Đơn vị:

Da khô: Chẩn đoán và xử trí, chăm sóc

Da khô là tình trạng da thường gặp ở cả nam và nữ giới do nhiều nguyên nhân. Việc hiểu và vận dụng được những thông tin liên quan đến chẩn đoán tình trạng da khô sớm sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc biện pháp xử trí và chăm sóc da nhanh và hiệu quả.

1. Da khô sạm

1.1. Chẩn đoán

Da khô sạm là tình trạng da có các triệu chứng của sự đổi màu da do rối loạn sắc tố da do mất hoặc tăng màu da một cách bất thường. Sự thay đổi này được nhận biết dựa vào những đốm đen hoặc đốm trắng xuất hiện trên da. Tuy nhiên, chúng có thể thay đổi tùy theo kích thước, vị trí hoặc màu sắc. Dưới đây là các triệu chứng khác nhau của từng loại đổi màu da:

  • Bệnh bạch biến: Da mất màu tự nhiên, xuất hiện các mảng sáng hơn có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể.
  • Nám: các mảng màu nâu hoặc xám xuất hiện quanh mặt.
  • Lentigo: Có nhiều loại lentigo bao gồm loại phổ biến, lentigo mặt trời,.... Các triệu chứng của chúng bao gồm các đốm phẳng có màu từ nâu đến nâu sẫm hoặc đen.
  • Tàn nhang: Những đốm nâu nhỏ ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Vết bớt: Đốm nâu, hình bầu dục với các cạnh không đều.
  • Vết bớt (điểm Mông Cổ): Các mảng màu xanh đến đen ở lưng hoặc mông vào khoảng thời gian sinh
  • Bệnh bạch tạng: Mất màu da, tóc và mắt.
  • Tinea Versicolor: Những mảng nhỏ, đổi màu, có màu sáng hơn hoặc tối hơn so với màu da bình thường, thường xuất hiện trên thân và phần vai của cơ thể.
  • Tăng sắc tố sau viêm: Sau chấn thương hoặc viêm nhiễm, vùng da tại khu vực đó đổi sang màu sẫm.
Da khô sạm có thể gây ra tình trạng nám

1.2. Xử trí

Việc điều trị vấn đề sạm da phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạm da hoặc đổi màu da đó.

Nếu một người có tình trạng da được gây ra bởi những yếu tố nguy cơ mắc bệnh, chuyên gia da liễu sẽ đưa ra những tư vấn cho việc điều trị tình trạng sức khỏe trước, và sau đó sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề liên quan đến tình trạng da.

Nếu nguyên nhân của tình trạng da là ung thư da, điều quan trọng trước là phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Các vết bớt và sự rối loạn sắc tố da thường không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người có thể muốn điều trị vì lý do thẩm mỹ. Khi đó bác sĩ có thể đưa ra một số lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Liệu pháp laser: Sử dụng độ mạnh của ánh sáng để làm sáng các vùng da bị thâm.
  • Kem bôi: Kem bôi hydroquinone hoặc retinol (vitamin A) theo đơn có thể giúp làm giảm sự xuất hiện các mảng da tối màu.
  • Lột hóa chất: Lột hóa chất có chứa acid salicylic và acid glycolic có thể được sử dụng để loại bỏ lớp da bên ngoài, lớp da bị đổi màu.
  • Nước chanh hoặc dầu thầu dầu cũng có thể giúp làm giảm sự xuất hiện của các mảng da bị đổi màu. Ngoài ra, một số người có thể lựa chọn cách trang điểm để che đi những khiếm khuyết về làn da của mình.

1.3. Chăm sóc

Ngoài các phương pháp điều trị nêu trên, những người bị sạm da hay biến đổi màu da hoàn toàn có thể sử dụng một số phương pháp sau để hỗ trợ cải thiện tình trạng đổi màu da tại nhà:

  • Sử dụng một số loại kem vitamin A hoặc kem vitamin E có thể giúp làm giảm sự xuất hiện các mảng da bị đổi màu và tăng cường sức khỏe tổng quát của da.
  • Nước chanh: Uống nước chanh hai lần mỗi ngày để làm sáng những vùng da bị thâm. Điều này có thể làm giảm sự xuất hiện của các mảng da bị đổi màu trong 6 - 8 tuần.
  • Dầu thầu dầu: Thoa dầu thầu dầu lên các vùng bị đổi màu hai lần mỗi ngày hoặc đeo băng ngâm trong dầu thầu dầu qua đêm giúp làm mịn da và phá vỡ melanin dư thừa.
  • Vitamin C: Ăn thực phẩm giàu vitamin C, một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe làn da. Trái cây chứa nhiều vitamin C bao gồm dưa đỏ, cam và dứa.
  • Uống trà: Uống trà làm từ cây ngưu bàng, cỏ ba lá đỏ hoặc cây kế sữa có thể làm giảm sự đổi màu da.

