Những người mới chơi sen đá thường có một giấc mơ đó là xây riêng cho mình một khu vườn sen mini. Nhưng trước hết bạn biết cách chăm sóc sen đá đúng chuẩn trước, để đảm bảo cây luôn khoẻ mạnh và thấu hiểu hơn về loài thực vật này.
Bài viết sau đây, được chia sẻ từ một con người “nghiện sen chính quy”, sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích, các tips chăm sóc loài hoa đá này, để tạo nên một khu vườn nho nhỏ đẹp như mơ với chi phí tiết kiệm nhất.
1. Sự thú vị khi chăm sóc cây sen đá
Học cách chăm sóc sen đá mini đem lại nhiều lợi ích bất ngờ, thú vị lắm đấy nha.
- Đầu tiên sẽ giúp bạn hiểu hơn về loài cây cảnh này. Có thể lúc ban đầu gặp nhiều thiếu sót hoặc chưa quen nên khiến một số cây chết, nhưng dần dần bạn sẽ chiêm nghiệm được và học được cách chăm cây phù hợp.
- Chăm sóc sen giúp bạn học được cách quan sát mọi thứ hơn, để ý từng chi tiết hơn, cẩn thận hơn.
- Đồng thời đây cũng là phương pháp hữu hiệu giúp bạn bình ổn tinh thần, cảm xúc sau những giờ làm việc mệt mỏi. Lấy ví dụ như mình đây, mỗi lần ngồi 8 tiếng đồng hồ trên văn phòng, về nhà cảm thấy mệt mỏi vô cùng nhưng nhớ tới mới cái cây liền xách xô nước tưới từng chậu một, rồi ngồi ngắm nhìn chúng một hồi, cảm giác bao nhiêu muộn phiền dần dần tan biến, lúc đó… bình yên lắm, hihi.
2. Cách chăm sóc sen đá khi mới mua về
Tiếp nối bài viết cách trồng sen đá full nắng mưa, An Bảo Garden chia sẻ kỹ hơn về nội dung chăm cây từ mới mua về, cho đến lúc cần phải thay chậu mới. Ở phần này, bạn cần chú ý hơn về cách chọn chậu, mẹo tưới nước, giá thể và ánh sáng cho cây sen nha.
2.1. Chọn chậu phù hợp
Chậu sen đá là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cây sinh trưởng mạnh, cũng là cách chăm sóc sen đá phát triển lâu dài.
Hừm, nói về chậu thì…
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều mẫu chậu trồng sen đá từ loại mini cho đến loại size trung, size đại. Với các chất liệu khác nhau như chậu gỗ, chậu đất nung, chậu xi măng, đá mài, gốm, sứ, sắt, nhựa… tùy sở thích mỗi người mà lựa chọn hình dáng chậu khác nhau.
Nhưng mình khuyên những bạn mới chơi sen đá, tốt nhất nên chọn CHẬU ĐẤT NUNG. Còn ai là dân chơi sen chính hiệu muốn thử thách trồng đa dạng các kiểu chậu khác thì cứ triển thôi.
Sen đá là loài không ưa ẩm, ghét sự ngập úng, chính vì điều này mà chậu đất nung có những ưu điểm vượt trội, đáp ứng nhu cầu trồng sen đá, với các ưu điểm:
- Khả năng thoát nước tốt qua bề mặt chậu, nên rễ cây sẽ ít bị úng do nước không bị tồn đọng lại.
- Bề mặt chậu đất nung thoáng khí, nên rễ cây sen cũng sẽ không sợ nóng vào các ngày nắng mạnh.
- Lỗ thoát nước vừa
- Màu sắc đơn giản, mộc mạc mang tính nghệ thuật cao
- Giá thành cực rẻ chỉ từ 7.000 vnđ
NGOÀI RA,
Bạn cần lựa chọn phù hợp cho từng size cây sen đá mới mua về.
- Không nên chọn chậu quá nhỏ sẽ dễ bị bít kín rễ, kìm hãm quá trình sinh trưởng của cây.
- Nếu chậu QUÁ LỚN chứa nhiều đất trồng và giá thể sẽ dễ làm úng cây, thối rễ.
