Vừa qua, một người phụ nữ 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali do áp dụng biện phải ăn chay 100% gạo lứt với muối vùng trong 41 ngày. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã cấp cứu một bệnh nhân 57 tuổi, nhập viện vì áp dụng cùng chế độ ăn ngặt nghèo trên trong vòng 45 ngày.
"Cách ăn số 7"
Theo tìm hiểu của phóng viên, chế độ ăn với 100% khẩu phần chỉ có gạo lứt với muối mè, mà các trường hợp trên áp dụng, đều có nguồn gốc từ một công thức ăn uống dặc biệt được gọi là “Cách ăn số 7”, thuộc phương pháp thực dưỡng.
Nói qua về thực dưỡng, đây là một chế độ ăn dưỡng sinh được xây dựng dựa trên các lý thuyết Thiền tông của Nhật Bản, sau này được hoàn thiện dần bằng cách kết hợp với các kiến thức khoa học về thực phẩm. Nguyên tắc cơ bản của thực dưỡng là hướng đến sự cân bằng âm dương trong bữa ăn và đề cao việc sử dụng các thực phẩm “thuần chất” từ thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt (chiếm tối thiểu 50% khẩu phần ăn), hạn chế ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Dựa trên nguyên tắc này, cách ăn thực dưỡng cũng được phân thành 10 công thức khác nhau, với sự khác biệt về tỉ lệ các thành phần (ngũ cốc; rau đã chế biến; canh, cháo; thịt; rau sống và trái cây; tráng miệng). Các cách ăn này được xếp thứ tự từ -3 cho đến 7, số thứ tự càng lên cao thì chế độ ăn càng khắt khe.
Có thể nhận thấy, ở cấp độ cao nhất của phương pháp thực dưỡng - Cách ăn số 7 - khẩu phần ăn hàng ngày chỉ còn lại ngũ cốc, cách ăn này còn thường được người Việt gọi là “gạo lứt, muối mè”. Theo các tài liệu về thực dưỡng, đây là cách ăn chuyên dùng để trị liệu, hướng đến mục đích giải các độc tố trong cơ thể. Hầu hết các trường hợp người mắc bệnh mãn tính nặng như tiểu đường, tim mạch, suy thận hay thậm chí là ung thư, tìm đến thực dưỡng cũng chính là thông qua phương pháp này.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận được là sau một thời gian dài áp dụng triệt để cách ăn số 7, kết cục chung của các người bệnh là rơi vào tình trạng suy kiệt, rối loạn chuyển hóa, trong khi bệnh tình lại không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Ăn gạo lứt, muối mè có thật chữa được ung thư, suy thận?
Nhìn nhận chế độ ăn trị liệu này, thạc sĩ Vũ Thị Huế, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết: “Khi đang mắc bệnh, đặc biệt là bệnh nặng chúng ta cần hạn chế việc nạp quá nhiều protein vào cơ thể, bởi vì sẽ khiến gan hoạt động quá sức, kéo theo hoạt động của thận cũng suy giảm. Việc hai cơ quan đóng vai trò thải độc và bài tiết chính bị ảnh hưởng sẽ khiến bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng lên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà loại bỏ hoàn toàn chất đạm ra khỏi khẩu phần ăn của người bệnh.”
Thạc sĩ Vũ Thị Huế, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương.
Cũng theo chuyên gia này, chế độ ăn của người bệnh vẫn cần phải đảm bảo sự toàn diện về mặt dưỡng chất: vitamin, chất xơ, protein, gluxit… chỉ khác là tỉ lệ các thành phần được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình trạng bệnh. Ngoài ra, tùy theo từng loại bệnh, từng giai đoạn bệnh và thể trạng trạng của từng bệnh nhân, mà chế độ dinh dưỡng cần có sự thay đổi linh hoạt chứ không thể áp dụng một công thức ăn uống duy nhất. “Việc chỉ ăn 100% ngũ cốc trong thời gian dài sẽ gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là sự thiếu hụt protein, một vài loại vitamin và khoáng chất. Cách ăn này sẽ khiến cơ thể ngày càng bị suy kiệt dần, chứ chưa nói đến việc giúp chữa khỏi bệnh” - Thạc sĩ Huế nhấn mạnh.
Chế độ ăn của người bệnh vẫn cần phải đảm bảo sự toàn diện về mặt dưỡng chất: vitamin, chất xơ, protein, gluxit… chỉ khác là tỉ lệ các thành phần được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình trạng bệnh.
“Đặc biệt, với bệnh nhân ung thư càng không thể áp dụng chế độ ăn này. Đặc điểm của bệnh ung thư là sẽ khiến người bệnh bị sụt cơ rất nhiều, nên người bệnh bắt buộc phải bù đạm thông qua khẩu phần ăn. Ngoài ra, vì ung thư gây ra hội chứng suy mòn, bệnh nhân cần rất nhiều năng lượng chuyển hóa, việc ăn 100% ngũ cốc chỉ cung cấp nhiều tinh bột, chất xơ cùng với vitamin và các loại khoáng chất nhưng tương đối ít, vì vậy hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bênh nhân ung thư. Áp dụng chế độ ăn này sẽ khiến người bệnh bị suy kiệt một cách nhanh chóng. Thậm chí, bệnh nhân có thể mất mạng vì cách ăn cực đoan này trước cả bệnh ung thư.” - Thạc sĩ Vũ Thị Huế nhận định.
Chỉ ăn 100% gạo lứt, muối mè sẽ khiến người bệnh bị suy kiệt một cách nhanh chóng. Thậm chí, bệnh nhân có thể mất mạng vì cách ăn cực đoan này trước cả bệnh ung thư.
Nhân đây, chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo với mọi người: “Hiện không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh chỉ ăn thuần gạo lứt, muối mè hay nói rộng ra là ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp chữa trị ung thư. Thậm chí, chế độ ăn này cũng không được khuyến cáo áp dụng trong thời gian dài với bất kỳ bệnh lý nào. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh nhân nên tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để có sự tư vấn về chế độ ăn khoa học và toàn diện nhất, để hỗ trợ điều trị bệnh. Tuyệt đối không nghe theo lời của những cá nhân không hề có chuyên môn, để không tự đánh cược chính sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình.”
Minh Nhật