Từ mong mỏi của phụ huynh một học trò khiếm thính, có một hoạ sĩ đã quyết định làm thiện nguyện, nâng đỡ ước mơ của những em không may bị khiếm khuyết bằng cách dạy các em vẽ. Cứ thế, những bức tranh như những gam màu tươi sáng được mở dần ra... Thiên lý hữu tình hôm nay sẽ đến với hành trình vẽ ước mơ của hoạ sĩ Nguyễn Hoàng qua phóng sự của phóng viên Hồng Lĩnh.
"Thầy Hoàng rất có thiện chí và rất có tâm đối với các em. Mặc dù đi xa nhưng thầy vẫn đều đặn đến lớp, cũng cả chục năm trời rồi"
"Thầy rất thương học viên. Thầy luôn tìm cách hiểu về mỗi khiếm khuyết, thể trạng của mỗi học sinh để hướng dẫn cho phù hợp"
"Ngoài việc dạy vẽ cho các em, thầy cũng là một người gắn bó, chia sẻ, đồng cảm, yêu thương các học viên ở đây, sẵn sàng giúp đỡ các em để sau này các em có một cái nghề, đóng góp cho xã hội"
Chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn tiến đến bên bức tranh phong cảnh, anh Lê Thanh Tùng (quê Kiên Giang) kiên trì dùng cọ sửa các chi tiết theo sự hướng dẫn của thầy Hoàng. Hơn 12 năm học nghề tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM cũng là chừng ấy năm, anh Tùng được thầy Hoàng chỉ dạy từng nét vẽ đầu tiên cho đến lúc hoàn thiện bức tranh khổ lớn. Những thử thách khó nhọc ban đầu đã qua.
Nay không chỉ là tranh phong cảnh, anh Tùng còn vẽ được nhiều thể loại khác nhau: “Nhờ thầy hướng dẫn tận tình nên tay nghề tôi dần đã ổn. Thầy rất nhiệt tâm để dạy tôi và các bạn. Dạy từ chi tiết, cách đi màu tối-sáng.... Có lúc tôi vẽ chưa chuẩn, thầy cũng hướng dẫn lại rất tận tình”.
Thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, hoạ sĩ Nguyễn Hoàng chạy xe honda, vượt quãng đường 20 cây số từ phòng tranh của mình ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM ngụ tại huyện Hóc Môn để dạy vẽ cho khoảng 15 học trò.
Sau những bức tranh với đề tài đa dạng, nhiều chất liệu là cả một sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò.
Có học trò bị liệt phải ngồi xe lăn, tay co quắp; có em phải dùng chân thay tay cầm cọ vẽ, có em khiếm thính thời gian đầu giao tiếp với thầy vô cùng khó khăn.
Chẳng ai có thể tin, những học trò đặc biệt ấy lại có thể sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật - thậm chí là khó - với chính những người không khiếm khuyết được học hành bài bản.
Thầy Hoàng tâm sự: "Hướng dẫn cho người bình thường vẽ đã là một điều khó. Nhưng khi dạy cho em các em khiếm khuyết học thành nghề thì rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thời gian đầu. Sau một thời gian, các em có thể hoàn thiện được một bức tranh cũng giống như tất cả mọi người. Điều đó khiến mình rất vui. Bức tranh của các em tạo ra có một nét riêng, một tâm hồn riêng. Tôi rất xúc động khi nhìn ngắm lại những bức tranh đó"
Trên nền tảng 15 học trò của lớp vẽ đầu tiên vào năm 2012, hơn 100 em đến rồi đi, thành quả ngọt ngào của thầy - trò là những tác phẩm minh chứng cho cái tâm của người thầy giáo và ý chí vượt lên nghịch cảnh của của học trò.
“Mọi người làm được thì mình cũng làm được” - đó là lời thầy Hoàng luôn căn dặn và động viên các học trò. Một số em đã sống được với nghề sau thời gian được thầy Hoàng hướng dẫn.
Trên cả sự đặc biệt, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, món quà tặng thầy chỉ là chai nước, chiếc bánh... Giản dị nhưng là cả tấm lòng tri ân, mà đôi lúc chỉ cảm nhận được qua từng ánh mắt, nụ cười.
Hoạ sĩ Nguyễn Hoàng cho biết: "Đối với một em khiếm thính, tôi phải ghi ra giấy. Sau đó em sẽ truyền đạt cách hiểu của em cho một người bạn tiếp theo bằng thủ ngữ. Cứ như vậy, các em sẽ tự truyền đạt cho nhau.... Nhưng ban đầu mình cũng không nghĩ là mình làm được. 15 em là 15 khiếm khuyết khác nhau..."