=> Cách chọn chậu phù hợp cho từng size:
- Sen vỉ với giá thành chỉ từ 5-6k nên chọn chậu đất nung kích thước nhỏ 7×7 (cao 7cm x rộng 7cm)
- Các dòng sen bầu, thân cao bạn nên chọn chậu đất nung 9×9 (cao 9cm x rộng 9cm) hoặc lớn hơn một chút 11×11 (cao 11cm x rộng 11cm)
- Đối với các dòng sen bầu thân thấp, rễ chùm, bạn nên chọn chậu có bề rộng lớn như chậu đất nung 14x7cm (rộng 14cm x cao 7cm)
- Các dòng sen trung bạn có thể chọn chậu đất nung 14x14cm (cao 14cm x rộng 14cm)
- …
Cho dù bạn chọn chậu nào, nên nhớ chậu luôn luôn phải có lỗ thoát nước nhé!
2.2. Chăm sóc sen đá cần chú ý giá thể
Khi người mới chơi chăm sóc sen đá, tốt nhất đừng nên thử thách bản thân với cách trồng và chăm sóc sen đá bằng đất vườn. Mà nên dùng giá thể chuyên dụng, với các thương hiệu uy tín trên thị trường như Soil Mix, Namix… Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp và trên các trang thương mại điện tử. Hoặc có thể tự xử lý các giá thể thật sạch và tự phối trộn, chỉ cần đảm bảo các yếu tố như thoáng khí, tơi xốp, vừa đủ dinh dưỡng.
Giá thể sạch, đảm bảo được việc thoát nước tốt là điều kiện tiên quyết để trồng sen đá. Bạn chỉ cần lưu ý điều này là đủ, để sau này có thay giá thể mới cho sen đá cũng phối trộn theo tỉ lệ phù hợp nhất cho vườn mini nhà mình. Ví dụ như vườn nhà An Bảo Garden, lúc nào mua giá thể mới về cũng đều trộn thêm đá perlite, đá pumice để trồng full nắng mưa dễ dàng hơn.
- Thành phần giá thể mình hay dùng: Phân dê (tỉ lệ ít), trấu, đá perlite (tỉ lệ nhiều nhất), xỉ than, đá pumice, xơ dừa, một chút bộ nấm vi sinh có lợi.
- Những viên xỉ than lớn thì mình lót dưới đáy chậu, sau đó mới cho giá thể đã phối trộn vào, trên bề mặt là đá pumice hoặc xỉ than viên nhỏ.
2.3. Chú ý ánh sáng, vị trí đặt
Mặc dù sen đá đa dạng chủng loại và tên gọi, có dòng thì thích nắng mạnh và có dòng thì thích nắng nhẹ. Nhưng điểm chung của chúng đều là ƯA NẮNG. Đặc biệt là các dòng phổ thông mà An Bảo Garden đã gợi ý cho các bạn mới chơi sen đá mini, rất thích bài hát “Ánh Nắng Của Anh”.
Chính vì vậy, việc chọn được vị trí đặt sen đá là điều rất quan trọng. Bạn nên trồng ngoài trời ở trên sân thượng, ban công, sân vườn… những nơi có nhiều nắng và gió, tối ưu nhất là nắng 4 tiếng đồng hồ. Chỗ nào nắng gắt quá bạn có thể trang bị lưới lan nhé!
Đối với những ai thích chơi sen mà điều kiện tại gia không có những vị trí “trắc địa”, bạn có thể thử sức với dòng sen đá móng rồng và đặt ở cạnh cửa sổ của phòng nơi đón nhiều nắng nhất.
Mẹo phơi nắng cho sen đá mới trồng:
- Với sen đá mới mua về và trồng trong chậu, cần để nơi thoáng mát tầm 14 ngày.
- Sau đó mới đem cây đặt vị trí nắng nhẹ hoặc đón nắng sáng từ 7h30-10h trong 2 tuần.
- Cuối cùng, bạn mới đặt ở vị trí full nắng mưa, chỗ đón nắng gắt.
=> Cách chăm sóc này, giúp sen đá thích ứng từ từ khí hậu xứ nóng. Đảm bảo cây phát triển ổn định lâu dài, không sợ bị sốc nhiệt.
