Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi, khiến người mắc kém tự tin cũng như gây khó chịu cho người xung quanh. Ước tính, hôi miệng gây ảnh hưởng đến hơn 30% dân số trên toàn thế giới. Trong bài viết này, hãy tìm hiểu một số cách trị hôi miệng hiệu quả qua chia sẻ của bác sĩ Chuyên khoa I Dương Anh Thư, đơn vị Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.
Hôi miệng có chữa được không?
Hôi miệng là một vấn đề phổ biến và có thể chữa trị được, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân gây hôi miệng rất đa dạng, có thể xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém, các bệnh về răng miệng, hệ tiêu hóa hay hô hấp. Cách chữa hôi miệng hiệu quả nhất là xử lý, điều trị trực tiếp nguyên nhân gây mùi hơi thở. (2)
Tóm lại, hôi miệng có chữa được không? Câu trả lời ngắn gọn là CÓ, tuy nhiên, phương pháp chữa hôi miệng có thể rất khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân khiến hơi thở có mùi.
Điều trị hôi miệng phụ thuộc vào nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng là do vệ sinh răng miệng chưa sạch. Các vi khuẩn sống trong khoang miệng sản sinh lưu huỳnh và các hợp chất khác gây nên mùi hôi khó chịu từ miệng và cổ họng. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến hơi thở có mùi như:
- Khô miệng: nước bọt giúp làm sạch miệng, việc không tiết đủ nước bọt có thể gây hôi miệng.
- Mảng bám: vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng, bỏ sót thức ăn trong kẽ răng hoặc mảng bám trên răng và lưỡi (bợn lưỡi) gây mùi hôi. Thức ăn thừa và mảng bám tích tụ có thể gây các bệnh răng miệng khác như viêm nướu, nha chu.
- Bệnh nướu răng: viêm nướu răng là bệnh răng miệng phổ biến, nguyên nhân thường do các mảng bám tích tụ trên răng và nướu trong thời gian dài. Viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu, tiêu xương quanh ổ răng dẫn đến tụt nướu và răng lung lay.
- Các bệnh khác: có nhiều bệnh có thể gây hôi miệng như răng chết tủy, viêm amidan, trào ngược dạ dày - thực quản, ung thư miệng, vòm họng, bệnh Sjögren…
- Thuốc và một số gia vị như tỏi, hành… gây mùi khó chịu khi được hấp thu, chuyển hóa trong cơ thể.
- Dù không phải bệnh nhưng hút thuốc là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây hôi miệng.

Để điều trị hôi miệng hiệu quả, bác sĩ cần chẩn đoán đúng nguyên nhân gây hôi miệng. Tùy theo mỗi nguyên nhân, bác sĩ có thể đưa ra những cách trị hôi miệng phù hợp. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân gây hôi miệng dai dẳng, khó chữa dứt điểm, ví dụ người mắc bệnh mạn tính như suy gan, thận hay trào ngược dạ dày. Khoảng 90% trường hợp hôi miệng xuất phát từ khoang miệng, 9% do các bệnh lý khác và 1% do chế độ ăn uống hoặc thuốc điều trị bệnh.
Hướng dẫn cách trị hôi miệng dứt điểm tận gốc tại nhà nhanh chóng
1. Ưu tiên vệ sinh răng miệng tốt
Vệ sinh răng miệng tốt là cách ngừa hôi miệng đơn giản và hiệu quả nhất. Vệ sinh răng miệng không chỉ đánh răng, còn có súc miệng, vệ sinh lưỡi, chỉ nha khoa…
Dưới đây là cách đánh răng đúng để bảo vệ sức khỏe răng miệng:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, khoảng 2 phút/lần đánh để làm sạch răng miệng hiệu quả. (3)
- Đánh răng sau khi ăn ít nhất 30 phút. Vì ngay sau khi ăn, nồng độ axit trong miệng cao, dễ gây mài mòn men răng.
- Đánh răng ở mặt ngoài theo hình tròn hoặc theo chiều dọc với lực vừa phải để tránh tổn thương nướu răng và chải hết các mặt răng.
