Hôm nay (2/9/2024) ở dưới quê tôi mưa quá trời! Mưa từ tối qua đến sáng nay, và cho đến nay vẫn còn mưa. Lâu lắm rồi, chắc cả 40 năm, tôi mới trải nghiệm mưa như thế này. Ở Úc cũng có mưa, nhưng không dai dẳng như mấy ngày qua: “Tiếng mưa nức nở trên hiên“.
Mưa thì ở nhà đọc sách, và tôi phát hiện một bài bình về bài thơ ‘Ngập Ngừng‘ của Học giả Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998). Tác giả ‘Ngập Ngừng‘ là Thi sĩ Hồ Dzếnh (1916 - 1991), một người gốc Hoa nhưng rất yêu văn chương Việt. Bài ‘Ngập Ngừng’ có lẽ là sáng tác nổi tiếng nhứt nhì của ông, và sau này được Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm cũng từng phổ nhạc từ bài thơ này và nhan đề ca khúc là “Anh Cứ Hẹn“.
Tôi rất ngạc nhiên về bài bình thơ này của bác Nguyễn Duy Cần! Ngạc nhiên là vì bác ấy nổi tiếng với những cuốn sách về đối nhân xử thế và Kinh Dịch, chưa chưa bao giờ đọc được một bài nhận xét về văn thơ này. Bài bình luận dưới đây tôi trích từ cuốn “Cái Cười của Thánh Nhân” do NXB Trẻ tái bản năm 2022. Tôi kiểm tra lại bản gốc (xuất bản trước 1975) của cuốn “Cái Cười của Thánh Nhân” thì không thấy bài này. Rất có thể nhà xuất bản đã thêm vào sau này?
Tôi gõ lại dưới đây để hầu chia sẻ cùng các bạn trong một ngày mưa tầm tã.
______

Học giả Nguyễn Duy Cần bình luận về bài thơ Ngập Ngừng:
“Đây có thể nói là thứ thơ của vô cùng (poésie de l’infini). Xuất thần thi nhân đã biến thành hiền giả.
Hạnh phúc đâu có đơn độc trên cõi đời tương đối này. Hạnh phúc thường ở trong mộng nhiều hơn ở trong thực. Trái lại, cái hoạ đâu phải luôn luôn ở nơi cái hoạ, mà thường ở chỗ lo sợ về cái hoạ ấy hơn là ở nơi cái hoạ ấy. Chết, đâu có đáng sợ; sợ chết mới đáng sợ.
Hạnh phúc đâu phải nằm trong hạnh phúc, mà nằm trong lúc đợi chờ. Sướng nằm trong khổ, phúc nằm trong hoạ, cho nên ngày xưa thánh nhân thường căn dặn: “Bất dục đắc!” Cái gì cầu mong mà khó được đều đẹp cả, có thể gọi là đẹp nhứt trần gian. Nhưng khi nắm được nó trong lòng bàn tay rồi thì tất cả đều trở thành tầm thường, bớt lần sự khát khao thèm muốn — nguồn gốc của hạnh phúc.
Nhà văn Tây phương Dominique Dunois nói rất đúng: Thực hiện được một cái mộng nào là tiêu diệt cái mộng ấy, cho nên cái mộng của đời tôi là không thực hiện những cái mộng đó (“La réalisation d’un rêve étant la destruction de ce rêve, le rêve de ma vie est de ne pas réaliser mes rêve”).
Ái tình là gì? Phải chăng là cạm bẫy của tạo hoá để đánh lừa con người vào cái việc tiếp tục cuộc sinh sinh bất tận của trời đất, chứ đâu phải để hưởng hạnh phúc của ái tình. Cho nên khi con người sực tỉnh giấc chiêm bao, mới hay rằng “Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp” như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết.
Sáu mươi bốn quẻ trong Kinh Dịch tượng trưng cuộc thiên diễn bất tận của tạo hoá, đâu có quy kết ở quẻ Ký Tế (đã xong), mà quy kết ở quẻ Vị Tế (chưa xong), bởi chỉ có cái gì ‘chưa xong’ thì sự việc mới được gọi là vô cùng tận:
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở … “
______
Ngập Ngừng
(Hồ Dzếnh sáng tác năm 1943).
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu…
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa.
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi.
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ.
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về!
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở…
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ…
____
Mời nghe ca khúc ‘Anh cứ hẹn’ của Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm (đồng hương Úc của tôi):