*Gợi ý thêm cho bạn các dòng sen ưa nắng nhẹ, nắng mạnh
- Các dòng sen đá ưa nắng: sen đá phát lộc, sen đá cam, sen đá xanh, sen nhung, tứ phương, sen đá socola,
- Những cây dòng sen đá ít ưa nắng, thích nắng nhẹ: như sen ngọc, bông hồng Pháp, sen phật bà, chuỗi ngọc bi,…
>>> Đặt mua sen đá với giá chỉ 15k tại đây:
2.4. Tưới nước đúng cách
Sen đá là cây mọng nước, cho nên việc tưới nước cũng KHÔNG CẦN phải diễn ra đều đặn thường xuyên, cần phải thực hiện đúng cách.
À Ha! Quên nữa…
Đừng thấy các clip tưới nước cho sen đá trên Tóp Tóp như quăng cây vào hồ nước hoặc dùng vòi xịt mạnh phun từ trên xuống mà bắt chước theo nhen! Áp dụng phương pháp tưới bên trên vào cách chăm sóc sen đá khi mới mua về sẽ không phù hợp lắm.
- Một là, người ta tạo ra content vui vui hài hài
- Hai là, các nhà vườn chăm rất nhiều cây sen đá khác nhau, do đó việc tưới từng chậu sẽ mất nhiều thời gian, và các cây sen đá của nhà vườn đang trồng lại rất khoẻ đấy nhé.
=> Vì vậy, người mới chỉ nên xem cho vui chứ khoan vội thực hiện theo, ngủm cây một phát thì KHÓC RÒNG, huhu.
Đợi cây trồng được thời gian lâu thích ứng thời tiết nắng mưa xứ nóng và bạn đã trồng nhiều chậu sen, rồi hãy áp dụng cách tưới phun xịt một lần.
Sau đây, An Bảo Garden gợi ý cho bạn tips tưới nước
- Lưu lượng nước tưới: Tuỳ dòng cây mà có yêu cầu lượng nước nhau, có loài thích được tưới nhiều, có loài ít tưới hơn. Khi tưới nước nên tưới đều xung quanh chậu và đảm bảo nước có thoát khỏi đáy chậu.
- Khi nào nên tưới cây? Bạn nên xem xét trước tình hình khí hậu, thời tiết dạo này có mưa nhiều âm u hay nắng mạnh? Đặc biệt chỉ tưới khi đất trồng sen đá đã khô hoàn toàn, chỉ cần dùng 1 ngón tay trỏ chọt xuống nền đất để kiểm tra độ ẩm.
- Thời điểm tưới cây: Bạn nên tưới cây vào buổi sáng sớm 6h-7h30 hoặc buổi chiều tầm 17h là tốt nhất. Tránh được khoảng thời gian nắng gắt (9h-14h) dễ làm nóng chậu cây và hạn chế tưới nước buổi tối.
- Không nên tưới từ trên ngọn xuống: Để giúp cây hấp thụ nước tốt, bạn nên tưới vào phần gốc của cây. Đừng nên tưới lên lá, bởi lá cây sen đá không giống như các loại lá cây khác rất dễ đọng lại nước và lâu khô, điều này sẽ tạo môi trường ẩm làm phát sinh các vi khuẩn, côn trùng gây hại.
- Bạn có thể dùng bình nhựa chuyên dụng dành cho việc tưới sen hoặc bình xịt phun sương. An Bảo Garden thì tái sử dụng ấm trà cũ để tưới cho cây, haha.
*Bổ sung thêm cho các bạn các dòng ưa nước nhiều và ít:
- Các dòng sen đá ít tưới nước hơn đa phần là các sen đá dạng LIÊN ĐÀI, thân thấp và có lá căng mọng nước (Ngoài trừ cây xà lách, một số cây thân cao nhưng có lá dày)
- Sen đá ưa nước vừa, do thân cao ít bị úng hơn như sen nhung, sen hàm cá mập, ống điếu, mặt trăng, giọt lệ, móng rồng, sen guốc…
- Loại ưa nước nhiều hơn, đây là các loại sen đá có lá mỏng hơn như sen dù, sen tim, móng rồng lâu năm, thạch bích, sen đá lục bình, sedum, đô la, tứ phương…
3. Cách chăm sóc sen đá khi đã trồng quen
Để thuần sen đá trồng được full nắng mưa ở xứ nóng, bạn sẽ cần sự kiên nhẫn, “sai thì sửa, chửa thì đẻ”. Khi các dòng cây mới mua về đã trồng được 1-2 tháng đã quen với khu vực, môi trường sống mới. Bạn tiếp tục quan sát và áp dụng cách chăm sóc sen đá nha, duy trì phong độ cho chúng.