- Nên dùng các loại bàn chải đánh răng có lông mềm và thay bàn chải mỗi 3-4 tháng hoặc khi thấy lông bàn chải đã mòn.
Ngoài đánh răng, cần lưu ý các phương pháp làm sạch răng trước và sau khi đánh răng khác:
- Làm sạch kẽ răng bằng tăm nước hoặc chỉ nha khoa trước khi đánh răng. Tránh dùng tăm để lấy thức ăn thừa trong kẽ răng vì có thể làm hư nướu và khiến kẽ răng rộng hơn.
- Lưỡi có bề mặt lớn, nhiều gai nhám giúp vi khuẩn dễ dàng tích tụ và phát triển. Thế nên, đánh răng cần kết hợp thêm làm sạch lưỡi, nên dùng các dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng để loại bỏ bợn lưỡi tốt nhất.
- Sau khi đánh răng và làm sạch lưỡi, nên dùng thêm nước súc miệng để làm sạch tối ưu khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn và giúp hơi thở có mùi thơm mát.
Vệ sinh răng miệng tốt không chỉ là cách trị hôi miệng hiệu quả mà còn giúp bảo vệ răng miệng khỏi các bệnh như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu…

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống để có hơi thở thơm mát hơn
Về chế độ ăn uống, nên hạn chế ăn các thực phẩm có mùi quá nồng, hoặc nên vệ sinh bằng cách súc miệng sau khi ăn để hạn chế hơi thở lưu mùi khó chịu. Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm tình trạng hôi miệng như:
- Hoa quả, rau xanh: các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin C như ớt chuông hay bông cải xanh có thể loại trừ các vi khuẩn răng miệng, chống hôi miệng. Hiệu quả ức chế vi khuẩn, giảm mùi hôi miệng còn được tăng cao hơn nếu các loại rau quả này được ăn sống.
- Kẹo cao su không đường: một số loại kẹo cao su không đường được làm ngọt bằng xylitol giúp chống hôi miệng. Nên nhai kẹo cao su có xylitol ít nhất 5 phút sau bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Sữa chua: Sữa chua không đường cung cấp rất nhiều lợi khuẩn, không những mang lại lợi ích về mặt sức khỏe mà còn có khả năng giảm hôi miệng. Một số nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã chỉ ra rằng ăn 100ml sữa chua 2 lần mỗi ngày có thể giảm đáng kể mùi hôi miệng. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận sữa chua có khả năng giảm mức độ hydro sulfide (tác nhân gây mùi hôi miệng) trên 80% tổng số tình nguyện viên trong vòng 6 tuần.
Ngoài ra, khô miệng là nguyên nhân phổ biến khiến miệng bị hôi. Uống đủ nước giúp làm sạch khoang miệng và tăng tiết nước bọt, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
3. Dùng nước súc miệng trị hôi miệng
Dùng nước súc miệng không phải là cách trị hôi miệng dứt điểm nhưng có thể hỗ trợ làm sạch và mang lại hơi thở thơm mát. Nước súc miệng có thể làm sạch những nơi mà bàn chải không với tới như kẽ răng, vòm họng, dưới lưỡi…
Hiện có rất nhiều loại nước súc miệng với các thành phần như nước muối sinh lý, povidone-iod, menthol, thymol… có khả năng diệt khuẩn, làm sạch khoang miệng nhưng không làm tổn thương niêm mạc miệng và họng.
4. Làm sạch răng miệng chuyên sâu tại nha khoa
Loại bỏ cao răng, mảng bám trên bề mặt răng định kỳ giúp răng, nướu chắc khỏe và hạn chế phát sinh các vấn đề về răng miệng. Việc lấy cao răng thường được khuyến nghị thực hiện 6 tháng/lần hoặc khi cảm thấy cao răng đã xuất hiện nhiều.
Vệ sinh răng miệng tốt tại nhà là một phương pháp giúp hạn chế hình thành mảng bám, cao răng. Cao răng tích tụ trong thời gian dài có thể gây nhiều bệnh răng miệng và làm hơi thở có mùi.

