Lễ cúng tất niên là nghi thức quan trọng để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới. Để buổi lễ diễn ra trang nghiêm và đầy đủ, việc chuẩn bị bài cúng và lễ vật là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm các bài khấn và mâm cúng tất niên chuẩn nhất cho từng miền, giúp mang lại may mắn, tài lộc cho năm mới!
Cúng tất niên là một nghi thức quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán nhằm đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và chuẩn bị bước sang một năm mới. Đây là một trong những phong tục tập quán lâu đời, mang đến nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam.
Ngoài việc thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên, lễ cúng tất niên còn mang ý nghĩa tẩy rửa những điều không may mắn, xua đuổi vận hạn, tạo nền tảng cho những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới. Đây cũng là dịp để các gia đình cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc và tài lộc. Quan trọng hơn, lễ cúng tất niên là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần, nhìn lại năm cũ, chia sẻ kỷ niệm và cùng nhau đón giao thừa.
Năm nay, ngày tất niên sẽ rơi vào ngày 29 tháng Chạp, tức là ngày 28 tháng 1 năm 2025 theo lịch Dương.
Tất niên là dịp gia đình sum vầy, nhìn lại năm cũ và đón chào năm mới trong không khí ấm áp và yêu thương.
Việc chọn ngày và giờ tổ chức cúng tất niên là yếu tố quan trọng để buổi lễ được diễn ra thuận lợi và mang lại nhiều may mắn, cụ thể:
Cúng tất niên thường được tổ chức vào buổi trưa hoặc chiều tối của ngày cuối cùng trong năm Âm lịch, thường là ngày 30 tháng Chạp nếu năm đủ tháng hoặc 29 tháng Chạp nếu năm thiếu.
Năm 2025, do tháng Chạp là tháng thiếu nên không có ngày 30 Tết, vì vậy các gia đình sẽ tổ chức lễ cúng đêm Giao Thừa vào ngày 29 Tết. Tuy nhiên, nếu gia đình nào muốn tổ chức lễ cúng sớm, có thể lựa chọn ngày 26 Tết.
*Vậy cúng tất niên sớm có được không? Dĩ nhiên là được, các gia đình có thể tổ chức lễ cúng sớm hơn, không nhất thiết phải vào ngày 29 hay 30 Tết như truyền thống. Điều này giúp mọi người có thêm thời gian chuẩn bị và tận hưởng không khí sum vầy, quây quần trước khi bước vào những ngày lễ chính thức của Tết Nguyên Đán.
Dưới đây là các khung giờ được xem là tốt để thực hiện lễ cúng tất niên trong ngày 26 và 29 Tết:
Ngày 26 tháng Chạp (nhằm 25/1/2025 dương lịch), tức ngày Giáp Ngọ, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn có 6 khung giờ hoàng đạo là: Tý (23h - 1h), Sửu (1h - 3h), Mẹo (5h - 7h), Ngọ (11h - 13h), Thân (15h - 17h), Dậu (17h - 19h).
Ngày 29 tháng Chạp (nhằm 28/1/2025 dương lịch), tức ngày Đinh Dậu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn có 6 khung giờ hoàng đạo là: Tý (23h - 1h), Dần (3h - 5h), Mẹo (5h - 7h), Ngọ (11h - 13h), Mùi (13h - 15h), Dậu (17h - 19h).
Bạn có thể tham khảo ngày giờ được đề cập để cúng và thắp hương tất niên vào 26 và 29 Tết.
Cúng tất niên dù diễn ra vào ngày nào thì cũng đều mang ý nghĩa sâu sắc trong việc mời ông Táo và tổ tiên trở về sum vầy cùng gia đình, thể hiện sự đoàn kết và ấm cúng. Tuy nhiên nếu được, bạn vẫn nên cúng vào ngày cuối cùng trong năm để đúng với phong tục từ xưa nay cha ông truyền lại.
Tuỳ thuộc vào truyền thống tín ngưỡng và điều kiện của từng gia đình mà cách trang trí và sắp đặt bàn thờ có thể linh hoạt. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, hãy chuẩn bị thêm một mâm cúng trời, đất, âm linh, cô hồn tại sân trước nhà để bày tỏ lòng thành kính. Nếu không, chỉ cần một mâm cúng tất niên trong nhà để dâng lên ông bà tổ tiên cũng đã đủ ý nghĩa. Theo quan niệm dân gian, lễ cúng tất niên quan trọng nhất là sự sum họp gia đình và lòng cung kính tổ tiên, vì vậy không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đảm bảo trang nghiêm và sự thành tâm.
*Cách bày mâm cúng tất niên ngoài trời: Bạn có thể bày biện với các lễ vật chính như bánh chưng, thịt gà, hoa tươi, trầu cau, vàng mã và các món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Thường thì người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thắp hương tất niên và đọc văn khấn, sau đó các thành viên khác sẽ làm lễ vái, thể hiện sự gắn kết và kính trọng trong không khí ấm áp của ngày cuối năm.