3.1. Duy trì lượng nước tưới
Sau một khoảng thời gian tưới nước cho từng chậu sen, có thể lúc này bạn biết được chậu nào dễ thoát nước, chậu nào dễ khô hơn, vị trí nào sẽ giúp chậu thoát nước nhanh hơn. Lúc này bạn sẽ điều chỉnh lại lượng nước phù hợp hơn.
Ví dụ như An Bảo Garden trồng và chăm sóc sen đá ở Thủ Đức, HCM. Mình đặt trên ban công hướng Tây, rất khô thoáng và trồng full nắng mưa luôn. Ban ngày sẽ đón 1 phần nắng sáng, nhưng trưa và chiều nắng gay gắt, cho nên 1 tuần mình sẽ tưới 2 lần (Thứ 3, Thứ 7).
3.2. Quan sát cây theo tuần
Quan quát, nhìn ngắm từng chậu sen đá của mình tự trồng phát triển theo từng giai đoạn là một cách thư giãn TUYỆT VỜI!
Việc quan sát giúp ta biết được tình trạng cây hiện tại như thế nào:
- Giá thể có ẩm quá hông? Chậu có dễ thoát nước?
- Có xuất hiện cuốn chiếu hay rệp sáp, nhện đỏ hông?
- Lá nào bị nhăn, bị khô héo cần phải loại bỏ
- Nách của cây có xuất hiện rễ con không? (chứng tỏ phần gốc có vấn đề)
- Biết được cây nở hoa như thế nào? Xinh lắm nhen.
- …
3.3. Cách chăm sóc sen đá mini vào mùa nắng
Đây là mùa mà mình thích nhất, bởi vì sen đá sẽ lên màu rất đẹp. Tuy nhiên, mình cũng ngại vấn đề bị cháy lá ở cây, cho nên sẽ bổ sung nước nhiều hơn mức bình thường.
Đồng thời, mình sẽ đổi chiều chậu để cây sen đá đón nắng đều cả hai bên, giúp cây phát triển ổn định. Tránh cho cây bị xiên xiên quẹo quẹo sang một bên, trông rất xấu, mất dáng cây.
3.4. Mùa mưa cần chuẩn bị gì?
Mùa mưa, bạn cần chuẩn bị tâm lý và niệm kinh đi nhen, hihi. Đây là mùa cuốn đi mất một số chậu sen của nhiều người chơi.
Trời âm u, không nắng sẽ làm cây bị mất màu, không được đẹp lắm. Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều dễ làm cây phát sinh các bệnh nấm, úng rễ, thối thân.
NHƯNG, bạn đừng lo lắng khi đã trồng và chăm sóc sen đá đón đủ nắng mưa theo phương pháp organic, cây rất khoẻ không sợ chết, cây nào yếu đã yếu sẵn rồi thì rất dễ ngủm. Cây nào lỡ bị thối thân không phát hiện kịp thì chỉ nên cứu lá, để đem đi ươm trồng.
Vào mùa mưa, bạn cứ quan sát thời tiết và hạn chế việc tưới nước lại, kiểm tra chậu nào hay bị ẩm ướt có dấu hiệu cây yếu nên tách ra riêng và thay giá thể mới hoàn toàn.
3.5. Bao lâu thì bón phân
Sen đá vốn dĩ là loài cần ít chất dinh dưỡng, nên khi chăm sóc sen đá bạn cũng hạn chế việc bón phân.
- Đối với mình thì khoảng 5 - 6 tháng mới bón 1 lần và bón với liều lượng cực thấp.
- Và chỉ bón phân mang tính hữu cơ, tự nhiên như: phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, vỏ trứng gà đã xử lý, phân rác bếp đã được ủ mục,… Đặc biệt dạo gần đây mình hay dùng phân trùn quế viên nén tan chậm.