5. Điều trị bệnh lý răng miệng
Các bệnh phổ biến gây tình trạng hôi miệng là sâu răng, viêm tủy răng, viêm nướu, viêm nha chu… các bệnh này có thể được xử lý bằng nhiều cách khác nhau như:
- Sâu răng: bác sĩ thực hiện trám răng từ khi mới có vết sâu để ngăn chặn tình trạng sâu tiến triển.
- Viêm tủy răng: Bác sĩ tiến hành điều trị tủy răng bằng cách loại bỏ phần tủy bị viêm và sử dụng các vật liệu phù hợp để trám bít ống tủy.
- Viêm nướu: Điều trị viêm nước khá giống với quy trình làm sạch răng thông thường nhưng sẽ tiếp cận và làm sạch sâu hơn ở vùng chân nướu.
- Viêm nha chu: Viêm nha chu ở mức nhẹ và trung bình thể điều trị bằng cách cạo vôi và làm sạch gốc răng. Tuy nhiên ở các trường hợp nặng bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật vạt, ghép xương răng, ghép nướu…
Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc hỗ trợ như thuốc giảm đau hay kháng sinh cho người bệnh.
6. Dùng thuốc trị khô miệng theo hướng dẫn của bác sĩ
Khô miệng là tình trạng nước bọt trong miệng quá ít, gây cảm giác khó chịu, khát nước và mùi hôi. Khô miệng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như sâu răng, lở loét, nhiễm nấm trong miệng… Ngoài ra, khô miệng cũng có thể làm thay đổi vị giác, khiến người mắc ăn không ngon, chán ăn.
Có rất nhiều nguyên nhân gây khô miệng như dùng thuốc điều trị bệnh, mắc các bệnh lý đặc trưng (HIV/AIDS, tiểu đường, xơ nang, quai bị, bệnh Sjögren…), hút thuốc lá, uống ít nước, thói quen thở bằng miệng…
Khi điều trị khô miệng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh uống nhiều nước hơn, thay đổi thói quen hít thở hay điều trị các bệnh dẫn đến tình trạng khô miệng. Đối với các tình trạng khô miệng nặng, bác sĩ có thể kê những loại thuốc kích thích tiết nước bọt hoặc dùng nước bọt thay thế (nước bọt nhân tạo).
7. Kiểm soát, điều trị các bệnh lý đang mắc phải khác
Như đã nói, nhiều bệnh có thể gây hôi miệng như suy gan, thận, tiểu đường, bệnh Sjögren, quai bị… thế nên cách trị hôi miệng hiệu quả nhất trong những trường hợp này là kiểm soát, điều trị dứt điểm các bệnh lý này.
8. Chữa hôi miệng “tạm thời” bằng cách che dấu mùi
Nếu chưa thể chữa dứt điểm nguyên nhân gây hôi miệng, việc dùng các biện pháp mang tính “tạm thời” là điều nên làm. Cách giảm hôi miệng tức thì, đơn giản nhất là dùng các sản phẩm giúp làm sạch, thơm miệng như nước súc miệng, xịt thơm miệng hay các loại kẹo cao su, kẹo thơm miệng.

9. Thử một số mẹo trị hôi miệng tại nhà
Một số cách trị hôi miệng tại nhà phổ biến được truyền miệng như:
- Súc miệng bằng nước nấu với lá húng chanh.
- Súc miệng bằng nước trà chanh mật ong ấm.
- Súc miệng với nước muối và ngò gai.
- Thoa dầu dừa vào khoang miệng.
Tuy nhiên, đây đều là những phương pháp truyền miệng, chưa được kiểm chứng. Cách trị hôi miệng hiệu quả nhất là điều trị nguyên nhân gây hôi miệng kết hợp vệ sinh răng miệng tốt.
Trên đây là một số cách trị hôi miệng hiệu quả dựa trên các nguyên nhân gây mùi hơi thở. Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế mùi hơi thở và bệnh răng miệng. Đối với nguyên nhân do bệnh ngoài răng miệng, cần điều trị dứt điểm bệnh song song với việc giữ gìn, vệ sinh răng miệng tốt.