Cây đơn lá đỏ là một loại thảo dược được dùng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền. Dân gian thường dùng phần lá cây đơn đỏ phơi khô làm thuốc điều trị bệnh dị ứng, mề đay mẩn ngứa, mụn nhọt và một số vấn đề đường tiêu hóa, niệu.
1. Đặc điểm cây đơn lá đỏ
Cây đơn lá đỏ còn có các tên gọi khác như là đơn tướng quân, đơn mặt trời, đơn tía, liễu đỏ, liễu hai da, hồng bối quế hoa. Tên khoa học của cây đơn đỏ là Excoecaria cochinchinensis Lour thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây đơn lá đỏ thường được trồng làm cảnh, tuy nhiên đây còn là một vị thuốc có thể trị được nhiều bệnh. Cây được trồng ở nhiều vùng trên cả nước để làm cảnh hoặc làm thuốc.
Cây đơn đỏ có phần thân nhỏ, cao khoảng 1 mét. Lá cây đơn đỏ có hình bầu dục ngược thuôn mọc đối nhau, mặt bên trên lá có màu lục bóng, mặt dưới lá có màu tía, mép lá có răng cưa. Hoa của cây đơn lá đỏ thường mọc ở ngọn hoặc nách lá, cây ra hoa vào mùa hè.
2. Tác dụng chữa bệnh của cây đơn lá đỏ
Bộ phận dùng làm thuốc của cây đơn lá đỏ là phần lá cây. Lá cây đơn đỏ có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 4 cho đến tháng 6, trời thường xuyên có nắng to, cây phát triển tốt, nên lá to, dày, nhiều nhựa và màu lá đỏ tía, nên thu hoạch vào thời điểm này rất tốt bởi vì hàm lượng dược chất trong cây tương đối cao.
Lá cây đơn đỏ sau khi thu hái về rửa sạch, thái thành từng đoạn sau đó đem sao vàng hoặc phơi khô. Dược liệu sau khi bào chế cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
Theo nghiên cứu hiện đại, trong lá cây đơn đỏ có chứa hàm lượng flavonoid tương đối cao (khoảng 1,5%). Flavonoid là hoạt chất có khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy trong lá đơn đỏ các thành phần hóa học khác có tác dụng kháng khuẩn, chống dị ứng, tiêu viêm như: Saponin, coumarin, tanin, anthranoid,...
Theo Y Học Cổ Truyền, lá cây đơn đỏ có vị đắng, tính mát. Theo các y thư cổ, lá cây đơn đỏ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, giảm đau, lợi niệu. Nhờ vào những đặc tính trên, lá cây đơn đỏ được sử dụng trong điều trị: Mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng, tiêu chảy lâu ngày, lỵ, đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu,...
Theo nghiên cứu hiện đại lá cây đơn đỏ được sử dụng để điều trị những bệnh lý sau:
- Mẩn ngứa, mụn nhọt
- Zona
- Mề đay, dị ứng
- Vú sưng tấy
- Sốt, cảm, nhức đầu, đau nhức phong thấp.
- Kinh nguyệt không đều
- Kiết lỵ
- Tiểu ra máu
- Huyết nhiệt mụn nhọt lở ngứa.
Lá cây đơn đỏ được sử dụng với liều lượng từ 10 - 20 gam/ngày, dưới dạng thuốc sắc uống độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
3. Một số bài thuốc từ cây đơn lá đỏ
Một số bài thuốc điều trị bệnh từ cây đơn lá đỏ như sau:
- Cây đơn lá đỏ trị mề đay, mẩn ngứa, dị ứng, mụn nhọt: Sử dụng 8 - 12 gam lá cây đơn đỏ khô đem sắc, chia uống 3 lần trong ngày, uống sau mỗi bữa ăn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm và biến mất.
- Bài thuốc điều trị mụn nhọt ở vú, vú sưng tấy đau: Sử dụng 15 - 20 gam lá đơn đỏ sắc lấy nước chia uống 3 lần trong ngày, dùng đến khi triệu chứng thuyên giảm. Ngoài ra, bạn cũng có thể sao nóng lá đơn đỏ, cho vào túi vải rồi chườm nhẹ lên vị trí vú bị sưng, đau.
- Cây đơn lá đỏ trị zona và mẩn ngứa: Sử dụng 40 gam lá đơn đỏ sao vàng rồi sắc uống trong ngày, thực hiện đều đặn và liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh được thuyên giảm.
- Cây đơn đỏ trị tiêu chảy lâu ngày: Sử dụng 15 gam lá đơn đỏ sao vàng rồi sắc cùng với 4 gam gừng nướng, chia uống trong ngày, nên uống sau khi ăn khoảng 1,5 giờ đồng hồ.
- Cây đơn đỏ điều trị kiết lỵ, đại tiện ra máu ở trẻ em: Sử dụng 12 gam lá đơn đỏ sắc uống.
Cây đơn lá đỏ là một loại thảo dược được dùng phổ biến điều trị bệnh dị ứng, mề đay mẩn ngứa, mụn nhọt và một số vấn đề đường tiêu hóa, tiết niệu. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn thì bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ, lương y có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.