- An Bảo rất dị ứng với các chất hoá học, nên hầu như các phương pháp mình chia sẻ luôn hướng đến sự gần gũi với thiên nhiên, an toàn cho môi trường. Bời vì nhà mình còn có người già, trẻ con nữa.
Chú ý: Các loại phân bón hữu cơ cần được xử lý sạch sẽ trước khi sử dụng nhé.
3.6. Khi nào nên thay chậu mới? Có nên cắt gốc để kích rễ?
Sau một khoảng thời gian dài trồng và áp dụng cách chăm sóc sen đá full nắng mưa. Giá thể của cây sẽ bị chai cứng, không còn đầy đủ dinh dưỡng và khó thoát nước hơn do bịt kín lỗ thoát nước.
Các dấu hiệu thường thấy là:
- Lá sẽ bị ngắn trở lại và lên màu rất rực rỡ
- Bạn để ý khi tưới nước, bình thường thì lá sẽ căng nhưng bây giờ các lá vẫn cứ nhăn lại, mềm và có dấu hiệu không hút nước:
- Một là bộ rễ của cây đã bị hỏng
- Hai là cây không phát rễ mới
- Ba là rễ cây quá nhiều dẫn đến cây không phát rễ được nữa
Vì thế, chậu nhỏ tầm 6 tháng là đã thay, chậu lớn hơn thì tầm 1 năm hơn thì thay chậu và giá thể mới.
Cách thay chậu và giá thể mới cho cây:
+Bước 1: Đảo chậu, lấy bầu cây ra khỏi chậu cũ
+Bước 2: Loại bỏ lá khô bên dưới gốc, thân nào bị khô và teo cần cắt bỏ đi
+Bước 3: Chỉ loại bỏ rễ già, rễ dài. Không cần phải kích rễ lại như từ đầu như cắt gốc
+Bước 4: Tiến hành trồng vào chậu mới và giá thể mới đã được phối trộn.
Chú ý:
- Không tưới nước cho cây liền vì sẽ gây nhiễm trùng vết thương. Để khoảng 3-5 ngày rồi hẳn tưới
- Đặt cây trong bóng râm khoảng 1 tuần hơn rồi hãy đem ra ngoài nắng nhẹ
- Giữ lại phần giá thể cũ nếu bạn muốn tận dụng trồng các cây khác, bằng cách đem đi phơi nắng rồi hãy trộn thêm phân hữu cơ, nấm đối kháng.
>>> Tìm hiểu thêm bài viết: 5 Cách nhân giống sen đá có tỉ lệ thành công cao
4. Các vấn đề thường gặp ở sen đá
4.1. Cưng nựng quá nhiều
Điều này hay gặp phải ở những bạn mới chơi, thực hành “cách chăm sóc sen đá quá mức”, suốt ngày cầm chậu lên xem soi xét từng lá một, đụng và chạm vào cây liên tục, hay di chuyển vị trí đặt chậu. Bởi vì “nóng guột”, cưng như cưng em bé sợ cây xảy ra chuyện gì không ổn.
NHƯNG MÀ, BẠN ƠI!
Về bản chất sen đá là loài ưa nắng, gió thích lối sống “Mặc kệ tui sống nhen”, đặc biệt sen đá ngoài tự nhiên không sợ nắng mưa khắc nghiệt. Chính vì vậy, bạn cần hạn chế việc “cưng nựng” quá mức, chăm sen thì cứ “mặc kệ nó” chỉ quan sát thôi!
Giống như, một đứa trẻ ở thành phố được nuôi dưỡng ở môi trường quá an toàn, luôn được bảo bọc chưa bao giờ đi giăng nắng, tắm mưa, ít thể dục sẽ rất yếu ớt về mặt sức khoẻ. Yếu hơn những đứa trẻ ở các vùng tỉnh, vùng quê luôn được trẩy hội trên các đồng ruộng, vui chơi tắm mưa, tắm nắng thoả thích, lao động cực khổ nên thể chết rất tốt, hãy hồi tưởng lại thuở nhỏ của bạn như thế nào…
4.2. Dấu hiệu vàng lá
Biểu hiện cây: lá vàng và mềm nhũn
Nguyên nhân: Thông thường cây bị như vậy là do SỐC NHIỆT. Vì đa phần sen đá được vận chuyển từ Đà Lạt xuống các vùng xứ nóng dẫn đến sự thay đổi đột ngột về khí hậu. Và các xơ dừa trong bầu sen rất nóng khi gặp trời khô hạn, cũng sẽ gây ảnh hưởng đến bề mặt chậu cây, nhiều nguyên nhân nữa là do thiếu nước, thiếu dinh dưỡng…
Biện pháp khắc phục:
- Đầu tiên, bạn hãy loại bỏ lá vàng và di chuyển vào vị trí mát, phun sương giữ ẩm cho cây, tiếp tục quan sát tiếp trong vòng 3-4 ngày có phát hiện thêm lá vàng nào không?
