Theo y học cổ truyền, cây vối được biết đến rộng rãi trong việc điều trị bệnh cúm và một số bệnh về tiêu hóa. Bên cạnh đó, lá và nụ hoa vối cũng được dùng ngoài da để điều trị các tình trạng viêm, bao gồm vết bầm tím, mụn trứng cá và lở loét.
Dưới đây là các tác dụng dược lý của cây vối:
Hoạt động chống ung thư
Đã có những nghiên cứu về độc tính tế bào của DMC (thành phần chính của lá vối) trên các dòng tế bào ung thư khác nhau với mức độ độc tính tế bào khác nhau. DMC thể hiện độc tính tế bào mạnh nhất đối với dòng tế bào ung thư phổi A549.
DMC cũng rất hoạt tính chống lại nhiều dòng tế bào ung thư khác chẳng hạn như HepG2 (tế bào ung thư gan), ASK, P-388 và PANC-1 (tế bào ung thư tuyến tụy). Đối với các dòng tế bào ung thư khác, DMC chỉ cho thấy hoạt động vừa phải.
Kháng nhiều loại thuốc là một trong những thách thức lớn đối với việc điều trị ung thư bằng hóa trị liệu.
Việc điều trị đồng thời DMC với các thuốc chống ung thư khác đã được chứng minh là làm tăng hoạt động của thuốc, tăng sự tích tụ thuốc trong mô khối u và thậm chí còn có tác dụng hiệp đồng với thuốc khi được điều trị ở các tế bào ung thư kháng thuốc.
Dù vậy, cần tiến hành thêm các nghiên cứu, đặc biệt là trên mô hình động vật, để làm rõ ứng dụng của DMC trong điều trị ung thư.
Các nghiên cứu về tác dụng phòng ngừa của vối đối với các chất gây ung thư vẫn đang ở giai đoạn đầu, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể đưa ra kết luận về lợi ích phòng ngừa ung thư của loại cây này.
Hoạt động chống tiểu đường và chống béo phì
Đã có rất nhiều bằng chứng về đặc tính chống đái tháo đường và chống béo phì của chiết xuất vối và thành phần chính của nó (DMC) trong cả thiết lập thử nghiệm trong ống nghiệm và trong cơ thể sống.
Chiết xuất vối đã được chứng minh là ức chế các enzym thủy phân polysaccharide, làm giảm lượng đường trong máu và bảo vệ các đảo tụy ở mô hình chuột.
Mặt khác, nó có khả năng kích thích tiết insulin, tăng hấp thu glucose ở các tế bào mỡ đã biệt hóa và bảo vệ các tế bào đảo tụy khỏi stress oxy hóa, tổn thương tế bào và độc tính của glucose. Hơn nữa, DMC cũng được phát hiện có tác dụng làm giảm tích tụ lipid và thúc đẩy quá trình oxy hóa axit béo ở chuột.
Mặc dù hoạt động chống tiểu đường và chống béo phì không phải là chỉ định điều trị của cây vối trong y học cổ truyền, nhưng những kết quả nghiên cứu này cho thấy tiềm năng ứng dụng lâm sàng của cây vối trong việc chống lại các tình trạng bệnh mãn tính như tiểu đường và béo phì.
Hoạt động chống oxy hóa
Với hàm lượng hợp chất phenolic rất cao, chiết xuất vối đã cho thấy tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong nhiều thực nghiệm sinh học khác nhau.
Chiết xuất từ quả cho thấy khả năng bảo vệ thận khỏi nhiễm độc cadmium ở mô hình chuột trong khi chiết xuất lá vối được phát hiện có tác dụng bảo vệ tế bào nội mô và tế bào gan khỏi các tổn thương do hydrogen peroxide (một loại gốc tự do nguy hiểm) gây ra.
Vì hoạt động chống oxy hóa có liên quan đến nhiều hoạt động dược lý, chẳng hạn như hoạt động chống ung thư, chống viêm, bảo vệ gan và bảo vệ thần kinh, nên hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ có thể cung cấp ý tưởng nghiên cứu và định hướng để khám phá các tác dụng dược lý khác của cây vối.
Hoạt động chống cúm
Một trong những công dụng phổ biến nhất của lá vối trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc là điều trị cúm.
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy flavonoid C-methyl hóa là hợp chất chịu trách nhiệm cho hoạt động chống cúm của chiết xuất vối. Hoạt động kháng virus của cây vối cho thấy kết quả rất hứa hẹn trong các nghiên cứu in vitro (nghiên cứu trong ống nghiệm), đặc biệt là chống lại virus cúm (H1N1 và H9N2).
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã công bố chỉ báo cáo kết quả dược lý trong các xét nghiệm sinh học bằng enzyme và tế bào. Do đó, cần tiến hành thêm các nghiên cứu để xác nhận tác dụng chống cúm của cây này trên mô hình động vật, qua đó đặt nền tảng cho các thử nghiệm lâm sàng.
Hoạt động chống viêm
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tác dụng chống viêm tiềm tàng của chiết xuất lá vối và DMC, xác minh các công dụng truyền thống của cây trong y học dân gian, ví dụ như bệnh ngoài da, mụn nhọt và viêm vú. Chiết xuất lá vối và flavonoid chính của nó (DMC) được phát hiện có tác dụng làm giảm biểu hiện của các chất trung gian gây viêm và gây viêm.
Các hoạt động sinh học khác
Bên cạnh các tác dụng dược lý như hoạt động chống ung thư, chống tiểu đường, chống oxy hóa và chống viêm, chiết xuất cây vối và các thành phần hóa học của nó cũng được nghiên cứu trong các xét nghiệm sinh học khác, chẳng hạn như hoạt động trợ tim, kháng khuẩn, chống sâu răng, bảo vệ tế bào và chống hủy cốt bào.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này hiện ở giai đoạn đầu, đòi hỏi phải có thêm các nghiên cứu về cơ chế hoạt động và mô hình động vật để hỗ trợ ứng dụng lâm sàng trong tương lai.
Mặc dù đã tiến hành một số lượng lớn các nghiên cứu dược lý, nhưng vẫn chưa có các nghiên cứu toàn diện để đánh giá độc tính và tính an toàn của cây.
Vì thế, khi uống nước vối chúng ta cần lưu ý những điều sau:
- Không uống nước vối để qua đêm, mỗi ngày nên pha một bình nước mới.
- Nên uống nước vối sau khi ăn, khi đói không nên uống nước vối đặc.
- Không uống nước vối quá nhiều và không thay thế hoàn toàn nước lọc.
- Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi và người suy nhược cơ thể quá mức không nên uống nước vối quá đặc hoặc uống lượng quá nhiều.
Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam