Đơn vị:

Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai tây  - Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Khoai tây được xếp vào nhóm cây vụ đông ưa lạnh, thời vụ gieo trồng từ 15/10 đến 10/11. Khoai tây dễ trồng và có giá trị kinh tế cao, lại thích hợp vụ đông. Có thể trồng trên đất ruộng, đất phù sa ven sông, suối thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt.

Cây khoai tây. Ảnh internet

Khoai tây có thể trồng nguyên cả củ hoặc trồng bằng miếng bổ, nhiều nơi bà con nông dân trồng bằng miếng bổ để tiết kiệm củ giống, giảm chi phí đầu tư ban đầu. Có 2 cách bổ, bổ củ theo cách truyền thống chấm xi măng khô, cách này đơn giản nhưng củ giống dễ bị thối nếu sau khi trồng gặp mưa. Bổ củ theo phương pháp cắt dính, tuy có kỳ công hơn nhưng tỷ lệ củ giống không bị thối sau khi trồng cao.

Phương pháp bổ củ chấm xi măng: Trước khi trồng 1 - 2 ngày tiến hành bổ củ giống, chỉ bổ những củ giống to có nhiều mầm. Tốt nhất bổ theo chiều dọc củ để chất dinh dưỡng được phân bố đều trên các miếng bổ tạo độ đồng đều của cây sau khi trồng.

Mỗi miếng bổ phải có ít nhất từ 1 - 2 mầm trở lên. Dao cắt phải mỏng, sắc để tránh gây dập nát tế bào nơi vết cắt. Cần nhúng dao vào nước xà phòng đặc sau mỗi lần bổ 1 - 2 củ để tránh lây bệnh. Chấm mặt cắt của miếng khoai tây vào xi măng khô rồi xếp 1 lượt lên giàn.

Phương pháp cắt dính: Cắt dọc củ theo chiều của mầm đỉnh để tiết diện miếng cắt là nhỏ nhất. Miếng cắt tuyệt đối không được cắt rời mà phải còn dính với nhau khoảng 2 - 3mm, không được bẻ rời sau đó. Cắt củ xong phải áp ngay 2 miếng cắt còn dính liền lại xếp vào khay hoặc rổ rá. Tuyệt đối không được cho vào bao hoặc túi ẩm.

Không cần xử lý củ giống sau cắt với bất kỳ hóa chất nào. Mỗi củ giống chỉ nên căt đôi không nên cắt 3 hoặc 4. Sau khi cắt, củ giống phải được bảo quản trong điều kiện khô ráo, thoáng khí, nhiệt độ từ 18 - 20 độ C. Thời gian để miếng cắt lành lại vết thương khoảng từ 7 - 10 ngày. Trước khi trồng 1 - 2 ngày nên tách rời hẳn miếng cắt để vết thương lành hoàn toàn.

Yêu cầu củ giống đem cắt phải có độ trẻ về sinh lý, thường là những củ giống từ nguồn nhập khẩu hoặc củ giống được bảo quản trong kho lạnh ở điều kiện 4 độ C. Củ giống phải có khối lượng ít nhất 50gr trở lên, đã hết thời gian ngủ nghỉ (đã phát mầm).

Rạch hàng trên mặt luống, rải toàn bộ phân chuồng mục và lân vào rạch trộn đều với đất trong rạch. Đặt củ giống hay miếng bổ vào rạch, chú ý tuyệt đối không để củ giống hoặc miếng bổ tiếp xúc trực tiếp với phân. Khoảng cách giữa củ giống (hoặc miếng bổ) 25 - 30cm.

Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 15 - 20 ngày, cây cao 15- 20 cm, bón 50% đạm + 50% kali. Kết hợp vun luống lần 1.

Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 15 - 20 ngày. Bón hết lượng phân còn lại. Kết hợp vun luống lần 2. Bón phân kết thúc trước 40 ngày sau trồng.

Nếu đất đủ ẩm thì sau khi trồng 10 - 15 ngày khoai tây sẽ mọc đều. Vì vậy nếu đất quá khô cần phải thực hiện tưới rãnh nhẹ để khoai tây nhanh mọc. Tuy nhiên giai đoạn này đối với giống khoai tây bổ củ không để đất quá ướt dễ gây thối củ. Thực hiện vun xới 2 lần kết hợp bón thúc. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho khoai tây, tốt nhất bằng biện pháp tưới rãnh.

Về tưới nước và chăm sóc: Giai đoạn sau trồng được 50 - 55 ngày, chủ động cung cấp đủ nước giúp củ phình to. Dừng tưới nước trước 60-65 ngày sau trồng. Nhân dân áp dụng biện pháp tưới rãnh: đưa nước vào ngập 1/3-1/2 chiều cao luống để đất tự ngấm nước, sau đó tháo đi ngay không được để rãnh đọng nước. Khoai tây cần vun cao để tạo nhiều tia củ, củ to và không bị xanh.

* Về phòng trừ sâu bệnh:

- Bệnh héo xanh: Cây khoai tây cần chú ý bệnh héo xanh vi khuẩn. Đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh héo xanh, mà cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác để cây phát triển khỏe và không dùng củ giống ở những cây bị bệnh.

Khi cây đã héo xanh, cần nhổ bỏ đem chôn, rắc vôi vào gốc đã bị bệnh tránh lây lan. Có thể dùng thuốc hóa học phun hạn chế bệnh như: Staner, Kasumin, Stepgus....

- Bệnh mốc Sương: Bệnh phát sinh mạnh khi nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao. Khi cây bị bệnh sẽ hỏng toàn bộ thân lá. Vì vậy nên phun phòng bệnh sương mai trước và sau khi có đợt gió mùa về bằng thuốc Boocđô 1%. Cạnh đó, nếu gặp thời tiết nắng nóng cây dễ bị nhện đỏ, nhện trắng gây hại làm cho cây chậm phát triển, lá bị xoăn lại. Phun bằng các thuốc đặc trị nhện như: Supracid 40EC, Ortus 5SC.

* Thời gian thu hoạch: Khi cây khoai tây có thời gian sinh trưởng khoảng 85-90 ngày, dây khoai ngả màu vàng thì tiến hành thu hoạch. Thu vào ngày tạnh ráo, hanh khô, không dính đất, không rửa khoai, không để vỏ bị xây xát.

Hồng Vân