- Trường hợp sau đó vẫn có lá vàng, lá nhăn trên cây, tốt nhất nên bứng cây lên và cắt gốc và rễ rồi đem phơi cây trong mát. Đợi cây ra rễ mới đem đi trồng như bình thường, nhớ trồng bằng giá thể mới.
- Tình trạng bị lan đến phần ngọn thì rất khó cứu, lúc này bạn nên mua cây mới.
4.3. Sen đá bị cháy nắng
Dấu hiệu nhận biết:
- Rất nhiều người sở hữu sen đá sẽ bị nhầm lẫn bệnh cháy nắng và bị úng ở lá sen, do dấu hiệu cũng gần giống nhau.
- Tuy nhiên, cây sen đá bị úng thì lá sẽ bị THÂM LẠI, lá vẫn căng mọng và có thể bị rụng. Còn sen đá bị cháy nắng lá sẽ bị teo lại và cũng bị thâm, nhưng khô đen hơn.
Nguyên nhân:
- Đây là căn bệnh thường gặp vào mùa KHÔ đối với những ai đặt vị trí cây đón full nắng hoàn toàn. Và quên hẳn việc tưới nước cho cây vì áp dụng phương châm chăm cây “MẶC KỆ NÓ” quá đà.
- Hoặc thời tiết thay đổi đột ngột, đang có những ngày mưa tự nhiên các ngày sau đó nắng mạnh gay gắt cũng khiến lá bị cháy đen
- Do cây mới trồng mà bạn đặt vào vị trí đón nắng mạnh sau 10h (10h-14h) dẫn đến cây bị cháy nắng, lá khô và đen dần.
Biện pháp xử lý:
- Loại bỏ lá khô, đem vào chỗ thoáng mát và tưới đẫm cho cây, giúp cây hồi phục khoảng 2 tuần rồi hãy đem dần dần ra nắng.
- Hoặc bạn bố trí thêm tấm lưới lan, mà che vải giúp cây tránh nắng gay gắt
- Vào mùa khô, bạn sẽ tưới nước nhiều hơn bình thường một chút nha.
- Thời điểm nắng sáng tốt nhất là trước 10h đối với những cây mới trồng.
4.4. Bệnh úng rễ
Biểu hiện: Bạn để ý vài lá gần dưới thân đột nhiên mềm nhũn và thâm đen và các lá xung quanh rụng dần.
Nguyên nhân làm úng rễ: Do giá thể trồng không sạch và đảm bảo thoáng khí, thoát nước tốt. Hoặc do bạn tưới quá nhiều nước khiến chậu thoát nước không kịp. Bệnh này thường thấy nhất là vào mùa MƯA.
Cách khắc phục, chăm sóc sen đá đúng cách:
- Chúng ta sẽ thay mới giá thể hoàn toàn, loại bỏ phần rễ cũ, cắt gọt phần gốc cho đến khi thấy bên trong trắng xanh không có chỗ thâm đen nữa. Rồi đem đi phơi cây chỗ thoáng mát đợi 1-2 tuần rễ mới ra thì đem trồng lại.
- Trường hợp cây bị quá nặng phần gốc lên thân thì không cắt gọt được nữa thì hãy bứt lá đem ươm trồng để có cây con
4.5. Rệp sáp trắng tấn công
Biểu hiện thường thấy
- Cây của bạn xuất hiện các vết trắng nhỏ biết nhúc nhích, cây bị nhiễm rệp thường lây lan rất nhanh sang các cây trong vườn. Lá thường sẽ bị rệp chích, để lại các vết sẹo lồi lõm trông rất xấu hoặc nặng hơn là khiến thối lá toàn cây.
