặng kèm theo sốt cao trong vòng 2 ngày liền.
- Mất ngủ vì cổ họng bị tắc nghẽn do viêm amidan, phì đại adenoids (quá phát tổ chức VA).
- Xuất hiện ban đỏ đơn thuần.
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào nêu trên thì có thể đây là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn và để điều trị cần phải sử dụng kháng sinh kê toa theo đơn của bác sĩ.
Chẩn đoán
Khi đến khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, bệnh sử ở bệnh nhân và thăm khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán phù hợp, bao gồm:
- Soi cổ họng, tai và mũi.
- Sờ quanh cổ để kiểm tra dấu hiệu sưng hạch bạch huyết.
- Nghe rale phổi bằng ống nghe.
- Ngoáy họng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch tiết ở cổ họng để đem đi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh đặc hiệu, có thể là liên cầu khuẩn gây viêm họng liên cầu.
Điều trị viêm họng dùng thuốc
Kháng sinh là loại thuốc thường dùng để điều trị viêm họng do vi khuẩn, tuy nhiên kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị viêm họng do vi-rút. Thường thì người bệnh cần phải dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản và bệnh sốt thấp khớp.
- Người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc.
- Không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà.
- Phải tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ để mang lại kết quả điều trị tốt nhất.
- Không được tự ngưng thuốc kể cả khi tình trạng bệnh thuyên giảm.
Việc ngừng thuốc kháng sinh quá sớm sẽ tạo điều kiện cho một số vi khuẩn còn sống sót tiếp tục sinh sôi và phát triển trở lại. Mặt khác sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc điều trị bằng kháng sinh trong tương lai.