Họa sĩ Nguyễn Hoàng tốt nghiệp Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Anh từng theo nghề cơ khí hơn 10 năm, rồi chợt bén duyên với hội hoạ. Việc tình nguyện tham gia dạy vẽ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM như một ngã rẽ ý nghĩa của cuộc đời. Anh chia sẻ, nếu như không có những tình cảm đặc biệt dành cho những số phận kém may mắn, có lẽ, anh sẽ không gắn bó với các em lâu đến như vậy. Công việc ở phòng tranh lúc nào cũng bận rộn, nhưng hơn 12 năm qua, ngày nắng, ngày mưa, anh vẫn đều đặn dành 2 buổi/tuần đồng hành cùng lớp học nhỏ đầy ắp tình thương.
Bà Nguyễn Thị Bảy cũng là một giáo viên từ thiện tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM. Bà dạy nghệ thuật hoa đất, kết hợp với hội hoạ của thầy Hoàng để phát triển thêm kỹ năng cho các em. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng nhìn các học trò say sưa, kiên trì, bà Bảy cũng như được tiếp thêm động lực.
Bà Nguyễn Thị Bảy chia sẻ: "Chúng tôi kết hợp với nhau và tiến triển tốt. Thầy Hoàng rất có thiện chí và rất có tâm đối với các em. Mặc dù đi xa nhưng thầy vẫn đều đặn đến lớp, cũng cả chục năm trời rồi. Một người thầy rất khó kiếm. Công việc từ hồi xưa đến giờ mặc dù thầy làm âm thầm nhưng ai cũng ghi nhận. Năm nay tôi cũng lớn tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng hợp tác với thầy để dạy các em"
Trong căn phòng nhỏ thoảng mùi sơn dầu, acrylic,... các giá vẽ được xếp ngăn nắp, thẳng lối. Một học trò của thầy Hoàng không thể điều khiển cây cọ theo ý muốn của mình và phải nghiêng sát đầu vào bức tranh đang vẽ dở. Mọi thao tác của em đều cần vượt qua giới hạn, đôi lúc là cả cơn đau.
Nhưng gương mặt em luôn tươi cười, ánh mắt chăm chú không rời nét cọ di. Em cũng như các bạn còn lại, đều tin vào sức mạnh của bản thân mình. Để khơi gợi được điều đó, với thầy Hoàng là cả một hành trình gian nan.
Bà Vương Thị Duyên Hương, nhân viên phòng Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM chia sẻ: "Mặc dù nhà rất xa trung tâm và thầy còn có công việc ổn định ở ngoài. Ngoài việc dạy vẽ cho các em, thầy cũng là một người gắn bó, chia sẻ, đồng cảm, yêu thương các học viên ở đây, sẵn sàng giúp đỡ các em để sau này các em có một cái nghề, đóng góp cho xã hội"
Tại sảnh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM trưng bày một bức tranh khổ lớn do chính các em vẽ. Đó là một cánh đồng đầy hoa hướng dương với những cánh diều trên bầu trời tượng trưng cho ước mơ của các em. Trung tâm của bức tranh là một trái tim cùng nhiều bàn tay nâng đỡ, với thông điệp về tình yêu thương.
12 năm thoi đưa. Bản thân hoạ sĩ Nguyễn Hoàng cũng không tin được mình đã đưa đò hơn 100 học trò trong suốt quãng thời gian qua. Anh nói rằng, còn chạy được xe máy thì còn cố gắng để đồng hành cùng các em.
Thời gian bên cạnh các học trò đặc biệt là một khoảng lặng sau những ngày tất bật ở phòng tranh. Mọi bề bộn của công việc hàng ngày tạm gác lại, ở đó chỉ có một sợi dây kết nối, là những bức tranh được vẽ nên từ tâm hồn và ước mơ của các em.
Hoạ sĩ Nguyễn Hoàng bày tỏ: "Niềm tự hào lớn nhất của tôi là khi một sản phẩm của các em vẽ ra hoàn thiện treo ở lớp học, nhiều khách đến tham quan tấm tắc, khen ngợi, tâm phục. Họ đã mua bức tranh đó để ủng hộ các em. Niềm vui thể hiện trên ánh mắt các em.
Đó là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa, cố gắng để mang lại niềm vui cho các em. Mục đích của tôi là dạy nghề cho các em, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hoàn cảnh, điều kiện, nơi ở của các em.... không có nhiều thuận lợi để các em phát triển. Tuy nhiên, điều phải khẳng định là khi hoàn thành thời gian học, các em đã có thể tự tin hơn rất nhiều, không còn mặc cảm về mình".
-
Bạn thân mến.
Nếu từng có trải nghiệm, hoặc chứng kiến những câu chuyện về tình người, tình yêu cuộc sống trên con đường bạn rong ruổi hàng ngày, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected]. Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông.
Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.