- Một dấu hiệu nữa là đột nhiên bạn thấy kiến rất nhiều bu vào cây, do rệp tiết ra chất ngọt dẫn dụ kiến đến, khiến kiến phải ra sức “hộ giá” bọn rệp, kkk. Quả thật thiên thiên thật là thú vị.
Nguyên nhân: Do độ ẩm của chậu cây tăng cao, hoặc thời điểm giao mùa thay đổi khiến cây sen rất nhạy cảm nên chúng thường bị rệp sáp trắng xâm lấn.
Cách giải quyết:
- Lập tức tách cây bị bệnh đến khu vực riêng, dùng nhíp loại bỏ rệp nếu ít.
- Sử dụng nước xà phòng pha loãng với nước (3 giọt xà phòng : 1 lít nước) hoặc dùng tinh dầu neem, cồn 70 độ. Phun xịt trực tiếp vào các chỗ bị rệp bám. Sau 2 ngày kiểm tra lại và tiếp tục phun xịt tiếp để tiêu diệt hoàn toàn.
- Có một cách phòng ngừa nữa đó là dùng thuốc tím Thái Lan để tiêu diệt chúng. Mình chỉ gợi ý cho bạn, chứ An Bảo Garden không áp dụng cách này, do bột thuốc tím sẽ gây nóng cho cây và tiêu diệt các nấm có lợi.
4.6. Rễ mọc ra từ thân cây
Biểu hiện và nguyên nhân:
- Trường hợp một, rễ mọc ra để giữ thăng bằng cho cây, vì các cây thân cao có xu hướng dễ bị đổ. Rẽ này mọc ra nhằm tìm kiếm điểm tựa nhằm giữ cân bằng cho cây lớn.
- Trường hợp thứ hai, cây không bị đổ nhưng bên trong thân lại mọc rễ. Điều này chứng tỏ cây bị thiếu nước và giá thể bên dưới cũng không có độ ẩm, do đó rễ mọc trên thân nhằm tìm độ ẩm từ không khí bù lại cho cây.
- Ngoài ra, còn có trường hợp lá tự gãy ra và mọc rễ luôn trên cây, đây là bản năng của chúng là tự nhân giống, bạn cứ để bình thường nhé.
Cách chăm sóc sen đá khi rễ mọc từ thân:
- Đối với trường hợp đầu tiên, rễ mọc giữ thăng bằng, bạn cần thay chậu mới cho cây để không bị đổ hoặc trồng cái cây chống lên để không bị ngã.
- Trường hợp thứ hai, bạn cũng không cần cắt rễ của cây. Lúc này có thể bổ sung thêm nước cho cây sen đá hoặc thay giá thể mới cho cây nha.
>>> Tham khảo thêm bài viết: 13 căn bệnh sen đá thường gặp
5. Tổng kết
Quả thật cách chăm sóc sen đá không dễ dàng như chúng ta thường đọc trên internet hay xem các clip trên Tóp Tóp.
Chỉ đơn giản, dễ chăm sóc khi chúng ta HIỂU về chúng và THỰC HÀNH, có kết quả thực tiễn mới thấy nó dễ dàng. Ngay cả bản thân mình khi có những cây sen đá đã trồng sen đá hơn 1 năm rồi nhưng nó vẫn ngủm như thường, hic hic.
Lúc đó An Bảo cũng buồn lắm chứ, nhưng mình biết “Buồn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ mới không tha người nào” kkk!
NHƯNG với quyết tâm học cách trồng và chăm sóc cây sen đá theo phương pháp HOÀN TOÀN HỮU CƠ. Mình đã khá hài lòng khi sở hữu hơn 39 chậu trồng được hơn 2 năm, cực kỳ khỏe mạnh.
Nếu bạn có quan niệm trồng sen theo phương pháp này thì xin chúc mừng bạn, vì dám bước ra khỏi vùng an toàn, chắc chắn bạn sẽ thành công với sự lựa chọn của mình! Nhớ cập nhật chuyên mục sen đá để đọc thêm những bài viết rất hay ho này nọ của anbaogarden.com, cảm ơn bạn đã theo dõi đến đây!