Mâm cúng Tất niên đơn giản thường gồm những lễ vật là:
Hương, hoa.
Giấy tiền vàng mã.
Đèn nến.
Mâm ngũ quả cúng tất niên.
Trầu cau.
Rượu.
Trà.
Bánh chưng.
Mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn).
Bạn có thể chuẩn bị một mâm cúng tất niên đơn giản, quan trọng nhất là lòng thành đối với tổ tiên.
Phong tục cúng cơm tất niên có nét tương đồng về ý nghĩa, nhưng mâm cỗ lại có sự khác biệt nhằm thể hiện rõ văn hóa ẩm thực vùng miền:
Người miền Bắc thường chú trọng sự cân đối và đầy đủ, thể hiện qua việc chuẩn bị mâm cỗ theo quy tắc 4 bát, 4 đĩa cho mâm nhỏ hoặc 6 bát, 6 đĩa hay 8 bát, 8 đĩa cho mâm lớn. Đặc biệt, có nhà còn mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng. Các món ăn đặc trưng trong mâm cơm cúng tất niên truyền thống của người miền Bắc gồm:
Bốn bát: Giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc.
Bốn đĩa: Giò lụa, chả quế, thịt gà, thịt lợn.
Ngoài ra, mâm cỗ còn có thể bổ sung thêm thịt đông, nộm, xôi gấc, bánh chưng, hành muối, nem rán… tùy vào khẩu vị và sở thích của từng gia đình.
Khác với mâm cơm tất niên miền Bắc, người miền Trung không đặt nặng quy định số lượng bát đĩa. Tuy vậy, mâm cỗ Tất Niên vẫn rất phong phú với các món ăn mang đậm hương vị địa phương như:
Giò lụa, thịt gà, thịt heo.
Măng khô, miến xào.
Bánh chưng hoặc bánh tét.
Đĩa dưa món hoặc dưa hành.
Trong khi đó, mâm cơm cúng tất niên của người miền Nam thường có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, chả giò, nem, gỏi tôm thịt, canh khổ qua nhồi thịt, củ kiệu… Ngoài ra, người Nam thường ưu tiên những món nguội.
Việc cúng tất niên không thể thiếu những bài văn khấn trang nghiêm, giúp gia đình bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và cầu mong sự an lành cho năm mới, tham khảo ngay:
"Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, tiên linh nội ngoại họ …………
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp năm ………………………… (Âm lịch)
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………… Tuổi: ………………
Ngụ tại: ……………………………………………………………………………………
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)."
"Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Ngài Kim niên đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần.
Ngài bản cảnh Hoàng Thành chư vị Đại vương.
Các ngài Ngũ Phương, Ngũ thổ long mạch Tài thần. Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị thần linh cai quản ở trong xứ này.
Chư gia Cao Tằng tổ khảo tỷ tiên linh nội ngoại.
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp năm ………………………… (Âm lịch)
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………… Tuổi: ………………
Ngụ tại: ……………………………………………………………………………………
Trước án tọa kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh vật phẩm hương hoa, cơm canh cụ soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa Tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chủ hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám."
"Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần.
Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn Thần.
Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương. Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa. Ngài định Phúc Táo quân. Các Ngài Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này.
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp năm ………………………… (Âm lịch)
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………… Tuổi: ………………
Ngụ tại: ……………………………………………………………………………………
Trước Án tọa kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Nay là ngày ……… Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh cụ soạn, sửa lễ Tất niên, dâng cúng Thiên Địa, Tôn Thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư Linh.
Theo như thường lệ Tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, Liệt vị Gia tiên, bản xứ tiền hậu Chủ hương linh, giáng lâm án tọa, phù thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia, lớn bé trẻ già, bình an thịnh vượng. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù - Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)."
Để buổi lễ được diễn ra trang nghiêm và thành kính, dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà các gia đình cần biết:
Trước khi tiến hành lễ cúng, gia đình cần dọn dẹp bàn thờ và nhà cửa thật sạch sẽ để tạo không gian trang nghiêm, phù hợp với sự linh thiêng của buổi lễ.
Mâm cúng có thể thay đổi tùy vào điều kiện của từng gia đình, nhưng ít nhất cũng phải bao gồm các món ăn truyền thống của ngày Tết. Nên chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ và không nên sát hại chúng sinh để làm đồ cúng.
Lễ cúng tất niên nên được thực hiện với ba tâm: kính Phật, trọng Thần và hiếu nghĩa với tổ tiên, để gia tăng phúc báu, đồng thời kết nối sâu sắc với thế giới tâm linh.
Khi cúng tất niên, chúng ta không chỉ mời gia tiên của một kiếp mà còn mời tổ tiên, thân bằng quyến thuộc từ các kiếp trước để thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân.
Trong buổi lễ, cũng cần tránh đốt tiền vàng, mã hay giấy sớ.
