Đường huyết cao ở người bệnh tiểu đường gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch máu, có thể dẫn đến phù chân, sưng tấy bàn chân. Dưới đây là các thông tin tư vấn cho người tiểu đường bị phù chân, do Ths.BSNT Hà Đình Khải, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ.
Tiểu đường bị phù chân là gì?
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh về rối loạn chuyển hóa, lượng đường trong máu người bệnh luôn cao hơn mức bình thường do thiếu hụt hormone insulin, đề kháng insulin hoặc cả 2 trường hợp. Đường huyết tăng cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong cơ thể, bao gồm mạch máu ở chân, từ đó giảm khả năng lưu thông máu và dẫn lưu chất lỏng ở các mô dưới da.
Tiểu đường bị phù chân là tình trạng phù ngoại biên ở bàn chân người bệnh tiểu đường, gây tích tụ dịch bất thường dưới da, sưng và đau nhức. Vùng da phù nề có thể trông sáng, bóng hơn, kém đàn hồi. Khi ấn vào, da vẫn để lại vết lõm.
Người bệnh tiểu đường cũng bị suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị tình trạng nhiễm trùng, viêm và phù. Tiểu đường bị phù chân không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây đau đớn, hạn chế khả năng di chuyển mà còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, thận và hệ tuần hoàn.
Nguyên nhân tiểu đường gây phù chân
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng sưng phù chân ở người tiểu đường, như:
1. Lưu lượng máu suy giảm
Tình trạng tăng đường huyết kéo dài ở người bệnh tiểu đường làm tổn thương niêm mạc mạch máu, xơ vữa động mạch với các biểu hiện: thành mạch dày, kém linh hoạt; mạch máu hẹp lại, bít tắc và giảm lượng máu xuống bàn chân. Khi máu không lưu thông hiệu quả, nước sẽ bị tụ lại, làm phù, sưng tấy chân.

2. Vấn đề bệnh tim mạch
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc các biến chứng về tim mạch, như: tăng huyết áp, suy tim sung huyết… Khi chức năng tim không ổn định, hoạt động bơm máu cũng bị ảnh hưởng theo, lượng máu về tim bị ứ lại, dẫn đến tích tụ nước ở những vùng thấp nhất của cơ thể, nhất là bàn chân. (1)
3. Bệnh thận mạn tính
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh thận mạn tính, khiến chức năng thận bị giảm sút, dẫn đến tình trạng giữ nước, sưng tấy và tiểu đường bị phù chân.
4. Bệnh lý thần kinh
Theo bác sĩ phẫu thuật Elizabeth Sanders từ Trung tâm Y tế Boston, bệnh tiểu đường không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến thoái hóa các dây thần kinh ở phần dưới cơ thể người bệnh. Một số trường hợp, người bệnh không nhận biết được mắt cá chân, bàn chân sưng to do các tổn thương như: bong gân, gãy xương, nhiễm trùng…, vì bàn chân đã bị tê hoặc mất cảm giác, gây chậm trễ và khó khăn cho quá trình điều trị.
5. Thuốc
Một số loại thuốc dùng cho người bệnh tiểu đường có thể có tác dụng phụ gây phù chân, như: thuốc huyết áp, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau thần kinh…
Dấu hiệu người tiểu đường bị sưng chân
Người tiểu đường bị phù chân có thể đi kèm với một số triệu chứng, gồm:
- Sưng, sưng tấy, đỏ ở mu bàn chân.
- Mất cảm giác ở ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân.
- Ngứa, châm chích, khó chịu ở bàn chân.
- Cảm giác chật khi mang giày hoặc tất.
- Da chân đổi màu.
- Chậm lành vết thương, vết loét ở bàn chân.
- Da bàn chân khô, nứt nẻ hoặc bong tróc, có vết chai.
- Móng chân mọc ngược hoặc dày hơn bình thường.
- Nhiễm nấm (bệnh nấm ở chân vận động viên).
Cách chẩn đoán phù chân ở người tiểu đường
Tiểu đường bị phù chân là một trong những biến chứng phổ biến ở người bệnh tiểu đường. Khám và chẩn đoán sớm tình trạng phù chân sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm về sau. Quy trình chẩn đoán phù chân ở người tiểu đường được thực hiện như sau:
1. Đánh giá tổng quan
- Tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh, lượng đường huyết, các biến chứng mà người bệnh đang mắc phải, các bệnh lý mắc kèm.
- Kiểm tra độ vừa/chật của giày, dép.
- Xem xét các loại thuốc đang sử dụng.
2. Kiểm tra da, móng bàn chân
- Kiểm tra tình trạng tổn thương bàn chân: khô nứt, vết chai, loét, phồng rộp…
- Kiểm tra tình trạng nhiễm nấm ở móng chân, kẽ ngón chân nếu có.
3. Kiểm tra cơ xương khớp
Bác sĩ kiểm tra và đánh giá các bất thường về hình dạng, cấu trúc của bàn chân người bệnh, gồm: ngón chân hình vuốt hoặc cong/chồng lên nhau, biến dạng ngón chân cái (Bunions), bàn chân Charcot (Charcot Foot)…
4. Kiểm tra thần kinh
Bác sĩ sử dụng các dụng cụ và phương pháp chuyên biệt để đánh giá độ nhạy thần kinh và cảm giác ở bàn chân, ngón chân của người bệnh.
5. Kiểm tra mạch máu
Bác sĩ thực hiện phương pháp siêu âm mạch máu để kiểm tra lưu lượng máu đến chân người bệnh. Nếu có tắc hoặc hẹp mạch máu sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT).
Cách giảm sưng bàn chân tiểu đường bị phù
Có nhiều lựa chọn để cải thiện tình trạng tiểu đường sưng chân, tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng phù. Dưới đây là một số phương pháp mà người bệnh có thể áp dụng.
1. Vớ nén y khoa
Vớ (tất) nén y khoa là loại vớ có độ chặt hơn bình thường, nhằm tạo áp lực lên bàn chân và cẳng chân. Sử dụng vớ y khoa có tác dụng kích thích lưu thông máu, tăng lưu lượng máu xuống chân, giảm tình trạng bệnh tiểu đường bị phù chân. Người bệnh có thể mua sản phẩm ở các nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

2. Nâng chân cao hơn tim
Hành động này giúp cải thiện lưu thông máu và tăng lưu lượng máu đến chân. Người tiểu đường bị phù chân nên sử dụng gối hoặc ghế để duy trì tư thế nâng chân cao hơn để cải thiện phù chân.
3. Giảm lượng muối nạp vào cơ thể
Chế độ ăn nhiều muối có thể gây tích nước. Do đó, người bệnh tiểu đường nên ăn nhạt, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp…
4. Thuốc
Đối với tình trạng phù nề nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ cho người bệnh tiểu đường bị phù chân, như thuốc lợi tiểu.
Phòng ngừa phù chân ở bệnh đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), để ngăn ngừa biến chứng thần kinh, người bệnh tiểu đường phải kiểm soát đường huyết hiệu quả. Tổ chức này cũng khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên khám, kiểm tra bàn chân toàn diện hàng năm nhằm phát hiện sớm các bất thường. Để ngăn ngừa tình trạng sưng chân và các biến chứng khác ở bàn chân tiểu đường, người bệnh cần thực hiện các lưu ý sau:
1. Giảm cân
Theo bác sĩ y khoa Caroline Apovian, đồng Giám đốc Trung tâm Quản lý Cân nặng và Sức khỏe tại Bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston, phương pháp điều trị quan trọng nhất đối với người bệnh tiểu đường (dù có tình trạng phù chân hay không) chính là giảm cân. Người bệnh nên xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng để phòng ngừa tình trạng phù chân.
2. Tập thể dục
Vận động hợp lý không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn cải thiện lưu thông máu đến toàn cơ thể. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), người trưởng thành nên vận động với cường độ vừa phải, tối thiểu 150 - 300 phút mỗi tuần, với các hoạt động như: đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội…
3. Chế độ ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn uống lành mạnh với rau xanh, trái cây tươi, chất béo lành mạnh, cá, thịt… giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát chặt chẽ lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
4. Tránh ngồi lâu
Duy trì tư thế ngồi quá lâu có thể gây sưng tấy do máu dồn xuống chân. Sau 1 - 2 giờ ngồi liên tục, nên đứng lên và di chuyển để tăng cường lưu thông máu ở chân.
Khi nào nên đến cơ sở y tế để được thăm khám?
Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường hoặc tổn thương bàn chân như dưới đây, người bệnh tiểu đường nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời:
- Sưng không cải thiện hoặc tồi tệ hơn.
- Vết cắt, bầm tím hoặc các vết thương khác ở chân lâu lành hoặc không lành sau vài ngày.
- Vết chai chân có máu khô bên trong.
- Da ở mu bàn chân đỏ, đau, có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Vết thương ở chân bị nhiễm trùng, có mùi hôi, chuyển màu…
Địa chỉ khám tiểu đường bị phù chân đáng tin cậy
Người bệnh tiểu đường nên duy trì khám định kỳ ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở chuyên môn quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu các bệnh lý đái tháo đường, rối loạn nội tiết tố, bệnh tuyến giáp…, đặc biệt có riêng đơn vị phòng khám Bàn chân Đái tháo đường, chuyên tầm soát sớm và điều trị biến chứng ở bàn chân cho người bệnh tiểu đường.
Khoa được đầu tư các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu giúp chẩn đoán chính xác, nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc người bệnh.

Tiểu đường bị phù chân là một trong những biến chứng phổ biến ở người bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác. Người bệnh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, khi có bất thường nên nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời điều trị, hạn chế các biến chứng không mong muốn.