2. Da khô nhăn nheo

2.1. Chẩn đoán

Dấu hiệu đầu tiên có thể thấy rõ ràng nhất là sự xuất hiện các nếp nhăn trên bề mặt da. Nguyên nhân gây ra tình trạng da này là bởi ánh nắng mặt trời, thuốc lá, mất nước, một số loại thuốc, các yếu tố môi trường và di truyền ảnh hưởng đến thời gian và vị trí xuất hiện nếp nhăn. Hầu hết các nếp nhăn có xu hướng xuất hiện ở những vị trí da của cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất, đặc biệt là mặt và cổ, mu bàn tay và cánh tay. Một số nếp nhăn có thể trở thành kẽ hở hoặc nếp nhăn sâu và có thể đặc biệt đáng chú ý xung quanh mắt, miệng và cổ.

2.2. Xử trí

Hầu hết các phương pháp điều trị nếp nhăn cơ bản là giảm tình trạng nếp nhăn bề mặt. Đối với những nếp nhăn sâu hơn cần sử dụng các phương pháp phức tạp hơn như phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tiêm chất làm đầy.

Retinoids có nguồn gốc từ vitamin A có khả năng làm giảm nếp nhăn. Loại thuốc này có thể giúp da dễ dàng hạn chế được những tác hại của ánh sáng mặt trời, vì vậy cần sử dụng nó với liệu trình chăm sóc da để bảo vệ da được tốt hơn. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô, nóng rát, ngứa ran và đỏ.

Các loại kem chống nhăn không cần kê đơn đều có hiệu quả với tình trạng da này và được khuyến cáo sử dụng để xử trí tình trạng da nhăn.

Những kết quả điều trị tương đối tốt khi sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần như retinol, axit alpha hydroxy, kinetin, coenzyme Q10, peptide đồng và chất chống oxy hóa.

Da khô nhăn nheo sẽ có nếp nhăn trên bề mặt da

2.3. Chăm sóc

Bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời. Hạn chế thời gian ở ngoài nắng, đặc biệt là giữa trưa, luôn mặc quần áo dài tay, mũ rộng vành và kính râm kết hợp sử dụng kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng. Thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng thích hợp và bôi lại sau hai giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Dưỡng ẩm da thường xuyên.

Không hút thuốc lá. Việc bỏ hút thuốc có thể cải thiện màu da và kết cấu da, đồng thời ngăn ngừa nếp nhăn. Có chế độ ăn uống lành mạnh, để bổ sung một số vitamin cần thiết giúp bảo vệ làn da.

Hạn chế ánh nắng mặt trời giúp bảo vệ làn da

3. Da khô ngứa

3.1. Chẩn đoán

Ngứa da có thể xuất hiện trên một số vùng nhỏ nhất định, chẳng hạn như trên cánh tay hoặc chân hoặc trên toàn bộ cơ thể. Da ngứa có thể xảy ra mà không có bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào khác trên da hoặc nó có thể có các dấu hiệu kèm theo:

  • Vùng da đỏ lên
  • Các vết sưng, đốm hoặc mụn nước
  • Vùng da khô, nứt nẻ
  • Vùng da sần sùi hoặc có vảy

Đôi khi ngứa kéo dài và có thể dữ dội. Khi bạn chà xát hoặc gãi vào vùng da bị ngứa, tình trạng ngứa ở da sẽ tăng lên.

Ngứa da có thể đi kèm với vùng da đỏ lên

3.2. Xử trí

Điều trị ngứa da tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân gây ngứa và loại bỏ nó. Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không làm dịu cơn ngứa, bác sĩ da liễu có thể đưa ra một số tư vấn về phương pháp điều trị như sau:

  • Kem Corticosteroid và thuốc mỡ.
  • Các loại kem và thuốc mỡ khác có chứa chất ức chế calcineurin, chẳng hạn như tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel).
  • Thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, như fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft), có thể hữu ích trong việc làm giảm một số loại ngứa mãn tính.
  • Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu).

3.3. Chăm sóc

  • Giữ ẩm da hàng ngày. Sử dụng kem dưỡng ẩm không gây dị ứng cho da ít nhất một lần một ngày.
  • Sử dụng kem, nước thơm hoặc gel làm dịu và làm mát da.
  • Tránh gãi bất cứ khi nào có thể. Cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.
  • Tắm nước ấm.
  • Giảm căng thẳng.
  • Sử dụng thuốc chống dị ứng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.
  • Mặc quần áo rộng rãi. Điều này giúp giữ cho làn da mát mẻ và giảm cảm giác ngứa.
Sử dụng kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa da khô ngứa

4. Kết luận

Một số tình trạng da có thể gặp phải trong trường hợp da bị khô là sạm da, da nhăn nheo hay khô ngứa. Điều này gây ra những cảm giác khó chịu liên quan đến cả sức khỏe cũng như thẩm mỹ. Do đó thường xuyên chăm sóc, thói quen vệ sinh da hàng ngày là việc rất cần thiết để có một làn da khỏe, mịn màng. Khi các vấn đề về da sau quá trình chăm sóc tại nhà không cho thấy dấu hiệu suy giảm, cần đến ngay các cơ sở chăm sóc da liễu để được tư vấn và điều trị đúng phương pháp.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com;skymd.com;healthline.com; mayoclinic.org.