Nếu có ai xa xứ hoặc ở một mình trong dịp Tết, vẫn có thể làm mâm cúng tất niên đơn giản để các cụ theo tâm của chúng ta mà về được.
Các thành viên trong gia đình nên có mặt đầy đủ, tạo không khí quây quần, ấm cúng. Trong suốt lễ cúng, mọi người nên tránh cãi vã, thay vào đó là dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp để có một năm mới thêm an lành và thịnh vượng.
Lưu ý tránh cãi vã trong ngày tất niên để năm mới thêm an lành và thịnh vượng.
Dưới đây là những giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp liên quan đến việc cúng tất niên:
Theo phong tục truyền thống của người Việt, "tất niên" là cách gọi chính xác, thể hiện ý nghĩa quan trọng của nghi thức khép lại năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới. ‘Tết Niên’ tuy không sai, nhưng ít phổ biến và không được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, để giữ gìn tinh thần văn hóa dân tộc, bạn nên sử dụng từ ‘tất niên’ để gọi tên dịp lễ này.
Việc cúng tất niên còn tùy thuộc vào quan điểm tín ngưỡng và truyền thống của từng gia đình. Về cơ bản, lễ cúng tất niên mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh quan trọng, giúp con cháu tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và cầu mong một năm mới bình an.
Tuy nhiên, nếu không tổ chức lễ cúng vì lý do cá nhân hoặc điều kiện không cho phép, điều này không ảnh hưởng đến vận mệnh hay may mắn của gia đình, bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm và cách sống trong năm mới.
Theo phong tục người Việt, gà trống được xem là biểu tượng kết nối giữa thần linh và con người nhờ tiếng gáy vang dội, đánh thức mặt trời và mang lại ánh sáng. Chính vì thế, trong lễ cúng đêm Giao Thừa, gà trống thường được chọn làm lễ vật dâng cúng.
Trong đó, gà cúng phải là gà trống choai, khỏe mạnh, không khuyết tật, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng và đặc biệt chưa từng đạp mái, để đảm bảo sự tinh khiết. Sự kỹ lưỡng trong việc chọn gà không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn chất chứa ước nguyện về một năm mới an khang, thịnh vượng và tràn đầy ánh sáng tốt lành.
Theo truyền thống người Việt, trong lễ cúng đêm Giao Thừa, gà trống (đặc biệt là gà trống thiến), thường được chọn làm lễ vật dâng lên tổ tiên và thần linh.
Thực tế, việc lựa chọn cúng chay hay mặn trong đêm Giao Thừa phụ thuộc vào văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống của từng gia đình. Đối với các Phật tử, họ thường dâng lễ bằng mâm cỗ chay để tránh sát sinh. Trong khi đó, những gia đình không theo đạo có thể chuẩn bị mâm cúng đa dạng, bao gồm cả món chay, món mặn, các món xào, chiên hoặc đồ ngọt.
Khi cúng tất niên, gạo và muối là hai vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ, mang đậm ý nghĩa trong phong tục truyền thống của người Việt. Theo quan niệm dân gian, gạo và muối có tác dụng xua đuổi tà ma, xui rủi, đồng thời thu hút vận may và sức khỏe cho gia đình. Hơn nữa, việc dâng cúng gạo và muối còn là cách thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên và thần linh, những người đã ban tặng nền văn minh lúa nước cho con cháu. Cả hai biểu trưng cho những điều tốt lành, giúp xóa đi những điều không may trong năm cũ và mang đến tài lộc, thịnh vượng trong năm mới.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được cách chuẩn bị lễ cúng tất niên đầy đủ, từ bài cúng đến lễ vật phù hợp với phong tục của từng miền. Chúc bạn và gia đình có một ngày tất niên trang trọng và đón Tết vui vẻ, ấm áp!
Đón Tết rộn ràng cùng siêu sale tại Điện Máy Chợ Lớn!
Dịp Tết sắp đến, công việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị tiệc tùng khiến bạn cảm thấy bận rộn? Để Tết này thêm phần trọn vẹn, hãy để Điện Máy Chợ Lớn đồng hành cùng bạn với các sản phẩm gia dụng tiện ích như nồi chiên nồi nướng, nồi lẩu điện, máy hút bụi, máy rửa chén,... Tất cả sản phẩm đều là chính hãng, chất lượng cao và được bảo hành đầy đủ.Đặc biệt, trong dịp cuối năm Điện Máy Chợ Lớn mang đến hàng loạt ưu đãi hấp dẫn. Chưa hết, với chương trình trả góp 0% lãi suất, bạn có thể dễ dàng mang những thiết bị gia đình tuyệt vời về nhà mà không lo về tài chính.
>> Hãy ghé ngay Điện Máy Chợ Lớn gần nhất để sắm Tết, rinh ngay những sản phẩm tiện lợi và chất lượng cho gia đình! Đặt mua hàng và giao tận nhà nhanh chóng qua website https://dienmaycholon.com/.